WHO cảnh báo về cuộc khủng hoảng y tế lan rộng ở Bờ Tây

Ngày 14/6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo cuộc khủng hoảng y tế đang gia tăng tại Bờ Tây trong bối cảnh vòng xoáy bạo lực, các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở y tế cùng với nhiều hạn chế đang cản trở người dân nơi đây tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
0:00 / 0:00
0:00
Những ngôi nhà bị phá hủy trong vụ đụng độ tại trại tị nạn Jenin ở Bờ Tây ngày 26/1/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)
Những ngôi nhà bị phá hủy trong vụ đụng độ tại trại tị nạn Jenin ở Bờ Tây ngày 26/1/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cơ quan y tế của Liên hợp quốc nhấn mạnh bạo lực gia tăng ở Bờ Tây, trong đó có cả Đông Jerusalem, kể từ khi xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel bùng phát vào ngày 7/10/2023.

Tính đến nay tại Bờ Tây, cuộc xung đột này đã cướp đi sinh mạng của 521 người Palestine, trong đó có 126 trẻ em. Con số này theo thống kê của giới chức Palestine còn cao hơn.

WHO cho biết các cuộc xung đột tại khu vực này cũng đã khiến hơn 5.200 người, trong đó có 800 trẻ em, bị thương. Thực tế này làm gia tăng nhu cầu cứu chữa khẩn cấp tại các cơ sở y tế vốn đang gặp nhiều khó khăn.

Bờ Tây - khu vực bị Israel chiếm đóng từ năm 1967, chứng kiến bạo lực gia tăng trong hơn một năm, đặc biệt kể từ khi xung đột giữa Hamas - Israel nổ ra hơn 8 tháng trước.

Từ ngày 7/10/2023 đến 28/5/2024, WHO ghi nhận 480 vụ tấn công ở Bờ Tây, trong đó có các các cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở y tế và xe cứu thương, giam giữ nhân viên y tế và bệnh nhân.

Ngoài ra, việc đóng cửa các trạm kiểm soát, tình trạng mất an ninh ngày càng gia tăng, cũng như các cuộc bao vây và đóng cửa toàn bộ cộng đồng dân cư đang khiến việc di chuyển trong Bờ Tây ngày càng bị hạn chế, việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

WHO cảnh báo cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài trở nên tồi tệ hơn kể từ ngày 7/10/2023 khi Israel tăng cường khấu trừ nguồn thu thuế dành cho lãnh thổ Palestine, cũng đang gây thiệt hại cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Theo WHO, nhân viên y tế chỉ nhận được một nửa tiền lương trong gần một năm qua và 45% số thuốc thiết yếu đã không còn. Hiện các bệnh viện chỉ hoạt động với công suất khoảng 70%.

Việc tìm kiếm dịch vụ chăm sóc y tế bên ngoài Bờ Tây cũng trở nên khó khăn hơn đối với bệnh nhân, với 44% yêu cầu đến các cơ sở ở Đông Jerusalem và Israel bị từ chối hoặc đang chờ xử lý kể từ ngày 7/10 năm ngoái.

WHO kêu gọi ngay lập tức bảo vệ dân thường và củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Bờ Tây.