Võ Văn Kiệt - một nhân cách lớn

NDO - Trong mọi giai đoạn của lịch sử và xã hội, có những con người mà hoạt động của họ có sức tác động, lan tỏa đến xã hội trong những năm tháng đương thời, nhưng sự ảnh hưởng đó thay đổi đi, hạn chế hơn khi họ vắng bóng trên cuộc đời.

Trái lại, có những con người khi đương thời, nhân cách của họ đã có sức thu hút đông đảo quần chúng một cách đặc biệt, khi họ mất đi, sức lan tỏa của nhân cách ấy, tư tưởng ấy và hành động ấy lại càng lớn hơn, rộng và sâu hơn trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Võ Văn Kiệt là một con người như thế.

Như cả nước, ở Kiên Giang, chúng tôi bàng hoàng xúc động khi nghe tin đồng chí Võ Văn Kiệt - chú Sáu Dân - nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt vĩnh viễn ra đi. Bàng hoàng vì ngỡ chuyện ấy dù có xảy ra đi nữa, thì cũng không thể xảy ra lúc này, lúc mà chú Sáu còn đang tâm huyết với những ý tưởng mới, với cả nước, với đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Kiên Giang.

Ngày tháng dần qua, nỗi đau mất mát lắng đọng thành suy tư, càng ngày chúng ta càng thấy rõ hơn những gì mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt - chú Sáu Dân đã nghĩ, đã làm, và cả những gì mà chú chưa kịp làm cho Kiên Giang chúng ta, cho đồng bằng sông Cửu Long và cho đất nước. Trong cái chung lớn lao đó chú Sáu với Kiên Giang chúng ta là cả một mảng lớn, đầy ắp những sự kiện, câu chuyện trong quá khứ và cả những cái mới như vừa hôm qua.

Ngược dòng thời gian, nhớ lại những ngày tháng sau Nam Kỳ khởi nghĩa, trước sự đàn áp dữ dội của giặc Pháp, chú Sáu Dân cùng một số đồng chí khác theo chủ trương của liên tỉnh ủy, từ Vĩnh Long chuyển về U Minh Thượng, tập hợp lại xây dựng lực lượng và căn cứ, khôi phục lại phong trào. Đất và người dân Vĩnh Thuận, An Biên đã dang tay đón những chiến sĩ cách mạng từ quê hương bên sông Tiền về đứng chân, dựng lại phong trào từ lòng dân U Minh. Từ dưới những tán rừng tràm xanh mướt, sức nóng trái tim và sự mãnh liệt của niềm tin vào tất thắng của cách mạng đã được những người thợ quân giới - nông dân, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Võ Văn Kiệt -chú Sáu Dân, hun đúc thành những trái nổ căm thù chuyển vô thành chờ ngày diệt giặc. Lòng căm thù giặc và niềm tin đó đã lôi cuốn cả những con người đã khoác áo nâu sồng đến với cách mạng, tham gia đấu tranh chống thực dân xâm lược. Đó là những nhà sư -liệt sĩ Chùa Tam Bảo, như sư Thiện Chiếu, Thiện Ân, hòa thượng Thích Trí Thiền, tục danh Nguyễn Văn Đồng, sử dụng chùa Tam Bảo làm cơ sở cách mạng, chứa vũ khí và sẵn sàng cho bom nổ để diệt giặc, miễn là được góp phần cứu nước, giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Những ngày diễn ra Cách mạng Tháng Tám, đồng chí Võ Văn Kiệt là Tỉnh ủy viên tham gia chỉ đạo cướp chính quyền ở tỉnh Rạch Giá. Cuối năm 1947, đồng chí được cấp trên phân công phụ trách tổ chức kiêm Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Rạch Giá. Thời gian này, với tư tưởng tiến công, đồng chí đã chủ động, tích cực góp phần lãnh đạo đánh địch, mở rộng vùng giải phóng ra nhiều huyện quanh U Minh Thượng, tạo căn cứ đứng chân rộng lớn cho các cơ quan Trung ương Cục miền Nam, Khu 9 và tỉnh nhà, tăng thêm thế và lực cho kháng chiến.

Năm 1952, sau khi cùng đồng chí Ung Văn Khiêm đi dự Đại hội II của Đảng ở Chiến khu Việt Bắc trở về, được phân công làm Phó Bí thư, rồi Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu (lúc đó một phần của Kiên Giang thuộc Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ), đồng chí Võ Văn Kiệt cùng đảng bộ tập trung chỉ đạo củng cố xây dựng vùng giải phóng, mạnh dạn giao cấp đất cho nông dân, đẩy mạnh sản xuất và phong trào đời sống mới trong vùng giải phóng tạo ra sinh khí mới trong vùng tự do. Lực lượng kháng chiến cũng được chỉ đạo xây dựng, phát triển đồng bộ cả chính trị, quân sự, đoàn thể quần chúng, tạo ra một thế mới, lực mới của miền Tây cũng như tỉnh Rạch Giá cho đến ngày có Hiệp định Genève năm 1954.

Một câu chuyện vẫn còn nguyên giá trị là trong quá trình làm phó Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, khi được cấp trên đề nghị đồng chí thay bí thư hiện tại để đảm nhiệm chức Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Võ Văn Kiệt đã thẳng thừng từ chối, nói thà xin nhận kỷ luật vì tự thấy mình chưa bằng đồng chí đó về năng lực. Đó là một nhận thức, một hành động đầy nghĩa khí và tự trọng hiếm có.

