Võ Văn Kiệt, một bộ óc chiến lược

NDO - Tôi vinh dự được làm Trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong những năm 1985 - 1994, là thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng những năm 1993-2006 (có nhiều tên gọi khác nhau, do Thủ tướng Võ Văn Kiệt thành lập và Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp tục sử dụng).
Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm cán bộ, công nhân Công ty Xây lắp điện 3 đang thi công tuyến đường dây 500kV Hà Tĩnh-Đắc Lây, tháng 5/1993. (Ảnh: Minh Đạo/TTXVN)
Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm cán bộ, công nhân Công ty Xây lắp điện 3 đang thi công tuyến đường dây 500kV Hà Tĩnh-Đắc Lây, tháng 5/1993. (Ảnh: Minh Đạo/TTXVN)

Những năm phục vụ Thủ tướng Võ Văn Kiệt là những năm tháng vô cùng quý báu đối với tôi, qua đó, tôi đã học tập được ở ông rất nhiều, từ tư duy cho đến phong cách. Đối với tôi, ông là người anh, người thầy vô cùng thân thiết. Xin ghi lại dưới đây về tư duy chiến lược của ông mà tôi đã có những cảm nhận sâu sắc.

Tư duy “Đại đoàn kết dân tộc"

Ông Võ Văn Kiệt từng nhiều lần nhấn mạnh rằng: Bài họclớn nhất, thâm thúy nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông là bài học phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tự do, dân chủ. Đó là cội nguồn của mọi thành công trong lịch sử đất nước từ trước đến nay, là con đường thu phục nhân tâm về một mối cho công cuộc chấn hưng đất nước, là nguồn sức mạnh sáng tạo bất tận của dân tộc trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo ông, trong thời đại ngày nay, khi quá trình toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế càng phát triển thì mỗi quốc gia càng cần phải phát huy sức mạnh dân tộc để tự khẳng định mình. Đoàn kết dân tộc là một xu thế tiến bộ có tính khách quan, trở thành một sức mạnh to lớn...

Tư duy xuyên suốt ấy của ông bắt nguồn từ cảm nhận của bản thân ngay trong những ngày đầu tham gia cách mạng ở quê hương Vĩnh Long, được tôi luyện trong Nam Kỳ khởi nghĩa và tiếp theo đó trong suốt cuộc chiến tranh khốc liệt chống Pháp, chống Mỹ ở các chiến trường, ông đã nhận rõ: khi được nhân dân che chở, sống trong lòng dân, thì giành được thắng lợi; sức mạnh to lớn của kháng chiến là được huy động từ sức dân, nhiều chủ trương sáng tạo, đột phá của lãnh đạo là xuất phát từ sáng kiến của dân. Ông đánh giá rất đúng sự tham gia công cuộc chống Mỹ, cứu nước của các tầng lớp nhân dân miền Nam, của các nhân sĩ, trí thức, nhà tư sản, địa chủ, trong đó có những nhà trí thức cỡ lớn, kể cả những người trong “Lực lượng thứ ba”.

Theo ông, mỗi người có cách hành động và thể hiện lòng yêu nước khác nhau, tuỳ theo hoàn cảnh và chỗ đứng của mỗi người trong xã hội. Ông cho rằng Tổ quốc không phải của riêng người cộng sản, cũng không phải của riêng tôn phái nào, mà là cội nguồn cảm thông và gắn bó chặt chẽ đại đoàn kết dân tộc. Không thể và không nên đòi hỏi toàn xã hội đều có hành động yêu nước giống nhau. Mỗi người, trong mỗi hoàn cảnh, nếu khơi dậy đúng mạch nguồn dân tộc sẽ có những hành động yêu nước khác nhau; mọi người hợp lực cùng đảm đương trách nhiệm với tương lai tươi sáng của đất nước.

Trong những năm hòa bình xây dựng đất nước, ông đặc biệt quan tâm thực hiện những hoạt động thiết thực để cải thiện đời sống của nhân dân đang có quá nhiều khó khăn sau những năm dài chiến tranh. Trong thời gian đảm trách những vị trí quan trọng của quốc gia, ông đã tổ chức soạn thảo và quyết định những chính sách lớn vào thời đó, như: hình thành hệ thống ngân hàng hai cấp; xóa bỏ hạn chế về mức gửi tiền và hàng của Việt kiều về nước; bãi bỏ các trạm kiểm soát trên các tuyến giao thông, ban hành các nghị định về công ty cổ phần và doanh nghiệp tư nhân, v.v. nhằm giải phóng lực lượng sản xuất, thực thi trong cuộc sống tư duy đổi mới của Đảng.

