Vượt qua thách thức để đạt mục tiêu chất lượng trong giáo dục đại học

NDO - Sáng 9/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị giáo dục đại học năm 2024. Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, hiện nay có rất nhiều thách thức lớn phát sinh trong quá trình phát triển, cho thấy vị trí quan trọng trong đời sống xã hội của giáo dục đại học. Tuy nhiên, vượt qua những thách thức đó cũng là cơ hội để giáo dục đại học đạt tới mục tiêu chất lượng.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thu Thủy cho biết, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với giáo dục đại học của toàn ngành đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, công tác tuyển sinh cơ bản được giữ ổn định và tiếp tục điều chỉnh về mặt kỹ thuật theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh và hướng tới mục tiêu bảo đảm khách quan, công bằng, bình đẳng, giúp tiết kiệm nguồn lực xã hội, đồng thời đánh giá đúng năng lực của thí sinh vào các ngành đào tạo.

Quy mô đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ trong năm học qua đều có xu hướng tăng. Trong đó, đào tạo đại học tăng chủ yếu ở lĩnh vực toán và thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin… cho thấy các cơ sở đào tạo đã quan tâm đến xu hướng phát triển bền vững, phát triển các ngành kỹ thuật, công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.

Quy mô đào tạo thạc sĩ có xu hướng tăng đều ở tất cả các khối ngành, trong đó tăng mạnh nhất của khối ngành đào tạo giáo viên. Đào tạo tiến sĩ tăng mạnh nhất ở khối ngành toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng…

Vượt qua thách thức để đạt mục tiêu chất lượng trong giáo dục đại học ảnh 1

Toàn cảnh Hội nghị.

Không chỉ tăng quy mô, văn hóa chất lượng trong giáo dục đại học cũng ngày càng được hình thành và phát triển. Năm học 2023-2024, cả nước có thêm 477 cơ sở đào tạo thực hiện kiểm định bằng bộ tiêu chuẩn trong nước, 145 cơ sở đào tạo kiểm định bằng các bộ tiêu chuẩn nước ngoài.

Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận hoạt động thêm 4 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài tại Việt Nam (gồm: ACBSP, ABET, THE-ICE, ACQUIN), đưa số lượng các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hoạt động ở Việt Nam lên 10 tổ chức. Ngoài ra, có 7 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước đang hoạt động đã có nhiều đóng góp vào hoạt động bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

Kết quả nghiên cứu và công bố quốc tế của hệ thống giáo dục đại học có xu hướng tăng vững chắc và bền vững ổn định. Trong 7 tháng đầu năm 2024, riêng 67 cơ sở giáo dục đại học có nhiều công bố quốc tế nhất đã có 10.613 công bố quốc tế trong tổng số 12.567 công bố quốc tế của cả nước.

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ ra những hạn chế của giáo dục đại học trong năm học 2023-2024 như: lúng túng khi thực hiện tự chủ đại học theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Quy mô đào tạo trình độ đại học tăng nhưng tập trung ở các ngành, lĩnh vực có khả năng xã hội hóa cao, trong khi các nhóm ngành khoa học cơ bản, khoa học xã hội, văn hóa nghệ thuật, nông nghiệp... chưa có sức hút đối với người học.

Công tác đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ, thường xuyên với yêu cầu sử dụng lao động và nhu cầu xã hội. Năng lực kết nối giữa viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học với doanh nghiệp tuy đã có sự cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị quản lý, các cơ sở đào tạo cũng đã có nhiều đề xuất, kiến nghị chung quanh công tác tuyển sinh, bảo đảm chất lượng, chuyển đổi số, phát triển cơ sở giáo dục đại học theo nghị quyết phát triển các vùng kinh tế- xã hội cũng được đề cập với nhiều kiến nghị, đề xuất…

Vượt qua thách thức để đạt mục tiêu chất lượng trong giáo dục đại học ảnh 2

Địa biểu tham luận tại Hội nghị.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, hiện nay có rất nhiều thách thức lớn đang đặt ra với giáo dục đại học. Đó là thách thức về sự cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu; cạnh tranh trong thu hút giảng viên, thu hút người học; cạnh tranh xếp hạng, thu hút đầu tư và cả ảnh hưởng xã hội-cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Mặt khác, thách thức của việc cung cấp nguồn nhân lực ngày càng nhiều, đa dạng và yêu cầu chất lượng ngày càng cao cho một nền kinh tế; sự kỳ vọng, giao phó, trông đợi của Đảng, Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp, xã hội đặt ra với giáo dục đại học ngày càng lớn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, để nâng cao chất lượng, vượt qua các thách thức, cần đẩy mạnh tự chủ trong giáo dục đại học. Các cơ sở giáo dục đại học cần tiếp tục hoàn thiện văn bản quy định nội bộ, quy chế nội bộ. Các trường cũng lưu ý cần xây dựng và hoàn thiện các đề án tự chủ theo quy định mới để trình các bộ chủ quản phê duyệt; tăng cường một số nội dung chủ yếu về vấn đề bộ máy và các yếu tố khác liên quan.

Các cháu xét trúng tuyển sớm sẽ không học nữa; các trường chỉ yên tâm cho số sẽ vào trường mình, số còn lại để tuyển sinh sẽ rất ít, điểm lên rất cao, tạo ra sự bất công bằng trong cơ hội được vào các trường đại học tốt. Việc này Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cân nhắc để đưa vào định hướng tuyển sinh của năm sau.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

Đáng chú ý, giáo dục đại học đứng trước thách thức đổi mới công tác tuyển sinh. Trong đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều đổi mới cho nên các trường đại học cần có trách nhiệm hơn với giáo dục phổ thông.

Bộ trưởng lưu ý việc xét tuyển sớm có tác động tiêu cực với giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối cùng của cấp học này. “Các cháu xét trúng tuyển sớm sẽ không học nữa; các trường chỉ yên tâm cho số sẽ vào trường mình, số còn lại để tuyển sinh sẽ rất ít, điểm lên rất cao, tạo ra sự bất công bằng trong cơ hội được vào các trường đại học tốt. Việc này Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cân nhắc để đưa vào định hướng tuyển sinh của năm sau”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, không nên có quá nhiều phương án xét tuyển mà càng đơn giản càng tốt, tạo thuận lợi cho học sinh, cho xã hội. Các cơ sở giáo dục đại học tự chủ cao trong vấn đề tuyển sinh nhưng không có nghĩa thích làm gì thì làm. Tự chủ là tự chủ trong khuôn khổ các quy định. Vì việc này, Bộ có thể gia tăng một số khung, chế tài để điều tiết tuyển sinh năm sau.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, những thách thức là phát sinh trong chính quá trình phát triển cho thấy giáo dục đại học ngày càng có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Vì vậy, vượt qua những thách thức cũng là cơ hội để giáo dục đại học để đạt tới mục tiêu chất lượng.