Các thành viên APEC nhất trí tăng cường hợp tác thúc đẩy du lịch

NDO - Ngày 19/8, kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC lần thứ 11, các bộ trưởng du lịch của các nền kinh tế thành viên APEC nhất trí sẽ tăng cường hợp tác nhằm củng cố sự phục hồi của ngành du lịch, dù vẫn lo ngại về những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với ngành công nghiệp quan trọng này.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC lần thứ 11. (Ảnh: NAM ĐÔNG)
Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC lần thứ 11. (Ảnh: NAM ĐÔNG)

Sau khi 2 Hội nghị Nhóm Công tác du lịch APEC lần thứ 60 và Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC lần thứ 11 kết thúc, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra bản tuyên bố với tiêu đề “Du lịch cho tương lai: Du lịch tái tạo”.

Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan Phiphat Ratchakitprakarn cho biết, trong thời gian diễn ra hội nghị, các đại biểu đã thông báo tới hội nghị những hoạt động và sáng kiến trong Kế hoạch Chiến lược Du lịch APEC 2020-2024; thảo luận cách thức hợp tác trong APEC nhằm đẩy nhanh sự phục hồi của ngành du lịch trong giai đoạn hậu Covid-19, cũng như vai trò của ngành du lịch trong nâng cao đời sống của người dân trong khu vực.

Các đại biểu cùng trao đổi kinh nghiệm thúc đẩy sự phục hồi của mỗi nền kinh tế và thảo luận cách thức để du lịch giữ vững vai trò là một ngành mang lại nhiều lợi ích và hạnh phúc cho người dân trong APEC.

Các thành viên APEC cũng bày tỏ quan ngại về sự kéo dài của đại dịch Covid-19 và những thách thức hiện nay đang cản trở sự phục hồi của ngành du lịch, nhất là chi phí đi lại tăng cao do lạm phát và giá dầu tăng vọt.

Ông Phiphat nhấn mạnh, các thành viên APEC nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế, giúp cải thiện luồng hàng hóa, đầu tư và con người để củng cố sự phục hồi của ngành du lịch.

Ông Phiphat khẳng định các đại biểu dự hội nghị đã đạt đồng thuận về một số văn bản quan trọng, như Các khuyến cáo chính sách của APEC về Du lịch cho tương lai: Du lịch tái tạo và Hướng dẫn của APEC đối với các bên liên quan.

Theo ông Phiphat, các thành viên đã nhất trí đưa APEC hướng tới một kỷ nguyên hậu đại dịch cân bằng và bền vững thông qua khái niệm mô hình kinh tế sinh học, tuần hoàn và xanh (BCG), đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai Kế hoạch Kết nối APEC 2015-2025, trong đó vạch ra chiến lược “Kết nối con người với con người” và giảm thiểu “những bất ổn liên quan du lịch”.

Liên quan tới những điều kiện kinh doanh đang thay đổi nhanh chóng, chính phủ các thành viên APEC sẽ ủng hộ sự chuyển đổi vững chắc, đặc biệt là khả năng thích ứng với các phương thức kinh tế kỹ thuật số, những phương thức làm việc mới và các khoản đầu tư thông qua các dự án của APEC.

Trong khi đó, Nhóm Công tác du lịch APEC sẽ tiếp tục kế hoạch chiến lược 2020-2024, tập trung vào bốn trụ cột chính là chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực, tạo thuận lợi cho du lịch và phát triển kinh tế-du lịch bền vững.

Ông Phiphat nhấn mạnh: “Những bất ổn và thách thức mới đã làm gia tăng nhu cầu củng cố hợp tác giữa chúng ta và thúc đẩy du lịch bền vững nhằm đạt tầm nhìn về một cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương cởi mở, năng động, kiên cường và hòa bình vào năm 2040, theo Tầm nhìn APEC Putrajaya 2040”.