Trong thời gian Hiệp định Giơnevơ có hiệu lực, thực hiện việc tập kết quân, trong vùng tập kết 200 ngày ở Chắc Băng (thuộc huyện Vĩnh Thuận) và Cán Gáo (thuộc huyện An Minh) tỉnh Kiên Giang hiện nay, các hoạt động sản xuất cũng như các phong trào xây dựng đời sống mới được đẩy mạnh, có sức thu hút cả nhân dân các đô thị, đã tạo một ấn tượng, ký ức tốt đẹp cho quần chúng về chính quyền kháng chiến và bộ đội Cụ Hồ, được nhân dân trong vùng nhắc mãi về sau.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết và có hiệu lực, từ tháng 1/1973, với cương vị Bí thư Khu ủy Khu 9 (khu Tây Nam Bộ), đồng chí Võ Văn Kiệt cùng Ban Thường vụ Khu ủy Khu 9 đã nắm chắc chắn tình hình địch, giữ tư tưởng bạo lực cách mạng và tinh thần tiến công, vận dụng sáng tạo Chỉ thị số 01/CT của Trung ương Cục, không mơ hồ với âm mưu của địch không thi hành hiệp định, thực hiện tràn ngập lãnh thổ giành dân, lấn đất. Khu ủy đã chỉ đạo các địa phương và các lực lượng vũ trang trong toàn khu cương quyết trừng trị, đánh trả địch lấn chiếm.

Khu ủy Khu 9 khẳng định với Trung ương Cục: "Nếu không chống địch lấn chiếm thì không còn đất ở. Mất dân mất đất thì không còn gì cả". Khu ủy sẵn sàng nhận kỷ luật trước Trung ương Cục và Trung ương, nhưng quyết không nhân nhượng địch mà phải cương quyết đánh trả. Sự chỉ đạo của Khu ủy lúc bấy giờ là "Đánh để bảo vệ Hiệp định" chứ không vi phạm lệnh ngừng bắn. Đây là một sự khẳng định sáng suốt và ý chí quyết thắng có tính lịch sử trong sự nghiệp 20 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ giành độc lập cho đất nước, tự do cho dân tộc của quân và dân Tây Nam Bộ.

Chính từ sự khẳng định đó, nên ở miền Tây Nam Bộ cũng như Kiên Giang, không những giữ vững được vùng giải phóng mà còn tiến lên giải phóng thêm nhiều vùng, buộc địch phải co cụm trong đô thị, thị trấn, quanh các căn cứ quân sự và các trục giao thông chiến lược. Tư tưởng tiến công và đánh giá đúng về địch, chọn con đường hành động dứt khoát của Khu ủy Khu 9, mà vai trò chủ yếu là đồng chí Võ Văn Kiệt đã được thực tế chứng minh là đúng. Sau đó được Trung ương và toàn miền công nhận, biến thành nội dung chỉ đạo ra khắp miền Nam, thể hiện sự sáng suốt, tinh thần trách nhiệm, nhất là bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người lãnh đạo trong thời khắc quan trọng của lịch sử.

Thực tiễn đánh địch giữ vững và mở rộng vùng giải phóng ở Khu 9, trong đó có Rạch Giá-Kiên Giang đã mở ra cho toàn miền Nam cục diện mới. Đó là cơ sở thực tiễn đánh giá địch-ta đầy sức thuyết phục, là căn cứ diễn biến trên chiến trường cụ thể, sinh động để Trung ương có kết luận mới về con đường cách mạng miền Nam lúc này là không được mơ hồ về thực hiện Hiệp định Paris, phải nắm vững bạo lực cách mạng, đẩy mạnh tiến công địch, tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

* *
*

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước độc lập, thống nhất, với nhiệm vụ mới, đồng chí Võ Văn Kiệt tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng của Đảng và dân tộc trong giai đoạn mới.

Thắng lợi ngày 30/4/1975, là thắng lợi của dân tộc, nhưng những người chiến thắng phải đối xử như thế nào với những người mới hôm qua còn đứng trong bộ máy của ngụy quân, ngụy quyền, tay sai của đế quốc Mỹ chống lại dân tộc? Chính sách hòa hợp dân tộc của Đảng và Nhà nước ta lúc này đã có sức cảm hóa to lớn đối với tư tưởng và tình cảm của những người đã một thời đứng bên kia chiến tuyến. Mặt khác, do hậu quả 20 năm chiến tranh, những khó khăn kinh tế chồng chất, một bộ phận nhỏ trong bộ máy ngụy quân, ngụy quyền vẫn chưa từ bỏ ảo vọng phục hồi chế độ tay sai đã sụp đổ, có những hoạt động chống phá chính quyền cách mạng.

