Vườn nho hữu cơ trĩu quả trên đất lúa ở Trà Vinh

NDO - Sau gần 2 năm trồng, anh Trần Văn Mến ở ấp Ô Răng, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh mở cửa vườn nho hữu cơ đón khách tham quan. Vườn nho trĩu quả trên vùng đất lúa kém hiệu quả tạo ra hướng đi mới cho việc phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn văn minh, thân thiện với môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Trần Văn Mến đang theo dõi và chăm sóc vườn nho của gia đình.
Anh Trần Văn Mến đang theo dõi và chăm sóc vườn nho của gia đình.

Anh Trần Văn Mến cho biết, khi cùng gia đình tham quan mô hình trồng nho an toàn tại xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải, thấy vườn nho xanh tốt, trĩu quả, với đam mê làm nông nghiệp sạch, anh quyết định đầu tư hơn 2,7 tỷ đồng mua đất, cây giống để trồng nho hữu cơ. Vườn nho 0,5ha của gia đình anh cho trái quanh năm để phục vụ khách tham quan.

Vườn nho hữu cơ trĩu quả trên đất lúa ở Trà Vinh ảnh 1

Chị Dương Thị Mỹ Hạnh cùng con gái thích thú với cành nho trĩu quả.

Anh Mến kể lại, sau 4 tháng cải tạo đất, anh trồng hơn 1.500 cây giống, gồm các giống nho ngón tay đen (NH04-102), ngón tay đỏ (NH01-152), kẹo, mẫu đơn…Cây nho thích hợp với đất tơi xốp, màu mỡ, nhiệt độ cho cây sinh trưởng là 32 - 34 độ C.

Anh đặt cây cách cây 1m, dùng cọc tre cố định gốc, không dùng lưới che, sử dụng dây kẽm, lưới ni-lông làm giàn giúp các cành nho bám trụ, hứng nắng, ra hoa và cho trái.

Điều anh lo ngại nhất khi trời mưa kéo dài 2 đến 3 ngày, trái giữ nhiều nước, phình to, giảm độ ngọt. Trong mùa mưa, cây dễ nhiễm bệnh thán thư lá, thán thư trái. Tuy vậy, nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật như xử lý ra bông, cắt tỉa cành, bón phân vi sinh, phòng trừ sâu bệnh kết hợp bao trái từ nhỏ nên năng suất, chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu.

Vườn nho hữu cơ trĩu quả trên đất lúa ở Trà Vinh ảnh 2

Cây nho được chăm sóc tốt, cành nho trĩu quả.

Hướng tới mục đích tuyển chọn giống nho tốt cho vùng đất lúa kém hiệu quả, anh Mến trồng cùng lúc nhiều giống nho để nghiên cứu, thử nghiệm. Trải qua quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch trái, anh nhận thấy, 2 giống nho ngón tay đen, ngón tay đỏ cho trái sai, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt.

Trái nho thon dài, vỏ màu xanh khi còn nhỏ, lúc chín vỏ chuyển sang màu tím đỏ và tím đen. Hai giống nho này còn có ưu điểm vượt trội là cho trái không hạt, ăn giòn ngọt, người tiêu dùng ưa chuộng, giá thị trường 250-300 nghìn đồng/kg.

Anh Mến còn trồng, chăm sóc nho trên chậu để phục vụ nhu cầu mua về làm cây cảnh tại nhà của khách tham quan. Anh dự tính bán giá 500 nghìn đồng/chậu, khách mua về vừa làm cây cảnh, vừa có nho sạch để ăn. Nếu khách có nhu cầu tìm hiểu kỹ thuật trồng, cắt tỉa cành, dưỡng trái, anh sẵn sàng hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm.

Vườn nho hữu cơ trĩu quả trên đất lúa ở Trà Vinh ảnh 3

Chị Nguyễn Thị Khỏe chụp ảnh lưu niệm khi đến tham quan, trải nghiệm tại vườn nho.

Cứ vào thứ bảy, Chủ nhật, lễ, Tết, vườn nho của gia đình anh Mến tấp nập khách tham quan, chụp hình, mọi người cảm thấy rất hứng thú khi trải nghiệm mô hình sản xuất nông nghiệp sạch.

Chị Dương Thị Mỹ Hạnh ở thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang chia sẻ: "Lần đầu gia đình tham quan, trải nghiệm mô hình trồng nho hữu cơ trên đất lúa. Có lẽ, khám phá, trải nghiệm cách làm nông nghiệp sạch là một sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh Trà Vinh. Chúng tôi rất thích thú khi quê hương có vườn nho tuyệt đẹp và mọi người có thể mua nho sạch mang về làm quà".

Vườn nho hữu cơ trĩu quả trên đất lúa ở Trà Vinh ảnh 4

Anh Trần Văn Mến trồng nho trên chậu để bán cho du khách mang về làm cây cảnh tại nhà.

Ông Kim Sô Phan, cán bộ nông nghiệp, địa chính xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang cho biết, trước đây, nông dân xã Long Sơn chỉ canh tác cây lúa và hoa màu. Anh Mến rất tâm huyết với cách làm nông nghiệp sạch, đầu tư nhiều tiền và công sức để trồng nho hữu cơ.

Với cách làm mới, vườn nho của gia đình anh trở thành lựa chọn hấp dẫn cho du khách khi muốn tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa, con người ở nông thôn. Tin rằng mô hình này sẽ tạo ra giá trị gia tăng cao trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển.