Theo Bộ Công thương, Hiệp định này đánh dấu bước phát triển tiếp theo trong quan hệ hợp tác đối tác giữa Việt Nam và Đan Mạch trong lĩnh vực năng lượng, trên cơ sở kế thừa và tiếp nối những thành công đã đạt được từ Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2013-2020.
Tại lễ ký kết, Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định, trong những năm qua, Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch đã đạt được những kết quả tốt đẹp và đem lại nhiều lợi ích cho cả hai quốc gia. Do đó, việc triển khai Giai đoạn 3 của Chương trình sẽ là một cơ hội tốt để Việt Nam tiếp tục được tiếp cận với đội ngũ chuyên gia của Đan Mạch và học hỏi kinh nghiệm của phía bạn về các chính sách mang tính chiến lược về phát triển năng lượng, đóng vai trò quan trọng đối với quá trình chuyển đổi xanh và bền vững ngành năng lượng Việt Nam.
Phát biểu tại lễ ký, ông Kim Højlund Christensen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho biết, Đan Mạch và Việt Nam có lịch sử hợp tác lâu dài trong lĩnh vực khí hậu và năng lượng và ngày càng trở nên sâu sắc nhờ sự phối hợp tích cực giữa Cơ quan Năng lượng Đan Mạch và các đối tác Việt Nam ở cả cấp trung ương và cấp tỉnh. Chương trình này tái khẳng định cam kết của Đan Mạch tiếp tục gắn bó lâu dài và bền vững Việt Nam.
Với hơn 50 năm kinh nghiệm trong việc chuyển đổi ngành năng lượng của Đan Mạch từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, Đan Mạch sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam các giải pháp, bí quyết và thực tiễn tốt nhất nhằm thúc đẩy cam kết của Việt Nam trong việc chống lại biến đổi khí hậu. “Đặc biệt, Lễ ký thỏa thuận này còn là dấu ấn quan trọng khác nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Đan Mạch và Việt Nam”, ông Kim Højlund Christensen nhấn mạnh.
Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020-2025 (gọi tắt là Chương trình DEPP3) do Bộ Công thương là cơ quan chủ quản, chủ dự án là Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững. Chương trình có tổng nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại là 60,29 triệu Krone Đan Mạch (DKK) (tương đương 8,96 triệu USD).
Mục tiêu tổng quát của Chương trình là hỗ trợ Việt Nam xây dựng lộ trình phát triển carbon thấp cho ngành năng lượng, góp phần quan trọng trong việc cụ thể hóa cam kết đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam (NDC) theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, nâng cao mục tiêu NDC và tăng cường các giải pháp liên quan vào năm 2025.
Trong thời gian tới, hai bên sẽ tăng cường hợp tác để nâng cao năng lực về quy hoạch ngành năng lượng và xây dựng cơ chế chính sách, tích hợp nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm cả phát triển điện gió ngoài khơi và các công nghệ tiết kiệm năng lượng, đồng thời bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia cho Việt Nam.
Ngoài ra, hai bên cũng sẽ tập trung vào hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý và các giải pháp linh hoạt cho vận hành hệ thống điện để hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi an toàn và hiệu quả theo hướng sử dụng năng lượng sạch với tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo tăng lên.
Đồng thời, xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp, nâng cao năng lực xây dựng và sửa đổi khung pháp lý về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở cấp quốc gia và thực thi hiệu quả quy định pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở cấp tỉnh.