Trước tình hình đó, trong đội ngũ những người lãnh đạo và quản lý xã hội thời gian này, không ít người có quan điểm phân biệt, chưa dám tin những người từng tham gia chế độ cũ có thể cùng chung tay xây dựng đất nước. Trong bối cảnh đó, không dễ dàng chút nào đối với trách nhiệm người lãnh đạo khi phải nắm vững và thực hiện đúng quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước ta, trong hiện thực quản lý và điều hành xã hội đa dạng, phức tạp sau chiến tranh. Thế nhưng, đồng chí Võ Văn Kiệt là một trong những nhà lãnh đạo thực hiện một cách xuất sắc công việc đó.

Với nhãn quan chính trị sắc bén, tầm nhìn rộng và xa, tư duy sắc sảo có sức khái quát lớn, khả năng phân tích sâu sắc, cặn kẽ, toàn diện trước một vấn đề mới phức tạp, phong cách làm việc có sức thu hút công chúng và đối tượng khi tiếp cận, đặc biệt là tấm lòng bao dung, rộng mở, một niềm tin chắc chắn về truyền thống yêu nước từ cội nguồn dân tộc trong sâu thẳm từng con người, đồng chí Võ Văn Kiệt đã nhìn xuyên qua thực tiễn quá khứ đau thương trên từng gương mặt những con người đã từng tham gia chế độ cũ để có một thái độ tiếp cận đúng mức, chân thành, cởi mở với những quan chức cấp cao của chế độ cũ, những trí thức tên tuổi là chuyên gia đầu ngành ở miền Nam trước giải phóng, kêu gọi họ hợp tác quản lý, xây dựng đất nước, mà trước mắt là quản lý và khai thác tốt cơ sở vật chất, kỹ thuật khá hiện đại thời đó ở miền Nam trên các lĩnh vực thông tin viễn thông, y tế, điện nước đô thị và hàng không. Chính nhờ vậy, rất nhiều cơ sở vật chất, kỹ thuật ta tiếp quản đã được sử dụng khá tốt, cơ bản duy trì được hoạt động kinh tế và đời sống xã hội đô thị bình thường ở một thành phố lớn sau chiến tranh.

Những năm sau đó, trên cương vị nào, đồng chí Võ Văn Kiệt - chú Sáu Dân cũng vẫn tiếp tục thể hiện sự xông xáo, đi đầu, lao vào những vấn đề gay gắt, hóc búa trên các lĩnh vực, không hề né tránh. Hình như lực lượng nào, giai tầng nào, giới nào trong xã hội trên cả nước, nhất là ở miền nam đều có những ấn tượng sâu sắc về đồng chí Võ Văn Kiệt.

Những năm sau đó, trên cương vị nào, đồng chí Võ Văn Kiệt - chú Sáu Dân cũng vẫn tiếp tục thể hiện sự xông xáo, đi đầu, lao vào những vấn đề gay gắt, hóc búa trên các lĩnh vực, không hề né tránh. Hình như lực lượng nào, giai tầng nào, giới nào trong xã hội trên cả nước, nhất là ở miền nam đều có những ấn tượng sâu sắc về đồng chí Võ Văn Kiệt.

Chúng ta phải đánh giá một cách thẳng thắn là giới trẻ, đặc biệt ở miền Nam, có sự ngưỡng mộ đặc biệt đối với chú Sáu Dân. Tuổi trẻ miền Nam không thể quên tâm huyết, tình cảm của chú Sáu Dân trong "Kính chào thế hệ thứ tư", "Một chút tâm tình gửi thế hệ thứ năm"1. Đồng chí đã dành thời gian, đi sâu gần gũi thanh niên, thu hút giới trẻ vào lực lượng thanh niên xung phong đi xây dựng những công trình thủy lợi lớn ở miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Phong trào đó đã tạo ra được những công trình có hiệu quả kinh tế, đem lại hiệu ứng xã hội tốt đẹp, là môi trường giáo dục và rèn luyện thanh niên về lý tưởng cách mạng, lòng yêu quê hương đất nước và thái độ lao động chân chính. Phong trào đã sản sinh ra nhiều cán bộ trẻ ưu tú trưởng thành sau này.

Giới trí thức được đồng chí Võ Văn Kiệt đặc biệt quan tâm trong công việc và cả trong cuộc sống đời thường. Đồng chí luôn tìm cách đưa khoa học vào cuộc sống, đưa đội ngũ trí thức tham gia giải quyết những vấn đề thực tế của đời sống xã hội. Những năm 80, 90 của thế kỷ XX không thể quên tấm lòng và phong cách Võ Văn Kiệt, khi đồng chí trực tiếp vào tận trại tạm giam những người vượt biên để bảo lãnh một số trí thức ra ngoài làm việc. Chú Sáu Dân luôn có cách tiếp xúc trực tiếp, gặp gỡ trực tiếp đối với anh chị em trí thức, kể cả những trí thức ở Sài Gòn trước ngày giải phóng, đặt ra những vấn đề bức xúc trong cuộc sống, động viên anh chị em tham gia, khuyến khích tranh luận để tìm ra chân lý.

