Hình tượng người chiến sĩ công an anh hùng lên sân khấu cải lương Hải Phòng

Đoàn Cải lương Hải Phòng vừa chính thức khởi dựng vở diễn “Lời thề trên núi Cột Cờ” - vở cải lương về đề tài người chỉ huy trưởng Công an đầu tiên của thành phố Hải Phòng sau khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sĩ Trần Thành Ngọ.
0:00 / 0:00
0:00
Ê-kíp sáng tạo trao đổi nội dung kịch bản vở diễn "Lời thề trên núi Cột Cờ".
Ê-kíp sáng tạo trao đổi nội dung kịch bản vở diễn "Lời thề trên núi Cột Cờ".

Trưởng đoàn Cải lương Hải Phòng Vũ Gia Thùy cho hay, vở diễn nằm trong chương trình sân khấu truyền hình số tháng 7/2024 và sẽ được công diễn trên sân khấu phục vụ đông đảo khán giả vào đúng ngày 27/7, nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ.

Vở diễn “Lời thề trên núi Cột Cờ” được Nghệ sĩ Ưu tú Ngọc Chi chuyển thể cải lương từ tác phẩm cùng tên của tác giả Trần Tuấn Tiến.

Vở diễn được thực hiện bởi ê-kíp sáng tạo: đạo diễn: Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Quỳnh Mai; trợ lý đạo diễn: Nghệ sĩ Dương Dũng; âm nhạc: Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Anh Tú; Họa sĩ: Đăng Khoa; cổ nhạc: Quý Lượng, Tùng Vân; chỉ đạo nghệ thuật: Trưởng đoàn Cải lương Hải Phòng Vũ Gia Thùy; vở diễn có sự tham gia của tập thể nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Cải lương Hải Phòng.

Vở diễn “Lời thề trên núi Cột Cờ” xây dựng hình tượng nhân vật là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Liệt sĩ Trần Thành Ngọ.

Anh hùng, Liệt sĩ Trần Thành Ngọ sinh năm 1917, tại Văn Đẩu, Kiến An (Hải Phòng). Từ nhỏ, Trần Thành Ngọ đã chịu khó học tập, rèn luyện, là người giỏi võ, thông minh có đầu óc tổ chức, tính tình cương trực, mạnh mẽ. Những năm học tại trường Bách nghệ Hải Phòng và làm việc tại mỏ than Uông Bí, nơi có truyền thống đấu tranh chống áp bức, bóc lột, đã tôi rèn thêm tinh thần yêu nước cho Trần Thành Ngọ.

Năm 1944, khi Mặt trận Việt Minh được thành lập, Trần Thành Ngọ được giác ngộ cách mạng và trở thành một người Đảng viên cộng sản kiên trung.

Sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí Trần Thành Ngọ là cán bộ Việt Minh đầu tiên được giao đến Sở Cảnh binh thu nhận cơ quan và thực thi nhiệm vụ, được Ủy ban Cách mạng lâm thời Hải Phòng phân công giữ chức Chỉ huy trưởng Công an và Cảnh vệ thành phố.

Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ, bản thân rất vinh dự được đảm nhận vai trò đạo diễn của vở cải lương “Lời thề trên núi Cột Cờ” và càng tự hào hơn khi được đạo diễn sân khấu một vở diễn về tấm gương Anh hùng của người chiến sĩ Công an nhân dân, người chỉ huy trưởng công an đầu tiên của thành phố Cảng trong lịch sử cận đại.

Hình tượng người chiến sĩ công an anh hùng lên sân khấu cải lương Hải Phòng ảnh 1

Trưởng đoàn Cải lương Hải Phòng Vũ Gia Thùy chia sẻ về vở diễn.

Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai cũng thật sự xúc động khi tìm hiểu thực tế, gặp gỡ người thân của người Anh hùng, Liệt sĩ Trần Thành Ngọ để tìm thêm các chất liệu cho vở diễn sinh động và càng cảm thấy sự thôi thúc, quyết tâm nỗ lực hết sức mình để vở diễn thành công với vai trò đạo diễn.

