Đại biểu đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục Đào tạo…; các đại biểu quốc tế đến từ các quốc gia: Ấn Độ, Australia, Malaysia, Cộng hòa Pháp, Philippines, Singapore; các nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ của 20 trường đại học, học viện trên cả nước cùng tham gia hội thảo.
Các tham luận, phát biểu của các đại biểu trong và ngoài nước tập trung trao đổi, đề xuất và thiết lập nền tảng giáo dục đại học, xác định định hướng phát triển phù hợp với xu thế chung.
Đồng thời, tìm ra những giải pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa các bên, giữa các nước, đưa châu Á trở thành khu vực phát triển của giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học, trở thành nền tảng phát triển vượt bậc trong mọi lĩnh vực.
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Trong đó có một số tham luận rất được quan tâm tại hội như: “Giáo dục đại học với chiến lược phát triển của ASEAN” (Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam); “Đại học châu Á mới, một mô hình của giáo dục thế kỷ 21” (Giáo sư, Tiến sĩ Tay Kheng Soon - Giáo sư Đại học Quốc gia Singapore, nguyên Viện trưởng Viện Kiến trúc Cộng hòa Singapore); “Xu thế và yêu cầu giáo dục đại học vì sự phát triển châu Á” (Phó Giáo sư, Trung tướng Nguyễn Đức Hải - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ Quốc phòng)…
Trong bối cảnh thế giới đang có những biến động chính trị, xung đột xảy ra nhiều nơi, tình hình kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng.
Tuy nhiên, nền kinh tế châu Á vẫn phát triển tốt, với 55 quốc gia sở hữu nhiều tiềm năng, đặc biệt đây là khu vực có dân số đông đến 4,5 tỷ người (chiếm gần 60% dân số thế giới).
Dân số trẻ là tiềm năng quyết định cho sự phát triển. Trong những thập niên gần đây, GDP khu vực châu Á luôn duy trì và tăng trưởng ở mức cao.
Đây là cơ sở để các nhà kinh tế thế giới dự báo rằng châu Á vẫn đang tràn đầy sức sống, là điểm đến đầu tư hấp dẫn, nhất là các lĩnh vực công nghiệp, điện tử, bán dẫn và tiêu dùng.
Để có nền kinh tế phát triển, thì yếu tố con người là quyết định. Châu Á đang và sẽ cần có một lực lượng làm việc có trình độ cao công nghệ cao càng phát triển. Đó là trách nhiệm mà xã hội giao cho ngành giáo dục đại học ở mỗi nước.
Hội thảo “Giáo dục đại học vì sự phát triển châu Á” là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, lãnh đạo các trường đại học... hướng đến nội dung phải làm sao để cùng đưa ra các cơ sở khoa học, các luận đề để phát triển giáo dục đại học tại Việt Nam.
Từ đó, tăng cường mối liên kết, sự hỗ trợ cùng phát triển giữa các quốc gia để đáp ứng được nhu cầu phát triển đột phá của kinh tế châu Á trong thời gian tới.