Việt Nam dự Cuộc họp cấp cao APEC về y tế và kinh tế lần thứ 12

Trong các ngày từ 22 đến 26/8, Cuộc họp cấp cao APEC về y tế và kinh tế lần thứ 12 (HLM12) đã được tổ chức tại thủ đô Bangkok của Thái Lan. Được sự ủy quyền của Bộ trưởng Y tế, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên dẫn đầu đoàn đại biểu của Bộ Y tế Việt Nam tham dự hội nghị.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul phát biểu khai mạc hội nghị.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul phát biểu khai mạc hội nghị.

HLM12 được Thái Lan đăng cai tổ chức với chủ đề “Mở rộng quan hệ đối tác. Kết nối với thế giới. Cân bằng giữa sức khỏe và kinh tế”. Cuộc họp thu hút sự tham gia của 21 Bộ trưởng, Thứ trưởng y tế từ các nền kinh tế thành viên APEC, Tổng Thư ký khu vực APEC, ASEAN, Đại diện các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các tập đoàn, công ty hoạt động trong lĩnh vực sức khỏe, các quan chức cao cấp về tài chính, thương mại và kinh tế trong khu vực cùng với các chuyên gia, nhà khoa học của các trường đại học, viện nghiên cứu.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul nhấn mạnh, cuộc họp là dịp để các đại biểu tham dự chia sẻ kinh nghiệm, sự thấu hiểu và tầm nhìn cho việc đầu tư vào năng lực phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch, để củng cố khả năng ứng phó của khu vực châu Á-Thái Bình Dương đối với những đại dịch trong tương lai, và để thực hiện Tầm nhìn Putrajaya 2040 trong lĩnh vực y tế, trong đó nêu rõ APEC "sẽ thúc đẩy tăng trưởng có chất lượng, mang lại sức khỏe và hạnh phúc nhiều hơn cho người dân".

Việt Nam dự Cuộc họp cấp cao APEC về y tế và kinh tế lần thứ 12 ảnh 1

Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đã có bài tham luận, chia sẻ về kinh nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam. Ông Tuyên nhấn mạnh, trong gần 3 năm qua, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, chưa từng có trong tiền lệ đến nền kinh tế và y tế của tất cả các quốc gia trên thế giới với những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, tạo thách thức cho các chính phủ trước các áp lực lạm phát, nợ xấu, nợ công và bảo đảm an sinh xã hội ở hầu hết các quốc gia.

Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, duy trì được tốc độ tăng trưởng dương. Với những giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên phạm vi cả nước, các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường như trước khi xảy ra dịch. Kinh tế vĩ mô dần ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.

Ngay khi dịch bệnh mới xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế Việt Nam đã nhanh chóng, kịp thời phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khoanh vùng, khống chế, xử lý ổ dịch không để lây lan ra cộng đồng. Việt Nam cũng đã đẩy mạnh ngoại giao vaccine, thành lập Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19, tích cực đẩy mạnh nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine trong nước và phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay.

Quốc hội và Chính phủ cũng đã ban hành các nghị quyết để bảo đảm an ninh y tế, an sinh xã hội, bao gồm các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 và đầu tư cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với các mục tiêu mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh. Việt Nam cũng đã tiếp cận, huy động và nhận được sự hỗ trợ của nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới trong suốt quá trình phòng, chống dịch, đồng thời đã đáp lại lời kêu gọi cũng như chủ động hỗ trợ các quốc gia gặp khó khăn trong ứng phó với đại dịch và phục hồi kinh tế.

Việt Nam dự Cuộc họp cấp cao APEC về y tế và kinh tế lần thứ 12 ảnh 2

Toàn cảnh hội nghị HLM12.

Tại các phiên thảo luận, đại diện các nền kinh tế đã trao đổi quan điểm và chia sẻ kinh nghiệm về các chính sách tích hợp ứng phó với Covid-19, bao gồm tăng cường lực lượng y tế công và bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, tiếp cận vaccine và các khía cạnh quan trọng khác của an ninh y tế toàn cầu, đồng thời ghi nhận mối liên hệ giữa các biện pháp ứng phó này.

Các đại biểu cũng đã đóng góp ý kiến, xây dựng và ủng hộ Tuyên bố của Chủ tịch hội nghị. Bản tuyên bố này sẽ được báo cáo tại Hội nghị cấp cao APEC vào tháng 11 tới đây.