Trước đó, tôi đã từng được nghe tiếng về anh Sáu như một nhà lãnh đạo từng trải ở Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến và hoạt động năng nổ ở Thành phố Hồ Chí Minh sau ngày giải phóng; khi gặp anh lần đầu tiên, điều gây cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất là anh rất cởi mở, chuyện trò rất tự nhiên với các đồng chí Liên Xô và bọn tôi, đúng phong cách của một "anh Hai Nam Bộ".
Sau này tôi có nhiều dịp tiếp xúc, làm việc trực tiếp với anh Sáu, khi thì trên cương vị Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, khi thì với trách nhiệm là Bộ trưởng Thương mại, khi thì tham gia Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thường trực Chính phủ. Đã có không ít người chia sẻ những ấn tượng, đánh giá về anh Sáu với tư cách là một nhà lãnh đạo xuất sắc về chiến tranh và xây dựng, riêng tôi muốn chia sẻ vài cảm nghĩ về anh trên mặt trận đối ngoại.
Vào đầu những năm 90 thế kỷ trước đã xuất hiện một số tín hiệu cho thấy nước ta có cơ hội thoát khỏi tình thế bị bao vây cấm vận, mở rộng quan hệ quốc tế. Tại một cuộc họp của lãnh đạo Đảng và Nhà nước bàn về vấn đề này, trong lúc nghỉ giải lao, anh Sáu gọi tôi - đại diện cho Bộ Ngoại giao được triệu tập sang dự họp, ra một góc để trao đổi ý kiến. Anh đặt vấn đề: đã có sự nhất trí cao về đánh giá tình hình và chủ trương phá vây, song ta cần tính kỹ bước đi sao cho có hiệu quả nhất.
Trong quá trình trao đi đổi lại, anh gợi ý nên áp dụng chiến thuật "hoa sen nở", đi từ trong ra, theo đó trước hết cần cải thiện quan hệ với các nước trong khu vực Đông Nam Á vốn có lợi ích sát sườn trong quan hệ với ta đi đôi với việc bình thường hóa quan hệ với nước láng giềng phương Bắc là Trung Quốc; từ đó tạo ra thế mới để cải thiện, thiết lập quan hệ với các nước ở vòng cung thứ hai thuộc khu vực Tây Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, tiếp đó vươn sang vòng cung xa hơn là EU; thành công của những bước đi ấy sẽ tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy Mỹ chấm dứt chính sách cô lập, cấm vận nước ta.
Thật tình tôi rất ngạc nhiên về cách đặt vấn đề mang tính chiến lược như vậy của anh Sáu - một người vốn chưa hoạt động đối ngoại nhiều. Càng về sau tôi càng nghiệm thấy rõ bằng kinh nghiệm đấu tranh cách mạng và chỉ đạo chiến tranh đã hun đúc trong anh tầm nhìn chiến lược cả về đối ngoại.
Cũng giống như khi chỉ đạo các công việc trong nước, một khi đã xác định mục tiêu chiến lược thì anh thường rất quyết đoán, không quá băn khoăn những khía cạnh cụ thể, tiểu tiết. Như trên đã nói, đoàn đại biểu Chính phủ ta do anh Sáu dẫn đầu đã lần lượt đi thăm Thái Lan, Indonesia, Malaysia…Giữa các chuyến thăm đó, anh Tư Triết, Bộ trưởng Bộ Thương mại lúc bấy giờ có việc quá cảnh Singapore bỗng nhiên được Phó Thủ tướng đương nhiệm là ông Lý Hiển Long tiếp và ngỏ ý sẵn sàng đón đoàn ta. Anh Tư Triết gọi điện cho tôi thông báo việc này và đề nghị cho ý kiến ngay để trả lời bạn. Tôi lập tức gọi điện xin ý kiến anh Sáu, anh chỉ thị cho tôi cứ nhận lời, anh sẽ thu xếp thủ tục nội bộ sau.
Trong quá trình trao đi đổi lại, anh gợi ý nên áp dụng chiến thuật "hoa sen nở", đi từ trong ra, theo đó trước hết cần cải thiện quan hệ với các nước trong khu vực Đông Nam Á vốn có lợi ích sát sườn trong quan hệ với ta đi đôi với việc bình thường hóa quan hệ với nước láng giềng phương Bắc là Trung Quốc; từ đó tạo ra thế mới để cải thiện, thiết lập quan hệ với các nước ở vòng cung thứ hai thuộc khu vực Tây Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, tiếp đó vươn sang vòng cung xa hơn là EU; thành công của những bước đi ấy sẽ tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy Mỹ chấm dứt chính sách cô lập, cấm vận nước ta.
