Đây là những con số ước tính được nêu trong một nghiên cứu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và một nhóm các nhà nghiên cứu phối hợp thực hiện.
Được công bố vài ngày trước Ngày thế giới phòng chống béo phì (4/3), nghiên cứu nêu bật thực trạng béo phì trở nên phổ biến ở hầu hết các quốc gia, trong đó có cả nhiều nước thu nhập thấp và trung bình trước đây phải vật lộn với tình trạng suy dinh dưỡng. Nghiên cứu cũng chỉ rõ thực tế trẻ vị thành niên và trẻ em là nhóm người có tỷ lệ người béo phì gia tăng nhanh hơn nhóm người trưởng thành.
Để có được con số ước tính 1 tỷ nêu trên, các nhà nghiên cứu đã phân tích số đo cân nặng và chiều cao của hơn 220 triệu người ở hơn 190 quốc gia. Họ ước tính rằng 504 triệu phụ nữ trưởng thành và 374 triệu nam giới bị béo phì vào năm 2022. Nghiên cứu cho biết tỷ lệ béo phì ở nam giới đã tăng gần gấp 3 lần (14%) kể từ năm 1990 và tăng hơn gấp đôi ở nữ giới (18,5%). Theo nghiên cứu, khoảng 159 triệu trẻ em và thanh thiếu niên phải sống chung với bệnh béo phì vào năm 2022, tăng từ khoảng 31 triệu vào năm 1990.
Điều đáng quan ngại là số người mắc béo phì mới đang gia tăng nhanh chóng. Con số biểu tượng 1 tỷ người mắc căn bệnh này từng được WHO dự báo sẽ là hiện thực của năm 2030 nhưng cột mốc này đã đến nhanh hơn nhiều.
Trước nghiên cứu trên, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn ngừa và kiểm soát bệnh béo phì trong mọi giai đoạn phát triển của con người thông qua chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và chăm sóc đầy đủ khi cần thiết. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của sự hợp tác của khu vực tư nhân trong cuộc chiến chống “đại dịch” béo phì này, cho rằng khu vực này phải chịu trách nhiệm về những tác động sức khỏe do sản phẩm của họ gây ra.
Ông nêu biện pháp cụ thể để hiện thức hóa mục tiêu giảm tỷ lệ béo phì toàn cầu như thực hiện các biện pháp thuế đối với các sản phẩm có hàm lượng đường cao và thúc đẩy các bữa ăn lành mạnh tại trường học. Kết hợp với đó, các chuyên gia cho rằng việc sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường cũng góp phần chống bèo phì.
Béo phì không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, thẩm mỹ mà còn gây ra nhiều nguy cơ như mắc các bệnh lý về tim mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, xơ gan, các bệnh lý cơ xương khớp, vô sinh… Béo phì và thừa cân cũng làm tăng nguy cơ tử vong hơn so với những bệnh nhân có cân nặng bình thường. Trong đại dịch Covid-19, béo phì cũng là nguyên nhân làm gia tăng số ca tử vong.