Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ già hóa dân số từ năm 2036

NDO - Ngày 29/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Lao động và Xã hội; Viện Nghiên cứu Y-Xã hội học và Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential phối hợp tổ chức Hội thảo với chủ đề: Già hóa dân số - Cơ hội và thách thức cho thế hệ Millennials (để chỉ nhóm dân số ở độ tuổi 30-44).
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu thảo luận tại hội thảo.
Các đại biểu thảo luận tại hội thảo.

Thạc sĩ Lê Thu Huyền, Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết, thời kỳ cơ cấu dân số vàng được dự báo kéo dài trong vòng 31 năm, từ năm 2007 đến 2039. Nguồn lực này tạo điều kiện để đất nước phát triển kinh tế-xã hội, song cũng đối mặt với một số thách thức như: chất lượng lao động thấp, việc làm hạn chế,… cũng tác động đến sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Đây cũng là giai đoạn Việt Nam được dự báo là thời kỳ già hóa dân số (từ năm 2011 đến 2036) và vấn đề này diễn ra rất nhanh với khoảng 26 năm (Pháp là 115 năm, Thụy Điển là 85 năm, Mỹ là 70 năm,…). Theo dự báo này, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ già hóa dân số từ năm 2036.

Điều này sẽ khiến Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức và nguy cơ “già trước khi giàu” do hệ thống an sinh xã hội chưa phát triển, mức thu nhập trung bình còn thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đưa ra nhiều thông tin về nhóm dân số trung niên 30-44 tuổi. Đây là nhóm tuổi “vàng” để bắt đầu chuẩn bị và tích lũy tài chính hiệu quả nhất nhằm chuẩn bị cho tuổi già sau đó.

Hiện nhóm tuổi này chiếm 23,28% tổng dân số, với gần 23 triệu người. Trong đó, tỷ lệ qua đào tạo, có bằng cấp là 31,79%. Với gần 70% chưa qua đào tạo sẽ gặp hạn chế trong tiếp cận công việc đòi hỏi kỹ năng. Thực tế này cũng sẽ tác động đến nhận thức và hành động nhằm bảo đảm tài chính khi về già.

Các khảo sát ở nhóm tuổi này cũng cho thấy, có đến hơn 63% người lao động đang làm các công việc giản đơn, kỹ năng thấp. Mức thu nhập bình quân của người lao động ở nhóm tuổi này là 6,23 triệu đồng/tháng, bằng 1,13 lần mức bình quân chung của lực lượng lao động cả nước. Đáng chú ý, trong độ tuổi này, chỉ có gần 30% có tiết kiệm, trong khi có hơn 46% vẫn đang mắc các khoản nợ khác nhau.

Khảo sát về mức độ nhu cầu tài chính khi về già, có đến hơn 67% người ở nhóm này mong muốn có cuộc sống độc lập về tài chính; số còn lại cho rằng, họ sẽ phụ thuộc vào người khác (con cái, tự lo một phần,…)

Tiến sĩ Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, thông qua các kết quả khảo sát và nghiên cứu cho thấy, mức độ sẵn sàng chuẩn bị cho tuổi già độc lập của nhóm dân số trung niên chưa cao. Vấn đề già hóa dân số đang đặt ra thách thức lớn cho Việt Nam khi tốc độ già hóa dân số nhanh trong khi nguồn lực kinh tế của đất nước còn hạn chế và hệ thống an sinh xã hội chưa phát triển.

Các dữ liệu này sẽ là cơ sở để xây dựng và hoạch định chính sách thích ứng với già hóa dân số và đạt “già hóa chủ động” của Việt Nam trong các thập kỷ tới.