Phát biểu trong 1 cuộc họp báo tại trụ sở cơ quan y tế của Liên hợp quốc ở Geneva, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Khi nhiều quốc gia giảm số lượt xét nghiệm, WHO ngày càng nhận được ít thông tin hơn về sự lây truyền và giải trình tự gene của virus. Điều này khiến chúng ta ngày càng mù mờ trước các phương thức lây truyền và tiến hóa của SARS-CoV-2".
Theo WHO, số ca mắc và tử vong do Covid-19 được báo cáo lên tổ chức này đã giảm đáng kể.
Tuần trước, chỉ có hơn 15 nghìn ca tử vong được báo cáo cho WHO, mức hàng tuần thấp nhất kể từ tháng 3/2020, Tổng Giám đốc WHO cho biết.
Mặc dù đây là “một xu hướng rất đáng hoan nghênh”, Tiến sĩ Tedros cảnh báo rằng số lượng giảm cũng có thể là kết quả của việc cắt giảm đáng kể các xét nghiệm Covid-19.
Ông Bill Rodriguez, Giám đốc điều hành của FIND, một liên minh chẩn đoán toàn cầu hợp tác với WHO về việc mở rộng khả năng tiếp cận xét nghiệm, cho biết, tỷ lệ xét nghiệm đã giảm mạnh từ 70 đến 90%.
Phát biểu tại họp báo, ông Rodriguez chỉ ra rằng trong 4 tháng qua, trong bối cảnh các ca mắc Covid-19 mới do biến thể Omicron gia tăng, tỷ lệ xét nghiệm đã giảm mạnh từ 70 đến 90% trên toàn thế giới.
Ông cũng cho rằng, quyết định thay đổi chiến lược xét nghiệm là hậu quả đầu tiên của việc mất cảnh giác trước Covid-19 trên toàn cầu, do đó “chúng ta đang trở nên mù mờ trước những gì đang xảy ra với loại virus này”.
Cho đến nay, đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 6 triệu người, nhưng theo các chuyên gia, con số thực tế được cho là cao gấp ít nhất 3 lần.
Trong khi nhiều quốc gia đang dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch và nỗ lực quay trở lại trạng thái bình thường, WHO nhấn mạnh rằng đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc.
Ông Tedros nói: “Virus SARS-CoV-2 sẽ không biến mất, ngay cả khi các quốc gia dừng xét nghiệm. Nó vẫn đang lây lan, vẫn đang biến đổi và vẫn đang gây chết người”.
Tổng Giám đốc WHO cũng cảnh báo rằng “mối đe dọa về 1 biến thể mới nguy hiểm hơn vẫn hiện hữu”, đồng thời nhấn mạnh mặc dù thống kê về ca tử vong đang giảm, thế giới vẫn chưa hiểu rõ những hậu quả lâu dài của Covid-19 lên người nhiễm bệnh.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9 giờ ngày 27/4 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 510.837.665 ca mắc Covid-19, trong đó có 6.249.012 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục đã vượt mốc 464 triệu người, trong khi vẫn còn 40,5 triệu bệnh nhân đang phải điều trị.
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới có thêm 624.528 ca mắc mới và 2.806 ca tử vong. Ba quốc gia có số ca mắc theo ngày cao nhất thế giới vẫn là Đức, Pháp và Hàn Quốc, lần lượt ghi nhận 135.699 ca, 97.498 ca và 80.301 ca.
Về tổng thể, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong đại dịch, với trên 1 triệu ca tử vong trong tổng 82,7 triệu ca mắc. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới về số ca mắc với trên 43 triệu ca, trong đó có 522.374 ca tử vong. Brazil xếp thứ hai thế giới tính về số ca tử vong (662.941 ca), trong khi xếp thứ ba về số ca mắc với 30,3 triệu ca.
Một nghiên cứu công bố ngày 26/4 bởi Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy, lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, hơn một nửa dân số Mỹ đã nhiễm virus SARS-CoV-2 ít nhất 1 lần.
Theo đó, sau sự gia tăng kỷ lục các ca mắc Covid-19 trong làn sóng do biến thể mới Omicron gây ra, khoảng 58% dân số Mỹ nói chung và hơn 75% trẻ em nước này đã nhiễm bệnh.
Trước khi Omicron xuất hiện tại Mỹ vào tháng 12/2021, khoảng 1/3 dân số nước này đã nhiễm SARS-CoV-2 trước đó.
Theo dữ liệu mới, Omicron làm gia tăng các ca nhiễm ở mọi lứa tuổi, nhưng trẻ em và thanh thiếu niên, trong đó nhiều người vẫn chưa được tiêm ngừa Covid-19, có tỷ lệ nhiễm bệnh cao nhất, trong khi những người từ 65 tuổi trở lên - nhóm dân số được tiêm chủng nhiều - có tỷ lệ mắc bệnh thấp nhất.
Trong khoảng thời gian từ tháng 12/2021 đến tháng 2/2022 - giai đoạn đỉnh điểm của làn sóng Omicron ở Mỹ, 75,2% trẻ em từ 11 tuổi trở xuống có kháng thể liên quan đến nhiễm Covid-19 trong máu, tăng so với 44,2% trong giai đoạn 3 tháng trước đó. Trong nhóm từ 12-17 tuổi, 74,2% có kháng thể, tăng từ mức 45,6% trong giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 12/2021.
