Việt Nam được đánh giá cao về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể

NDO - Tại Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 9 các quốc gia thành viên Công ước Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể (Công ước 2003) diễn ra tại Trụ sở UNESCO ở Paris (Pháp) từ ngày 5-7/7, Việt Nam được đánh giá cao về những nỗ lực trong bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và chia sẻ kinh nghiệm, góp phần quan trọng vào bức tranh đa dạng văn hóa nhân loại.
Tham dự kỳ họp có gần 800 đại biểu từ 180 quốc gia thành viên.
Tham dự kỳ họp có gần 800 đại biểu từ 180 quốc gia thành viên.

Đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp có Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO, Lê Thị Hồng Vân và đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao.

Được tổ chức 2 năm/lần, Đại hội đồng lần này có ý nghĩa quan trọng, tập trung đánh giá kết quả việc thực hiện Công ước, hoạt động của Ban Thư ký và tình hình sử dụng Quỹ Di sản Văn hóa phi vật thể giai đoạn 2020-2021; thông qua sửa đổi, bổ sung cơ chế ghi danh di sản và hướng dẫn thực thi Công ước (văn bản có ý nghĩa quyết định kết quả việc thực hiện công ước); bàn kế hoạch tổ chức Kỷ niệm 20 năm Công ước vào năm 2023.

Đại hội tiếp tục khẳng định sự cần thiết của Công ước đối với sự phát triển của nhân loại trong tương lai.

Trong khuôn khổ kỳ họp vào ngày 6/7, đại hội đã bầu thay thế 12 thành viên của Ủy ban liên Chính phủ Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (Công ước 2003) nhiệm kỳ 2022-2026. Việt Nam đã trúng cử với 120 phiếu bầu, cao nhất trong số các nước trúng cử. Trong tổng số 12 nước được bầu làm thành viên thay thế, có 4 nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương gồm Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ và Bangladesh.

Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 gồm 24 thành viên, là cơ quan điều hành quan trọng của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, chịu trách nhiệm trong giám sát thực thi công ước, đề xuất các biện pháp bảo vệ di ản phi vật thể, hỗ trợ quốc tế, xem xét các hồ sơ đệ trình ghi danh… để Đại hội đồng Công ước thông qua.

Đây là lần thứ 2 Việt Nam đảm nhận trọng trách này tại cơ quan điều hành then chốt về văn hóa của Tổ chức UNESCO. Điều này có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế, thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của ta tại các thể chế đa phương toàn cầu.

Trúng cử lần hai với số phiếu ủng hộ rất cao là sự ghi nhận đối với những đóng góp của Việt Nam trong quan hệ với UNESCO, trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể trong nước và trên thế giới.

Việt Nam được đánh giá cao về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ảnh 1
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, Lê Thị Hồng Vân phát biểu tại phiên họp ngày 6/7.

Theo Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, đây là kết quả của quá trình triển khai bài bản và đồng bộ kế hoạch ứng cử của Việt Nam trong những năm vừa qua. Với tư cách là thành viên UBLCP nhiệm kỳ 2022-2026, Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi để đóng góp hơn nữa cho việc hoàn thiện, thực hiện các mục tiêu và ưu tiên của Công ước 2003, nâng tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể. Vì đây không chỉ là nguồn lực thiết yếu cho đa dạng văn hóa, sáng tạo, đối thoại giữa các nền văn hóa và gắn kết xã hội mà còn là động lực cho sự phát triển bền vững.

Đại sứ Lê Thị Hồng Vân nhấn mạnh: Có thể nói hôm nay chúng ta rất tự hào khi tên Việt Nam lại được xướng lên trên trường quốc tế. Đây là kết quả của chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa, nâng tầm đối ngoại đa phương và hội nhập sâu rộng quốc tế của Việt Nam, triển khai đúng tinh thần Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về việc nâng tầm đối ngoại đa phương, cũng như tinh thần của Hội nghị đối ngoại đa phương toàn quốc và Hội nghị văn hóa toàn quốc trong năm ngoái. Trong đó, đối ngoại văn hóa là một trụ cột trong đối ngoại. Văn hóa sẽ trở thành sức mạnh nội sinh, thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế-xã hội bền vững và bao trùm.