Rất nhiều người từng là trí thức đầu đàn dưới chế độ cũ như tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, cựu thống đốc ngân hàng chế độ Sài Gòn trước năm 1975, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, tiến sĩ Trần Kim Thạch, giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn, Bùi Thị Lạng, Hồ Sĩ Thoảng... kể cả vợ chồng nhà khoa học nổi tiếng Hoàng Xuân Hãn đang ở Pháp đều có những kỷ niệm sâu sắc với chú Sáu Dân qua những lần tiếp xúc, thăm hỏi, làm việc, thể hiện sự tôn trọng và quan tâm sâu sắc, tác phong bình dị, thái độ cởi mở, chân tình. Chính vì thế, đội ngũ trí thức đã cùng chú Sáu Dân dấn thân đến với những công trình làm thay đổi bộ mặt đất nước như thủy điện Trị An, đường dây tải điện 500kV Bắc-Nam, Nhà máy lọc dầu Dung Quất hay Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ...

Với đội ngũ văn nghệ sĩ, sự gần gũi, sâu sát, chân tình của chú Sáu trong những dịp tiếp xúc, giải quyết nhiều vụ việc cụ thể khá bức xúc của giới, làm đọng lại trong anh chị em nghệ sĩ một tình cảm quý mến chân thành. Nhiều anh chị em bày tỏ tình cảm: "Chú Sáu Dân trọng trách to lớn là vậy, công việc căng kéo là vậy, nhưng vẫn không quên anh chị em. Lãnh đạo mà không xa cách. Trân trọng mà vẫn mộc mạc, bình dị, cởi mở, chân tình. Đồng chí đã có những nhận định sâu sắc, chính xác mang tính gợi mở trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, mà thời đó, nhiều người vẫn còn e ngại khi đề cập đến".

Với các chức sắc tôn giáo, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có những hoạt động có sức thu hút lớn, lôi cuốn vào những mục tiêu cao đẹp trên các lĩnh vực xã hội từ thiện, góp phần làm vơi đi nỗi bất hạnh của những cảnh đời không may trong xã hội. Rất nhiều lần, đồng chí chủ động trực tiếp gặp gỡ, đối thoại một cách thẳng thắn, không né tránh cả những vấn đề gay gắt, nhạy cảm, nhưng với một thái độ hết sức cởi mở, chân tình, làm cho người đối thoại cảm thấy thoải mái, mạnh dạn bày tỏ ý kiến. Với quan điểm và phong cách như thế, đồng chí Võ Văn Kiệt đã thuyết phục, cảm hóa, lôi cuốn nhiều chức sắc tôn giáo vào những hoạt động gắn bó đạo-đời, góp phần ổn định chính trị, an sinh xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều nơi trên đất nước.

Gần như lĩnh vực nào cũng được đồng chí Võ Văn Kiệt quan tâm một cách thấu đáo. Từ chuyện nghiên cứu khoa học, thăm dò tìm kiếm tài nguyên, bảo vệ môi trường và tài nguyên của đất nước, làm thủy lợi ở đồng bằng sông Cửu Long, phát triển giáo dục, y tế, bảo vệ di sản văn hóa của dân tộc cũng như xây dựng nếp sống văn hóa mới, bảo vệ động vật hoang dã, chống tham nhũng, cho đến những việc hết sức cụ thể như việc làm sao giảm bớt hội họp, đón tiếp linh đình... Vấn đề gì, đồng chí Võ Văn Kiệt cũng tích cực tham gia bàn, mà bàn một cách nhiệt tình, thấu đáo ngọn ngành chớ không nhất thời thỏa mãn, không chịu dừng nửa chừng.

Thời bao cấp, trong lúc làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Văn Kiệt rất trăn trở, băn khoăn khi dân thành phố thiếu gạo ăn, phải ăn bo bo, mì hạt trong khi gạo ở miền Tây Nam Bộ ứ đọng do tình trạng ngăn sông cấm chợ. Đến bây giờ, nhiều người mới được biết về tổ "buôn lậu" gạo của Bí thư Thành ủy ngày ấy do đồng chí Nguyễn Thị Ráo (Ba Thi), là Giám đốc Công ty Lương thực Thành phố Hồ Chí Minh thời đó phụ trách. Chỉ thế thôi, nhưng nói lên tấm lòng thương dân, lo cho đời sống nhân dân của chú Sáu Dân đối với hàng triệu dân cư của thành phố. Và cũng từ tổ "buôn lậu" gạo của Bí thư Thành ủy đó, mà Trung ương, trực tiếp là đồng chí Lê Duẩn đã gọi đồng chí Ba Thi ra Hà Nội báo cáo cụ thể tình hình và kết quả của việc làm đó. Từ đó Trung ương đã chủ trương xóa bỏ một số quy định quá ngặt nghèo trên lĩnh vực lưu thông, giải tỏa cơ bản những căng thẳng về lương thực ở đô thị lớn nhất nước, mà hậu quả sẽ khôn lường, nếu kéo dài hơn nữa.

Nhiều người đến nay vẫn còn nhớ, từ trước năm 1986, ởThành phố Hồ Chí Minh, đã xuất hiện và lưu truyền trong cán bộ, nhân dân thành phố những từ như "bung ra", "cởi trói", rồi dần dần biến thành từ "đổi mới". Đó là một sự khai phá, tìm tòi hướng đi cho cả một giai đoạn, không chỉ riêng cho thành phố, mà còn là cho cả nước, dù phải trải qua những dò dẫm trải nghiệm ban đầu gay go, để tháo gỡ thành kiến bảo thủ quá lâu của cơ chế bao cấp. Cũng phải vậy thôi, bởi cách mạng chưa có tiền lệ. Mọi sự tìm tòi, khám phá bao giờ cũng phải trả cái giá của nó. Không phải ai cũng tán thành, ủng hộ ngay những tìm tòi mới mẻ đó, thậm chí còn phản bác, quy chụp. Nhưng bình tĩnh, kiên trì làm và thuyết phục bằng kết quả thực tiễn, cụ thể là cách mà đồng chí Võ Văn Kiệt đã làm, và làm có kết quả trong những năm tháng còn khó khăn đó, khó cả tư duy, nếp suy nghĩ, lẫn cơ chế, mà nhiều người dù không bằng lòng với cơ chế cũ nhưng vẫn chưa dám thoát ra.

Từ khi về nhận nhiệm vụ ở Chính phủ, dù là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, hay sau đó ở cương vị Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Võ Văn Kiệt đã dốc hết sức mình cho công việc điều hành guồng máy quản lý và xây dựng đất nước. Đồng chí Võ Văn Kiệt - Sáu Dân vẫn luôn giữ tác phong xông xáo, tìm tòi, không bằng lòng với hiện tại, đi sâu, đi sát công việc, trăn trở với những gì còn ngăn cản đà phát triển, tiến lên của đất nước.

Khi Liên Xô tan rã, đồng chí đã ra sức cùng tập thể lãnh đạo Trung ương Đảng và Chính phủ tìm mọi cách đưa đất nước vượt qua giai đoạn vô cùng khó khăn. Những tháng năm là Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có những đóng góp quan trọng thúc đẩy tiến trình đổi mới của đất nước bằng những quyết sách thật táo bạo, thật sự thành công, đưa tốc độ phát triển của đất nước đạt những con số đầy ấn tượng, được thế giới khâm phục, tạo được những hình ảnh mới cho Việt Nam trên trường quốc tế. Những công trình xây dựng và công nghiệp quan trọng góp phần vào việc làm thay đổi diện mạo đất nước như đường dây tải điện 500KV Bắc-Nam, thủy điện Trị An, cũng như chương trình khai thác Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên ngày càng phát huy tác dụng, đem lại hiệu quả to lớn trong sự nghiệp phát triển đất nước.

Cũng phải nói đến những việc cực kỳ quan trọng mà đến bây giờ chúng ta mới biết như kiến nghị của đồng chí Võ Văn Kiệt với Bộ Chính trị năm 1995, lúc đồng chí đang là Thủ tướng Chính phủ về "Một số vấn đề cơ bản về đường lối xây dựng đất nước". Kiến nghị đó lúc ấy không được chấp nhận. Nhưng 10 năm sau, Đại hội X của Đảng đã có những kết luận phù hợp với nội dung mà đồng chí Sáu Dân đã kiến nghị trước đó. Nói lên điều này để thấy rằng, tư duy của đồng chí Võ Văn Kiệt đã có những bứt phá, đi trước hiện thực kinh tế-xã hội, một con người có sự nhạy cảm đặc biệt về chính trị, một tầm nhìn rộng và xa, trước nhiều người, đi trước trong nhiều vấn đề to lớn của xã hội đương thời. Vì thế, không phải ai đương thời cũng đồng tình. Nhưng thời gian cho thấy ý kiến, tư tưởng của đồng chí Võ Văn Kiệt là đúng. Đó thực sự là đạo đức cách mạng, là bản lĩnh và tính chiến đấu cao, là phẩm chất cách mạng và khoa học của một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một con người không bao giờ chịu lùi bước trước khó khăn. Đó là nhân cách cụ thể mà sinh động của một chiến sĩ cộng sản thực thụ. Đó là cái tâm, cái tầm trong một con người lãnh đạo đặc biệt tài năng.

Sinh thời, đồng chí Phạm Văn Đồng, người đã giữ cương vị Thủ tướng Việt Nam 32 năm, đã đánh giá về đồng chí Võ Văn Kiệt như sau: "Đánh giá đúng mức và khách quan thì trong các đời Thủ tướng Việt Nam, kể cả tôi, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người làm được nhiều việc nhất cho dân tộc, cho đất nước". Chúng tôi nghĩ, chắc có lẽ không có đánh giá nào chính xác hơn câu nhận xét nêu trên của nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng về con người hành động của đồng chí Võ Văn Kiệt - chú Sáu Dân của chúng ta.

Với Kiên Giang

Đồng chí Võ Văn Kiệt hình như có cái duyên với Kiên Giang. Cái duyên đó khởi đầu từ sau Nam Kỳ khởi nghĩa, khi từ Vĩnh Long, theo sự chỉ đạo của trên tỉnh ủy, cùng với một số đồng chí về địa bàn U Minh-Kiên Giang, "gây dựng lại cơ đồ". Trong lòng Đảng bộ và đông đảo nhân dân Kiên Giang từ lâu, đồng chí Võ Văn Kiệt - chú Sáu dân đã trở thành một phần máu thịt của tỉnh nhà, của mỗi người dân bình thường.

Quá trình gắn bó đó diễn ra trong hơn 60 năm, tuy có lúc đồng chí Võ Văn Kiệt - chú Sáu Dân đã phải đảm nhiệm những công việc do Đảng phân công ở những địa bàn xa Kiên Giang hay ở Trung ương, nhưng trong đồng chí, Kiên Giang luôn luôn là quê hương thân thương, gắn bó.

