Đó là thông điệp của vở kịch nói “Lâu đài cát” hay còn có tên “Mặt nạ người” được Đoàn Kịch nói Hải Phòng dàn dựng và cho ra mắt khán giả thành phố Cảng trong chương trình sân khấu truyền hình Hải Phòng số tháng 10/2024.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương tác giả vở kịch nói, “Lâu đài cát” như nhắc nhở trong mỗi con người chúng ta không biết kiềm chế dục vọng đen tối, những ham muốn thái quá… sẽ dễ vướng vào tình huống oái oăm như trong vở diễn.
Vở diễn cũng là hồi chuông cảnh báo về những hệ lụy khôn lường khi xuất hiện quá nhiều “mặt nạ người” trong đời sống xã hội ngày nay.
Lối sống buông thả của của một số người sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường cho chính gia đình của họ. |
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng - Tiến sĩ Trần Thị Hoàng Mai cho hay, trong nhiều năm qua, đội ngũ cán bộ, diễn viên, nghệ sĩ các đoàn nghệ thành phố đã không ngừng nghỉ trong nỗ lực đưa văn học nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu nói riêng đến với đông đảo công chúng, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Hình tượng người chiến sĩ công an anh hùng lên sân khấu cải lương Hải Phòng
Sân khấu thành phố Cảng luôn sáng đèn và trở thành điểm hẹn văn hóa hấp dẫn không chỉ đối với đông đảo người dân thành phố, mà còn có sức lôi cuốn nhiều du khách và khán giả các tỉnh, thành phố bạn.
Và “Lâu đài cát” là một trong những tác phẩm sân khấu với đề tài hiện đại, phản chiếu những vấn đề của hiện thực đời sống hiện nay.
Vở kịch nói "Lâu đài cát" lên sân khấu Nhà hát thành phố Hải Phòng. |
Đồng thời, vở diễn cũng chuyển tải một cách sâu sắc, chân thực, nhưng cũng rất nhân văn tới đông đảo khán giả những nguyên tắc về đạo đức, lối sống của mỗi con người trong nỗ lực cùng xây dựng “tổ ấm” gia đình - những “tế bào” lành mạnh và để cùng hướng tới một xã hội lành mạnh, tiến bộ…
Với giá trị đó, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng lựa chọn, quyết định cho dàn dựng và công diễn “Lâu đài cát” trên sân khấu truyền hình Hải Phòng số tháng 10/2024.
Nghệ sĩ Ưu tú Kiều Minh Hiếu, người đảm nhận vai trò đạo diễn của vở chia sẻ, sân khấu của thành phố Cảng liên tục “sáng đèn” trong nhiều năm qua, kể cả trong những thời điểm khó khăn nhất như trong đại dịch Covid-19.
Ê-kíp sáng tạo nghệ thuật của vở diễn trao đổi về nội dung kịch bản. |
Điều đó đã cho thấy sự quan tâm và quyết liệt chỉ đạo của lãnh đạo thành phố Hải Phòng trong lĩnh vực phát triển văn hóa, cũng như nỗ lực làm phong phú hơn đời sống tinh thần cho nhân dân, tạo dựng hình ảnh về thành phố Hải Phòng đã và đang phát triển mạnh mẽ về mọi mặt.
“Lâu đài cát” hay “Mặt nạ người” là vở diễn hiện thân của sự thật đen tối về thói đạo đức giả của một bộ phận không nhỏ thành viên trong không ít gia đình ngày nay; về những người với tính cá nhân, ích kỷ và nhu cầu hưởng thụ được đặt lên trên hết nhưng vẫn mang “mặt nạ” đạo đức để tạo dựng cái gọi là “truyền thống gia đình” cũng sẽ chỉ là xây nên cái “lâu đài cát” mà thôi.
Đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Kiều Minh Hiếu chia sẻ về vở diễn. |
Với vai trò đạo diễn, ekip sáng tạo sẽ nỗ lực hết mình để có thể chuyển tải những thông điệp của vở diễn tới công chúng một cách tinh tế, hấp dẫn và lôi cuốn.
Trưởng đoàn Kịch nói Hải Phòng Trần Trung Hiếu chia sẻ, với chủ đề gia đình - “Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc”, “Lâu đài cát” muốn mang đến cho khán giả một cảm nhận và cũng là một chân lý: Gia đình luôn là tổ ấm mang lại các giá trị hạnh phúc, là chỗ dựa tinh thần vững chắc trong cuộc sống, chốn bình yên sau những vất vả gian lao, nơi luôn rộng mở khoan dung sau những sai lầm vấp ngã…
Giá trị truyền thống gia đình chỉ đến từ tình yêu trong sáng, chân thành. |
Các nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn Kịch Hải Phòng đã nỗ lực thể hiện những câu chuyện, những tình tiết, sự việc… như đã từng xảy ra trong cuộc sống chúng ta một cách chân thực nhất.
Thiết kế mỹ thuật vở diễn cũng gợi nên màu sắc thời gian bình dị, xưa cũ, thanh khiết, nhưng cũng thấp thoáng cho người xem thấy có cái gì đó sắp sụp đổ, tan nát bất cứ lúc nào nếu như con người ta không nhận ra để bồi đắp, chăm chút, nâng niu, trân trọng.
Tại vở diễn, khán giả sẽ gặp lại nhiều gương mặt thân quen trong ê-kíp sáng tạo như: nhạc sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Trọng Đài; họa sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Doãn Bằng; chỉ huy biểu diễn Đăng Khoa; trợ lý đạo diễn Quang Thiện; biên đạo Nghệ sĩ Ưu tú Nguyệt Hằng; cùng các nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn Kịch nói Hải Phòng và Nhà hát Kịch Việt Nam...
Những tấm "mặt nạ" cần được phơi bày, gột rửa để tạo dựng lên truyền thống gia đình tốt đẹp thực sự. |
Theo Hội đồng Nghệ thuật thành phố Hải Phòng, vở diễn đã truyền tải được những vấn đề đã và đang nảy sinh trong xã hội thông qua nội dung và số phận của từng nhân vật.
Thông qua vở diễn, công chúng có thể đánh giá, cảm nhận những góc khuất trong cuộc sống để có thể tự răn mình, cũng như định hướng trong giáo dục, trong xây dựng truyền thống gia đình thực sự từ chính sự gương mẫu, tốt đẹp của mỗi con người thành viên trong gia đình, cùng hướng tới cái chân - thiện - mỹ.
Những sai lầm của thành viên trong gia đình phải trả giá. |
Và các “tế bào” tốt đẹp này sẽ là những động lực mạnh mẽ góp sức bồi đắp, xây dựng nên nền tảng văn hóa tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người.
Thông qua câu chuyện về gia đình ông Quân-bà An, một gia đình tứ đại đồng đường, có nền tảng văn hóa, luôn tỏ ra coi trọng đạo lý. Tuy nhiên, đó chỉ là vẻ bên ngoài được che đậy bởi những “mặt nạ” của các thành viên trong gia đình với sống giả dối, buông thả.
Với nhiều “nút thắt”, những kịch tính được đẩy lên cao trào khi vở diễn đưa về nhân vật ông Bộ - một cán bộ cao cấp đã bất chấp những giá trị tốt đẹp của con người, những thiêng liêng của gia đình để thỏa mãn lối sống cá nhân, ích kỷ, suy thoái đạo đức, nhưng lại luôn được che đậy bởi cái mặt nạ “Coi trọng đạo đức”, “Coi trọng truyền thống gia đình”…
Tình tiết éo le trong cuộc sống được đẩy lên cao trào trong vở diễn. |
Nhìn bề ngoài, cuộc sống gia đình ấy tưởng như một “lâu đài” kiên cố hoàn hảo, không gì có thể xô đẩy được, nhưng bên trong nó là những bức bối, sự tha hóa và những phản kháng về sự giả dối đã tích tụ và chịu đựng qua nhiều năm tháng.
Bi kịch lên đến đỉnh điểm khi những bí mật ê chề được phơi bày, làm vỡ vụn và tòa “lâu đài” tưởng chừng hoàn hảo mà họ cố xây dựng bấy lâu nay chỉ là toàn “lâu đài cát” mà thôi...
Hậu quả mà gia đình ông Quân-bà An phải chịu là sự cảnh báo mang tính xã hội: gia đình là một “tế bào” của xã hội, muốn có một xã hội lành mạnh thì trước hết từng “tế bào” phải lành mạnh.