Ngày 5/9/2005, Việt Nam chính thức tham gia và đã trở thành một trong 30 quốc gia đầu tiên gia nhập Công ước quốc tế quan trọng này, đánh dấu sự hội nhập, xác định vai trò quốc tế của Việt Nam trên lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể với UNESCO và các nước trên thế giới. Việt Nam đã thực hiện nhiều nỗ lực lồng ghép và phát huy các nội dung và tinh thần của Công ước vào các luật, các chương trình, dự án liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể nói riêng và kinh tế-xã hội nói chung.

Việt Nam được đánh giá cao về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ảnh 2
Đại biểu các nước chúc mừng Đại sứ Lê Thị Hồng Vân sau khi Việt Nam trúng cử thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể.

Trong những năm qua, Việt Nam đã thể hiện vai tích cực, luôn đồng hành cùng các cam kết, mục tiêu, sứ mệnh của UNESCO trong sự nghiệp bảo vệ các di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng, nhất là Công ước 2003 và 2005.

Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực cho việc thúc đẩy thực hiện Công ước. Hiện nay, Việt Nam có 14 di sản văn hoá phi vật thể được ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, cho biết nhận thức được trách nhiệm và tầm quan trọng của công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hoá phi vật thể nói riêng và di sản văn hoá nói chung, vừa qua Chính phủ Việt Nam đã giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, sửa đổi Luật Di sản văn hóa. Trong quá trình đó, Công ước 2003 là công cụ pháp lý quan trọng góp phần định hướng và hỗ trợ Việt Nam ban hành các chủ trương, chính sách quan trọng và phù hợp công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam. Việt Nam cũng thực hiện ưu tiên của UNESCO đối với các quốc gia đang phát triển, trong các vấn đề thanh niên, sự đa dạng của các nền văn hóa.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể với tư cách thành viên Ủy ban liên Chính phủ của Công ước, theo đó tập trung chia sẻ các thực hành tốt, thúc đẩy các mục tiêu của Công ước, thúc đẩy các ưu tiên của UNESCO, nâng cao nhận thức, tăng cường đóng góp hoàn thiện cơ chế của Công ước. Việt Nam cũng sẽ tăng cường các di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia vì sự tôn trọng lẫn nhau, đối thoại đa văn hóa và sự phát triển bền vững, thúc đẩy sự cộng hưởng lớn hơn giữa các Công ước về văn hóa và thúc đẩy các hoạt động và sự kiện kỷ niệm 20 năm ra đời Công ước.

Tại kỳ họp lần này, Đoàn Việt Nam tham gia chủ động và tích cực vào tất cả các nội dung. Các quốc gia thành viên Công ước 2003 cho rằng những kinh nghiệm, hiểu biết và nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở cả phương diện lý luận, luật pháp và thực tiễn là bài học tốt cho nhiều quốc gia ở khu vực và quốc tế. Việt Nam có thể đóng góp nhiều hơn nữa vào việc thực thi Công ước một cách hiệu quả, thiết thực, góp phần bảo vệ khẩn cấp những di sản có nguy cơ bị mai một, gìn giữ những di sản đại diện cho nhân loại và quảng bá những hình mẫu di sản được bảo vệ tốt trên thế giới.

Công ước Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO thông qua năm 2003 nhằm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, nâng cao nhận thức và sự tham gia của các cộng đồng, địa phương, quốc gia và quốc tế trong lĩnh vực này. Đến nay, Công ước đã có 180 quốc gia phê chuẩn và 629 di sản phi vật thể của 139 quốc gia thành viên đã được ghi danh, đóng vai trò quan trọng việc gìn giữ, bảo tồn, truyền bá và phát huy các giá trị văn hóa đa dạng trên thế giới, thúc đẩy hợp tác và hỗ trợ quốc tế, đóng góp cho hòa bình của nhân loại.