Từ những tư tưởng và nội dung chỉ đạo xây dựng lực lượng cách mạng, xây dựng vùng tập kết 200 ngày sau Hiệp định Genève 1954 ở Kiên Giang, có sức thu hút cả quần chúng ở các đô thị, đến tư tưởng và quyết tâm chỉ đạo, cương quyết đánh địch lấn chiếm vùng giải phóng khi Hiệp định Paris năm 1973 có hiệu lực đã tác động lớn đến cục diện chiến trường toàn tỉnh Kiên Giang. Chính nhờ ý chí và quyết tâm ấy, vùng giải phóng ở Kiên Giang, từ U Minh Thượng đến Giồng Riềng, Gò Quao, Hà Tiên không những được giữ vững, mà còn mở rộng khi hàng loạt đồn bốt địch phải rút chạy trước sự tấn công của lực lượng cách mạng, tạo ra thế và lực mới cho Kiên Giang đến trước ngày toàn thắng 30/4/1975.

Sau ngày miền Nam toàn thắng năm 1975, đồng chí Võ Văn Kiệt, khi là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, hay khi đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ, đã có nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy sự phát triển của đồng bằng sông Cửu Long cũng như Kiên Giang.

Với Kiên Giang, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn nhớ đến tấm gương anh dũng của những cán bộ, chiến sĩ đội phòng thủ của Tỉnh ủy Rạch Giá. Vào một ngày tháng 3/1971, tại khu rừng nhỏ cạnh bờ biển xã Đông Thái, huyện An Biên, họ đã kiên cường đánh chặn bằng được lực lượng quân chủ lực của địch đông hơn trăm lần và với sự yểm trợ của không quân, hải quân, pháo binh nhằm tiêu diệt các đồng chí lãnh đạo của khu. Trước sự chênh lệch quá lớn về lực lượng, dù biết phải hy sinh, nhưng các chiến sĩ đội phòng thủ Tỉnh ủy đã anh dũng chiến đấu và hy sinh để bảo vệ an toàn cho Ban Thường vụ Khu ủy Khu 9 (lúc đó đồng chí đang làm Bí thư Khu ủy Khu 9) và quân khu đang có cuộc họp đột xuất nhưng cực kỳ quan trọng, liên quan đến cục diện toàn chiến trường Tây Nam Bộ.

Sau này, đồng chí Võ Văn Kiệt đã dành nhiều thời gian thăm viếng, an ủi, tri ân những người thân của những liệt sĩ đã dũng cảm cứu mình và lãnh đạo Khu ủy, Quân khu ủy trong một tình huống ngặt nghèo của chiến tranh ngày ấy.

Sau ngày miền Nam toàn thắng năm 1975, đồng chí Võ Văn Kiệt, khi là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, hay khi đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ, đã có nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy sự phát triển của đồng bằng sông Cửu Long cũng như Kiên Giang.

Đến với Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên gồm hai tỉnh An Giang và Kiên Giang, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn trăn trở: Làm sao khai thác hai vùng đất, mà từ lâu được mệnh danh là rốn phèn này, để cho ra lúa, ra cá, ra khoai phục vụ nâng cao đời sống nhân dân trong vùng và đóng góp làm giàu cho đất nước.

Không ít ý kiến phản bác của cán bộ lãnh đạo có, quản lý có, kể cả của một số nhà khoa học. Lắng nghe, suy tính nhưng không chùn bước trong việc tìm lối ra, đồng chí Sáu Dân đã cùng các nhà khoa học của các cơ quan khoa học nông nghiệp ở Trung ương, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và hai tỉnh An Giang, Kiên Giang nhiều lần đi khảo sát thực tế, lội đồng với nông dân hỏi cặn kẽ người dân nơi đây về kinh nghiệm trị phèn, trị thủy. Cuối cùng, một quyết sách đã đến: Chương trình tiến quân vào khai thác vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đã được hình thành và triển khai thực hiện trên bình diện toàn vùng. Đông đảo nhân dân hồ hởi.

Ngày qua ngày, những con kênh được đào đưa nước sông Tiền, sông Hậu về rửa chua, sổ phèn. Những cánh đồng được quy hoạch và khai thác. Những xóm ấp mới mọc lên ở những nơi trước đây chỉ có rừng bụi, lau sậy cỏ dại từ ngàn đời. Điều kỳ diệu có thực đã xảy ra. Kết quả thành công rực rỡ sinh động đã đến như một huyền thoại. Vùng đất trầm thủy đầy phèn chua hàng ngàn năm của Đồng Tháp Mười, của An Giang và Kiên Giang đã mướt màu xanh của các loại cây lương thực, nâng cao sản lượng lương thực toàn vùng một cách đáng kinh ngạc. Một kết quả đã minh chứng rõ rệt, sinh động từ một tư duy sắc sảo, nhưng luôn gắn liền với thực tiễn, xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, của nhân dân, của cuộc sống, rồi trở về phục vụ cuộc sống của nhân nhân.