Cũng vào đầu năm 90 thế kỷ XX, ta đã tính đến việc gia nhập ASEAN và giữa những năm 90 đã xuất hiện những tín hiệu từ các nước thành viên sẵn sàng kết nạp nước ta vào Hiệp hội. Sau khi xin ý kiến các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước ngoài Hà Nội, tôi bay vào Thành phố Hồ Chí Minh để xin ý kiến anh Sáu đang họp ở trong đó. Bước vào sảnh Ủy ban Thành phố, tôi nhờ anh em vào báo cáo anh Sáu tôi có việc quan trọng cần xin ý kiến gấp. Một lúc sau anh Sáu bước ra và hỏi: Có việc gì gấp "dậy"? Nghe tôi trình bày đầu đuôi, anh nói: tôi đã có ý kiến từ lâu rồi, còn đắn đo gì nữa, nếu không sẽ bỏ lỡ cơ hội!
Năm 2000, sau khi được cử sang làm Bộ trưởng Thương mại, một trong những việc tôi phải tiến hành là làm thế nào để sớm ký Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ nhằm mở ra một thị trường có dung lượng lớn nhất thế giới. Thực ra, cuộc đàm phán đã hoàn tất vào năm trước song ngay trước khi Hiệp định được ký ở Auckland (New Zealand) nhân dịp Hội nghị cấp cao APEC họp thì đã bị hoãn lại do còn có sự băn khoăn về một số điểm. Nay tôi phải đàm phán tiếp để giải quyết nốt những điểm đó và ký Hiệp định. Trước khi khăn gói lên đường sang Washington, đương nhiên tôi phải xin ý kiến lãnh đạo. Anh Lê Khả Phiêu, lúc này đã là Tổng Bí thư yêu cầu tôi xin thêm ý kiến các đồng chí Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đỗ Mười, Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt. Khi gặp anh Sáu, tôi định trình bày các phương án cụ thể để giải quyết từng điểm còn lại thì anh ngắt lời nói: tôi chỉ muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp định này đối với quan hệ quốc tế của nước ta và việc mở rộng thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, còn những điểm cụ thể các anh tự lo liệu rồi xin ý kiến quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đó là vài việc "đại sự quốc gia", còn ngay cả các vấn đề cụ thể, anh Sáu cũng có những quyết định rất độc đáo. Tôi nhớ khi anh Sáu quyết định cấm đi dép lê, đội mũ tại các cuộc họp công cộng; yêu cầu phải mặc complê, đeo cravát trong các nghi lễ trọng thể, ngay anh em chúng tôi vốn quen hoạt động ngoại giao cũng thầm nghĩ rằng, quyết định ấy không thực tế. Thế mà chẳng bao lâu sau, tại một cuộc họp chính thức ở một tỉnh miền núi, tôi bị "nhốt" vì chỉ có mình mình ăn mặc tuyềnh toàng, còn các vị lãnh đạo địa phương đều mặc complê, đeo cravát tuốt!
Một việc nữa cũng nhờ có sự quyết đoán của anh Sáu mà nay đã có sự thay đổi căn bản. Đó là trước đây, ta tổ chức nghi thức đón các đoàn cấp cao nước ngoài tới thăm Việt Nam ở quảng trường vườn hoa "Con Cóc", trước Nhà khách Chính phủ 12 Ngô Quyền và Ngân hàng Nhà nước. Chỗ đó chẳng có ý nghĩa lịch sử hay mang tính tượng trưng gì lại rất trống trải, rất không phù hợp với các nghi lễ trang nghiêm. Thấy vậy anh Sáu bèn quyết định cải tạo sân trước Chủ tịch phủ làm nơi tiến hành công việc trang trọng này. Nơi đó vừa có ý nghĩa lịch sử sâu sắc và mang tính biểu tượng cao, cảnh quan đẹp, bốn bề rợp bóng cây xanh. Thế nhưng lúc đó cũng đã nảy sinh tiếng bấc tiếng chì, cho là lãng phí! Trong một lần đi kiểm tra công trình, anh Sáu chia sẻ với tôi tâm tư trước những lời bàn tán đó và nói rằng, việc này liên quan đến bộ mặt quốc gia, tuy có tốn đôi chút vẫn là việc nên làm, đã thấy đúng thì cứ mạnh dạn làm, rồi ra người ta sẽ hiểu. Quả thực bây giờ không thể tưởng tượng nổi một nơi nào xứng đáng hơn cho nghi lễ trang trọng này.
