WHO cảnh báo phát hiện thêm siro ho nhiễm độc tại các khu vực mới

Ngày 7/12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đã phát hiện một số siro ho và hỗn dịch nhiễm độc ở châu Mỹ, Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh sát kiểm tra thuốc siro ho tại một hiệu thuốc ở Banda Aceh, Indonesia, ngày 24/10/2022. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)
Cảnh sát kiểm tra thuốc siro ho tại một hiệu thuốc ở Banda Aceh, Indonesia, ngày 24/10/2022. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)

WHO nêu rõ các sản phẩm ảnh hưởng đều do Pharmix Laboratories (Pakistan) sản xuất và được phát hiện đầu tiên tại Maldives và Pakistan. Một số sản phẩm nhiễm độc cũng xuất hiện tại Belize, Fiji và Lào.

Theo WHO, một số loại thuốc, siro có thành phần hoạt tính để điều trị một số tình trạng bệnh lý, lại chứa lượng ethylene glycol vượt quá mức cho phép. Hiện WHO chưa ghi nhận trường hợp nào bị tác dụng phụ do các loại thuốc này. Tổ chức này hối thúc các nước tăng cường cảnh giác và kiểm tra sản phẩm do Pharmix Laboratories sản xuất trong giai đoạn từ tháng 12/2021-12/2022.

WHO cho biết tổng cộng có 23 lô sản phẩm của siro Alergo, hỗn dịch Emidone, siro Mucorid, hỗn dịch Ulcofin và siro Zincell bị ảnh hưởng. Hiện siro Alergo là thuốc duy nhất được phát hiện bên ngoài Pakistan.

Theo cảnh báo, nồng độ ethylene glycol trong thuốc dao động từ 0,62-0,82%, cao hơn so với mức cho phép 0,1%. Các thuốc này được dùng để điều trị ho, dị ứng và các vấn đề sức khỏe khác. WHO cảnh báo những sản phẩm không đạt chuẩn này là không an toàn và việc sử dụng các sẩn phẩm, đặc biệt là ở trẻ em, có thể dẫn đến tổn thương nghiêm trọng hoặc tử vong. Hiện Pharmix Laboratories chưa bình luận về thông tin trên.

Trước đó, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Pakistan đã phát hiện một số sản phẩm khác cũng nhiễm độc trong qua trình kiểm tra các cơ sở sản xuất của Pharmix Laboratories. Do đó, cơ quan này yêu cầu công ty ngừng sản xuất siro ho và đưa ra cảnh báo thu hồi vào tháng 11.

Thời gian qua, WHO đã đưa ra loạt cảnh báo về các vụ thuốc nhiễm độc tương tự được sản xuất ở Ấn Độ và Indonesia, có liên quan đến 300 ca tử vong ở trẻ em trên toàn thế giới.