Tấm lòng của ông Sáu với trí thức ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh

NDO - Trong ký ức của mình, Giáo sư Viện sĩ Dương Quang Trung, người có hơn 20 năm giữ vai trò quản lý ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh (1976-1997) vẫn còn nhớ như in những khó khăn mà ngành y tế thành phố phải đối mặt sau chiến tranh.
0:00 / 0:00
0:00

Không chỉ vậy, ấn tượng của ông về vị lãnh đạo hết mực quan tâm, lo cho dân, hiểu dân và quan tâm tới giới trí thức cũng hết sức sâu lắng... Đó là hình ảnh của nguyên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Sáu Dân trong lòng của rất nhiều người.

Hai triệu USD và những quyết định "sống còn" của ngành y tế thành phố

Mở đầu bằng nhận định: "Ông Sáu Dân là người luôn chú trọng thực tiễn và hết sức cầu thị", ông Dương Quang Trung nhớ lại thời điểm sau năm 1975, chính quyền mới gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế, chính sách cấm vận. Ngành y tế thành phố có lúc thiếu đến cả kim chỉ khâu, thuốc men thì cực hiếm... Giám đốc một bệnh viện lớn tại thành phố đã phải lên tiếng rằng: "Nếu Sở Y tế không cung cấp chỉ khâu cho bệnh viện thì cuối tuần tới sẽ không có ca mổ nào nữa".

Lúc này, với vai trò là Bí thư Thành ủy, ông Sáu Dân đã có một quyết định quan trọng, kịp thời là cấp cho ngành y tế thành phố khoản tiền 2 triệu USD để mua thuốc và dụng cụ y tế, số tiền được lấy từ quỹ dự trữ của Thành ủy. Số tiền này được dùng để mua thuốc chữa bệnh (70%), còn lại mua trang thiết bị, dụng cụ y tế.

Nhờ được cấp kinh phí kịp thời, ngành y tế thành phố có được máy City Scan (trị giá 600.000 USD) đầu tiên của cả nước, được đặt tại Bệnh viện 115. Tình trạng khan hiếm thuốc, dụng cụ y tế theo đó cũng đỡ đi rất nhiều.

Nếu đặt trong bối cảnh sau năm 1975, khi Thành phố Hồ Chí Minh liên tiếp bị các dịch bệnh tấn công: đầu tiên là dịch sốt xuất huyết, năm 1976 là dịch tả, nhiều người tử vong; tiếp đó năm 1977 là trận dịch hạch... mới thấy được giá trị "vàng" của quyết định này.

Sau giải phóng, mạng lưới y tế thành phố xuất phát điểm gần như từ số không. Cả thành phố chỉ có một bệnh viện lớn trang bị tương đối đầy đủ là Bệnh viện Grand (nay là Bệnh viện Nhi đồng 2). Còn Bệnh viện Bình Dân lúc đó có đội ngũ giáo sư, bác sĩ có trình độ cao nhưng lại thiếu trang thiết bị hành nghề.

Năm 1977, thời điểm khó khăn nhất của ngành y tế thành phố cũng chính là lúc ông Sáu Dân có chủ trương xây dựng mạng lưới y tế cơ sở từ dân đi lên. Việc làm này cũng rất khó vì không có kinh phí, do vậy phải vận động bà con ở cơ sở, cán bộ chấp nhận sự hy sinh nhất định. Lúc đó trong cả nước chỉ có Thành phố Hồ Chí Minh làm thí điểm mô hình cán bộ y tế xã được cấp lương (mặc dù lương không được bao nhiêu), mỗi xã chỉ có từ 3 đến 5 người được hưởng, nhưng thực sự đã khiến cho những người tham gia công việc đó rất hãnh diện, nhiệt tình làm việc.

Một quyết định quan trọng khác của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt -theo ông Dương Quang Trung là việc giữ lại bệnh viện dành cho người già và các cháu thiếu nhi.

Sau giải phóng, có một số người chủ trương cải tạo, lấy Bệnh viện Y học dân tộc thành bệnh viện phục vụ cán bộ. Tuy nhiên, ông Kiệt với vai trò Bí thư Thành ủy đã đưa ra quan điểm: "Không lấy bệnh viện của nhân dân làm bệnh viện của cán bộ". Cuối cùng sau khi hoàn thành cải tạo, nâng cấp, nó vẫn là Bệnh viện Y học dân tộc.

Sau đó, lại có quyết định của Trung ương lấy Bệnh viện Nhi đồng 2 (nơi có toà nhà 4 tầng và khuôn viên rộng đẹp, tới 9 ha) làm bệnh viện cán bộ, còn lấy Bệnh viện Thống Nhất (bệnh viện cán bộ) dành cho nhi đồng.

Với quan niệm: "Dành những gì tốt nhất cho trẻ em", ông Sáu Dân với cương vị Bí thư Thành ủy có ý kiến về việc này. Sau đó thành phố có kiến nghị với Trung ương xem xét lại quyết định. Cuối cùng, Trung ương thấy hợp lý và đã ra quyết định giữ Bệnh viện Nhi đồng 2 là bệnh viện dành cho trẻ em tới tận bây giờ.

Các quyết định trên cho thấy, ông Sáu Dân là người có đầu óc rất thực tiễn, các quyết định đều thực sự "vì dân, vì nước".

Chữ tâm và chính sách tin dùng trí thức

Ông Võ Văn Kiệt là người nhân hậu, bao dung và quan trọng là rất biết dùng người: Ông luôn dành cho giới trí thức sự thông cảm, tin tưởng. Ngược lại người trí thức cũng dành cho ông sự mến mộ, cảm phục. Người ta nói, mỗi người trí thức như một tiểu vũ trụ. Thế nhưng với thái độ và sự chân tình, ông Sáu Dân đã lôi kéo được nhiều trí thức, đi theo con đường cách mạng, trong những lúc khó khăn, chiến tranh lửa đạn... Ông đóng vai trò như đầu mối tập hợp anh em trí thức, nhiều người, nhiều thành phần, tuổi tác. Cuối năm 1965, khi tôi ở Hà Nội vượt Trường Sơn vào Nam gặp ông ở chiến khu D. Ấn tượng của tôi về ông là người lãnh đạo rất gần cán bộ, gần dân, đặc biệt là trong khu xử với giới trí thức ông có đặc điểm nổi bật là biết lắng nghe. Ông thường gợi cho ta nói, để được nghe… Đặc biệt nữa là khi nghe, thì luôn biết chọn phương án tối ưu để thực hiện".

Những năm 1976-1978 rất khó khăn, cấm vận bao vây, ngân sách hạn hẹp, kinh phí của Trung ương rất ít. Lúc đó có một số bác sĩ dược sĩ bỏ đi, trong đó có nhiều người rất giỏi. Lúc này ông Võ Văn Kiệt mời tôi lên Văn phòng Thành ủy và nhiều lần ông chủ động xuống Sở Y tế đóng tại số 175 Hai Bà Trưng để hỏi tình hình.

Tại Sở Y tế, lúc đó điện nước rất khó khăn, 9 giờ đêm đã cắt điện nhưng chúng tôi vẫn nói chuyện thâu đêm, dưới ánh đèn dầu về đề tài rất "nóng" này. Ông đặt vấn đề làm sao giữ cán bộ y tế ở lại (lúc đó chỉ trong hai năm ra đi gần một ngàn người). Tôi còn nhớ cứ mỗi buổi sáng họp giao ban, ở dưới cơ sở báo lên là ra đi một người. Đi bao nhiêu người, tôi vẽ cái biểu đồ, thấy mũi tên đi lên mà nhói lòng.

Tôi nói với ông Sáu dân: "Người ta đi không phải là người ta chống mình, phần lớn là do sống không được, làm việc cũng không xong vì khó khăn quá".

Thế rồi một quyết định đột phá được ban hành, Thường vụ Thành ủy, đứng đầu là ông Võ Văn Kiệt cho phép cán bộ mở phòng mạch, làm ngoài giờ (thay vì nói làm tư, tránh chữ tư vì thời đó rất ngại chữ này). Trong nội bộ Thành ủy cũng có ý kiến khác nhau, trong ngành cũng vậy, nhưng cuối cùng, Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị duy nhất trong cả nước thí điểm mô hình này.

Tiếp đó là chế độ sử dụng cán bộ. Lúc này trí thức có trình độ cao có ba nguồn: từ R (từ rừng về), nguồn chi viện từ ngoài Bắc vào và cuối cùng là nguồn tại chỗ. Ông Sáu Dân chủ trương sử dụng hết cả ba nguồn này. Chính thời ông làm Bí thư mới có chuyện người ngoài Đảng làm Giám đốc, Phó Giám đốc như trường hợp bác sĩ Chấn Hùng, Trần Tấn Trâm, Nguyễn Hải Nam, Trần Thành Trai, Văn Tần, Ngô Gia Hy, Đông A.. Sau này một số cán bộ được phong Anh hùng lao động, rất nhiều là người tại chỗ như anh Chấn Hùng, anh Văn Tần, Trần Văn Nhiều.

Bệnh viện người Hoa cũng có chủ trương tự quản, như anh Nguyễn Hải Nam là sĩ quan chế độ cũ, nhưng cũng được bố trí làm Giám đốc Bệnh viện An Bình.

Trường hợp ông Trần Văn Nhiều, dược sĩ, nguyên là Đổng lý Văn phòng phụ tá đặc biệt Tổng trưởng Y tế chế độ cũ, sau này trở thành Anh hùng lao động, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần dược đầu tiên ở miền Nam.

Việc lập Công ty cổ phần dược đầu tiên của cả nước cũng có "công" lớn của ông Võ Văn Kiệt. Tôi dám chắc, nếu ông Kiệt không ủng hộ, chắc chắn không có công ty cổ phần đó, bởi thời điểm đấy, khái niệm tư nhân, kinh tế tư nhân vẫn còn rất mới và khó được chấp nhận.

Cuối cùng mô hình "thí điểm" đã ra đời và nó được lập bằng vốn của anh em trí thức. Phải nói thật, ông Sáu Dân phải có niềm tin mãnh liệt vào tầng lớp trí thức. Để quyết được việc này không phải là chuyện đơn giản. Ông đã lấy cả sinh mạng chính trị của mình ra đảm bảo.

Cuối đời vẫn trăn trở với hai chữ tâm-đức ngành y

Ông Dương Quang Trung nhớ lại, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng tâm tư: "Ngành y tế là lo cho con người từ khi trong bụng mẹ đến khi chết, nên từ chủ trương đó mình phải lo cho dân. Nhà nước lo không xuể thì phải huy động lực lượng và vốn nhàn rỗi từ bên ngoài...".

Cách đây khoảng ba năm, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến nhà ông để bàn cách triển khai ý định này. Việc cựu Thủ tướng đến nhà dân (theo cách nói của ông Trung) làm cho ông hết sức xúc động.

“Trước khi ông Sáu Dân mất, ông còn đến nhà tôi ngồi cả buổi. Ông nói với tôi, hiện y tế Nhà nước quá tải, đề nghị lập một nhóm tư vấn cho Nhà nước. Thế nhưng nhiều người khuyên nhóm tư vấn không làm được, phải xây dựng một trung tâm về nghiên cứu phát triển y tế. Thế nhưng, có vẻ trung tâm này cũng không giải quyết được, nên thành lập Viện Nghiên cứu phát triển sức khỏe cộng đồng". Từ ý tưởng này, cách đây hai năm Viện này được thành lập do giáo sư Dương Quang Trung làm Viện trưởng.

Ngoài ra, với tư cách là người sáng lập Viện tim Thành phố Hồ Chí Minh, tôi được ông Sáu Dân ủng hộ chủ trương lớn này. Ông đã trực tiếp tới thăm và động viên cán bộ của Viện, gợi ý hướng phát triển bằng cách liên kết với nước ngoài.

Hiện nay, ông Trung đang ấp ủ thành lập một bệnh viện kỹ thuật cao như tâm nguyện của cố vấn Võ Văn Kiệt. Bởi Việt Nam có điều kiện kỹ thuật nhưng khâu tổ chức chưa tốt nên nhiều bệnh nhân ra nước ngoài điều trị, tốn kém rất nhiều... Ông Trung mong dành tâm, sức vào công việc cuối đời còn lại của mình để thực hiện ý nguyện và cũng là một chút ân tình đáp lại tấm lòng nghĩa khí của ông Sáu.

_____________

* Ghi theo lời kể của Thái Thiện