Trong quan hệ quốc tế, anh Sáu đã tạo dựng được tình thân với nhiều nhà lãnh đạo các nước - một nhân tố cực kỳ quan trọng, có lợi cho mối bang giao giữa nước ta với các nước. Nhiều lần được đi cùng anh Sáu tiếp xúc với khách nước ngoài, tôi nhận ra rằng, sở dĩ vậy vì anh Sáu có một phẩm chất rất quý là luôn chân thành, thẳng thắn, thiết thực. Khi giao lưu, tiếp xúc với khách nước ngoài, anh Sáu ít khi dùng những ngôn từ, câu nói xã giao sáo rỗng, mà thường “áp dô” những vấn đề thiết thực. Gặp ông Lý Quang Diệu là vấn đề xây dựng khu công nghiệp kiểu mẫu của Singapore ở Sông Bé, nay là Bình Dương, gặp ông Mahathir là vấn đề xây dựng khu chế xuất của Malaysia, gặp ông Murdani - Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, phụ tá thân cận của Tổng thống Suharto là vấn đề thềm lục địa giữa hai nước, gặp Thủ tướng Anand là vấn đề thay đổi chính sách hà khắc đối với bà con người Việt ở Thái Lan...
Nhiều người đã nói tới ý nguyện của anh Sáu mở rộng tấm lòng với bà con người Việt ở nước ngoài, thực hiện sự hòa hợp dân tộc. Khi chuẩn bị đi thăm Australia, ta nhận được tin một số phần tử quá khích sẽ tổ chức các cuộc biểu tình rầm rộ để chống phá đoàn ta và quan hệ hai nước. Tôi sang gặp anh Sáu báo cáo công việc, trong đó có việc xử lý tình huống này. Anh Sáu nói không có gì đáng ngại, chúng chỉ là thiểu số nhỏ nhoi, còn đại đa số bà con vẫn hướng về đất nước.
Nhiều lần được đi cùng anh Sáu tiếp xúc với khách nước ngoài, tôi nhận ra rằng, sở dĩ vậy vì anh Sáu có một phẩm chất rất quý là luôn chân thành, thẳng thắn, thiết thực.
Khi tới Canberra thì quả nhiên bọn quá khích đã gây ra những hành vi chống phá khi đoàn ta tới hội đàm ở Nhà Quốc hội. Buổi tối hôm đó, Thủ tướng Keating tổ chức chiêu đãi chào mừng đoàn. Anh Sáu đề nghị tôi gặp Chánh Văn phòng Nội các trước, yêu cầu có biện pháp không để những kẻ quá khích tới dự chiêu đãi. Bạn đã giữ lời hứa không để bọn chúng xuất hiện song mời khá đông đại diện Việt kiều thuộc nhiều chính kiến khác nhau tới dự. Lúc đầu bà con còn giữ kẽ, né tránh chuyện trò với các thành viên trong Đoàn, nhất là với anh Sáu nhưng chẳng bao lâu sau, với thái độ chủ động, thân mật, cởi mở anh Sáu đã hút họ về phía mình, chuyện trò rôm rả, chú chú cháu cháu như người thân lâu ngày mới gặp, thậm chí trời đã về khuya vẫn chưa dứt, mấy lần tôi phải nhắc anh rời cuộc tiệc để chủ nhà còn về nghỉ.
Chẳng biết số phận run rủi thế nào mà khi tham gia ban lãnh đạo Đảng và Chính phủ tôi được xếp ở ngôi nhà công vụ, nơi anh Sáu ở trước khi nghỉ hưu, được bố trí sử dụng chiếc xe nhãn hiệu Crown mà anh Sáu đã từng dùng đến tận khi chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Một lần kia ra Hà Nội, anh Sáu rủ tôi lên Nhà nghỉ Hồ Tây hàn huyên. Lúc đó vào buổi tối, bước vào nhà tôi thấy anh Sáu thoải mái trong bộ cánh bà ba nâu, tươi cười chào hỏi. Hai anh em đàm đạo gần hai tiếng đồng hồ, đủ chuyện trên trời dưới đất, trong đó anh trăn trở nhiều điều. Anh cho rằng phải rất tích cực, chủ động ứng phó với sự biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng; chính vì vậy anh có ý định sang thăm Hà Lan - một quốc gia mà ngay tên gọi đã có nghĩa là vùng đất thấp, để tìm hiểu kinh nghiệm của họ ứng phó với tình cảnh này thế nào. Trước khi chia tay anh còn khuyên tôi nên chủ động theo dõi sức khỏe bản thân bằng cách định kỳ đi thử máu.
Thế mà chỉ vài hôm sau tôi bỗng nhận được tin anh Sáu đã rời thế gian về cõi vĩnh hằng. Và lạ thay, cây vú sữa anh Sáu trồng giữa sân ngôi nhà tôi ở không biết vì sao bỗng chết khô, chỉ còn lại những cây tầm gửi vẫn xanh tươi quấn quýt xung quanh thân cây như nhắn nhủ rằng, anh Sáu đã ra đi song ý tưởng, công lao của anh sẽ xanh tươi mãi với đời.