Một việc làm khác, mà kết quả ngày càng cao hơn, tác dụng ngày càng rõ hơn: Đó là chương trình thoát lũ ra biển Tây. Tứ giác Long Xuyên đã cho ra lúa, ra khoai, nhưng cứ vài năm lại ngập sâu trong lũ, gây biết bao khó khăn cho dân. Không bằng lòng với kết quả đã có, đồng chí Võ Văn Kiệt - chú Sáu Dân lại đến với Kiên Giang, Tứ giác Long Xuyên trong mùa lũ, để thấy nước sông Cửu Long tràn về ngập trắng đồng, ngập sâu, làm cho sản xuất và mọi sinh hoạt, đời sống của bà con vô cùng khó khăn. Có những năm, lúa chín vàng đồng, chưa kịp thu hoạch thì đã ngập chìm trong lũ, người dân đứng nhìn mà đau xót. Thu hoạch lúa mà phải ngụp lặn trong nước sâu, không có mùa lũ nào không có người chết do lũ, nhất là trẻ em.

Đồng chí Võ Văn Kiệt trăn trở: Phải sống chung với lũ. Sống chung, nhưng phải làm sao bắt lũ phải phục vụ con người. Thay vì gây hại, lũ phải đem lại nguồn lợi cho dân mình.

Không thể kể hết sự vui mừng của nhân dân hai tỉnh An Giang và Kiên Giang lúc chương trình hoàn thành, khi những con kênh lớn mới được đào đưa nước sông Hậu thoát ra biển Tây trong mùa lũ, hình thành các cụm tuyến dân cư. Nước vẫn cứ ngập trắng đồng đó, nhưng là độ ngập cần thiết và biết bao lợi ích nhiều mặt hiện rõ. Đồng ruộng được vệ sinh sạch sẽ, môi trường đất, nước thuận lợi hơn cho sản xuất lúa khoai, cá tôm vẫn sinh sôi đem lại thu nhập cho bao nhà, bao người. Đồng ruộng vẫn xanh tươi khi nước ngọt không thừa cũng không thiếu. Mọi sinh hoạt đời sống của dân vùng lũ diễn ra bình thường như những nơi khác. Những con lộ giao thông đảm bảo cho mọi phương tiện vận tải đi lại thuận lợi trong hai mùa mưa nắng. Sự thay đổi cuộc sống của hàng chục vạn dân cư bắt đầu từ ý tưởng chung sống với lũ của một con người: Võ Văn Kiệt.

Vì thế, nhân dân các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành luôn nhớ đến chú Sáu Dân, đã kiến nghị đặt tên con kênh. Từ một trong những con kênh chính trong hệ thống thoát nước ra biển Tây là kênh Võ Văn Kiệt. Điểm đặc biệt ở đây là trước khi được cấp có thẩm quyền công nhận tên mới, nhân dân trong vùng đã cùng nhau gọi đó là kênh Võ Văn Kiệt rồi. Một cách tôn vinh mộc mạc dân dã tự trong lòng của quần chúng.

Nhớ lại những năm làm Thủ tướng Chính phủ, những lần về thăm và làm việc với Kiên Giang, chú Sáu Dân nhiều lần dặn dò chúng tôi: Kiên Giang phải quyết giữ bằng được rừng U Minh, cho làm đường tráng nhựa quanh rừng, làm đường từ An Biên qua Vĩnh Thuận đến Cà Mau (nay là quốc lộ 63). Giao đất cho dân vùng đệm để họ gắn bó với rừng, giữ rừng. Phải xây dựng lại U Minh Thượng, căn cứ của Nam Bộ của Khu ủy và nhất là của chính Rạch Giá-Kiên Giang. Đó là quá khứ nhưng là một quá khứ hào hùng. Không có quá khứ đó, chúng ta không thể có hôm nay. Lời căn dặn đó, hôm nay Kiên Giang chúng tôi bắt đầu thực hiện, bắt đầu tái hiện lại khu căn cứ để giáo dục truyền thống anh hùng cho lớp trẻ, kết hợp với khai thác du lịch.

Nhân cách Võ Văn Kiệt

Với cả nước, đồng chí Võ Văn Kiệt là một nguyên thủ quốc gia, một cán bộ lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, một nhãn quan khoa học và tinh tế, một tư duy nhạy bén, linh hoạt, sắc sảo trên hầu hết mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, đối ngoại, văn hóa nghệ thuật, xã hội, tín ngưỡng tôn giáo, đến những điều tưởng chừng như rất nhỏ với xã hội, nhưng lại vô cùng to lớn với một nhóm người, một con người. Một thái độ trân trọng, biết lắng nghe cả những tiếng nói trái tai mà có lúc gần như phải trần mình. Nhưng chính yếu và trên hết, là một khối óc và trái tim hết lòng tận tụy với Đảng, với dân và cả với những người mà bản thân họ tưởng rằng không bao giờ được gặp một người lãnh đạo cấp cao như thế. Học dân, nghe dân, tin dân, làm theo ý dân, xuất phát từ dân rồi trở về với nhân dân, là tư tưởng hành động cụ thể mà đồng chí thể hiện một cách xuyên suốt trọn cuộc đời mình.

Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp hay chống Mỹ, nét nổi bật của đồng chí Võ Văn Kiệt là thể hiện bản lĩnh vững vàng của người lãnh đạo, người chiến sĩ cách mạng. Đó là tư tưởng tiến công không lùi bước trước khó khăn, gian khổ; đó là sự dũng cảm, tinh thần trách nhiệm dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân.

