Vĩnh Phúc xây dựng ”vùng xanh” về môi trường

NDO -

Công tác bảo vệ môi trường, nhất là xử lý rác thải sinh hoạt của tỉnh Vĩnh Phúc trở thành vấn đề cấp bách trong bối cảnh tỉnh này phát triển mạnh công nghiệp. Ngành Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan quản lý nhà nước đang gấp rút tìm kiếm những giải pháp mới để xử lý rác thải sinh hoạt một cách bền vững. 

Giáo dục ý thức vệ sinh môi trường cho học sinh Trường tiểu học Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên. (Ảnh: HÀ HỒNG HÀ)
Giáo dục ý thức vệ sinh môi trường cho học sinh Trường tiểu học Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên. (Ảnh: HÀ HỒNG HÀ)

Việc đầu tư cho xử lý rác thải được tỉnh Vĩnh Phúc triển khai qua những chính sách cụ thể về quản lý chất thải rắn, giá dịch vụ vệ sinh môi trường, chi phí xử lý rác thải sinh hoạt, đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn. Tỉnh cũng thông qua các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các dự án đầu tư xử lý rác thải sinh hoạt; quy hoạch, bố trí địa điểm, quỹ đất để phục vụ cho hoạt động thu gom, xử lý rác thải. Nhiều năm nay trên địa bàn tỉnh không phát sinh điểm nóng do ô nhiễm môi trường. 

Đầu tư đồng bộ cho xử lý rác 

Một số địa phương đã hình thành và duy trì thường xuyên, hiệu quả các phong trào bảo vệ môi trường, thu gom và xử lý rác thải như huyện Vĩnh Tường. Toàn tỉnh có 832 câu lạc bộ bảo vệ môi trường của các đoàn thể. Nhà trường và Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên tiền phong tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động học sinh giữ gìn vệ sinh môi trường, như phong trào thi đua xây dựng Trường học xanh, mô hình phân loại rác thải tại Trường tiểu học Đồng Cương (huyện Yên Lạc). Hiệu trưởng Trường tiểu học Tích Sơn (thành phố Vĩnh Yên) Nguyễn Thu Ba cho biết: Học sinh từ lớp 1 đã được giáo dục về thực hành vệ sinh môi trường, như nhặt rác, quét lớp, tham gia sinh hoạt ngoại khóa về môi trường. Giáo dục hành vi rất quan trọng đối với nhận thức của trẻ.

Nhìn chung, rác thải công nghiệp, độc hại được xử lý tương đối tốt, chưa có doanh nghiệp nào bị truy tố vì xả chất thải không đúng quy định. Tuy nhiên, việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt hoặc các loại phế liệu, phế phẩm phát sinh trên địa bàn dân cư gặp khá nhiều khó khăn. 

Vĩnh Phúc xây dựng ”vùng xanh” về môi trường -0
 Khu xử lý rác thải tại xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc. (Ảnh: CHU KIỀU) 

Trưởng phòng Quản lý môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc) Nguyễn Bá Hiến, thẳng thắn nhìn nhận: Việc triển khai các dự án đầu tư nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt theo quy hoạch còn chậm, chủ yếu do người dân vùng dự án chưa đồng tình, ủng hộ vị trí xây dựng nhà máy. Đến nay tỉnh mới xây dựng được một cơ sở xử lý tập trung tại thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, sử dụng công nghệ đốt thu hồi nhiệt. Tổng công suất xử lý theo thiết kế 150 tấn/ngày nhưng thực tế chỉ đạt công suất xử lý khoảng 75 tấn/ngày. Toàn tỉnh có 232 bãi chôn lấp rác tạm thời, 37 lò đốt rác ở các xã, thị trấn. 

Tại thành phố Vĩnh Yên, bãi rác cũ ở phường Khai Quang đã đầy, phải đóng cửa. Hiện nay, rác thải được thu gom, chôn lấp tại bãi rác mới. Tổng giám đốc Công ty cổ phần Môi trường và dịch vụ đô thị Vĩnh Yên Nguyễn Thanh Tùng cho biết: Rác được xử lý theo hình thức chôn lấp, phun hóa chất khử mùi. Đó chỉ là những giải pháp tạm thời, được đến đâu hay đến đó. Bãi rác mới chẳng mấy chốc cũng sẽ đầy. Chúng tôi mong có nhà máy xử lý rác càng sớm càng tốt. 

Bên cạnh đó, vẫn có tình trạng rác thải chất đống ven đường, gần các điểm công cộng gây mất vệ sinh và ảnh hưởng đến mỹ quan. Nhiều xã dành tỷ lệ kinh phí cho thu gom, vận chuyển, xử lý rác rất thấp, dẫn đến chất lượng dịch vụ vệ sinh môi trường thấp.         

Ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm từ xa 

Thực tế là nhiều địa phương trong tỉnh tiềm ẩn những điểm nóng về môi trường. Tại huyện Yên Lạc, làng nghề mộc thị trấn Yên Lạc gây ô nhiễm môi trường không khí từ mùi hóa chất, mùi sơn, bụi gỗ. Thôn Đông Mẫu thuộc xã Yên Đồng làm nghề tái chế nhựa, có thời điểm ô nhiễm nghiêm trọng. Tình trạng đốt chất thải, phế thải nguy hại tại thôn Đồng Lạc, xã Đồng Văn cũng gây bức xúc trong nhân dân. 

Tại huyện Bình Xuyên, làng nghề mộc Thanh Lãng gây ô nhiễm môi trường không khí. Cụm công nghiệp Hương Canh chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tình trạng vứt rác bừa bãi và tập kết rác không đúng nơi quy định diễn ra phổ biến trên các tuyến đường qua các khu công nghiệp. Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Xuyên Lưu Văn Thuyết cho biết: Nhà máy xử lý rác tại xã Trung Mỹ không thể giải phóng mặt bằng mặc dù dự án được phê duyệt từ năm 2016. Người dân lấy nhà máy rác làm cái cớ để đưa ra yêu sách đòi hỏi các quyền lợi khác. Huyện Bình Xuyên mong tỉnh sớm đầu tư hệ thống xử lý rác tại cụm công nghiệp làng nghề Thanh Lãng. 

Dự báo thời gian tới, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng lớn, gây áp lực lên hệ thống thu gom, xử lý rác. Tỉnh Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch và xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, đồng thời triển khai các dự án tương tự tại các huyện, thành phố khác. Tỉnh chuẩn bị ban hành Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường của tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 

Vĩnh Phúc xây dựng ”vùng xanh” về môi trường -0
Nhân viên Công ty cổ phần Môi trường và dịch vụ đô thị Vĩnh Yên chăm sóc cây xanh và hoa. (Ảnh: HÀ HỒNG HÀ) 

Ông Nguyễn Kim Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: Giải pháp lâu dài là phải cải thiện ý thức tự giác bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh chung của người dân. Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung, thu gom rác thải và vệ sinh môi trường nói riêng cần có sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và hưởng ứng của người dân, các tổ chức, đoàn thể. Các địa phương cần tăng cường giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường tại địa bàn dân cư, tổ dân phố, khu nhà trọ. Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các hành vi xả, thải rác không đúng nơi quy định để răn đe, giáo dục. 

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ ban hành các quy định về quản lý rác thải, chỉ đạo nhà đầu tư thực hiện cải tạo, nâng cấp Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương lên 150 tấn/ngày đêm theo đúng cam kết với tỉnh. Đồng thời, điều chỉnh mức giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải phù hợp với tình hình thực tế, từng bước cân đối thu – chi cho hoạt động này theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Với những giải pháp đồng bộ đó, Vĩnh Phúc đang hướng tới một đô thị xanh, thân thiện với môi trường.