Những công trình như khai thác Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, xây dựng đường dây tải điện 500kV Bắc-Nam, đường Bắc Thăng Long-Nội Bài, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, v.v được ông kiên quyết tiến hành mang đậm "dấu ấn Võ Văn Kiệt" đều dựa trên tư duy đem lại hạnh phúc cho nhân dân, trên niềm tin vững chắc vào sự ủng hộ và tham gia nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân.

Theo ông Võ Văn Kiệt, sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc chỉ được khơi dậy trong không khí tự do, dân chủ. Ông cho rằng: đất nước Việt Nam, giang sơn Việt Nam là tài sản chung của mọi người Việt Nam, của cả dân tộc Việt Nam; mọi người Việt Nam đều có trách nhiệm và có quyền được đóng góp làm cho đất nước giàu thêm và đẹp thêm; phải làm sao để cho mọi người Việt Nam đều được sống với giang sơn gấm vóc này, được hưởng mọi giá trị vật chất và tinh thần trong quá trình phát triển của đất nước.

Theo ông Võ Văn Kiệt, kẻ thù chủ yếu của dân tộc ta hiện nay là sự nghèo nàn, lạc hậu; mà lạc hậu thì sẽ tụt hậu; tụt hậu thì sẽ khó thoát khỏi vòng lệ thuộc. Vì vậy, tất cả những ai có thể góp một phần vào việc chống kẻ thù đó đều nên và có thể đứng trong hàng ngũ của chúng ta. Đó là thực hiện đại đoàn kết toàn dân, thu hút mọi người vào công cuộc phát triển đất nước; là cách thực hiện dân chủ rộng rãi nhất, không phân biệt tôn giáo, giai cấp, chính kiến, miễn là cùng điểm tương đồng vì phồn vinh của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.

Trong thời gian giữ vị trí lãnh đạo ở Thành phố Hồ Chí Minh, với câu nói nổi tiếng "Không ai chọn cửa để sinh ra", ông đã gỡ bỏ mặc cảm của số thanh niên sinh sống trong vùng tạm chiếm hoặc gia đình có người tham gia bộ máy chính quyền cũ, lôi cuốn họ vào các phong trào xây dựng thành phố những ngày sau giải phóng. Ông cho rằng đại đoàn kết dân tộc gắn liền với mở lòng với tất cả những người yêu nước, thương nòi; ông cũng tỏ ra tiếc nuối vì trong một số năm sau khi đất nước thống nhất, tư tưởng hẹp hòi, thành kiến, đố kỵ, đã làm tổn thương tình cảm dân tộc, không quy tụ được những người tha thiết với sự nghiệp xây dựng đất nước. Sai lầm trong chính sách cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp. v.v. mà Đảng ta đã nhận ra cũng đã ảnh hưởng phần nào đến khối đại đoàn kết dân tộc.

Trong hòa bình xây dựng, để quán triệt tư duy đại đoàn kết dân tộc, việc thực hiện dân chủ là rất quan trọng. Theo ông Võ Văn Kiệt, đây là dịp để phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, của các tầng lớp nhân dân vào việc thực hiện các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, là việc giải phóng mọi lực lượng sản xuất, phát triển các loại hình doanh nghiệp cùng cạnh tranh bình đẳng trên thị trường; là nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hội nhập kinh tế quốc tế v.v.. Đó là thực hành dân chủ trong kinh tế, để mọi người dân yêu nước được bảo đảm quyền tự do kinh doanh, mang trí tuệ, tài năng và vốn liếng của họ ra kinh doanh làm giàu cho mình và cho đất nước.

Ông Võ Văn Kiệt thường nói với chúng tôi: vào thời kỳ này, có nhiều việc mới chưa biết, chưa hiểu rõ, cho nên lại càng phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc bằng việc đi sát dân, lắng nghe ý kiến của dân, thu hút mọi tài năng, trí tuệ của dân vào những quyết sách lớn của Chính phủ. Ông đã tổ chức những bộ phận nghiên cứu gồm nhiều chuyên gia có tư duy đổi mới về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, thường xuyên làm việc với họ và lắng nghe, trao đổi ý kiến thẳng thắn về những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội, qua đó góp cho ông hình thành những quyết định đủ căn cứ trong các chủ trương đổi mới (Phần dưới đây sẽ nói rõ hơn về vấn đề này).

Có thể nói: ông Võ Văn Kiệt là một học trò xuất sắc của Bác Hồ trong việc thấm nhuần tư tưởng của Bác về đại đoàn kết dân tộc không chỉ trên lời nói mà bằng hành động cụ thể, thiết thực. Trong khuôn khổ bài viết này, không thể nói hết chiều sâu của tư duy đại đoàn kết dân tộc của ông. Nhân ngày giỗ đầu ông, xin ghi lại coi như một nén nhang tưởng niệm ông, mong rằng tư duy của ông được nối tiếp trong tiến trình đổi mới đất nước ta.

Tôn trọng trí thức, phát huy trí thức

Trong Võ Văn Kiệt, một điểm nổi bật là ông thực sự tôn trọng trí thức, không chỉ trong suy nghĩ, trên lời nói mà trong thực tế đã tôn trọng, mạnh dạn sử dụng, phát huy tài năng, trí tuệ của trí thức trong việc tư vấn cho lãnh đạo để đưa trí thức vào cuộc, gắn bó trực tiếp với lãnh đạo và cuộc sống.

Trong thời gian lãnh đạo ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông đã chủ động thành lập một số nhóm tư vấn theo hướng đó. Trước tiên, đó là Câu lạc bộ Giám đốc được thành lập vào khoảng năm 1980 gồm nhiều giám đốc, bí thư đảng ủy, thư ký công đoàn các xí nghiệp quốc doanh do ông Võ Thành Công, Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh làm Chủ nhiệm. Câu lạc bộ này đã đóng góp nhiều kiến nghị từ thực tiễn của các cơ sở cho việc hình thành các chủ trương về đổi mới quản lý trong xí nghiệp quốc doanh của thành phố thời đó.

Sau Đại hội lần thứ IV của Đảng (1976), khi được cử giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông đã thấy có những vấn đề kinh tế cần có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế có kinh nghiệm. Văn phòng kinh tế của Bí thư Thành ủy được thành lập gồm nhiều chuyên gia kinh tế được đào tạo trong chế độ xã hội chủ nghĩa, một số chuyên gia đã từng làm việc trong chính quyền Sài Gòn cũ, đứng đầu là tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, người đã từng là Thống đốc ngân hàng, Phó Thủ tướng và có thời gian là quyền Thủ tướng của chính quyền Sài Gòn cũ. Văn phòng này đã có nhiều công trình nghiên cứu và nhiều kiến nghị có giá trị về chiến lược kinh tế, về công nghiệp, tài chính -tiền tệ của thành phố trong những năm đầu mới giải phóng cũng như của cả nước trong những năm sau. Tuy vào thời điểm đó, có những tư tưởng kinh tế của văn phòng này không được nhiều người chấp nhận, nhưng riêng Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt vẫn rất trân trọng, khuyến khích anh em tiếp tục nghiên cứu và phát biểu.

Vào năm 1986, tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã hình thành “Nhóm thứ sáu” (có tên này vì nhóm thường sinh hoạt vào ngày thứ sáu hằng tuần), gồm 24 thành viên, trong đó có chuyên gia kinh tế như Phan Chánh Dưỡng, Lâm Võ Hoàng, Trần Bá Tước, Phan Thành Chánh, Huỳnh Bửu Sơn... những người có tâm huyết và có trình độ, được ông rất ủng hộ và giao nghiên cứu nhiều chuyên đề. Nhóm này đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng về các chủ trương và giải pháp cải cách giá -lương -tiền trong thời gian cuối những năm 80 cả nước lâm vào tình trạng lạm phát phi mã, khủng hoảng kinh tế-xã hội kéo dài nghiêm trọng. Năm 1989, các ông Phan Chánh Dưỡng, Lâm Võ Hoàng và Huỳnh Bửu Sơn đã được mời ra Hà Nội để tham gia nhóm chuyên gia độc lập dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Võ Văn Kiệt (cùng ông Cao Sỹ Kiêm lúc đó là Tổng Giám đốc Ngân hàng nhà nước và ông Phan Văn Tiệm lúc đó là Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá nhà nước) soạn thảo hai pháp lệnh về tổ chức ngân hàng hai cấp (Pháp lệnh về Ngân hàng Nhà nước tức Ngân hàng Trung ương và Pháp lệnh về Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính). Đây là một việc có ý nghĩa rất quan trọng thời đó để phù hợp với việc xóa bỏ hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh tự do hoá lưu thông tư liệu sản xuất v.v. tách bạch chức năng điều tiết chính sách tiền tệ của cấp ngân hàng trung ương với chức năng kinh doanh của các ngân hàng thương mại.

Từ khi ra Trung ương (1982) đảm trách những nhiệm vụ quan trọng trong Chính phủ (từ Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, rồi Thủ tướng Chính phủ), có thể nói không có công trình, chính sách kinh tế lớn nào do ông chủ trương thực hiện (như Chương trình khai thác vùng Đồng Tháp Mười 1988-1997, vùng tứ giác Long Xuyên, ngọt hóa bán đảo Cà Mau; đường dây tải điện 500 kV, đường Bắc Thăng Long-Nội Bài, v.v.) mà không có sự đóng góp đầy đủ, tâm huyết của nhiều trí thức trong những lĩnh vực liên quan. Riêng đối với hai tổ chức nói trên, ông vẫn tiếp tục gặp gỡ, trao đổi ý kiến trong những dịp vào thành phố công tác hoặc cử trợ lý vào cùng sinh hoạt để truyền đạt những yêu cầu của ông, đồng thời báo cáo lại với ông những kết quả nghiên cứu và kiến nghị của các chuyên gia trong các tổ chức đó.

Tổ chuyên gia tư vấn về cải cách kinh tế và cải cách hành chính (gọi tắt là Tổ tư vấn cải cách) mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thành lập năm 1993 là một loại hình tổ chức tư vấn trực tiếp giúp Thủ tướng trong việc hoạch định chương trình tiến hành cải cách từng thời gian, kiến nghị các chủ trương, chính sách theo tinh thần đổi mới, tham gia soạn thảo hoặc phản biện các văn bản thể chế mang nội dung đổi mới. Tổ tư vấn cải cách do Bộ trưởng Lê Xuân Trinh, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm tổ trưởng, cùng với tám chuyên gia về kinh tế, pháp luật, hình thành nhóm thường trực của tổ.

Với thái độ trân trọng, Thủ tướng trực tiếp gửi thư mời một số chuyên gia tư vấn, trong đó có 26 người ở phía Bắc, gồm một số cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu và một số chuyên gia ở các ban của Đảng, các viện, các trường đại học về kinh tế, pháp luật; 19 người ở phía Nam, hầu hết là những trí thức về kinh tế và pháp luật làm việc dưới chế độ cũ: ba giáo sư, tiến sĩ kinh tế đang sống và làm việc ở nước ngoài: chuyên gia thống kê Liên hợp quốc Vũ Quang Việt ở Mỹ; chuyên gia ngân hàng Trần Quốc Hùng ở Đức, giáo sư kinh tế Trần Văn Thọ ở Nhật Bản. Hằng năm, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và các phó thủ tướng có cuộc họp với toàn bộ tổ, trực tiếp nghe các thành viên nhận xét và kiến nghị về tình hình kinh tế-xã hội và việc tiến hành cải cách kinh tế, cải cách hành chính.

Sau ba năm hoạt động, năm 1996, Tổ tư vấn cải cách được điều chỉnh về tổ chức, trở thành Tổ Nghiên cứu đổi mới kinh tế, xã hội và hành chính (gọi tắt là Tổ nghiên cứu đổi mới). Ý nghĩa chính của sự thay đổi này là thu gọn tổ chức cho hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm số thành viên xuống còn 21 người, còn những chuyên gia tư vấn của Tổ tư vấn cải cách không có điều kiện tham gia đều đặn hoạt động nghiên cứu, tư vấn thì được mời làm cộng tác viên theo từng chuyên đề nghiên cứu. Ông Trần Đức Nguyên được cử làm tổ trưởng... Tuy số thành viên ít hơn, nhưng nhiệm vụ của tổ không giảm bớt mà còn được trao thêm nhiệm vụ biên tập các văn kiện theo yêu cầu của thủ tướng, chủ yếu là các báo cáo, đề án do thủ tướng trình bày trước Quốc hội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị.

Hai năm sau (1998), tổ chức này được Thủ tướng Phan Văn Khải nâng cấp thành Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, tuy nhiệm vụ không thay đổi, nhưng có quyền chủ động cao hơn về nhân sự, kinh phí, về hợp tác với các tổ chức nghiên cứu và chuyên gia ở trong nước hoặc cơ quan và chuyên gia nước ngoài ở Việt Nam. Ban có hơn 20 chuyên gia tư vấn được thủ tướng mời, trong đó hai phần ba sống ở Hà Nội, hằng tuần đến làm việc với Ban, còn một phần ba ở Thành phố Hồ Chí Minh có lịch họp mặt tại chỗ, ông Trần Đức Nguyên được cử làm Trưởng ban từ khi Ban mới thành lập đến đầu năm 2003, người được Thủ tướng cử làm Trưởng ban kế tiếp là nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá. Đến tháng 7/2006, Ban Nghiên cứu của Thủ tướng có quyết định giải thể.

Trong 14 năm hoạt động (với các tên gọi khác nhau - dưới đây gọi chung là Tổ chức tư vấn), Tổ chức tư vấn đã được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng. Trước hết, đó là việc chủ trì nghiên cứu, biên tập các báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng thường trực trình bày mỗi năm hai lần tại kỳ họp Quốc hội, thể hiện tập trung những nhận định lớn về tình hình kinh tế-xã hội, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp, chính sách theo tinh thần đổi mới. Các báo cáo này cụ thể hóa các quan điểm, chính sách đổi mới trong các nghị quyết của Đảng, các ý tưởng đổi mới của Thủ tướng, đồng thời là một kênh đưa các suy nghĩ, kiến nghị trong quá trình nghiên cứu đổi mới của Tổ chức tư vấn để trình Thủ tướng duyệt và chuyển thành chủ trương của Chính phủ.

Tổ chức tư vấn cũng đã tham gia việc nghiên cứu biên tập một số báo cáo, đề án như Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội năm 2001-2010 và các kế hoạch 5 năm, văn kiện các kỳ họp hội nghị Trung ương khóa VI, VIII, IX bàn về kinh tế và về cải cách hành chính, về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, v.v..

Tổ chức tư vấn đã có những đóng góp tích cực trong các việc được giao như phản biện, hoàn thiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan chức năng soạn thảo (như các dự thảo nghị định, thông tư), cũng đã chủ động đề xuất chính sách và trực tiếp tham gia soạn thảo một số văn bản pháp luật quan trọng như Luật Doanh nghiệp,... Tổ chức tư vấn và các thành viên cũng đã có những kiến nghị bằng văn bản trình Thủ tướng ý kiến của mình đối với một số vấn đề về chủ trương, chính sách cần được sự quan tâm của Thủ tướng.

Nhớ lại thời đó, các thành viên được mời tham gia Tổ chức tư vấn đều là những người đã có phần đóng góp vào quá trình hình thành quan điểm, chính sách đổi mới. Có những người đã tham gia Nhóm tư vấn giúp đỡ Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh xây dựng những quan điểm mở đầu đường lối đổi mới chuẩn bị cho Đại hội VI của Đảng (1983-1986), có những người đã tham gia biên tập văn kiện Đại hội VI vì nhiều nghị quyết mang tinh thần đổi mới của các kỳ hội nghị Trung ương khoá VI, đã góp sức xây dựng phương án cải cách giá -lương -tiền trong những năm 1986 - 1990, có những người trực tiếp soạn thảo Chiến lược 1991, v.v..

Các thành viên được mời với tư cách chuyên gia tư vấn hoặc cộng tác viên đều có tư duy đổi mới, thể hiện rõ trong công tác nghiên cứu và qua các cuộc hội thảo. Các thành viên của tổ chức tư vấn giúp Thủ tướng đều hết sức nhiệt tình với công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, đều nhất trí cao về những quan điểm phát triển và các chính sách đổi mới đã nêu trong chiến lược 1991 và các nghị quyết tiếp theo của Đảng, đồng thời luôn luôn đi tìm cái mới trong cuộc sống, nung nấu những ý tưởng cải cách sâu rộng hơn.

Hầu hết các thành viên của tổ chức tư vấn đều chuyên làm công tác nghiên cứu, không giữ chức quyền trong bộ máy hành chính nhà nước, một số đã nghỉ hưu. Do không nắm quyền lực, không vướng bận về địa vị, quyền lợi, không lo "giữ ghế" nên các thành viên trong tổ chức tư vấn làm việc với tinh thần khách quan, thực sự cầu thị, đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau, cởi mở, thẳng thắn khi thảo luận với nhau cũng như khi báo cáo, kiến nghị với Thủ tướng; đồng thời luôn đề cao tính thiết thực, khiêm tốn, không phô trương hoạt động và đóng góp của mình. Hồi đó, các thành viên đã gọi vui đây là tổ chức “năm không”: không ở trong biên chế, không chức quyền; không lương; không có cấp trên, cấp dưới; không chịu sự hạn chế nào khi phát biểu ý kiến với Thủ tướng.

Có thể thấy ông Võ Văn Kiệt là con người của thực tiễn, nhưng không phải là thực tiễn được nhận thức một cách đơn giản, thô sơ, mà là một thực tiễn được tiếp cận một cách bài bản, được khái quát nâng lên thành lý luận. Ông thường tâm sự với những người thân cận: do không được học nhiều trong nhà trường, ông rất khát khao trí thức, do đó rất trân trọng ý kiến của các chuyên gia, chịu khó đọc sách.

Tiếp xúc với trí thức, ông lại thấy được ở họ những tấm gương cao đẹp xả thân vì dân, vì nước, và ông đã học được ở họ nhiều điều để bổ sung cho ông trong cương vị người lãnh đạo. Chính kinh nghiệm hoạt động cách mạng đã thúc đẩy ông tôn trọng ý kiến chuyên gia, tôn trọng trí thức và phát huy trí thức vào công việc chung của đất nước. Trí thức tin cậy, “mở lòng” với ông chính là ở thái độ lắng nghe ý kiến của trí thức, dù có những ý kiến "trái tai” thậm chí gay gắt, nhưng ông vẫn nghe một cách bình tĩnh, không “cắt ngang”, càng không quy chụp, không thành kiến với những ý kiến và con người đó.

Thái độ chân tình, cởi mở của ông có sức thu hút, động viên rất lớn đối với các thành viên trong Tổ chức tư vấn (cũng như những trí thức ngoài tổ chức này mà ông thường mời đến trao đổi ý kiến): họ cũng nói với ông những ý nghĩ chân thành, dám "tranh luận", sẵn sàng trao đi đổi lại với ông nhiều vấn đề quan trọng, và thực sự "tâm phục, khẩu phục" khi ông đưa ra những ý kiến quyết đoán.

Điều mà trí thức càng thêm kính trọng ông Võ Văn Kiệt chính là vì ông đã hết sức quan tâm đến cuộc sống riêng tư, đến thân phận mỗi con người. Khoảng năm 1978, trước những khó khăn nhiều mặt, có nhiều trí thức rời nước ta ra đi, ông đã gặp gỡ anh em, khuyên họ nên ở lại, ông nói: "Anh em cố gắng ở lại, trong vòng ba năm nữa, nếu tình hình vẫn không thay đổi, tôi sẽ đưa anh em ra phi trường”.

Lúc đó, GS. Nguyễn Trọng Văn đáp lại: "Chúng tôi sẵn sàng ở lại, nhưng nếu ba năm nữa tình hình không thay đổi, thì người ra đi không phải là chúng tôi". Sau này, ông kể lại với chúng tôi: lúc đó, nghe câu nói ấy, ông cũng đau lắm, nhưng nghĩ lại thì thấy họ nói là đúng; vì để xảy ra tình hình của thành phố xấu đến mức ấy chính là trách nhiệm của chúng ta; những người trí thức ra đi không chỉ vì đời sống khó khăn; đúng là nếu sau ba năm, tình hình không có gì chuyển biến thì người ra đi chắc phải là chúng ta.

Cũng vào khoảng năm 1980, khi biết GS. Chu Phạm Ngọc Sơn có một người con "vượt biên" không thành, ông lại qua khuyên nhủ, nhưng không được, vợ và các con GS. Chu Phạm Ngọc Sơn quyết định ra đi, ông nói với GS. Sơn: “Thôi, anh cứ để cho cô ấy và mấy cháu đi, đi chính thức. Bên đó có điều kiện cho các cháu học hành. Sau này, nếu các cháu trở về thì tốt, nếu không, tôi với anh cũng được làm tròn bổn phận". Có những trí thức "vượt biên" không thành, bị bắt, ông Võ Văn Kiệt giao cho cán bộ giúp việc trực tiếp đi làm lại hộ khẩu và sổ gạo cho họ.

