“Bà chúa Mõ” lên sân khấu cải lương Hải Phòng

NDO - “Bà chúa Mõ”- vở diễn về nhân vật lịch sử của dân tộc đã góp phần mang lại sự phát triển và ấm no cho vùng đất mặn mòi nơi cửa biển đã chính thức lên sân khấu thành phố Cảng trong chương trình “Sáng đèn Nhà hát thành phố” cuối cùng của năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
"Bà chúa Mõ" lên sân khấu thành phố Cảng.
"Bà chúa Mõ" lên sân khấu thành phố Cảng.

Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai cho hay, vở diễn “Bà chúa Mõ” nhằm khắc ghi công lao to lớn của Công chúa Quỳnh Trân cũng như truyền thống lịch sử, văn hóa và sự phát triển của mảnh đất, con người Kiến Thụy nói riêng và miền cửa biển Hải Phòng nói chung.

Vở diễn cũng khẳng định sức sáng tạo luôn được duy trì, phát triển hoạt động biểu diễn nghệ thuật sân khấu cải lương của đội ngũ nghệ sĩ thành phố Cảng trong nỗ lực đưa các loại hình nghệ thuật biểu diễn đến gần hơn với công chúng.

“Bà chúa Mõ” lên sân khấu cải lương Hải Phòng ảnh 1

Lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao Hải Phòng trao đổi nội dung vở diễn với ekip sáng tạo.

Cũng chính vì vậy, lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã chọn “Bà chúa Mõ” là vở diễn cho chương trình Sân khấu truyền hình của tháng 12 năm 2023 nhằm tôn vinh và truyền tải những công lao to lớn của người phụ nữ có nhiều đóng góp cho việc mở mang và tạo dựng cuộc sống của người dân vùng đất Nghi Dương (huyện Kiến Thụy ngày nay) bằng nghệ thuật sân khấu cải lương.

Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ, trong điều kiện khó khăn chung của hoạt động nghệ thuật biểu diễn, thì thành phố Hải Phòng đang nổi lên như là một hiện tượng, một điểm sáng trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn của cả nước.

“Bà chúa Mõ” lên sân khấu cải lương Hải Phòng ảnh 2

Hình tượng "Bà chúa Mõ" trên sân khấu.

Trên địa bàn Hải Phòng vẫn duy trì được hoạt động của 5 đoàn nghệ thuật-một sự hiếm hoi trong cả nước, nhất là Đoàn Cải lương Hải Phòng không chỉ vẫn duy trì hoạt động với tư cách là đoàn nghệ thuật độc lập, mà còn luôn giành nhiều thành tích cao trong các liên hoan, hội diễn nghệ thuật của cả nước.

Tại đây, các nghệ sĩ cải lương vẫn được làm nghề, vẫn được cống hiến cho nghệ thuật mình ưa thích với ít nhất 2 vở diễn trở lên trong 1 năm và vẫn lan tỏa được các tác phẩm qua nghệ thuật biểu diễn đến với khán giả yêu thích cải lương…

“Bà chúa Mõ” lên sân khấu cải lương Hải Phòng ảnh 3

Một cảnh trong vở diễn.

Vở diễn “Bà chúa Mõ” đã đưa công chúng về với thế kỷ 13 để “kể lại” câu chuyện về Công chúa Quỳnh Trân, con gái Thượng hoàng Trần Thánh Tông xuất gia thờ Phật tại xã Nghi Dương, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn (xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy ngày nay).

Khi đó, Công chúa Quỳnh Trân đã xin Thượng hoàng cho xuất gia thờ Phật. Trên đường đi tìm nơi lập chùa tu tập, Công chúa đã tìm đến xã Nghi Dương, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, nay là xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy.

“Bà chúa Mõ” lên sân khấu cải lương Hải Phòng ảnh 4

Quần thể di tích đền-chùa Mõ với cây gạo hơn 700 năm tuổi.

Thấy thế đất nơi đây giống như chim bay giữa núi non, sóng nước mênh mông, phong cảnh thanh u, Công chúa đã làm am nhỏ, ngày đêm hương đèn thờ Phật. Sau đó, chùa được mở rộng cùng với quá trình các cư dân quần tụ và Công chúa đã hướng dẫn cư dân khai khẩn ruộng vườn, cấp phát tiền cho người người cày cấy và người dân Nghi Dương ngày càng no đủ, trở thành một làng giàu có từ ấy…

Điền sản ngày càng rộng mở, phát đạt, Công chúa Quỳnh Trân đã quy ước dùng tiếng mõ như hiệu lệnh để “điều hành” hoạt động sản xuất, cũng như đời sống sinh hoạt của mọi người.