Những quyết sách táo bạo, thể hiện sự sáng suốt nhạy bén và tính quyết đoán trước tình thế cách mạng, tình hình chiến trường miền Tây Nam Bộ sau Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cũng như sau khi Hiệp định Paris 1973 có hiệu lực, đã thể hiện một bản lĩnh hiếm có của người lãnh đạo cao nhất ở chiến trường trọng điểm. Đó là tư chất đặc biệt của một lãnh đạo, trước những thời điểm quan trọng có ý nghĩa quyết định của công cuộc kháng chiến, mà nếu quyết định sai, sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.

Ngày nay, khi chiến tranh đã lùi xa, chúng ta càng có đủ căn cứ cơ sở đánh giá ý nghĩa, kết quả tác dụng của những quyết định có tính lịch sử đó của đồng chí Võ Văn Kiệt với công cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Tây Nam Bộ và đối với cả nước. Sẵn sàng chịu nhận kỷ luật chứ không chịu nhận chức vụ cao hơn khi tự thấy mình chưa xứng đáng, dám chịu trách nhiệm và cũng sẵn sàng nhận kỷ luật trước Đảng chứ không để địch dồn cách mạng vào thế bất lợi. Quyết sách đó, bản lĩnh đó, xuất phát từ cái tâm trong sáng, từ tình yêu nước thương dân vô bờ, từ cái tầm cao rộng, một trí tuệ nhạy bén, sắc sảo mà không phải ai cũng có được. Cái tâm ấy, cái tầm ấy đã quyện chặt trong một tư duy, trong mọi hành động của đồng chí Võ Văn Kiệt một cách xuyên suốt, trong kháng chiến cũng như trong thời bình, hun đúc thành một nhân cách lớn: Nhân cách Võ Văn Kiệt.

Những năm tháng chiến tranh đã hun đúc trong Võ Văn Kiệt một chân lý: Không có dân, sẽ không có cách mạng, không có độc lập tự do, không có Tổ quốc. Vì thế, trong thời bình, Võ Văn Kiệt đau đáu suy tư, trăn trở với cuộc sống của nhân dân, với cái nghèo của nông dân miền Tây và cả nước. Những công trình lớn hình thành trên đất nước trong thời gian đồng chí Võ Văn Kiệt đứng đầu Chính phủ đã thể hiện một tư duy đi trước, một tầm nhìn xa rộng, một nhận thức sắc sảo trước bao bề bộn của thực tiễn xã hội, một thái độ quyết đoán. Nhưng trên hết, rõ hơn cả là một tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân. Đó là đạo đức trách nhiệm, là phẩm chất cao quý của một đảng viên trung kiên, hiểu rõ, nắm vững và vận dụng một cách sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác -Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoàn cảnh cụ thể của chiến tranh, của từng giai đoạn cách mạng. Dưới một góc độ nào đó, có thể nói, đó là trí tuệ -trí tuệ Võ Văn Kiệt.

Là một nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, nhưng Võ Văn Kiệt luôn là một con người có lối sống trong sáng, một tác phong bình dị, mộc mạc, gần gũi, chân tình với mọi người, từ lực lượng thanh niên, những nông dân nghèo, các nhà giáo, nhà khoa học, đến những văn nghệ sĩ, phóng viên báo chí, doanh nghiệp, những người Việt Nam sống xa Tổ quốc... ai ai cũng đều trân trọng, kính mến, tin yêu một con người mà khi đã gặp một lần rồi, khi xa vẫn cảm thấy có Võ Văn Kiệt ở bên mình, và tin mình có trong Võ Văn Kiệt. Cảm nhận ấy rất đỗi nhân văn.

Tình cảm ấy của nhân dân, của cộng đồng dân tộc đã tự nhiên hội tụ, tự nhiên hình thành sự tôn vinh một nhân cách: Nhân cách Võ Văn Kiệt. Đó là một nhân cách lớn mà nhân dân, xã hội đã tự tôn vinh, đã suy cử một cách tự nhiên từ trong lòng. Đó là một cái danh vĩ đại, sống mãi cùng lịch sử.

Đảng bộ Kiên Giang nhớ đồng chí Võ Văn Kiệt. Nhân dân Kiên Giang luôn ghi nhớ công lao đồng chí Võ Văn Kiệt - chú Sáu Dân với những công trình để mãi về sau. Một hệ thống kênh thoát lũ, chỉ kênh T5 và một ngôi trường phổ thông ở huyện Vĩnh Thuận được mang tên Võ Văn Kiệt, chúng tôi cảm thấy chưa bằng lòng so với những gì mà đồng chí Võ Văn Kiệt - chú Sáu Dân đã làm, đã đem lại cho Kiên Giang, cho U Minh Thượng của chúng ta. Đảng bộ Kiên Giang nhất quyết phải làm, phải có một cái gì đó thể hiện tương xứng.

Võ Văn Kiệt, một con người, một chiến sĩ cộng sản kiên cường. Khi sống đã vĩ đại. Khi mất đi, càng vĩ đại hơn.

___________

1. Nhan đề những bài viết của đồng chí Võ Văn Kiệt viết cho thanh niên thời gian đó.