Ông thường tâm sự với chúng tôi, người lãnh đạo không phải cái gì cũng biết, song một đức tính quan trọng nhất của người lãnh đạo là phải “biết nghe”, chịu học tập từ cuộc sống, từ trí thức. Ông Võ Văn Kiệt là một tấm gương nổi bật về người lãnh đạo chân thành, tôn trọng trí thức, phát huy trí thức và do đó, được trí thức thực sự quý trọng. Thực tế cho thấy: chỉ những người "biết nghe" mới "được nghe” những lời tâm huyết, tự đáy lòng của trí thức - những người luôn nặng lòng với đất nước.

Những dấu ấn trong xây dựng kinh tế

Ông Võ Văn Kiệt giữ chức vụ Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ trong những năm tháng đất nước mới bắt đầu công cuộc đổi mới, công việc đang rất bề bộn: lạm phát phi mã, khủng hoảng kinh tế -xã hội đang rất nghiêm trọng. Đáng chú ý hơn nữa là thời kỳ ấy, tư duy kinh tế đang trong quá trình chuyển biến, tư duy đổi mới chưa thực sự được thông suốt trong lãnh đạo và tư duy kế hoạch hoá tập trung quan liêu vẫn còn dai dẳng. Có thấy hết thực trạng khá phức tạp của tình hình, mới thấy rõ tầm nhìn và tính cách quyết đoán trong ông Võ Văn Kiệt.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp có sự tham gia của ông, ngay trong những năm khó khăn ấy, nhiều chính sách mang tính đột phá đã được ban hành. Đó là việc xóa bỏ hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh đối với xí nghiệp quốc doanh, trao quyền tự chủ kinh doanh cho xí nghiệp quốc doanh, thực hiện "thương mại hóa" tư liệu sản xuất, cho phép hàng loạt doanh nghiệp địa phương và xí nghiệp quốc doanh lớn trực tiếp xuất khẩu; tự do hóa giá cả, từ năm 1989, trong nền kinh tế chấm dứt tình trạng hai giá, chỉ còn duy nhất một hệ thống giá thị trường; tổ chức lại hệ thống ngân hàng...

Cũng trong thời gian đó, Nhà nước đã quyết định xóa bỏ bao cấp lương thực, thực phẩm cho hàng triệu công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang và dân cư đô thị. Đối với nông dân, xóa bỏ chế độ thu mua theo nghĩa vụ áp đặt (còn gọi là "mua như cướp") thay bằng mua-bán theo hợp đồng với giá thỏa thuận đi đôi với bãi bỏ chế độ "ngăn sông, cấm chợ" xóa các trạm kiểm soát dọc đường, thực hiện tự do lưu thông hàng hóa nông sản trong cả nước. Đến những năm 1989-1990, tình trạng rối loạn về giá cả, rối loạn trong quá trình phân phối, lưu thông hàng hóa chấm dứt; lạm phát phi mã được chặn đứng, nền kinh tế đi dần vào thế ổn định.

Nhân dân ta còn nhớ những công trình mang đậm "dấu ấn Võ Văn Kiệt" từ chủ trương có ý nghĩa quyết đoán, đột phá đến sự năng động, quyết liệt trong điều hành thực hiện. Đó là chương trình khai thác Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, chuyển từ vùng châu thổ nhiễm mặn nặng nề, năng suất rất thấp, mỗi năm chỉ cấy được một vụ, sang vùng có năng suất cao. Đó là việc xây dựng đường dây tải điện 500kV Bắc-Nam góp phần điều hòa lượng điện trong cả nước. Đó là việc xây dựng đường Bắc Thăng Long-Nội Bài, mở rộng cửa ngõ Thủ đô Hà Nội, v.v.

Với ông Võ Văn Kiệt, kiến thức của ông được tích luỹ bằng đi sát thực tiễn, học ở cuộc sống của người dân, với ý thức rõ rệt dựa vào dân, tin vào quần chúng. Ông thường xuyên lắng nghe ý kiến tâm huyết của các chuyên gia có tư duy đổi mới với tinh thần cầu thị; trân trọng những người có chính kiến, trao đổi ý kiến cởi mở, thẳng thắn. Và chính từ đó, ông có được vốn sống cực kỳ phong phú -nền tảng cho những quyết sách.