Từ đó, mọi người truyền ngôn gọi là chùa là “chùa Mõ” và khi Công chúa viên tịch, dân sở tại lập đền thờ cạnh chùa, gọi là đền Mõ thờ “Bà chúa Mõ”.

“Bà chúa Mõ” lên sân khấu cải lương Hải Phòng ảnh 5

Bà chúa Mõ đã trở thành huyền thoại trong đời sống người dân.

Cụm Di tích đền-chùa Mõ đã được các triều đại trao 12 bản sắc phong và năm 1991 được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia.

Trưởng đoàn Cải lương Hải Phòng Vũ Gia Thùy cho biết, ngoài tập thể nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Cải lương Hải Phòng, còn có một số nghệ sĩ của một số đoàn nghệ thuật trong cả nước cùng tham gia vở diễn như nghệ sĩ Minh Lý, Lê Tuấn đến từ Nhà hát Cải lương Việt Nam, nghệ sĩ Thu Hiền đến từ Đoàn Cải lương Hà Nội…

Không chỉ nghiên cứu nhuần nhuyễn kịch bản, các nghệ sĩ, diễn viên và ê-kip sáng tạo vở diễn cũng đã đến dâng hương, tìm hiểu, cảm nhận thực tế, hòa mình với phong cảnh tĩnh tại của địa danh lịch sử… với mong muốn sự sáng tạo nghệ thuật của mình chân thực, đồng cảm và gần gũi hơn với công chúng…

“Bà chúa Mõ” lên sân khấu cải lương Hải Phòng ảnh 6

Một cảnh trong vở diễn "Bà chúa Mõ".

Vở diễn được thực hiện bởi ê-kip: tác giả Trần Kiên Cường; chuyển thể cải lương Nghệ sĩ Ưu tú Ngọc Chi; Đạo diễn Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Quỳnh Mai; Nhạc sĩ-Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Anh Tú; Họa sĩ Đăng Khoa; Chỉ đạo nghệ thuật Trưởng đoàn Vũ Gia Thùy…

Chứng kiến cây gạo cổ thụ hơn 700 năm tuổi vẫn tỏa bóng mát với cành lá xum xuê, tương truyền do chính tay Công chúa Quỳnh Trân trồng tại khu di tích đền- chùa Mõ, Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ, các nghệ sĩ, diễn viên sẽ cố gắng sáng tạo trong biểu diễn để chuyển tải tới công chúng hình tượng “Bà chúa Mõ”- người phụ nữ đã dám vượt qua tất cả, rũ bỏ cả cuộc sống nơi phồn hoa để hướng tới một tình yêu lớn hơn…

Di tích đền Mõ thuộc địa bàn xã Ngũ Phúc (huyện Kiến Thụy) đã được các triều đại trao 12 bản sắc phong và năm 1991 cụm Di tích đền-chùa Mõ được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia.

Tại di tích có cây gạo hơn 700 năm tuổi với nhiều giai thoại linh thiêng như một chứng tích lưu dấu lịch sử khai phá, phát triển của mảnh đất này và vẫn đang là điểm đến cuốn hút người dân và du khách thập phương.

Khu Di tích lịch sử đền, chùa Mõ trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc cũ. Lễ hội đền Mõ được tổ chức vào dịp đầu năm âm lịch hàng năm để tưởng nhớ công lao của vị Thành hoàng làng-Công chúa Quỳnh Trân và cầu mong cho mưa thuận gió hòa, nhà nhà no đủ, cuộc sống phát đạt...

“Bà chúa Mõ” lên sân khấu cải lương Hải Phòng ảnh 7

Khu di tích đền Mõ.

Và giờ đây, tiếng mõ trong vở diễn không chỉ là tiếng mõ đơn thuần, mà đó là tiếng mõ đi vào huyền thoại, tiếng mõ hóa giải nỗi đau thương, mang đến sự an lành cho đông đảo người dân, cho quê hương, đất nước… Các nghệ sĩ chúng tôi sẽ cố gắng thể hiện điều đó trên sân khấu cải lương của thành phố Cảng- Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ thêm.