Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam, Lễ hội Hoa phượng đỏ được tổ chức và gắn với kỷ niệm Ngày giải phóng Hải Phòng, là sự kiện quan trọng, là dịp để quảng bá về con người và vùng đất Hải Phòng. Sự kiện cũng khẳng định những thành tựu nổi bật của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố trong nỗ lực xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố phát triển văn minh, hiện đại, thân thiện, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đồng thời, lễ hội cũng là cơ hội để thành phố Cảng xây dựng thương hiệu, tạo tiếng vang và dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Hải Phòng trong nước và quốc tế... Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Trần Thị Hoàng Mai cho biết, trên địa bàn Hải Phòng có vô vàn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; trong đó, nhiều di sản được công nhận là di sản thế giới và quốc gia. Với chủ đề “Hải Phòng-Bừng sáng miền di sản”, Lễ hội Hoa phượng đỏ năm nay được kỳ vọng góp phần khơi dậy và phát huy những tiềm năng, những di sản quý giá đang ẩn chứa trên vùng đất mặn mòi nơi cửa biển để giới thiệu với bạn bè cả nước và quốc tế…
Theo đó, điểm nhấn của lễ hội năm nay là đêm khai hội và đón nhận danh hiệu Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà là Di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam. Đêm khai hội được tổ chức vào tối 11/5 với quy mô lớn tại địa điểm hoàn toàn mới: Quảng trường phía trước Trung tâm Chính trị-Hành chính thành phố tại Khu đô thị mới bắc sông Cấm (huyện Thủy Nguyên) thay cho Quảng trường Nhà hát thành phố vốn nhỏ hẹp và hạn chế về quy mô tổ chức. Đây cũng là sự kiện khởi đầu cho công cuộc di chuyển Trung tâm Chính trị-Hành chính của Hải Phòng từ nội đô cũ sang thành phố Thủy Nguyên đang hình thành trong tương lai gần, đánh dấu sự phát triển mở rộng và hiện đại hóa mạnh mẽ của không gian đô thị Hải Phòng.
Hiện tại, quảng trường phía trước Trung tâm Chính trị-Hành chính mới của thành phố Hải Phòng đang khẩn trương hoàn thiện với mặt bằng có sức chứa lên đến 18.000 người; trong đó, có gần 10.000 ghế đại biểu cùng các khu vực phụ trợ được bố trí riêng biệt; bảo đảm an toàn, giao thông thuận lợi, thông thoáng so với 10 kỳ lễ hội đã tổ chức tại Quảng trường Nhà hát thành phố trước đây.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam khẳng định, việc tổ chức lễ hội tại địa điểm mới còn khẳng định rõ tầm nhìn, sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo thành phố trong việc mở rộng không gian đô thị, công nghiệp, dịch vụ năng động, hiện đại trong định hướng đưa Hải Phòng trở thành động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước.
Đồng thời, sự kiện cũng sẽ mở đầu cho việc tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa lớn ngoài trời của đất nước và thành phố trong tương lai. Cùng với đó, để lan tỏa, quảng bá lễ hội và tạo điều kiện cho đông đảo người dân đều được thưởng thức không khí lễ hội cùng màn bắn pháo hoa rực rỡ, chương trình đêm hội cũng được truyền trực tiếp trên sóng truyền hình và trên màn hình lớn đặt tại Quảng trường Nhà hát thành phố…
Nghệ sĩ Đặng Lê Minh Trí, Tổng Đạo diễn chương trình Đêm hội “Hải Phòng-Bừng sáng miền di sản” chia sẻ, chương trình nghệ thuật được dàn dựng với chất lượng nghệ thuật cao, thể hiện các giá trị, nét đặc trưng tiêu biểu nhất về huyền thoại, lịch sử, di sản văn hóa, hình ảnh, con người Hải Phòng bằng thực cảnh, kết hợp cùng công nghệ AR (thực tế ảo).
Thiết kế tổng thể sân khấu lấy cảm hứng từ hình tượng bông hoa phượng bừng nở, cùng ánh sáng chiếu rọi từ hình ảnh ngọn hải đăng Long Châu sẽ giúp người xem cảm nhận về một thành phố Hải Phòng đang bừng sáng, vươn lên mạnh mẽ và ngập tràn sức sống. Đặc biệt, chương trình có sự tham gia, trình diễn của các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng hàng đầu Việt Nam và thành phố cùng gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, đây là chương trình đêm hội có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai cho biết thêm, ngoài đêm hội chính, trong dịp này, nhiều hoạt động, sự kiện quan trọng khác cũng được tổ chức như: Lễ trao nhận Quyết định, Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Đền thờ Lê Khắc Cẩn tại huyện An Lão; trưng bày 21 Bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Hải Phòng; khai mạc Triển lãm “Hải Phòng-Bừng sáng miền di sản”; trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể của thành phố Hải Phòng được UNESCO ghi danh; chương trình “Không gian văn hóa đình làng Hải Phòng xưa”, cùng nhiều hoạt động khác như Liên hoan Múa rối Hải Phòng mở rộng lần thứ 2, Liên hoan nghệ thuật “Đờn ca tài tử”, triển lãm sách, báo, ảnh nghệ thuật, mỹ thuật với chủ đề “Hải Phòng-Kết nối miền di sản”, biểu diễn võ thuật cổ truyền, Lễ hội áo dài năm 2024 với chủ đề “Về miền di sản cửa biển” và chương trình biểu diễn của Đoàn nghệ thuật Nam Ninh (Trung Quốc)... Mọi công tác chuẩn bị đang khẩn trương hoàn tất và hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những trải nghiệm, ấn tượng thú vị về thành phố Cảng thân thiện, luôn rộng mở chào đón bè bạn bốn phương.