Viết tiếp giấc mơ cho cô gái suy tủy xương

NDO - Mắc bệnh suy tủy xương, luôn nhập viện ở trong tình trạng cấp cứu, tiểu cầu thường xuyên giảm sâu, cô bé Quỳnh Như đã nhiều lần tha thiết xin mẹ được về vì không đủ sức chịu đựng những cơn đau hành hạ. Phép màu đến với cô bé từ cơ hội được ghép tế bào gốc.
0:00 / 0:00
0:00
Các y, bác sĩ truyền tế bào gốc cho người bệnh.
Các y, bác sĩ truyền tế bào gốc cho người bệnh.

Tháng 10/2020, Quỳnh Như thấy trên người xuất hiện những nốt xuất huyết dưới da. Ban đầu, những nốt xuất huyết giống như tình trạng viêm lỗ chân lông. Chị Đỗ Thị Hải (mẹ của Quỳnh Như) kể lại, những nốt đỏ được phát hiện ở tay, mặt, lan ra khắp cơ thể.

Chị đưa con đi khắp các bệnh viện, uống nhiều loại thuốc nhưng không thuyên giảm. "Khi đến Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, Quỳnh Như được chẩn đoán mắc suy tuỷ xương. Cả gia đình gần như sụp đổ", chị Hải kể lại.

Những ngày đó, Quỳnh Như luôn nhập viện ở trong tình trạng cấp cứu, tiểu cầu thường xuyên giảm sâu dưới 10 G/L. Cứ ra viện được 4-5 ngày, mẹ con lại đưa nhau vượt đường xa đến bệnh viện.

Mặc dù dùng thuốc và truyền chế phẩm máu thường xuyên nhưng tình trạng của em vẫn không chuyển biến tích cực. Hơn nửa năm 2 mẹ con đưa nhau ra vào viện liên tục, những cơn sốt kéo dài không cắt, nhiễm khuẩn tái diễn nhiều đợt đã khiến cả gia đình mệt mỏi.

Chị Hải đỏ hoe mắt tâm sự: "Lúc con sốt cao, mệt mỏi, nghe con nói: “Mẹ ơi cho con về thôi. Mẹ cho con về với bố, với chị. Con không còn sức để chống chọi với bệnh nữa rồi!”, chị đau nhói lòng. Lúc ấy chỉ muốn mình gánh được bệnh tật cho con".

Đau đớn, mệt mỏi, thất vọng, nhưng chị Hải không bi quan. Một tia hy vọng đến giữa những tháng ngày rối bời, kết quả xét nghiệm HLA của em gái ruột phù hợp hoàn toàn. Điều đó đồng nghĩa với việc Quỳnh Như có cơ hội ghép tế bào gốc đồng loài phù hợp hoàn toàn từ máu ngoại vi của em gái, cô gái nhỏ sẽ được chữa khỏi bệnh và trở về cuộc sống bình thường.

Viết tiếp giấc mơ cho cô gái suy tủy xương ảnh 1

Quỳnh Như đã khỏe mạnh và trở lại cuộc sống học tập bình thường sau ca ghép.

Mới đầu nghe đến lấy tế bào gốc, gia đình đắn đo rất nhiều vì nghĩ phải lấy tế bào gốc từ tuỷ sống, trong khi em gái của Quỳnh Như còn nhỏ, liệu có ảnh hưởng gì đến con không.

Nút thắt như gỡ bỏ khi gia đình được bác sĩ chuyên khoa Võ Thị Thanh Bình - Trưởng khoa Ghép tế bào gốc tư vấn.

Theo bác sĩ Bình, có 3 nguồn tế bào gốc gồm: từ tế bào máu ngoại vi, từ tuỷ xương và từ máu dây rốn.

Trường hợp của Quỳnh Như là sẽ ghép tế bào gốc đồng loài phù hợp hoàn toàn từ máu ngoại vi của em gái. Đối với thu thập tế bào gốc từ máu ngoại vi, người hiến/người được gạn tách nằm trên giường, kết nối với hệ thống gạn tách qua đường tĩnh mạch. Máu đi ra khỏi cơ thể từ 1 đường.

Sau đó, máy sẽ lọc tế bào gốc vào túi riêng và trả các thành phần còn lại về cơ thể qua 1 đường khác. Kỹ thuật này rất ít ảnh hưởng đến sức khỏe của người được gạn tách/người hiến.

Ca ghép khởi đầu với Quỳnh Như không dễ dàng. Em bị sốt, đau bụng dữ dội, nôn máu, nổi ban đỏ toàn thân, khó thở… những nỗi đau về thể chất mà ngay cả người lớn cũng thật khó khăn để chịu đựng.

Nghị lực tiếp thêm cho Quỳnh Như những ngày này chính là hình ảnh cô em gái đã kiên cường chịu đau để lấy tế bào gốc cứu chị. "Em gái nhỏ nhưng rất hiểu chuyện. Bình thường em ấy nhìn thấy kim tiêm là khóc dữ dội vậy mà lúc lấy tế bào gốc em không rơi giọt nước mắt nào. Vì thế, em thấy mình cần phải kiên cường vượt qua", Như tâm sự.

Ngày thứ 11 sau truyền tế bào gốc, bạch cầu hạt và tiểu cầu đã mọc. Dần dần, các triệu chứng đã biến mất. Sau hơn 2 tháng trong phòng ghép, Quỳnh Như chính thức được xuất viện.

Sau 2 năm xa trường lớp, giờ cuộc sống bình thường đã thực sự trở lại với Quỳnh. Phải mất một thời gian, Quỳnh Như mới vượt qua nỗi tự ti để hòa nhập cùng các bạn cả về ngoại hình và học lực. Hiện tại, Quỳnh Như đang chuẩn bị gấp gáp cho kỳ thi học kỳ và em luôn tâm niệm mình phải học tập thật tốt để không phụ lòng mọi người đã cứu chữa cho mình.

Viết tiếp giấc mơ cho cô gái suy tủy xương ảnh 2

Em gái là người tiếp thêm động lực cho Quỳnh Như.

Năm 2014, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương là đơn vị đầu tiên thực hiện thành công ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng, đem lại cơ hội hồi sinh cho cả những người bệnh không tìm được nguồn tế bào gốc phù hợp từ người thân.

Đến nay, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã thực hiện được 545 ca ghép tế bào gốc, hồi sinh sự sống cho rất nhiều người bệnh máu hiểm nghèo.

Đến nay, viện đã nghiên cứu và triển khai được nhiều kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu phức tạp, từ nhiều nguồn tế bào gốc khác nhau như: Ghép tế bào gốc máu dây rốn (cùng huyết thống và không cùng huyết thống), ghép nửa hoà hợp (ghép haplotype), ghép nửa hoà hợp kết hợp với tế bào gốc máu dây rốn… Kỹ thuật ghép tế bào gốc được ứng dụng điều trị cho nhiều bệnh lý hơn và độ tuổi ghép ngày càng được mở rộng.

Ngân hàng Tế bào gốc của Viện hiện đang lưu trữ trên 5.420 mẫu tế bào gốc máu dây rốn có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhiều mẫu đã được sử dụng để ghép tế bào gốc tạo máu, cứu chữa và mang đến hy vọng cho nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo.