Người Phù Lá sống tập trung thành một thôn ở Tà Chải, và giữ gìn khá nhiều tập tục, lễ cúng truyền thống của dân tộc mình. Trong thôn luôn có một ông thầy cúng, thường là làm nghề cha truyền con nối, để thực hiện những lễ tục của dân tộc mình.
Lễ đuổi ma, hay còn gọi là lễ quét ma, thường diễn ra vào ngày 30/2 âm lịch. Thông thường, lễ đuổi ma thu hút đông đảo cộng đồng người Phù Lá tham gia nhất, bởi vì lễ cúng này sẽ diễn ra ở tất cả các nhà trong thôn, bản, và kết thúc ở bìa rừng. Lễ hội còn lại cũng thu hút toàn bộ cộng đồng người Phù Lá trong thôn, bản tham gia là lễ cúng rừng, thường diễn ra vào ngày 2/2 âm lịch.
Nơi khởi đầu của lễ quét ma thường là nhà trưởng thôn/trưởng bản. Lễ vật cúng cho lễ quét ma gồm hai con gà màu trắng và đỏ, cùng một con chó. Trước khi lễ cúng diễn ra, những người đàn ông trong cộng đồng người Phù Lá sẽ cùng nhau đi lấy dây cỏ để tết sợi dây chặn ma, và đi chặt cành một loại cây gần giống cây núc nác để đẽo những cây kiếm to nhỏ.
Những cây kiếm cỡ nhỏ được lồng vào các mắt tết của sợi dây cỏ. Còn lại khoảng 3-4 cây kiếm to sẽ dành cho các bé trai trong thôn thực hành đuổi ma tại các gia đình. Những cây kiếm to này đẽo xong sẽ lấy than củi để vẽ lên rồi nhúng vào huyết của con chó được dùng để cúng mà trưởng bản và thầy cúng đã chuẩn bị.
Ông Giàng Quẩy Phả, trưởng thôn ở Tà Chải cho biết, chỉ duy nhất một loại cỏ và một loại cây mọc ven rừng hoặc trong vườn nhà của người Phù Lá này là sử dụng được cho việc tết dây và đẽo kiếm. “Tôi không biết tên của hai loại cỏ, cây này là gì, chỉ biết chúng mọc trong vườn nhà từ rất lâu rồi, và từ đời ông, đời cha chúng tôi đã thấy các cụ dùng hai loại này để thực hành quét ma”.
Để chuẩn bị cho lễ quét ma, các gia đình trong thôn sẽ cùng nhau đóng góp để trưởng thôn chuẩn bị lễ vật cùng các đồ cúng. Trước lễ, đàn ông trong thôn sẽ tập trung tại nhà trưởng thôn, mỗi người một việc. Người tết dây, người đẽo kiếm, người dán những lá bùa màu vàng nhạt, dán cờ và chiếc ô nhỏ. Mâm cúng hình vuông, đặt 3 cốc rượu, 3 que hương, bùa, cờ, ô. Thầy cúng đốt một lá bùa, lấy tro hòa với rượu vào trong một cái bát con. Phụ nữ cũng tập trung lại và hỗ trợ công việc bếp núc, thường là để chuẩn bị cho bữa liên hoan của cả làng sau khi lễ cúng kết thúc.
Thông thường, người dân trong thôn sẽ chọn hướng đi của đoàn lễ sao cho chỉ đi theo một chiều từ nhà đầu tiên đến nhà cuối cùng, không quay lại, cho đến khi ra tới bìa rừng.
Đặc biệt, lễ đuổi ma chỉ do những người đàn ông trong thôn thực hiện. Phụ nữ chỉ gia nhập đoàn lễ khi các khâu đã xong, và chỉ đứng ngoài các ngôi nhà được quét ma.
Đoàn lễ bao gồm một người đàn ông trưởng thành dẫn đầu, cùng với khoảng vài bé trai, tất cả đều bôi tro than lên mặt, với hàm ý để cho con ma không nhận ra.
Ông thầy cúng dẫn đầu đoàn lễ đi vào các nhà, tại mỗi nhà, đoàn người lớn-trẻ em bôi mặt sẽ cầm kiếm chạy khắp nhà hò hét, khua khoắng với hàm ý đuổi con ma ra khỏi các xó xỉnh, ngóc ngách của căn nhà, tạo nên không khí vui nhộn. Dẫn đầu là một người cầm dây buộc hai chú gà kéo khắp nhà, với ý nghĩa dùng thần lực của gà để quét sạch ma đi.
Thầy cúng sau đó sẽ ra cửa thắp hương, nâng một bát nước trắng, khấn mời thần trời và thần rừng về giúp đuổi ma đi, và đổ bát nước trước cửa rồi úp luôn bát xuống đất.
Ngay sau đó, cửa của ngôi nhà sẽ được đóng lại, và một người trong đoàn lễ cầm chổi bện bằng rơm quét huyết chó lên cửa và xuống nền cạnh cửa, với ngụ ý đánh dấu một ngôi nhà đã “sạch”. Cánh cửa sẽ không mở ra cho đến khi lễ đuổi ma kết thúc.
Cứ như thế, đoàn lễ lần lượt đi từ nhà đầu tiên đến nhà cuối cùng trong thôn, thường sẽ là ngôi nhà gần rừng nhất.
Sau đó, cả đoàn lễ gồm cả già trẻ, gái trai trong thôn đi thẳng vào khu vực bìa rừng. Tới rừng, đoàn người sẽ dồn ma vào rừng và cắm toàn bộ các thanh kiếm trước cửa rừng với ý nghĩa làm hàng rào ngăn con ma quay trở lại.
Ở đây cả thôn sẽ cùng nhau ngả thịt gà, chó ra làm cỗ, với bát đũa, nồi niêu của các nhà được phụ nữ trong thôn mang theo. Ăn xong, toàn bộ bát đĩa được đem về nhà và để 3 ngày ngoài trời cho tan hết tà khí, rồi mới được rửa sạch mang vào nhà.
Với người Phù Lá ở Tà Chải, lễ đuổi ma hết sức đơn giản cả về lễ vật và cách thức thực hiện, nhưng đây lại là tập tục thu hút rất đông các thành viên của cộng đồng tham gia. Bởi vì họ được hòa mình vào bầu không khí vui vẻ của những chú bé bôi mặt chạy chém ma khắp nhà, được cùng nhau ăn bữa cơm chung, và cùng mong ước cho một năm mới an lành, bình yên.