Kết quả khả quan từ ghép tế bào gốc cho người bệnh máu ác tính không có người thân phù hợp HLA hoàn toàn

NDO - Nghiên cứu ghép tế bào gốc đồng loài cho người bệnh máu ác tính không có người thân phù hợp HLA hoàn toàn cho kết quả rất khả quan. 
0:00 / 0:00
0:00
Truyền tế bào gốc và thăm khám người bệnh trong phòng ghép.
Truyền tế bào gốc và thăm khám người bệnh trong phòng ghép.

Ghép tế bào gốc nửa hòa hợp có sử dụng cyclophosphamide sau truyền tế bào gốc (TBG) là phác đồ cho kết quả ghép và những biến chứng trong ghép đạt mức độ chấp thuận được và đem lại cơ hội khỏi bệnh. Đây là một kết quả được công bố tại Hội nghị khoa học Huyết học-Truyền máu toàn quốc năm 2022.

Ghép tế bào gốc tạo máu là một phương pháp điều trị có tiềm năng chữa khỏi bệnh cho một số bệnh máu ác tính và lành tính. Điều kiện cần để ghép tế bào gốc cho người bệnh là có nguồn tế bào gốc phù hợp.

Trong khi đó, mỗi bệnh nhân chỉ có 25% cơ hội mà người hiến là anh chị em ruột phù hợp HLA hoàn toàn. Đặc biệt với tình trạng hiện nay các gia đình có số lượng con ít thì cơ hội đó càng giảm. Phần lớn, người bệnh có người thân hợp một nửa HLA, đây được xem là nguồn tế bào gốc tiềm năng.

Chính vì vậy mà bên cạnh những ca ghép đã thành công từ nguồn tế bào gốc của anh chị em ruột phù hợp hợp hoàn toàn HLA, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã triển khai ghép tế bào gốc nửa hòa hợp (ghép haplotype) – người cho chỉ phù hợp một nửa (50%) kết quả HLA với người nhận.

Tuy nhiên, ghép nửa hòa hợp phức tạp hơn ghép hòa hợp hoàn toàn do thời gian mọc mảnh ghép kéo dài, nguy cơ bệnh ghép chống chủ cao hơn.

Bác sĩ chuyên khoa II Võ Thị Thanh Bình – Trưởng Khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết, đã có nhiều kỹ thuật nhằm kiểm soát các phản ứng dị ghép do bất đồng HLA đối với người ghép nửa hòa hợp, trong đó sử dụng cyclophosphamide sau truyền tế bào gốc đã được trung tâm y khoa nổi tiếng của Mỹ là Johns Hopkins nghiên cứu và xây dựng và quốc tế chấp nhận như một phương pháp hiệu quả, an toàn, chi phí hợp lý.

Để củng cố bằng chứng khoa học khi áp dụng kỹ thuật này tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã tiến hành đề tài: “Đánh giá kết quả ghép tế bào gốc nửa hòa hợp có sử dụng cyclophosphamide sau truyền tế bào gốc để điều trị một số bệnh máu ác tính tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương giai đoạn 2019-2022”.

Kết quả khả quan từ ghép tế bào gốc cho người bệnh máu ác tính không có người thân phù hợp HLA hoàn toàn ảnh 1

Bác sĩ chuyên khoa II Võ Thị Thanh Bình báo cáo nghiên cứu tại Hội nghị khoa học Huyết học-Truyền máu toàn quốc năm 2022.

Trong nghiên cứu này, 28 bệnh nhân bệnh máu ác tính (Lơ xê mi cấp, rối loạn sinh tủy, U lympho…) được tiến hành ghép tế bào gốc nửa hòa hợp và sử dụng phác đồ có cyclophosphamide sau ghép.

Đáng lưu ý, trong 28 bệnh nhân đó có 8 người thuộc nhóm nguy cơ cao là những người tái phát phải điều trị đạt lui bệnh lần 2 hoặc phải điều trị hóa chất mạnh mới đạt lui bệnh để tiến hành ghép.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, thời gian trung bình để bạch cầu trung tính và tiểu cầu mọc tương ứng là 17 và 21 ngày. Tỷ lệ mọc mảnh ghép hoàn toàn ở ngày thứ 30 sau ghép là 89,3%. Tỷ lệ sống thời điểm sau ghép 3 năm là 82%.

Để tìm ra những hướng khắc phục cho các ca ghép nửa hòa hợp trong tương lai, đề tài cũng tìm hiểu một số biến chứng chính sau ghép, nhận thấy nhiễm trùng là rào cản lớn nhất, trong đó nhiễm vi khuẩn là tác nhân phổ biến nhất, tiếp sau là nhiễm nấm. Tuy là kiểu ghép chỉ hòa hợp 50%, biến chứng bệnh ghép chống chủ cấp và mạn tính ở mức độ nặng tương ứng là 14% và 2%.

Từ những kết quả bước đầu nêu trên, nhóm nghiên cứu thấy rằng kết quả ghép và những biến chứng trong ghép của phương pháp ghép tế bào gốc nửa hòa hợp có sử dụng cyclophosphamide sau ghép hiện đang áp dụng tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương là khá an toàn và có thể tiếp tục thực hiện đối với bệnh nhân bệnh máu ác tính.

Điều đó tạo thêm cơ hội cho những người bệnh không có người thân phù hợp HLA hoàn toàn được ghép tế bào gốc đồng loài để khỏi bệnh.