Những kỷ niệm không thể nào phai

NDO - Tôi biết chú Sáu Dân từ năm 1963 tại Sài Gòn, lúc bấy giờ chú Sáu là Bí thư Khu ủy Sài Gòn-Gia Định.Năm 1967, từ thành phố vào căn cứ Sài Gòn-Gia Định ở Dầu Tiếng (Tây Ninh) công tác ở Đội Bảo vệ, được tập thể giao nhiệm vụ chăm sóc chú Sáu.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm lâm trường 184, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau. (Ảnh tư liệu)
Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm lâm trường 184, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau. (Ảnh tư liệu)

Mọi người gọi đùa tôi là "hương quản" của đồng chí Bí thư. Gần 20 năm bên cạnh chú Sáu, có biết bao kỷ niệm sâu lắng trong tôi.

Tôi sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo ở Quảng Nam. Năm 1945, cha tôi theo Vệ quốc đoàn. Năm 1957, sau khi học lớp 4, tôi được người bà con là ông Phạm Văn Hoa1 nhận làm con nuôi và dẫn vào Sài Gòn. Ở đây ban ngày tôi làm thợ hồ, ban đêm học thêm văn hóa. Khi phong trào học sinh, sinh viên chống Mỹ, Diệm bùng phát, tôi tham gia phong trào này.

Khoảng tháng 4-1963, chú Sáu đến ở nhà ông Phan Văn Hoa (số 99/9 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay), chú đóng vai giáo viên dạy kèm cho con cháu trong nhà. Chúng tôi được gọi chú là "bác Chín Dũng". Sau này tôi mới biết lúc đó chú là Bí thư Khu ủy Sài Gòn-Gia Định. Chú Sáu bí mật vào hoạt động hợp pháp trong nội thành Sài Gòn để xây dựng cơ sở và chỉ đạo phong trào. Sau giờ dạy học là chú lên trên gác, những việc chú làm chúng tôi không được biết.

Ông Phạm Văn Hoa (Sáu Hoa) lúc đó làm thầu khoán. Nghe nói ông Nguyễn Văn Linh2 đã tạo điều kiện để ông Sáu Hoa làm nghề này. Nghề thầu khoán có patăng (môn bài), giao dịch rộng rãi với nhiều loại quan chức nên bọn làng lính nể mặt.

Sau khi anh em Diệm-Nhu bị bọn tướng lĩnh làm đảo chính giết chết, nội bộ ngụy quyền Sài Gòn liên tục mâu thuẫn đấu đá nhau. Phong trào học sinh sinh viên, phong trào Phật tử và nhân dân đấu tranh ngày càng mạnh mẽ. Đến năm 1966, khi lên làm Tổng thống, Nguyễn Văn Thiệu tập trung lực lượng đàn áp, khủng bố phong trào đấu tranh của nhân dân. Nhiều cơ sở của ta bị lộ, bị bắt, tù đày. Trước tình hình đó, tôi xin với ông Sáu Hoa ra chiến khu công tác, quyết không để địch bắt. Ông Sáu Hoa đồng ý và nhờ chị Sáu Trung3 đưa tôi ra Dầu Tiếng.

Từ Sài Gòn, tôi và chị Sáu đi xe đò băng qua những đồn điền cao su bạt ngàn, sau đó đi xe đạp đến xã Thanh Tuyền, huyện Bến Cát. Mỗi lần qua trạm gác của địch, tôi không khỏi phập phồng lo sợ. Nhưng chị Sáu Trung thật tài, nơi cho bánh, cho thuốc lá, nơi cho kẹo hoặc các thứ quà vặt khác, vậy mà bọn lính lại vui vẻ để chị đi lại tự do như đến chốn không người.

Vào đến cơ quan Khu Sài Gòn-Gia Định chú Sáu Dân đi vắng. Chú Mai Chí Thọ thấy người lạ mặt liền hỏi thăm, chị Sáu Trung cho biết tôi là người hoạt động ở nội thành Sài Gòn vào tìm chú Sáu Dân.

Mấy hôm đó tôi nôn nao, mong chờ, thời gian cứ như dài ra. Ở đây cứ mỗi tiếng chim hót, mỗi tiếng nai kêu giữa rừng khuya cũng làm lòng tôi xao xuyến lạ thường.

Nửa tháng sau chú Sáu Dân mới về đến cơ quan. Gặp nhau mừng khôn xiết. Chú Sáu đón tiếp tôi như một người thân. Mấy hôm sau tôi được phân công vào đội cảnh vệ, do anh Tư Nước người ở Củ Chi làm đội trưởng.

Chiều mùng 1 Tết Mậu Thân năm 1968, từ Long Cung, huyện Cần Đước, tỉnh Long An (cách Sài Gòn 60km), đơn vị chúng tôi (bảo vệ Bộ Chỉ huy tiền phương Nam) được lệnh "hành quân thần tốc" tiến hành vào Sài Gòn theo hướng tây nam (Hưng Long, Quy Đức, huyện Bình Chánh) vào Quận 8. Tôi được phân công mang bộ phận nghe của máy PRC (loại máy máy này rất to và nặng), 2quả B.40 và súng đạn, ba lô. Hẹn đúng 12 giờ khuya phải đến địa điểm quy định.

Trên đường hành quân, khoảng 5 giờ chiều, tôi bị té đau, sau đó gắng gượng và tiếp tục hành quân tới đơn vị.

Đến khoảng 10 giờ đêm, một bộ phận gọn nhẹ gồm các đồng chí: Sáu Thắm (thư ký chú Sáu Dân), bác sĩ Mười Lù, y sĩ Ba Dân, út Mét, Sáu Hòa, út Ấm (bảo vệ) do đồng chí Tư Thân, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Long An chỉ huy dẫn đường đưa các chú trong Bộ Chỉ huy tiền phương Nam (Sáu Dân, Trần Bạch Đằng, Trần Hải Phụng...) tách ra đi trước. Số đơn vị còn lại vẫn tiếp tục đi.

Đường hành quân đêm mùng một Tết lạnh ướt và trơn trượt. Cứ đi một giờ được lệnh ngồi nghỉ 10 phút, sau đó đứng lên đi tiếp. Không rõ đi -nghỉ, nghỉ -đi như thế bao nhiêu lần mà tôi bị lạc mất đơn vị và cũng không rõ bị lạc từ lúc nào. Đêm đó các đơn vị hành quân rất đông, tôi cứ thấy đoàn người băng băng về phía trước thì nhanh bước theo họ. Đến khi nghe súng nổ, pháo sáng bùng lên khắp nơi, tôi chết điếng người vì biết rằng mình đã bị lạc. Giờ này không có tôi thì các chú trong Bộ Chỉ huy làm sao có bộ phận máy nghe để chỉ huy trực tiếp các đơn vị.

Mãi đến sáng hôm sau (mùng 2 Tết) anh em du kích địa phương mới "gom" chúng tôi, số người bị lạc, đến và kiểm tra lại, rồi "ém" chúng tôi ở khu vực này cả ngày. Đến 5 giờ chiều, giao liên dẫn tôi đi vào hướng Quy Đức, Hưng Long, huyện Bình Chánh, nơi Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh tiền phương Nam đóng quân. 10 giờ đêm chúng tôi mới đến nơi, đầu tiên gặp anh Tám Nam, anh la: "Trời ơi, chết mẹ rồi, máy móc mày mang đi đâu mất tiêu, làm không liên lạc được với ai hết. Bây giờ phải chạy!”. Tôi và anh Tám Nam chạy trối chết, gần hai tiếng đồng hồ mới tới nơi. Gặp tôi, anh em trong đơn vị mừng quá báo với chú Sáu Dân là đã tìm gặp anh Chín rồi. Chú Sáu "phát" vào vai tôi một cái, hỏi: “Mày ở đâu, sao bây giờ mới tới? Ráp máy vào làm việc ngay!". Mặt tôi nóng bừng, mồ hôi ướt mặt, ướt áo, hấp tấp ráp máy để tiếp tục liên lạc.

Tôi vô cùng ân hận, xót xa. Trong giờ phút lịch sử quan trọng này, không có máy làm sao thủ trưởng "điều binh khiển tướng" được. Tôi thật có tội và đáng bị kỷ luật. Vậy mà chú Sáu vẫn bình tĩnh, vẫn không nóng nảy bực bội, vẫn không kỷ luật hay lời nặng, tiếng nhẹ với tôi. Không rõ vì dáng điệu thật lòng thú tội của tôi làm chú Sáu cảm thông, hay vì tấm lòng khoan dung, độ lượng, “yêu lính như con” mà chú Sáu bỏ qua lỗi lầm chết người của tôi.

Trong cuộc hành quân tiến vào Sài Gòn, tôi mang vác súng đạn, máy móc nặng đi trên bờ ruộng sình lầy nên bị trượt chân té sấp đến ngất xỉu, được anh em sơ cứu rồi đi tiếp. Không ngờ sau đó tôi bị vẹo cột sống dẫn đến bại liệt, không đi được. Có một ông bác sĩ (sau này được biết là Thứ trưởng Bộ Y tế Cộng hòa miền Nam Việt Nam) khám bệnh cho tôi và nói phải đưa vào Sài Gòn mới trị hết.

Tháng 5/1969 tôi cùng với Tư Nhơn, Mười Lang đang phục vụ lớp cán bộ thành (Sài Gòn) ra học, ở căn cứ huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Chú Sáu cho rước tôi về Mỏ Cày (nơi chú Sáu và đơn vị đang ở) chăm sóc và chuẩn bị đưa tôi về Sài Gòn trị bệnh. Chú Trần Bạch Đằng và chú Mai Chí Thọ nói với tôi: "Chỉ có mày mới được như vậy đó nghen!".

Mấy ngày sau, chị Sáu Trung đưa tôi đến Bệnh viện Phụ sản ở thị xã Vĩnh Long. Ông Sáu Hoa từ Sài Gòn tự lái xe đến đây rước tôi về Sài Gòn, đưa tôi vào bệnh viện Chợ Rẫy và nhờ ông Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, là bạn quan của ông Sáu Hoa, điều trị cho tôi. Sau hơn hai tháng tôi ra viện, ông Sáu Hoa đưa tôi về nhà cơ sở của ông. Tôi gọi ông chủ nhà là chú Tám. Chú Tám làm thợ mộc, quê ở Quảng Nam, sát vách nhà chú có một ông thầy đông y hằng ngày chữa bệnh cho tôi. Việc ăn ở và thuốc men cho tôi đều được ông bà Sáu Hoa lo lắng chu đáo.

Khi tôi sắp hết bệnh, ông Sáu Hoa kêu tôi đi làm giấy tờ. Do tôi còn hộ khẩu tại nhà ông Sáu Hoa, nên không khó khăn gì, không những tôi được cảnh sát xã Bình Hòa của địch giúp đỡ làm xong giấy căn cước mà còn được tạo mọi thuận lợi để lên Trung tâm Quang Trung xin giấy để miễn đi quân dịch.

Đầu năm 1970, được tin tôi hết bệnh, chú Sáu gợi ý ông Sáu Hoa tìm cách mua nhà làm nơi bán vật liệu xây dựng tại thị xã Vĩnh Long để đưa tôi về đứng chân hợp pháp phục vụ công tác của Thành ủy sau này. Nhưng cuối năm 1970, chú Sáu được đưa về làm Bí thư Khu ủy Tây Nam Bộ nên không thực hiện phương án đó. Chú cho chị Sáu Trung lên rước tôi về đơn vị. Chị Sáu hẹn đón tôi tại bến xe Cần Thơ rồi hai chị em đi xe đò về Hộ Phòng (khoảng giữa Cà Mau và Bạc Liêu), từ đó có người đón vào Cây Tàng, xã Quách Văn Phẩm, huyện Đầm Dơi, tỉnh Bạc Liêu, cơ quan Khu ủy đang đóng ở đó.

Tôi về nhận nhiệm vụ Trưởng ban Hậu cần của đơn vị (lúc tôi đi trị bệnh, đồng chí Mười Hùng thay). Nhờ có ông Sáu Hoa ở Sài Gòn, tôi bố trí mua sắm được nhiều phương tiện thủy động cơ, cũng như thuốc men và các nhu yếu phẩm khác phục vụ cơ quan.

Tình hình T3 (Tây Nam Bộ) sau Mậu Thân gặp nhiều khó khăn, trong khi quân địch tập trung lực lượng chiếm đóng khắp nơi, nhưng ta "chậm chuyển hướng chỉ đạo chiến lược"4 nên địch càng lấn tới. Tháng 1/1971, chú Sáu triển khai chỉ thị của Trung ương Cục về "chống địch bình định lấn chiếm" cho khu Tây Nam Bộ, từ đó tình hình T3 có nhiều chuyển biến. Với khẩu hiệu "Tất cả cho cơ sở, tất cả để giành đất, giành dân và giành quyền làm chủ ấp, xã”5, một phong trào chiến đấu mới diễn ra ở khắp các địa phương, nhiều căn cứ quân sự và đồn bốt địch bị tiêu diệt.

Cuối năm 1971, địch đổ quân xuống ấp 9, xã Tân Tiến, đơn vị phòng thủ của Khu phối hợp với địa phương bao vây tiêu hao tiêu diệt và buộc địch tháo chạy. Cơ quan chúng tôi dời ra ở chung với đồng bào.

Tháng 4/1972, cơ quan chúng tôi dời về khu vực nhà ông Tám Thơi, kinh Ba Phi, huyện Trần Văn Thời, sau đó lên Cơi 5, xã Khánh Hưng B rồi chuẩn bị chuyển lên Khánh Lâm (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau bây giờ).

Khánh Lâm là nơi diễn ra chiến dịch "Nhổ cỏ U Minh" của địch từ năm 1969 đến cuối năm 1971. Địch dùng B.52 hủy diệt và đổ quân chủ lực chà đi xát lại nhiều lần, sau đó tung lực lượng bảo an chiếm đóng với những căn cứ quân sự hùng hậu như Bà Thầy, Nổng Cạn (Khánh Lâm), Kinh Cùng, Tám Ngàn (Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời), Biển Bạch (Thới Bình).

Đồng chí Hai Hiền (Trưởng ban căn cứ Khu) cùng chú Tám Đông và tôi đến Khánh Lâm gặp đồng chí Hai Mương, Bí thư xã. Đồng chí Hai Mương giới thiệu với chúng tôi khu vực nhà ông Đỗ Văn Biện (ấp 9, xã Khánh Lâm) hồi trước có một số cơ quan của Khu đứng ở đây, nhưng trong bình định địch lại ít để ý. Chúng tôi vào nhà bàn với ông Biện là anh em chúng tôi muốn xây dựng một số lán trại sau hậu đất của ông để đưa thương binh về an dưỡng. Là gia đình có nhiều con em đi công tác nên ông rất sẵn sàng. Rừng U Minh có nhiều muỗi, chúng tôi làm nhà cho chú Sáu trên bờ chuối, chung quanh chắn lưới mành mành. Các cơ quan khác của Khu đều lên U Minh, như Văn phòng Khu ủy ở nhà ông Ba Trinh (Mũi Chùi), Cơ yếu ở Lung Vường, Tiểu đoàn bảo vệ ở kinh Kim ĐàiCó hai lần chúng tôi được tin địch dùng bom huỷ diệt khu vực này. Những lúc đó chúng tôi phải dời cơ quan lên kinh Năm Đất Sét.

Sau Hiệp định Paris (1/1973) chúng tôi dời lên Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Mỹ cuốn cờ rút quân, nhưng Nguyễn Văn Thiệu hò hét "tràn ngập lãnh thổ", chúng bắt dân sơn cờ và treo cờ ở khắp nơi, đồng thời tung quân giành dân lấn đất với ta. Nơi nào có cờ “ba que” chúng coi là vùng kiểm soát của chúng. Trước tình hình đó, chú Sáu và Khu ủy chủ trương đánh địch vi phạm Hiệp định, kiên quyết không cho chúng lấn chiếm. Nguyễn Văn Thiệu đến Cần Thơ kiểm tra kế hoạch ba đợt của chúng, đợt 1: bình định Chương Thiện (nay là Hậu Giang) (3-5/1973); đợt 2: bình định U Minh (5-9/1973); đợt 3: bình định Cà Mau (10/1973-9/1974).

Tháng 5/1973, Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh tập trung đến 75 tiểu đoàn đánh vào Chương Thiện. Dù Hiệp định Pari ký kết nhưng quân địch vẫn quyết sống chết tiêu diệt ta. Mặc dù lúc này có tin Trung ương đề nghị "phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định", chú Sáu Dân nói trong một cuộc họp: "Nếu không chống địch lấn chiếm thì không còn đất ở". Lúc này nơi nào lơ là, mất cảnh giác đều bị địch đánh lấn chiếm phải chạy vào rừng.

Mặc dù địch tập trung toàn lực đánh phá dữ dội nhưng khắp chiến trường Tây Nam Bộ ta vẫn chủ động tiến công đánh địch quyết liệt và giành thắng lợi to lớn. Đầu năm 1973, chú Sáu được lệnh ra Bắc báo cáo tình hình. Giữa năm 1973, chú Sáu trở về Cà Mau theo đường Hồ Chí Minh trên biển. Khi tàu đến huyện Ngọc Hiển, đồng chí Ba "Nông dân" cùng lực lượng phòng thủ của Khu bố trí đưa đón chú về Khánh Lâm để họp Khu ủy. Chú Sáu phổ biến nghị quyết mới của Trung ương và triển khai kế hoạch chiến đấu mới. Sau đó chú được rút về Trung ương Cục miền Nam.

Đầu năm 1975, chuẩn bị giải phóng miền Nam, chúng tôi đi với chú từ kinh Ba Ren xuống Vàm Cỏ, khu vực "đám lá tối trời" thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trưa ngày 30/4/1975, tất cả chúng tôi lập tức cuốn đồ đạc chạy bộ ra khu Lê Minh Xuân. Chú Sáu kêu tôi và anh Tư Nhơn vào ngay Sài Gòn vận động xe buýt ra rước anh em. Là người hiểu địa bàn nơi đây, chúng tôi đến xa lộ Đại Hàn gặp chiếc GMC của địch đã treo cờ Mặt trận nhưng không có ai lái. Tôi hỏi hai anh lái xe honda ôm: “Các anh biết lái xe này không?", các anh nói "biết". Chúng tôi lên xe quay lại hướng lộ 10, rước chú Sáu, chú Năm Xuân (Mai Chí Thọ) và toàn thể đơn vị.

Tất cả anh em trong đơn vị háo hức nhào đầy lên xe chạy về trường Pétrus Ký (nay là trường Lê Hồng Phong), nơi tập kết của các cơ quan Thành ủy thành phố Sài Gòn-Gia Định. Dọc các nẻo đường, quân ngụy vứt bỏ súng đạn, giày dép, quần áo, quân trang, quân dụng tùm lum, không biết muôn ngàn nào mà kể.

Vừa đến nơi, lúc đó là 15 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, tôi thấy đồng bào lùa số lính ở trần, mặc quần cụt vào các lớp trong trường. Hai anh tài xế từ giã tôi ra về sau khi rước hết đơn vị chúng tôi đến điểm hẹn. Khi nghe tôi báo cáo lại, chú Sáu hỏi: "Mày có trả tiền cho hai anh lái xe không?". Tôi trả lời: "Dạ không có". Chú Sáu nhìn tôi: "Phải trả tiền công cho người ta mới được, tội nghiệp, họ làm thuê cực khổ lắm". Tôi nói với chú: "Họ mừng quá nên về đâu mất hết rồi, biết ai mà trả bây giờ".

Sự việc này tuy không lớn nhưng lắng đọng trong tôi bài học đối xử với người nghèo của chú. Trong giờ phút biến động như biển trào, sóng dậy, chú vẫn quan tâm đến đời sống của người dân, nhất là người lao động nghèo trong giải quyết từng công việc nhỏ bé nhất. Những lời nói bình thường của chú lúc đó lại có ý nghĩa to lớn và tác động sâu sắc đối với tôi sau này.

Thời gian quân quản ở Sài Gòn, cơ quan chúng tôi phải di chuyển đến nhiều nơi ở mới, trong đó có lý do của công tác bảo vệ. Cứ mỗi lần dời cơ quan, chú Sáu lại dặn chúng tôi không được lấy theo bất cứ thứ gì, kể cả dụng cụ nấu nướng, mà phải bàn giao đầy đủ nguyên vẹn và đàng hoàng cho đơn vị mới.

Tôi nhớ có lần ông chủ rạp Rex, vì lý do sum họp gia đình nên làm đơn xin ra nước ngoài. Ông trực tiếp gặp chú Sáu xin hiến cho Nhà nước rạp Rex và tặng chú Sáu ngôi biệt thự số 41 Tú Xương (quận 3).

Được biết theo chính sách của Nhà nước lúc bấy giờ, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã quản lý hai cơ sở trên, riêng nhà số 41 Tú Xương thì bố trí cho chú Sáu Dân và đơn vị ta ở và làm việc.

Khi được điều động ra Trung ương công tác, chú Sáu đã giao trả lại nhà số 41 Tú Xương (quận 3) cho thành phố và yêu cầu thành phố lấy nhà này làm trường mầm non cho các cháu thiếu nhi. Đúng là sau đó thành phố đã giao biệt thự số 41 Tú Xương cho quận 3 để xây dựng trường mầm non mang tên Hoa Mai, rộng rãi khang trang, sạch đẹp. Trong thời gian đầu sau giải phóng chú Sáu còn phát động Thành phố Hồ Chí Minh "hãy dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho thiếu nhi". Nhiều quận, huyện đã hưởng ứng tích cực phong trào này.

Tôi khâm phục ở chú Sáu không chỉ ở tài năng, mà còn ở đức độ. Nhiều cuộc hội nghị, nhiều lần giải quyết công việc dù khó khăn, phức tạp, căng thẳng đến đâu, không bao giờ thấy chú Sáu nóng nảy, quạu quọ hay to tiếng với ai. Chú luôn luôn lắng nghe, ghi chép, sau đó phân tích, lý giải rồi phân công hỗ trợ nhau, tìm cách tháo gỡ, khắc phục. Trước những sai lầm, thiếu sót của đồng chí, đồng đội, chú phân tích, mổ xẻ đến chân tơ kẽ tóc và khi quyết thì đều bằng biện pháp mềm dẻo và độ lượng.


Cái sâu thẳm nhất ở chú Sáu là "lo cho dân nghèo, lúc nào ở đâu chú Sáu cũng nhắc đến vấn đề đó (đối với cán bộ các cấp). Chỉ đạo làm gì, đầu tư vào đâu chú cũng tập trung nghĩ đến hiệu quả để không lãng phí tiền của...

Hôm lên dự lễ tang của chú, tôi không cầm được nước mắt. Thương yêu, kính trọng, quý mến... tất cả đều không phản ánh đầy đủ nỗi niềm sâu lắng trong trái tim tôi. Tôi nghèo nhưng tận tụy và trong sạch, phải chăng đó là ánh sáng chân lý mà tôi được ấp ủ trong những năm tháng bên cạnh chú Sáu, bên cạnh một con người trọn đời vì nước, vì dân.

_______________

* A6 - Đội cận vệ anh hùng, Sđd, tr.78-85.

1. Ông Phạm Văn Hoa là cán bộ nội thành. Sau giải phóng là cán bộ xây dựng Văn phòng Trung ương Đảng phía Nam (T78).

2. Bí thư Đặc khu ủy thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn.

3. Chị Sáu Trung là giao liên công khai Khu ủy Sài Gòn-Gia Định và Khu ủy Tây Nam Bộ.

4,5. Xem Ấn tượng Võ Văn Kiệt, Sđd, tr.50, 59.