Vượt khó bằng nội lực của nền kinh tế

NDO - Tình hình kinh tế-xã hội quý II/2023 đã xuất hiện những dấu hiệu tích cực, nhưng tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm không đạt kỳ vọng do phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Áp lực lớn đang đặt ra cho công tác điều hành vĩ mô trong những tháng cuối năm nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Phóng viên Báo Nhân Dân trao đổi với bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Thống kê về vấn đề này.
0:00 / 0:00
0:00
Ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Cải thiện tổng cầu để kích thích tăng trưởng

Phóng viên: Chúng ta đã đi qua nửa chặng đường của năm 2023 với rất nhiều giải pháp tiếp tục phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Bà nhận định thế nào về bức tranh kinh tế Việt Nam trong quý II và 6 tháng đầu năm?

Bà Nguyễn Thị Hương: Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khó khăn nhiều hơn thuận lợi nhưng tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm tiếp tục được duy trì với mức tăng 3,72%, tuy chưa đạt mức kỳ vọng nhưng nền kinh tế của Việt Nam đã có những dấu hiệu cho thấy sự chuyển biến.

Có thể nói, kinh tế-xã hội nước ta trong 6 tháng đầu năm 2023 đã đạt được những kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp.

Khu vực công nghiệp đã tạm thời chấm dứt đà tăng trưởng âm, cho thấy tín hiệu lạc quan hơn về triển vọng kinh tế cuối năm. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng ổn định và tiếp tục là trụ đỡ cho nền kinh tế.

Khu vực dịch vụ tiếp tục là điểm sáng nhất với mức tăng trưởng 6,33%, đóng góp 3,04 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Hoạt động du lịch khởi sắc đã lan tỏa và thúc đẩy các ngành kinh tế liên quan phát triển tốt như hoạt động động bán buôn, bán lẻ; dịch vụ vận tải kho bãi; hoạt động vui chơi giải trí…

Hơn nữa, việc thực hiện tốt chính sách tiền tệ, linh hoạt điều chỉnh lãi suất đã giúp hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm ổn định được tăng trưởng.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 0,44% so cùng kỳ năm trước, nhưng là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ 12 năm trở lại đây.

Vượt khó bằng nội lực của nền kinh tế ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, suy giảm nhu cầu tiêu dùng tại một số thị trường là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm so cùng kỳ năm trước vì đơn hàng sụt giảm; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 12,1% so cùng kỳ.

Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tiếp tục giảm mạnh ở vốn đăng ký điều chỉnh tăng thêm, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài chưa thể tăng đầu tư vào các dự án hiện hữu tại Việt Nam.

Giá dịch vụ, cước vận tải, chi phí logistics... tăng cao làm tăng chi phí sản xuất và gia tăng áp lực lạm phát, tiềm ẩn rủi ro đối với ổn định kinh tế vĩ mô.

Phóng viên: Các động lực tăng trưởng đang thay đổi theo xu hướng giảm dần sự đóng góp của khu vực công nghiệp và tăng sự đóng góp của khu vực dịch vụ. Xin bà cho biết quan điểm của Tổng cục Thống kê đối với việc cải thiện tổng cầu để kích thích tăng trưởng?

Bà Nguyễn Thị Hương: Là nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào thị trường quốc tế. Trong khi cầu thế giới đang suy giảm, sản xuất trong nước khó khăn cả đầu vào, đầu ra thì bài toán tăng trưởng tập trung vào kích thích sản xuất sẽ ít hiệu quả.

Thay vào đó, cần kích cầu tiêu dùng và mở rộng đầu tư để từ đó quay trở lại hỗ trợ phát triển sản xuất.

Để thúc đẩy tổng cầu, Chính phủ đang nỗ lực đẩy mạnh giải ngân đầu tư công nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế, tập trung vào các công trình hạ tầng quan trọng của đất nước. Bên cạnh đó, việc tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội cũng gián tiếp làm tăng tổng cầu.

Nhiều biện pháp kích cầu khác cũng đang được triển khai thực hiện như điều chỉnh giảm lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh; miễn, giảm, giãn thuế và các loại phí, trong đó có chính sách giảm 2% thuế VAT.

