Hướng đi nào cho chăm sóc người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số

NDO -

Già hóa dân số đang đặt ra thách thức với Việt Nam khi cần phải đầu tư nhiều hơn cho hệ thống y tế chăm sóc, điều trị người cao tuổi. Hướng đi mũi nhọn mà ngành lão khoa đang hướng tới là chăm sóc tổng thể về dinh dưỡng lâm sàng và phục hồi chức năng cho người cao tuổi. 

Nhân lực chăm sóc người cao tuổi còn thiếu.
Nhân lực chăm sóc người cao tuổi còn thiếu.

Nhiều thách thức trong chăm sóc người cao tuổi

Từ năm 2007, Việt Nam đã bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”. Với cơ cấu dân số này, là cơ hội “vàng” để nước ta có được lực lượng lao động trẻ dồi dào trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế 2010-2020. Tuy nhiên, sau giai đoạn dân số “vàng” sẽ bước sang giai đoạn dân số “già”. Việt Nam nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới.

Tại Việt Nam, người cao tuổi gia tăng cả về số người và tỷ lệ trong dân số. Trong giai đoạn 2009-2019, người cao tuổi gia tăng từ 7,45 triệu lên 11,41 triệu. Sẽ chỉ mất không tới 20 năm, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14%.

Già hóa dân số khiến cho người cao tuổi phải đối mặt với nhiều bệnh tật mạn tính, có nguy cơ tàn phế, đòi hỏi các biện pháp trợ giúp thích hợp. Chi phí y tế cho người già cao gấp 7-10 lần người trẻ vì người người cao tuổi sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc.

Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương với 610 người trên 80 tuổi tại Sóc Sơn, Hà Nội cho thấy, có tới 33,61% người góa bụa; 8,2% người sống một mình; 27,97% người cần trợ giúp trong các hoạt động cơ bản (ADL) như vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, đi vệ sinh, di chuyển, đại tiểu tiện không tự chủ, ăn uống; 90% cần trợ giúp trong các hoạt động có sử dụng công cụ, dụng cụ (IADL) như sử dụng điện thoại, mua bán, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, sử dụng phương tiện giao thông. 

Thách thức của số người cao tuổi bùng nổ là việc phát triển đào tạo bác sĩ lão khoa chưa kịp thời. Nhân lực chăm sóc người cao tuổi chủ yếu dựa vào người nhà. Các điều dưỡng, bác sĩ chuyên khoa lão khoa còn mỏng, thiếu kiến thức về lão khoa.

Theo TS, BS Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Phó Chủ tich Hội Lão khoa Việt Nam, hiện nay Chính phủ quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe cho người già bằng ban hành nhiều văn bản pháp luật như Luật người cao tuổi, có Ủy ban quốc gia về người cao tuổi, Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi và nhiều chính sách khác. Tuy nhiên việc thực thi các chính sách này còn gặp nhiều khó khăn: thiếu các văn bản hướng dẫn, thiếu nguồn lực về kinh tế, con người…

Tập trung mũi nhọn dinh dưỡng lâm sàng và phục hồi chức năng

Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, nhận thức trong mỗi gia đình về việc cần phải có sự chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi đã thay đổi giúp xã hội quan tâm đến người cao tuổi nhiều hơn. Thời gian qua ngành y tế đã có nhiều sự đầu tư cho chuyên ngành lão khoa tại các trường đại học và hệ thống bệnh viện. 

Hướng đi nào cho chăm sóc người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số -0
TS, BS Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Phó Chủ tich Hội Lão khoa Việt Nam.

Theo TS, BS Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Phó Chủ tich Hội Lão khoa Việt Nam, hiện nay, công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại Việt Nam đã nâng tầm cao mới. Bộ môn Lão khoa của Đại học Y Hà Nội đã đào tạo được thế hệ các bác sĩ nội trú, đa khoa tốt. Bệnh viện Lão khoa Trung ương cũng tích cực phối hợp các tỉnh, thành phố để phát triển để khoa lão tại bệnh viện tỉnh.

“Hiện Bệnh viện Lão khoa Trung ương đã thành lập khoảng hơn 30 khoa Lão khoa tại các bệnh viện tỉnh. Có những bệnh viện chưa có lão khoa riêng mà ghép trong tim mạch lão khoa, cơ xương khớp lão khoa cũng đã chăm sóc người cao tuổi rất tốt”, TS Trung Anh cho biết.

Bên cạnh đó, bệnh viện chuẩn bị khởi công xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện lão khoa Trung ương tại Hà Nam. Đây không chỉ là trung tâm để vừa phục vụ công tác điều trị, chăm sóc người cao tuổi mà còn là trung tâm đào tạo lớn về lão khoa cho khu vực miền bắc và bắc trung bộ.

Theo TS Nguyễn Trung Anh, dinh dưỡng lâm sàng và phục hồi chức năng là phương thuốc hữu hiệu để phục vụ người cao tuổi. Vì thế, hiện ngành lão khoa đang tập trung đào tạo và phát triển mạnh hai mũi nhọn này để chăm sóc cả về thể chất và tinh thần cho người già. Trong đó, công tác phục hồi chức năng sẽ được mở rộng phục hồi cả về ngôn ngữ, vận động, tiêu hóa, nuốt…

“Chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng khoa Phục hồi chức năng, trang bị nhiều trang thiết bị hơn, tuyển dụng và đào tạo nhiều cán bộ phục hồi chức năng và mời chuyên gia phục hồi chức năng chuyên sâu để phát triển mạnh mũi nhọn này”, bác sĩ Trung Anh cho biết. 

GS, TS Phạm Thắng, Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam chia sẻ, để chăm sóc người già trong cuộc sống hiện nay cần phải có các nghiên cứu đánh giá nhu cầu chăm sóc người cao tuổi, phải đẩy mạnh phát triển hệ thống và mạng lưới lão khoa.

Ngành y tế cũng cần xây dựng giá dịch vụ y tế cho người cao tuổi theo hướng “tính đúng, tính đủ”, triển khai “bảo hiểm người già” hoặc “bảo hiểm chăm sóc dài hạn”. Bên cạnh đó, cần có các chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chăm sóc người cao tuổi. 

Việc phát triển hệ thống chăm sóc dài ngày cũng cần chú trọng xây dựng hệ thống nhà dưỡng lão, đặc biệt là nhà dưỡng lão có chăm sóc y tế (bệnh nhân Alzheimer); có khu chung cư dành cho người già. Từng bước phát triển các Trung tâm ban ngày (cung cấp các dịch vụ xã hội cho người cao tuổi).

Trong 2 ngày, 12-13/11, Hội Lão khoa Việt Nam và Bệnh viện Lão khoa Trung ương tổ chức Hội nghị Lão khoa Quốc gia lần thứ hai với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước. 

Hội nghị Lão khoa Quốc gia được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp thể hiện trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ nói chung, cũng như trách nhiệm xã hội đối với các bậc tiền bối đã đã có những đóng góp lớn lao cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hội nghị là cơ hội cho các bệnh viện học tập kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực nghiên cứu lão khoa cũng như xây dựng chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi từ các nhà khoa học nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.