Dự án được Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ và Bộ Tài chính Việt Nam phối hợp thực hiện đến cuối tháng 9/2026.
Theo đó, dự án sẽ phối hợp các cơ quan Nhà nước và đối tác liên quan tại Trung ương và địa phương để thực hiện các hoạt động, gồm: cải thiện quản lý ngân sách nhà nước và dự báo nguồn thu; tăng cường quản lý nợ công và cải thiện môi trường thuế và huy động nguồn thu thuế.
Thừa ủy quyền của Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi, Phó trưởng Ban Chỉ đạo dự án Trần Văn Sơn phát biểu: “Xin chân thành cảm ơn Liên minh châu Âu và Chính phủ Đức đã hỗ trợ Việt Nam tăng cường công tác quản lý tài chính công. Thông qua tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của Bộ Tài chính, bao gồm quản lý ngân sách nhà nước và dự báo nguồn thu, quản lý nợ công, thuế và nguồn thu, đồng thời chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và các thông lệ quốc tế, dự án sẽ có những đóng góp ý nghĩa cho quá trình cải cách quản lý tài chính công ở Việt Nam".
Tại phiên họp, bà Bunde Kristina, Tham tán - Trưởng ban Hợp tác phát triển, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, cho biết: “Liên minh châu Âu rất phấn khởi khi dự án sắp đi vào hoạt động và chúng ta lại có thể tiếp tục hợp tác với tư cách Nhóm châu Âu. Nói một cách đơn giản, dự án này sẽ giúp Việt Nam thu nhiều hơn và chi tiêu tốt hơn. Hơn nữa, dự án cũng được triển khai vào đúng thời điểm, bởi những cải cách về quản lý tài chính công trong khuôn khổ dự án này sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động hỗ trợ ngân sách năng lượng của Liên minh châu Âu”.
Phát biểu tại phiên họp, ông Jens Schmid-Kreye, Phó Phòng Hợp tác Kinh tế và Phát triển, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, nhận định: “Đại sứ quán Đức rất vui mừng được chứng kiến dự án “Tăng cường quản lý tài chính công tại Việt Nam” sẵn sàng triển khai với một kế hoạch hoạt động rất cụ thể. Quản lý tài chính công hiệu quả giúp bảo đảm các nguồn lực công khan hiếm mang lại tác động cao nhất cho những lĩnh vực cần đầu tư nhất. Chúng tôi tin tưởng rằng dự án sẽ giúp Chính phủ Việt Nam đạt được các mục tiêu chính sách và phát triển của mình, góp phần tạo hiệu quả tốt hơn nữa trong cung cấp dịch vụ công tại Việt Nam”.
Phương thức tiếp cận trong thực hiện dự án bao gồm phân tích, tư vấn chính sách và hoàn thiện khung pháp lý và phát triển tổ chức. Ngoài ra, dự án cũng cung cấp các khóa đào tạo, tập huấn và hướng dẫn, tổ chức các chương trình học tập, trao đổi kinh nghiệm và nâng cao năng lực.