Theo AFP, ông Andika Urrasyidin, Trưởng nhóm điều tra vụ siro ho nhiễm độc, cho biết lực lượng chức năng đã triệu tập nhiều quan chức BPOM để thẩm vấn chung quanh vụ việc 200 trẻ em Indonesia tử vong vì nhiễm độc từ một số loại siro ho. Vụ việc thu hút sự chú ý của dư luận kể từ cuối năm ngoái, khi các cơ quan chức năng xác nhận hóa chất độc hại trong thuốc ho dạng siro đang lưu hành ở nước này được cho là nguyên nhân gây tổn thương thận cấp tính dẫn đến các trường hợp tử vong.
Năm ngoái, quốc gia Đông Nam Á đã chứng kiến số ca bệnh nhi suy thận cấp tính gia tăng đột biến, sau đó phát hiện nguyên nhân đến từ việc điều trị bằng thuốc ho dạng siro. Tháng 10/2022, giới chức Indonesia đã mở cuộc điều tra và cấm bán 116 loại thuốc của sáu công ty dược phẩm vì có chứa hàm lượng hóa chất độc hại diethylene glycol và ethylene glycol cao. Đây là hai hợp chất được dùng như chất chống đông trong các sản phẩm công nghiệp, song cũng là một chất thay thế giá rẻ hơn cho glycerine vốn được dùng làm dung môi trong nhiều loại siro ho. Hai hợp chất này có thể gây độc và dẫn đến tổn thương thận cấp tính. Sau đó, cảnh sát nước này đã bắt giữ và tiếp tục điều tra đối với tám cá nhân thuộc các công ty dược phẩm đã nhập khẩu và phân phối nguyên liệu thô cho các nhà sản xuất thuốc siro ho.
Đầu năm nay, một nhóm phụ huynh của các nạn nhân trong vụ việc đã khởi động vụ kiện tập thể yêu cầu truy cứu trách nhiệm của Bộ Y tế Indonesia cùng với BPOM khi để lưu hành các sản phẩm y tế có chứa hóa chất công nghiệp độc hại đối với sức khỏe trẻ em. Luật sư của các phụ huynh kêu gọi giới chức nước này và những công ty liên quan phải cải thiện các quy trình sản xuất, quản lý nguyên liệu cũng như tiêu chuẩn khác đối với ngành dược phẩm.
Luật sư đại diện một công ty dược trong vụ việc này cho rằng có cơ sở pháp lý khi yêu cầu cả cơ quan hữu quan của Chính phủ Indonesia chịu trách nhiệm cùng với các đơn vị kinh doanh. Chẳng hạn, công ty dược PT của Indonesia cho biết nhãn hiệu siro ho của doanh nghiệp này đã mua các nguyên liệu thành phần từ một nhà cung cấp được BPOM cấp phép và chứng nhận, những nguyên liệu này đều được sử dụng hợp pháp trong dược phẩm.
Cho đến nay, BPOM đã xác định một số công ty sản xuất các sản phẩm có chứa hàm lượng lớn ethylene glycol và diethylene glycol, đồng thời thu hồi giấy phép của các công ty này. BPOM cũng cho biết sẽ tôn trọng các yêu cầu của cơ quan điều tra. Trong khi đó, đại diện Bộ Y tế Indonesia đã nhấn mạnh sẽ thực hiện theo quy trình pháp lý, đồng thời khẳng định bảo hiểm y tế công cộng có trách nhiệm chi trả tất cả các chi phí điều trị của nạn nhân trong vụ việc.
Theo nhà điều tra Andika Urrasyidin, cơ quan an ninh đang xem xét tất cả những bằng chứng và tiếp tục lấy lời khai những người có liên quan. Trong khi đó, ông Hersadwi Rusdiyono, Giám đốc Cơ quan điều tra tội phạm thuộc Cảnh sát quốc gia Indonesia cho biết, các điều tra viên đang tiến hành rà soát một số cơ quan quản lý dược phẩm. Ông Rusdiyono cho rằng, các quan chức của BPOM tham gia điều tra với tư cách là nhân chứng và điều đó không có nghĩa họ không làm đúng chức năng và trách nhiệm theo pháp luật quy định. Ông này cũng tiết lộ cuộc điều tra hiện nay chỉ tập trung vào các nhân viên ở cấp thấp trong BPOM.
Cuộc điều tra liên quan vụ bê bối dược phẩm ở Indonesia đang thu hút sự quan tâm của dư luận “xứ vạn đảo”, họ mong muốn những cá nhân có sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm. Mặc dù việc thanh tra toàn bộ sản phẩm và những người có liên quan trong thị trường dược phẩm được xem là vướng nhiều rào cản và cần thời gian dài. Không chỉ Indonesia, bê bối siro ho nhiễm độc đã gây rúng động các nước Ấn Độ, Gambia, Uzbekistan, các quốc gia này đều ghi nhận hàng chục trường hợp trẻ em tử vong. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đang điều tra chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu đối với một số loại siro ho.