Ấn tượng đầu tiên
Theo giao liên, tôi đến gặp anh Tám Bình, Chánh Văn phòng Khu ủy. Anh Tám thông báo một số tình hình về tổ chức và cùng tôi đến chỗ làm việc của thủ trưởng. Đến giữa đường thì gặp anh Sáu Dân đang đi ra. Anh vui vẻ bắt tay chúng tôi và bảo: “chúng ta tạt vô bóng cây bên kia ngồi nói chuyện, có gió mát".
Sau khi hỏi thăm tôi về quá trình công tác, về gia đình, anh Sáu cho biết cần chuẩn bị gấp để đi chiến trường. Anh Tám Bình tỏ ý lo ngại việc bảo vệ an toàn cho thủ trưởng vì nói đến phía tây nam Sài Gòn là phải đi sâu vào vùng địch, phải qua mấy lộ, mấy sông, phải luồn lách qua đồn bốt của địch. Anh Sáu cười rồi nói: "Nhiệm vụ cần đi đâu, thì đến đó. Điều kiêng kỵ nhất trong kháng chiến là sợ chết. Từ người lính đến cán bộ cấp nào cũng phải đứng đúng vị trí của mình, không được tránh né". Rồi anh nhìn tôi hỏi: “Cang có sợ chết không?". Tôi thưa: "Em chưa có con nên ít sợ chết". Anh Sáu cười và nói: "Đi chiến trường, chẳng những không sợ chết mà còn phải lanh lẹ. Cang coi bộ hơi chậm". Tôi đáp: "Em sẽ cố gắng”.
Như sực nhớ tới công việc, anh Sáu bảo tôi: "Cần thảo một bức điện khẩn". Chúng tôi theo anh vào chỗ làm việc.
Lần gặp đầu tiên đó để lại trong tôi ấn tượng về anh Sáu là một thủ trưởng dễ gần, chân tình, không ngại hiểm nguy, bám chiến trường, nhanh nhạy trong công việc, trong tác phong.
Khi tôi trình bức điện, anh Sáu bảo: "Viết gọn lại". Tôi viết ngắn lại còn độ 2/3, anh Sáu ký, chuyển cho bộ phận cơ yếu.
Lần gặp đầu tiên đó để lại trong tôi ấn tượng về anh Sáu là một thủ trưởng dễ gần, chân tình, không ngại hiểm nguy, bám chiến trường, nhanh nhạy trong công việc, trong tác phong.
Năm ấy, ở tuổi 45, anh Sáu rất phong độ, tóc còn đen, mắt sáng và sắc, nụ cười luôn tươi trên môi, thân hình cân đối, hơi gầy nhưng rắn chắc, toát lên một sức sống mạnh mẽ, một ý chí tiến công.
Những ngày Tết Mậu Thân lịch sử
Sau một thời gian làm việc và chuẩn bị rất khẩn trương, chúng tôi gần 20 đồng chí ở bộ phận bảo vệ, cơ yếu, văn phòng cùng anh Sáu đi chiến trường. Đoạn đầu tiên là đi xe đạp từ căn cứ xuống Lò Gò, Xóm Giữa, độ 15km. Anh Sáu tự đạp xe rất nhanh, lao theo những đường mòn trong rừng. Anh em chúng tôi phải mở hết tốc lực mới chạy theo kịp. Gởi xe lại trạm, đoàn bắt đầu đi xuồng, lội bộ, băng đồng, có đoạn nước ngập tới bụng. Đến Ba Thu, trạm cuối cùng để băng vào Đồng Tháp Mười, đến đây, tôi nhớ anh Ba Thạnh (thiếu tướng) và các anh ở Phân khu 2 đều khuyên anh Sáu nên ở Ba Thu để chỉ đạo công việc. Đi sâu xuống chiến trường thì rất nguy hiểm, khó bảo vệ anh Sáu. Nhưng anh Sáu khẳng định, Ba Thu không phải là chỗ đứng của mình. Nơi cần mình có mặt là Sài Gòn.
Việc anh Sáu khẳng định chỗ đứng của mình, tạo cho anh em chúng tôi một sự phấn khích lớn lao. Tưởng được nghỉ lại Ba Thu ít ngày để lấy sức sau một đoạn đường dài nhọc nhằn, nào ngờ, ngay sáng hôm sau, anh Sáu gọi đồng chí Ba Minh, Ba Dân và tôi, chỉ đạo đi tiền trạm. Anh Sáu phân công cụ thể, tôi phải lo làm tốt công tác dân vận ở những nơi dừng chân trên đường hành quân. Còn Ba Minh và Ba Dân thì cố gắng tạo những nơi tạm ẩn trú khi xảy ra tình huống nguy hiểm.
Chiều hôm đó, chúng tôi được gặp anh Tư Thân - Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Long An. Tối hôm ấy, chúng tôi theo anh Tư và giao liên băng qua Đồng Tháp, về Bến Lức cạnh sông Vàm Cỏ Đông. Những ngày sau đó, chúng tôi đi xây dựng cơ sở dọc theo đường hành quân. Chúng tôi luôn nhớ lời dặn của anh Sáu, tận tâm lo công việc của bộ phận tiền trạm. Có những kỷ niệm đậm tình quân dân trong thời gian làm nhiệm vụ tiền trạm này. Chúng tôi đến ở nhà ông bà Tư ở ấp 1, xã Phước Vân, huyện Cần Đước.
Ông bà Tư là người rất kỹ tính, rất ngăn nắp trong cuộc sống. Những ngày đầu chung sống trong nhà, hai ông bà còn dè dặt lắm. Nhưng qua vài tuần, hai ông bà rất thương chúng tôi, coi chúng tôi như con em trong nhà. Điều cảm động nhất là hai ông bà đã cho gọi cô Mười Hóa là con gái út đang ở Quận 6 về nhà để cùng Ba Minh "tìm hiểu” rồi yêu nhau. Cô Mười Hóa là đoàn viên thanh niên, tính tình vui vẻ. Khi đang làm lễ cưới thì địch đổ quân ở ngoài đồng. Nhưng đám cưới vẫn tiến hành. Anh em xã đội cho biết là địch dù đã đổ quân ở cánh đồng Long Định nhưng chúng không dám đến xóm này. Đây là vùng căn cứ lõm có địa hình dọc theo Rạch Chanh, chỉ khi càn quét lớn địch mới dám tiếp cận vùng này.
Chiều mùng 1 Tết Mậu Thân, chúng tôi được báo tin đoàn của anh Sáu, anh Tư Ánh (Trần Bạch Đằng) sẽ hành quân ngang đây, để đi sâu vào hướng thành phố. Ba chúng tôi đón và tháp tùng cùng đoàn hành quân. Qua lộ 18, qua mấy sông, rạch, luồn lách mấy đồn bốt địch, đến nửa đêm thì đến xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, được xuồng máy của dân đưa từ Quán Cơm qua Rạch Cát, qua cầu bà Tàng vào trú quân ở xóm nhà dân gần đình Bình Đông của Quận 8. Dù trải qua một đêm hành quân khá vất vả nhưng thấy hai thủ trưởng (anh Sáu và anh Tư Ánh) luôn vui vẻ trò chuyện, không lộ ra một chút gì mệt mỏi, chúng tôi càng thấy yên tâm và khỏe lây. Các cô bác chủ nhà tại đây niềm nở đón tiếp chúng tôi vào nhà, chỉ dẫn chúng tôi nơi nghỉ ngơi, nơi nấu ăn, nơi tắm rửa và nơi trú ẩn. Đến sáng thì các gia đình tạm lánh ra bên ngoài nhường nhà cho chúng tôi và khuyên chúng tôi yên tâm. Họ hứa luôn bảo đảm bí mật.
Anh Tư Ánh cho biết tại xóm này, cơ quan Thành ủy Sài Gòn đã ở trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Quần chúng ở đây rất tốt, đã nhường cơm cho cách mạng, cả gia đình chỉ nấu rau trộn cám để ăn thay cơm. Anh Chín Dũng rất cảm kích và nói: "Tôi cũng gặp nhiều trường hợp quần chúng bao bọc cách mạng hết sức tận tình. Nhiều phen mình được cứu sống là nhờ dân".
Tối mùng 2 Tết, anh Tư Chu (Nguyễn Đức Hùng) đột nhiên đến báo cáo những trận đánh của biệt động thành vào Tòa Đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh Sài Gòn; tôi được dự nghe. Tôi thấy anh Sáu và anh Tư Ánh hết sức chăm chú. Anh Tư Chu thuật lại từng trận đánh vào những nơi yết hầu của địch. Anh Sáu nghe xong đã nói: "Những trận đánh thế này có tác động lớn lắm, có thể thay đổi cả cục diện chiến tranh. Sự hy sinh của anh em là hết sức cao cả, nhưng rất tiếc là không có được sự hợp đồng kịp thời, cần phải làm rõ để rút được bài học thích đáng”. Khi anh Tư Chu báo cáo là chắc không còn một chiến sĩ nào thoát được cái chết, rồi anh Tư Chu trào nước mắt, anh Sáu và anh Tư Ánh phát biểu khá nhiều. Xúc động trước sự hy sinh của anh em biệt động, tôi đã không đủ bình tĩnh để lắng nghe nên không thể thuật lại nội dung hai anh phát biểu.
Khi cô bác chủ nhà gởi nhà lại cho chúng tôi để tản cư, thấy máy bộ đàm và nhiều thứ khác thì họ biết rõ đây là một bộ phận chỉ huy quan trọng của cách mạng. Chúng tôi ai cũng lo trong số họ có người sẽ tiết lộ bí mật, nhưng tuyệt nhiên không có, dù họ chạy vào vùng kiểm soát của địch. Tôi có trao đổi công việc này với anh Sáu, anh Sáu nói: "Ta phải tin vào lòng tốt của dân. Cô bác ở xóm Hồ Bần này thật tốt".
Ở gần chỗ chúng tôi có một lô cốt ngầm do quân Nhật xây dựng trước năm 1945, còn rất chắc chắn. Chúng tôi vào bên trong dọn dẹp để tạo chỗ ẩn nấp cho anh Sáu, anh Tư Ánh. Chúng tôi đào nhiều công sự xung quanh để khi lâm trận thì chúng tôi sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ các đồng chí lãnh đạo. Nhưng cũng may là không có xảy ra cuộc đụng độ nào tại đây.
Nhưng ít ngày sau, khi anh Sáu và chúng tôi trở qua sông, trụ lại ở hai xã Quy Đức, Hưng Long thì liên tiếp bị quân Mỹ -ngụy càn quét. Bộ phận bảo vệ phải đánh trả vẫn quyết liệt để địch không càn tới chỗ của anh Sáu. Một số chiến sĩ bảo vệ đã hy sinh tại hai xã này (đồng chí Ba Dân có bài viết kể lại trận đánh này).
Anh là tấm gương của một người lãnh đạo cao cấp, luôn bám chiến trường, luôn xông pha trong nguy hiểm, đứng vững ở vị trí của một Tư lệnh tiền phương trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân năm 1968.
Tôi nhớ một buổi trưa, ở xã Quy Đức, anh Sáu đang trao đổi công việc với chị Năm Hồng - nguyên Bí thư Huyện ủy Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long thời kỳ Nam Kỳ khởi nghĩa - tại một nhà cơ sở cách mạng, thì có tin giặc càn vào cách chừng 300 mét. Chị Năm Hồng và tôi chạy xuống biền gần đó để ẩn tránh, còn anh Sáu thì được bác chủ nhà đưa xuống một hầm bí mật trong buồng và nguỵ trang lại bằng cách lót lên trên một bộ ván, bố trí cho bà chủ nhà nằm trên đó giả đau bụng. Lính đi càn chỉ lướt qua chớ không có lục soát gì, cũng không dám đi gần ven rạch, sợ đụng độ với lực lượng ta. Giặc đi khá lâu, bác chủ nhà mới mở hầm bí mật để anh Sáu lên. Vì ở khá lâu trong hầm bí mật, khi lên anh Sáu khá mệt. Nhưng anh vẫn vui vẻ nói đùa với chủ nhà: "Anh giấu tôi kỹ quá nên tôi ngộp muốn chết". Bác chủ nhà xởi lởi đáp: “Vì tôi biết tụi nó bất thình lình trở lại không kịp trở tay” (tôi được biết trong những năm chống Mỹ cứu nước, anh Sáu đã nhiều lần đi công tác trong vùng địch kiểm soát. Cũng mấy lần gặp gian nguy nhưng nhờ quần chúng che chở, đùm bọc mà thoát nạn).
Anh là tấm gương của một người lãnh đạo cao cấp, luôn bám chiến trường, luôn xông pha trong nguy hiểm, đứng vững ở vị trí của một Tư lệnh tiền phương trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân năm 1968. Số anh chị em tham gia cánh tây nam khá đông, trên 80 người, khi rút ra xã Hưng Long và Quy Đức, rất khó bảo vệ được bí mật và an toàn. Anh Sáu bảo tôi liên lạc với các đồng chí lãnh đạo địa phương, đưa 60 anh em rút về các xã vùng căn cứ lõm ở huyện Cần Đước để bảo toàn lực lượng. Còn bản thân anh Sáu và một trung đội bảo vệ trụ lại hai xã Quy Đức và Hưng Long của huyện Bình Chánh để tiện việc theo dõi và chỉ đạo các đợt tiến công vào nội thành.
Khi chúng tôi về đến xã Phước Vân, huyện Cần Đước thì gặp anh Tư Ánh cũng vừa từ nội thành trở ra đó. Anh Tư Ánh hỏi tôi: "Ông Sáu hiện ở đâu?". Tôi thưa: "Anh Sáu vẫn còn bám trụ ở Hưng Long, Quy Đức". Anh bức xúc hỏi tôi: "Sao không khuyên ông lùi ra đây để có chỗ đứng mà chỉ đạo?" Tôi đáp: "Anh Tư biết tính của anh Sáu, có lẽ ảnh nghĩ đến công việc nhiều hơn là tính mạng của ảnh”.
Cùng với thời gian, càng ngày tôi càng cảm phục đức tính xả thân vì công việc, không ngại bất cứ hiểm nguy, gian khổ nào của anh Sáu. Anh là một người lãnh đạo có ý chí tiến công mãnh liệt và hành động dũng mãnh trước mọi hiểm nguy, thử thách. Và sau đợt tiến công chiến lược Mậu Thân 1968, tôi thấy tóc anh Sáu đã bạc nhiều.
Trong đợt kỷ niệm 40 năm Tết Mậu Thân năm 2008, anh Sáu Dân có một nhận định: "Ta hy sinh nhiều vì bám trụ quá lâu ở vùng ven đô", nơi mà anh Sáu đã bám trụ khá lâu để chỉ đạo và cũng đã bao lần cận kề với cái chết.
Sau đợt một, anh Sáu Khiêm, Ủy viên Thường vụ Khu ủy, Trưởng Ban Công vận từ nội thành đi đường công khai ra gặp anh Sáu Dân báo cáo tình hình. Sau đó, anh Sáu Khiêm định trở lại nội thành, nhưng anh Sáu Dân cân nhắc thấy không còn khả năng phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền, nên quyết định anh Sáu Khiêm không trở lại nội thành nữa và phân công một trung đội bảo vệ, do đồng chí Ba Minh phụ trách và tôi sang làm thư ký cho anh Sáu Khiêm. Tôi được chuyển qua Ban Công vận Thành ủy từ ấy. Lúc ở miền bắc, tôi được đào tạo 4 năm ở trường Tổng Công đoàn nên nhiệm vụ mới này phù hợp với nghiệp vụ của tôi.
Anh Sáu Dân với công viên văn hóa Đầm Sen
Tháng 12/1975, trong cuộc họp giao ban giữa Ủy ban quân quản thành phố với các chủ tịch quận, huyện tại Dinh Độc Lập, tôi đề nghị thành phố bố trí cho quận 11 một công viên để giải trí. Anh Sáu Dân chủ trì hội nghị cho đó là một đề xuất tốt. Anh hỏi lại tôi muốn bố trí công viên ở đâu. Tôi thưa muốn xin ở Trường đua Phú Thọ. Anh Sáu cho biết trường đua đã có kế hoạch khác. Rồi anh đứng lên nhìn vào bản đồ của thành phố treo ở tường. Anh xem một lát rồi chỉ vào khu vực cạnh chùa Giác Viên. Anh nói: “Khu vực này có một đầm sen và nhiều ao rau muống nằm giữa quận 11 và quận Tân Bình. Đồng chí về xem kỹ lại khu vực này, xem có làm công viên được không. Ở đây ít nhà dân, nhẹ giải tỏa”. Sau hội nghị, tôi cùng một số đồng chí ở bộ phận kế hoạch đi khảo sát vùng này. Đúng là một vùng khá rộng, độ 50ha, toàn là hồ sen, ao rau muống, một nghĩa địa nhỏ và một ít nhà dân. Chúng tôi thấy vùng này làm công viên đẹp lắm. Không biết đồng chí Chủ tịch thành phố biết vùng này từ khi nào. Anh Sáu Dân chỉ đạo Hội Kiến trúc sư thành phố cùng chúng tôi khảo sát kỹ và lên quy hoạch cụ thể. Anh chỉ đạo phải làm quyết liệt, làm cụ thể để sớm được duyệt và cố gắng khởi công trước khi Đại hội Đảng lần thứ IV khai mạc. Anh Lê Văn Năm - Kiến trúc sư trưởng thành phố đã tận tâm tận lực cùng với một số anh em khác thiết kế bản quy hoạch công viên Đầm Sen, được thành phố duyệt, Quận 11 đã xúc tiến việc đền bù, giải tỏa một cách dân chủ, tạo được sự đồng thuận của những người trong cuộc.
Thực hiện đúng sự chỉ đạo của anh Sáu Dân, công viên Đầm Sen được khởi công xây dựng ngày 20/12/1976, trước Đại hội Đảng lần thứ IV khai mạc 5 ngày. Ủy ban nhân dân thành phố đã phát động phong trào lao động xã hội chủ nghĩa trong toàn thành phố để đóng góp xây dựng công viên Đầm Sen. Nhờ khí thế sôi nổi lao động xã hội chủ nghĩa của toàn thành phố nên công trình xây dựng khá nhanh và đạt hiệu quả cao.
Tôi nhớ sau khi Đại hội lần IV bế mạc, từ Hà Nội về hôm trước thì hôm sau anh Sáu Dân xuống ngay công trình Đầm Sen. Quan sát cả công trường đang hoạt động, anh Sáu chăm chú nhìn và nói: “Khí thế lao động thì tốt nhưng năng suất lao động còn thấp. Không thể chỉ làm bằng tay chân. Vì hồ lớn và đào xuống càng sâu càng gặp sỏi đá nên phải dùng cơ giới hỗ trợ”. Tôi mừng thầm trong bụng và thưa với anh Sáu: "Việc điều động cơ giới thì quận 11 không có khả năng". Anh Sáu cười: “Tất nhiên là thành phố sẽ điều động nhưng quận 11 phải quản lý, phải theo dõi để đạt năng suất tốt. Máy móc đào, còn lao động thì gánh gồng đưa lên bờ. Đừng để máy móc làm một mình. Phải kết hợp cho chặt”. Cũng nhờ sự kịp thời chỉ đạo của anh Sáu mà quận 11 hoàn thành được hai hồ lớn và một kênh thoát nước từ đường Hòa Bình chạy xuống đường Tân Hóa dài 1.400m và công viên Đầm Sen được tu bổ dần theo thời gian, để đến nay trở thành một công viên tầm cỡ, thu hút khách trong nước và ngoài nước.
Qua việc chỉ đạo làm công viên Đầm Sen, chúng tôi thấy ở anh Sáu Dân một tác phong làm việc nhanh nhẹn, quyết đoán, cụ thể và một tầm nhìn rộng.
Và biết bao sự việc khác mà anh Sáu Dân đã thể hiện một tầm nhìn sâu rộng, một tác phong làm việc cụ thể, hiệu quả đã ghi dấu ấn của anh ở phạm vi thành phố cũng như cả nước.
Chuyện ăn cơm
Sau năm 1975, chạy gạo lo bữa cơm cho thành phố rất khó khăn do cơ chế mua như giật, bán như cho của thời bao cấp. Anh Sáu Dân miệt mài lo việc này nên được mệnh danh là ông chủ gạo. Có lẽ từ thực tế chạy gạo cho dân đủ ăn khó quá, nên anh Sáu Dân mới nghĩ ra việc cải tiến cơ cấu trong bữa ăn của mình. Anh nói: “Để bớt ăn cơm, khi vào bữa, mình ăn rau trước với một ít cá, thịt, mắm, muối gì cũng được, ăn rau cho lưng lửng bụng rồi mới ăn cơm. Như vậy trước mình ăn hai chén cơm, bây giờ cải tiến ăn cơm thì cần một chén cơm là đủ”. Tôi nghe anh nói mà bồi hồi trong dạ. Trong hoàn cảnh phải tiết kiệm gạo, ăn cải tiến, tăng ăn rau để bớt ăn cơm thật là cảm động. Chắc ít ai nghĩ đến những điều thiết thực như vậy, và biết bao nhiêu việc cải cách, đổi mới mà anh đề xuất để cởi trói, để thoát thời bao cấp, để mở cửa hội nhập, để đưa đất nước đi lên mạnh mẽ trong những thập niên qua.
Và tôi nhớ mãi một số lần cùng ăn cơm với anh Sáu.
Anh Sáu có cái tình với anh em sâu đậm lắm, như gừng cay muối mặn.
Lúc chống Mỹ ở rừng, có lần anh Sáu Dân mời nhà thơ - nhà văn Viễn Phương đến cùng ăn cơm. Lần đó, trải một tấm nylon xuống đất, rồi cùng ngồi xếp bằng dưới đất mà ăn cơm như kiểu công cấy ăn giữa buổi. Nên sau đó, nhà thơ Viễn Phương mới viết trong bài Hạt gạo tình thươngmột câu thơ: "Ngồi dưới đất ăn cơm mà gừng cay muối mặn".
Anh Sáu có cái tình với anh em sâu đậm lắm, như gừng cay muối mặn.
Một sự việc nữa: Tháng 3/1993, Bộ Quốc phòng tổ chức hội nghị tổng kết cuộc vận động nâng cao bản chất và sức chiến đấu của quân đội. Tôi được mời đại diện cho quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo về công tác hậu phương -quân đội ở quận 11 trong hội nghị. Tôi nêu một số việc làm cụ thể như: Sau khi đi thăm bộ đội ở mặt trận 479 Campuchia, theo lời hứa với đồng chí Thanh - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 2, Sư đoàn 9 - khi về nước, tôi đã đi thăm vợ con đồng chí Thanh ở ấp 10, xã Linh Đông, huyện Thủ Đức. Thấy vợ và 4 con của đồng chí Thanh đang sống đói khổ và không có cách gì cải thiện được cuộc sống, nên tôi đã đề nghị với thành phố cho Quận 11 tiếp nhận gia đình này. Sau đó quận 11 đã cấp nhà ở mặt tiền đường Lạc Long Quân, tạo cơ sở làm ăn tại nhà, nên giúp gia đình quân nhân này ra khỏi cảnh khó khăn. Các con tiếp tục đi học, cuộc sống được cải thiện. Vợ đồng chí Thanh được hưởng chế độ thương binh do tù đày tra tấn thành thương tật. Hội nghị nhiệt liệt hoan nghênh và mời tôi đi báo cáo ở một số binh chủng.
Ngày chủ nhật tôi đang không biết làm gì, không biết đi đâu thì thật bất ngờ anh Sáu Dân cho đón vào Hồ Tây (khu ở của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị) để gặp anh Sáu và anh em. Tôi càng cảm động hơn khi anh Ba Huân cho biết là anh Sáu bảo anh em chờ tôi vào để cùng ăn sáng cho vui. Lúc đó, anh Sáu là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Khi tôi vào, dù cho là ngày chủ nhật vẫn thấy anh đang làm việc với một đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch. Chúng tôi chờ anh làm việc xong để cùng ăn sáng. Bữa ăn sáng ấy cũng đơn sơ thôi nhưng nó đọng lại trong tôi một tình cảm sâu đậm, cao quý về cái tình của anh Sáu đối với tôi, là một người cấp dưới, chỉ phục vụ trực tiếp anh trong một thời gian ngắn trong kháng chiến chống Mỹ.
Sau khi anh Sáu thôi nhiệm, tôi rất bất ngờ khi có lần anh Sáu nói: "Chưa bao giờ mình thấy thiếu thời giờ để làm việc như lúc này". Dù rất bận, anh Sáu vẫn nhớ đến từng anh em cộng sự đã giúp việc anh trong kháng chiến. Anh đã mời anh em cùng ăn cơm với anh, cùng tâm tình với anh em đủ thứ việc đời. Lần anh Sáu mời cơm ấy vào dịp 27/7, Ngày Thương binh liệt sĩ. Nhớ anh Sáu là cha của liệt sĩ Dũng, tôi tặng anh một bó hoa hồng. Anh cười rất tươi, nói với anh em: "Tư Cang rất là thương binh xã hội".
Lần gặp mặt cuối cùng với anh Sáu
Hòa bình lập lại, hàng trăm anh em đã ở bộ phận phục vụ anh Sáu trong thời chống Mỹ đang còn sống, mỗi người công tác mỗi nơi. Tuy rất bận với những trọng trách nặng nề nhưng anh Sáu vẫn nhớ đến anh em chúng tôi, anh nói với đồng chí Ba Dân đang là đại tá công an (là y sĩ phục vụ anh Sáu trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ) phải tập hợp anh em lại, tổ chức họp mặt hằng năm, để lo giúp đỡ nhau, đùm bọc nhau. Vì vậy mà chúng tôi được tập hợp lại thành một đơn vị truyền thống với tên gọi là A6, và thường xuyên họp mặt thường kỳ hằng năm và những lúc đột xuất. Hầu hết các buổi họp mặt truyền thống của chúng tôi đều được anh Sáu đến dự và phát biểu tâm tình với anh em.
Tôi nhớ lần đầu tiên họp ở Dinh Thống Nhất, lúc anh Sáu là Thủ tướng và kế tiếp những năm sau là ở Suối Tiên, ở Khu thể thao Công an Thành phố Hồ Chí Minh cạnh Đầm Sen, ở Câu lạc bộ Lan Anh, ởnhà đồng chí Ba Dân, ở nhà Hiếu Dân (con gái anh Sáu). Lần sinh nhật cuối cùng là tại trang trại của anh Ba Huấn (ở xã Trung An, Củ Chi). Ngày 23/11/2007 họp mặt mừng 85 tuổi anh Sáu. Các bàn ăn đặt dưới các gốc cây rợp mát. Hôm ấy thật đông vui, gần như đủ mặt. Ai cũng mừng vì thấy anh Sáu hồng hào, vui tươi, khoẻ mạnh. Anh lần lượt chụp hình chung với từng nhóm anh em. Khi vào tiệc, anh không đợi anh em đến chúc thọ mà anh đến từng bàn để cụng ly với anh em.
Khi ngồi lại, anh Sáu vừa ăn vừa nói: “Quy luật là sanh, lão, bệnh, tử. Nhưng mình lại muốn bớt một cái, chỉ sanh, lão rồi chết cho ngon, chết lúc còn phong độ. Chớ rất ngán cái cảnh nằm liệt giường liệt chiếu năm này qua năm nọ mà không chết được". Anh còn nói thêm, mình muốn chỉ tổ chức đơn giản, rồi đem thiêu (hoả táng), lấy tro rải lên sông Sài Gòn ở đoạn mà vợ con mình đã bị Mỹ -ngụy sát hại cùng với hàng trăm đồng bào trên tàu Thuận Phong ngày 8/1/1966.
Không biết cái điềm gì, khiến anh Sáu trong ngày chúc thọ 85 tuổi lại nói lên những ý về việc ra đi của mình. Cũng không ai ngờ đến ngày 11/6/2008 thì anh đột ngột, ra đi vĩnh viễn sau một cơn bệnh bộc phát chỉ độ hai tuần. Anh ra đi rất nhanh, rất bất ngờ giữa lúc phong độ của anh còn rất tốt, giữa lúc anh đang chuẩn bị một chuyến đi sang Hà Lan cùng một số anh em để nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm làm đê dọc theo biển, hòng kịp thời ứng phó với việc thay đổi khí hậu, làm cho các vùng thấp của Việt Nam sẽ bị nhấn chìm xuống biển, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Anh đã ra đi đúng như cách anh muốn. Nhưng anh để lại bao nhiêu thương tiếc cho hàng triệu người đã rất kính trọng và quý mến anh. Sự ra đi của anh Sáu Dân đã để lại trong các tầng lớp nhân dân Việt Nam nhiều tiếc thương sâu đậm.
Bữa đưa tiễn anh lên nghĩa trang Lạc Cảnh, từ Dinh Độc Lập đến nghĩa trang, hàng vạn người dân thuộc đủ các tầng lớp đứng dọc hai bên đường đưa tiễn anh. Lúc đưa anh đến nghĩa trang, một biển người đang chờ ở đó. Khi xuống xe tôi gặp hai nữ công nhân quê ở Rạch Giá và Bình Định đang dàn dụa nước mắt khi cổng nghĩa trang đang khép lại. Một cháu vừa khóc vừa than phiền: "Chúng cháu nghỉ một ngày công để đi tiễn đưa ông Kiệt mà đến đây lại không cho vào". Trước cảm xúc rất chân tình của hai công nhân này, tôi đã dắt tay hai cháu sang cổng của Ban quản lý nghĩa trang, đề nghị được vào và tôi dắt luôn hai cháu vào đến khu mộ của anh Sáu.
Thưa anh Sáu kính mến,
Anh sống mãi với sự kính yêu sâu sắc của mọi người. Vì cả đời anh luôn hướng về dân, phục vụ cho nhân dân đến cùng, anh để lại nhiều dấu ấn thật sâu đậm cho đất nước Việt Nam, cho nhân dân.
Đối với anh chị em chúng tôi, những người vinh dự được phục vụ, được gần gũi anh Sáu trong kháng chiến, khi nghe tin anh mất, chúng tôi bàng hoàng sửng sốt, như mất đi một cái gì quá lớn là chỗ dựa tinh thần hằng ngày. Lần họp mặt gần đây, chúng tôi thống nhất cùng nhau viết một tập hồi ký về anh với cảm xúc riêng của từng người để lưu lại trong cuộc đời chúng tôi và suy nghĩ sâu hơn mình, phải làm gì để noi theo tấm gương sáng của anh đã để lại cho đời.
Những dòng cảm nghĩ trên của tôi là những nén hương lòng dâng lên linh hồn anh Sáu. Cầu chúc linh hồn anh sớm được gặp Bác Hồ và các bậc tiền bối, gặp lại chị Sáu, cháu Dũng và hai cháu Hồng, Tâm.
_____________
* A6 - Đội cận vệ anh hùng, Nxb Công an nhân dân, Thành phố Hồ Chí Minh, 2010, tr.38-49.