Tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến tổng mức vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 khoảng 38.435,2 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 5.940 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương là 32.495,2 tỷ đồng.
Theo dự kiến phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, tỉnh sẽ bố trí đủ nhu cầu để thực hiện 1 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2021-2025 sang giai đoạn 2026-2030 là dự án liên vùng: Hạ tầng giao thông kết nối vùng Thủ đô trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (tuyến đường vành đai 5-vùng Thủ đô và đoạn tuyến ven chân núi Tam Đảo kết nối giữa tuyến đường vành đai 5 với Quốc lộ 2B đến Tây Thiên, đi Quốc lộ 2C và Tuyên Quang), tổng kinh phí 425 tỷ đồng.
Bố trí vốn để thực hiện 4 dự án khởi công mới giai đoạn 2026-2030 thuộc lĩnh vực giao thông với tổng mức đầu tư 5.400 tỷ đồng. Các dự án đều có tính chất kết nối Vĩnh Phúc với các địa phương khác, có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Bốn dự án khởi công mới trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 gồm: Xây dựng Đường Vành đai 5 thủ đô đoạn từ cầu Vĩnh Thịnh đến nút giao IC.5 (gồm cả đường gom hai bên); Xây dựng quốc lộ 2D kết nối tỉnh Vĩnh Phúc với tỉnh Tuyên Quang; Tuyến giao thông kết nối từ đê Tả sông Hồng đến cầu Vân Phúc; Cải tạo nâng cấp và mở rộng mặt đê tả Sông Lô.
Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc hiến kế tháo gỡ khó khăn
Vốn ngân sách Trung ương nước ngoài là 115 tỷ đồng, bố trí theo nhu cầu để thực hiện hoàn thành 1 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2021-2025 sang giai đoạn 2026-2030 là Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - dự án thành phần tỉnh Vĩnh Phúc.
Vốn ngân sách địa phương gồm: Vốn xây dựng cơ bản tập trung trong nước là 22.800,2 tỷ đồng, được lấy từ nguồn thu sử dụng đất: 6.000 tỷ đồng; nguồn thu xổ số kiến thiết: 125 tỷ đồng; nguồn bội chi ngân sách địa phương: 570 tỷ đồng; ngân sách địa phương bổ sung cho đầu tư công: 3.000 tỷ đồng.