Các nhà khoa học đã tìm kiếm các kháng thể cụ thể trong mẫu máu của người được khảo sát, được cơ thể sản sinh ra để chống lại virus SARS-CoV-2 sau khi bị nhiễm Covid-19 mà không được tạo ra bởi vaccine. Một lượng lớn những kháng thể này có thể tồn tại trong máu đến 2 năm.
Kristie Clarke, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết, việc có các kháng thể sau khi bị nhiễm bệnh không đồng nghĩa với việc sẽ được bảo vệ trước lây nhiễm trong tương lai. Nghiên cứu cũng không xem xét liệu mức độ kháng thể có đủ giúp bảo vệ cơ thể khỏi tái nhiễm hoặc bệnh trở nặng hay không.
Giám đốc CDC Mỹ, Tiến sĩ Rochelle Walensky cho biết, số ca mắc mới tại Mỹ đã tăng 22,7% trong tuần qua lên 44 nghìn ca mỗi ngày. Số ca nhập viện cũng tăng trong tuần thứ hai liên tiếp, tăng 6,6%, phần lớn là do các dòng phụ của biến thể Omicron. Số ca tử vong giảm 13,2% so với tuần trước.
Theo Tiến sĩ Walensky, biến thể BA.1, tác nhân chính gây ra làn sóng Omicron hiện chỉ chiếm 3% số ca mắc Covid-19 tại Mỹ. Trong khi đó, dòng phụ lần đầu tiên được phát hiện ở ngoại ô New York có tên là BA.2.121 đã chiếm gần 30% tổng số ca mắc mới và có khả năng lây nhiễm cao hơn 25% so với chủng gốc, thậm chí cao hơn cả dòng phụ BA.2 dễ lây lan của Omicron.
Ở một số khu vực có mức độ lây lan cộng đồng cao, CDC hiện khuyến cáo người dân vẫn nên đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng trong nhà. Ngoài ra, ngoại ô New York và khu vực đông bắc cũng là những nơi ghi nhận số ca nhập viện gia tăng.
Bà Walensky cho biết, CDC tiếp tục khuyến nghị đeo khẩu trang tại các cơ sở và trên phương tiện giao thông công cộng trong nhà, đồng thời nhấn mạnh rằng tiêm chủng vẫn là chiến lược an toàn nhất để ngăn ngừa các biến chứng do Covid-19.
Hơn 66% dân số Mỹ được tiêm ngừa Covid-19 đầy đủ và gần 46% được tiêm liều tăng cường. Tuy nhiên, chỉ 28% trẻ em từ 5 đến 11 tuổi - khoảng 8,2 triệu em - được tiêm chủng đầy đủ.
Ngày 26/4, hãng dược Pfizer Inc và đối tác BioNTech SE cho biết đã nộp đơn lên cơ quan quản lý y tế Mỹ để xin cấp phép liều tăng cường 10 microgram vaccine phòng Covid-19 do hãng điều chế cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.
Nghiên cứu do 2 hãng dược trên công bố hồi đầu tháng cho thấy, liều tiêm thứ ba vaccine Pfizer/BioNTech giúp tăng khả năng bảo vệ ở trẻ em trong độ tuổi trên trước chủng gốc của virus SARS-CoV-2 và cả biến thể Omicron.
Mũi tiêm 2 liều chính của vaccine Pfizer/BioNTech đã được cấp phép tại Mỹ cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi vào tháng 10 năm ngoái.
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) vào tháng 1 vừa qua đã cho phép sử dụng liều thứ ba vaccine Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi. Cơ quan này cũng đã cho phép tiêm tăng cường cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi bị suy giảm miễn dịch. Người lớn được tiêm liều tăng cường 30 microgram.
Hãng Moderna vẫn đang chờ quyết định từ các cơ quan quản lý Mỹ về việc sử dụng vaccine của hãng cho các nhóm dân số dưới 18 tuổi.
Moderna cũng đã lên kế hoạch nộp đơn lên FDA để được cấp phép vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi vào cuối tháng này.
Trong khi đó, nước láng giềng Mexico sẽ tiến hành tiêm chủng Covid-19 cho tất cả trẻ em trên 12 tuổi từ ngày mai. Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ của chính phủ ngày 26/4, Thứ trưởng Y tế Hugo Lopez-Gatell cho biết, Mexico sẽ cho phép tất cả trẻ em trên 12 tuổi đăng ký tiêm ngừa Covid-19 sau đây 1 ngày.
Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết, nước này đã sẵn sàng dỡ bỏ tất cả các biện pháp phòng dịch, đồng thời nói thêm rằng việc đeo khẩu trang trong không gian kín sẽ không còn là yêu cầu bắt buộc.
Phát biểu sau 1 cuộc họp của hội đồng khoa học cố vấn, ông Erdogan cho biết, việc đeo khẩu trang sẽ vẫn là yêu cầu bắt buộc trên các phương tiện giao thông công cộng và trong các cơ sở y tế, cho đến khi số ca mắc mới hàng ngày giảm xuống dưới 1.000 ca.
Thổ Nhĩ Kỳ trước đó đã dỡ bỏ yêu cầu đeo khẩu trang ở ngoài trời và ở những khu vực trong nhà có hệ thống thông gió tốt.
Các ca mắc Covid-19 hàng ngày ở Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm xuống dưới 3.000 ca trong những ngày gần đây, so với khoảng 15 nghìn ca/ngày vào cuối tháng 3 vừa qua. Các lượt xét nghiệm Covid-19 cũng đã được cắt giảm hơn một nửa trong cùng kỳ xuống còn khoảng 130 nghìn lượt mỗi ngày.