Vở diễn “Lời thề trên núi Cột Cờ” xây dựng hình tượng nhân vật là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Liệt sĩ Trần Thành Ngọ với lời thề quyết tử: “Nếu Trần Thành Ngọ còn thì Kiến An còn, nếu Kiến An mất thì Trần Thành Ngọ sẽ mất theo” - khi đó, ông là Chỉ huy trưởng Đoàn Cảnh sát xung phong đảm nhiệm chỉ huy mặt trận bảo vệ Kiến An khi quân Pháp gây hấn, tấn công thị xã Kiến An tháng 4/1947.

Trưởng đoàn Cải lương Hải Phòng Vũ Gia Thùy chia sẻ, với mong muốn khắc họa lại trên sân khấu cải lương cái khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, cũng như tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” của chính quyền cách mạng non trẻ khi đó và bao tấm gương yêu nước của triệu người dân Việt Nam như Anh hùng Liệt sĩ Trần Thành Ngọ luôn xuất hiện và tỏa sáng để làm nên những chiến công, góp sức cho thành công của cách mạng Việt Nam.

Sau khởi nghĩa giành chính quyền, trong tình thế khó khăn “ngàn cân treo sợi tóc”, “chống thù trong, giặc ngoài” của chính quyền cách mạng khi đó, với cương vị của mình, đồng chí Trần Thành Ngọ đã nhanh chóng ổn định nội bộ, tổ chức, tình hình trật tự, trị an, phát hiện và trừng trị kịp thời những âm mưu và hành động phá hoại của các nhóm phản động, của quân Tưởng và Pháp, bảo vệ các cuộc bầu cử, bảo vệ Đảng, chính quyền…

Trên cương vị là Cảnh sát trưởng, Ủy viên Ủy ban bảo vệ thành phố, đồng chí Trần Thành Ngọ đã xây dựng kế hoạch điều hành lực lượng Công an xung phong và Cảnh sát chiến đấu, kế hoạch tác chiến khi quân Pháp nổ súng đánh chiếm thành phố Hải Phòng (11/1946) dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy và Bộ Chỉ huy Chiến khu 3.

Hình tượng người chiến sĩ công an anh hùng lên sân khấu cải lương Hải Phòng ảnh 3

Bà Trần Thị Kim Trang (người áo hoa đứng giữa) - con gái Anh hùng, Liệt sĩ Trần Thành Ngọ xúc động khi trao đổi với ekip sáng tạo về nội dung vở diễn.

Trưởng đoàn Cải lương Hải Phòng Vũ Gia Thùy chia sẻ, với lòng tri ân sâu sắc những anh hùng liệt sĩ đã xả thân vì nước và nhất lại là những tấm gương sáng của mảnh đất, con người Hải Phòng, tập thể các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Cải lương Hải Phòng cùng ekip sáng tạo sẽ cố gắng luyện tập, nỗ lực thể hiện sức sáng tạo ở mức cao nhất để có thể truyền tải hết nội dung, thông điệp của vở diễn tới công chúng yêu nghệ thuật vào đêm công diễn 27/7 - đúng kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ.

Ngày 25/4/1947, quân Pháp với một lực lượng đông đảo được sự yểm trợ của pháo binh đã tấn công vào thị xã Kiến An từ nhiều phía. Chỉ huy trưởng mặt trận bảo vệ Kiến An khi đó là Trần Thành Ngọ đã đã tuyên thệ “Nếu Trần Thành Ngọ còn thì Kiến An còn, nếu Kiến An mất thì Trần Thành Ngọ sẽ mất theo”.

Và trong trận chiến đấu quyết tử bảo vệ thị xã Kiến An, bảo vệ các cơ quan đầu não của liên tỉnh Hải-Kiến, đồng chí Trần Thành Ngọ với cương vị là chỉ huy trưởng mặt trận đã trực tiếp chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và anh dũng hy sinh trên núi Cột Cờ.

Sự hy sinh oanh liệt của đồng chí Trần Thành Ngọ là tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vì nước quên thân của Công an Hải Phòng-Kiến An trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược, giành lại độc lập cho dân tộc, đất nước, tự do cho toàn dân ta.

Năm 1995, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống của lực lượng Công an nhân dân, Liệt sĩ Trần Thành Ngọ đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý: “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Hiện, tên người Anh hùng Trần Thành Ngọ đã được đặt cho tuyến phố chính của quận Kiến An và phường Trần Thành Ngọ cũng là địa phương trung tâm của quận Kiến An (thành phố Hải Phòng), nhiều trường học cũng được mang tên Trần Thành Ngọ.