Ông thường nói: trong khó khăn chung của nền kinh tế, vẫn có những địa phương, nhất là cơ sở làm ăn năng động, sáng tạo, rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu; đó là sức sáng tạo của nhân dân lao động; những nhân tố mới nảy nở từ lao động và cuộc sống mang lại niềm tin cho chúng ta. Một khi nền dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy, thực hiện trong thực tế chứ không chỉ là một khẩu hiệu, thì từ quần chúng sẽ nảy nở những biện pháp hay, tạo sức bật mới.

Ông Võ Văn Kiệt cho rằng những hành động cách mạng của quần chúng trong những năm trước đổi mới, được gọi là "bung ra", “xé rào”, xóa bỏ rào cản của những công thức giáo điều vốn đóng khung trong những cơ chế, chính sách đã bị cuộc sống vượt qua chính là sự thể hiện trí tuệ, sức năng động, sáng tạo của nhân dân, cho thấy không có một tình huống khó khăn nào mà không có lối ra. Theo ông, chỉ cần Đảng biết vực dậy và phát huy tiềm năng vô hạn trong quần chúng nhân dân; chúng ta biết thực sự cầu thị, dám vượt qua chính mình, chân thành lắng nghe và trân trọng tiếp thu những tiếng nói trung thực của mọi người Việt Nam vốn nặng lòng với đất nước, mở rộng dân chủ để mọi sáng kiến, mọi kế sách tâm huyết đến được những nơi cần đến, thì chắc chắn công cuộc phát triển đất nước sẽ đạt nhiều thành tựu to lớn. Thực tế cho thấy đây là một việc rất khó: không chỉ là vượt qua tư duy theo lối mòn, xơ cứng của bản thân, mà còn là sự dũng cảm vượt qua sức cám dỗ của các nhóm lợi ích, dứt khoát đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết.

Có thể dẫn ra một vài ví dụ. Chủ trương của ông Võ Văn Kiệt về phát triển đồng bằng sông Cửu Long thể hiện tầm nhìn sâu rộng khi ông cho rằng đây là một vùng đất giàu tiềm năng có ý nghĩa rất to lớn trong quá trình đất nước ta đổi mới, mở cửa và hội nhập với kinh tế thế giới. Ông trăn trở, suy nghĩ nhiều lần “lội đồng", tìm hiểu thực tế, hỏi han kinh nghiệm làm ăn của bà con nông dân và tham khảo ý kiến của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý tâm huyết. Từ đó, ông đề xuất "ba mũi đột phá lớn” (về giao thông, thủy lợi và giáo dục) mà việc ông chỉ đạo khai phá Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên được coi là mũi đột phá thứ nhất, để đồng bằng sông Cửu Long phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước.

Trong việc xây dựng đường dây tải điện 500kV Bắc-Nam, trước những ý kiến không đồng tình, trong đó có cả ý kiến của một vị giáo sư, viện sĩ nổi tiếng, ông đã rất thận trọng đi dấu tìm hiểu cặn kẽ từng vấn đề cụ thể, từ kỹ thuật đến kinh tế, quản lý quy tụ được những nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực điện năng cùng bàn luận thấu đáo, đồng thời tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, đề xuất cách làm hiệu quả nhất. Cách tiến hành xây lắp đường điện 500kV cũng theo "cách đánh du kích": chia việc xây dựng các cột điện thành nhiều đoạn rồi cùng "đồng khởi", sau đó chỉ việc ráp nối các đoạn với nhau. Kế hoạch 4 năm, nhưng chỉ sau 2 năm đường dây tải điện Bắc-Nam đã hoàn thành…

Trong những năm không còn giữ trọng trách trong Chính phủ cũng như không còn là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ông Võ Văn Kiệt vẫn nặng lòng với nhiều vấn đề trọng đại về quốc kế, dân sinh, thường có nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp cho Bộ Chính trị và Chính phủ. Ông cho rằng, khi đã không bận về những công việc của Chính phủ, ông càng có thời gian đi nhiều địa phương, lắng nghe ý kiến, càng thấm thía những khó khăn trong đời sống của dân, càng thấy bức xúc về những vấn đề chưa được xử lý.

Tiếc rằng, ông Võ Văn Kiệt đã đi xa mãi mãi, nhiều suy nghĩ, công việc ông theo đuổi còn dở dang. Bài viết này như một nén nhang để tưởng nhớ ông -một bộ óc chiến lược và mong rằng những ý tưởng của ông sẽ được tiếp nối trong công cuộc đổi mới, đưa đất nước đến phồn vinh.