Với việc triển khai đồng thời một loạt các biện pháp kích cầu, kết hợp linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, cầu nội địa sẽ được cải thiện đáng kể, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Khi cầu tiêu dùng tăng cao sẽ là động lực cho nền kinh tế, thị trường nội địa là điểm tựa cho doanh nghiệp trong những lúc thị trường bên ngoài biến động.

Phát huy sức mạnh nội lực

Phóng viên: Là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam ngày càng chịu tác động bất lợi từ bên ngoài. Theo bà, làm thế nào để phát huy sức mạnh nội lực, đưa đất nước vượt qua khó khăn?

Bà Nguyễn Thị Hương: Kết quả tăng trưởng 4,14% trong quý II và tăng trưởng 3,72% trong 6 tháng đầu năm cho thấy, chúng ta đã nỗ lực hết sức và đây cũng là kết quả từ nội lực của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp rất nhiều khó khăn, biến động.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, mặc dù tăng trưởng GDP không đạt như kỳ vọng, nhưng các ngành kinh tế quan trọng của đất nước đã có sự nỗ lực rất lớn.

Cụ thể, khu vực I (nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản) đã duy trì được mức tăng trưởng khá cao và tích cực để bảo đảm nguồn cung và an ninh lương thực, đồng thời tạo điều kiện cho hoạt động của ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu trong thời gian qua.

Trong khu vực II (công nghiệp và xây dựng), mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh giá đầu vào cho sản xuất nhiệt điện tăng cao và thiếu nước cho thủy điện, nhưng cơ bản vẫn giữ vững được nguồn cung ứng năng lượng cho sản xuất và đời sống nhân dân.

Ngành công nghiệp từ quý II đã có khởi sắc với mức tăng trưởng dương, các doanh nghiệp cố gắng khai thác nguyên liệu tại chỗ để phục vụ cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu những sản phẩm chúng ta làm chủ, các sản phẩm nông sản, sản phẩm chế biến từ nguyên liệu trong nước.

Khu vực III (dịch vụ) đang nổi lên là khu vực có đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng, kết quả này phản ánh hiệu quả của các chính sách kích cầu nội địa, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh trong thời gian qua đã góp phần duy trì tăng trưởng của khu vực dịch vụ, du lịch.

Đáng lưu ý, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam 6 tháng gấp 9,3 lần cùng kỳ năm trước. Du khách vào Việt Nam sẽ tiêu dùng, sử dụng các dịch vụ trong nước, giúp tăng khả năng tiêu dùng và xuất khẩu dịch vụ hàng hóa trực tiếp tại địa phương, kéo theo sự tăng trưởng của các ngành dịch vụ liên quan.

Phóng viên: Với những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê đánh giá thế nào về việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay. Động lực tăng trưởng trong 2 quý còn lại là gì, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hương: Trước khó khăn, thách thức của kinh tế toàn cầu, tăng trưởng GDP quý I/2023 thấp hơn 2,32 điểm phần trăm; quý II thấp hơn 2,56 điểm phần trăm so kịch bản điều hành.

Do đó, 6 tháng cuối năm, kinh tế cả nước cần phải tăng trưởng 9% mới có thể đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5%.

Tổng cục Thống kê sẽ tiếp tục cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế cho các quý tiếp theo trên cơ sở dự báo bức tranh kinh tế 6 tháng cuối năm.

Động lực cho tăng trưởng những tháng cuối năm là đầu tư công đang được ráo riết đẩy mạnh nhằm giải phóng nguồn lực, tạo cơ hội thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, nhiều dự án trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội cũng như trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn đã cơ bản hoàn thành thủ tục, đến thời điểm này sẽ được tập trung triển khai thực hiện.

Nhiều ngành sẽ được hưởng lợi trực tiếp như xây dựng, giao thông vận tải, ngành sản xuất vật liệu xây dựng...

Hoạt động du lịch tăng trưởng sẽ tạo cơ hội cho nhiều ngành dịch vụ phát triển, thúc đẩy tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tại chỗ.

Hoạt động xuất khẩu nông nghiệp và thủy sản tiếp tục ổn định; nhiều sản phẩm đang vào mùa có khả năng xuất khẩu cao…

Tôi tin rằng với sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương, nền kinh tế vẫn có thể đạt được mức tăng trưởng cao nhất có thể trong bối cảnh khó khăn của kinh tế toàn cầu.

Xin trân trọng cảm ơn bà!