Trong hai ngày 21 và 22/7, Cục Quan hệ công chúng trực thuộc Chính phủ Thái Lan tổ chức nhiều hoạt động tìm hiểu về việc ứng dụng mô hình kinh tế BCG trong phát triển Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC) tại tỉnh Rayong, nơi được coi là trái tim của Hành lang kinh tế phía Đông. Trong khuôn khổ hoạt động này đã diễn ra hội thảo với chủ đề: “Thành phố đổi mới sáng tạo thuộc Hành lang Kinh tế phía Đông (EECi)”.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Cơ quan phát triển khoa học và công nghệ Thái Lan Janekrishna Kanatharana khẳng định bằng cách tận dụng khoa học, công nghệ và đổi mới thông qua cách tiếp cận toàn xã hội, mô hình kinh tế BCG sẽ giúp các nền kinh tế thành viên APEC phục hồi và tăng trưởng bền vững, bao trùm.
Ông Janekrishna, đồng thời cũng là Giám đốc điều hành Trung tâm Đổi mới sáng tạo thuộc Hành lang Kinh tế phía Đông cho biết, mô hình BCG bao phủ 4 khu vực kinh tế gồm thực phẩm và nông nghiệp; y tế và sức khỏe; năng lượng, vật chất và hóa sinh; và du lịch và nền kinh tế sáng tạo.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Văn phòng Hành lang Kinh tế phía Đông Kanit Sangsubhan nhấn mạnh, Thái Lan mong muốn hợp tác với các quốc gia khác trong các dự án phát triển công nghệ không dây và kỹ thuật số 5G, xe điện, điện tử thông minh cũng như y tế và chăm sóc sức khỏe.
Trước đó (20/7), Bộ Ngoại giao Thái Lan và Đại học Mahidol đã đồng chủ trì Diễn đàn Học thuật quốc tế và Nhóm Trọng tâm truyền thông APEC lần thứ 5. Các ý kiến phát biểu tại Diễn đàn khẳng định mô hình kinh tế BCG sẽ mở ra “mọi cơ hội hợp tác, kết nối ở mọi khía cạnh và cân bằng trên mọi lĩnh vực”, phù hợp với Kế hoạch hành động triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040.
Bí thư Thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan, Trưởng SOM APEC 2022 Thani Thongphakdi nhấn mạnh, nước chủ nhà Thái Lan sẽ tập trung đưa ra một chương trình nghị sự nhằm thúc đẩy các nền kinh tế thành viên APEC tăng trưởng bền vững, bao trùm và cân bằng dựa trên cách tiếp cận mô hình kinh tế BCG.
Việc thực hiện sáng kiến này sẽ đạt được 4 mục tiêu: ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0; thương mại và đầu tư bền vững; quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn môi trường, đa dạng sinh học; quản lý rác thải bền vững.
Mô hình kinh tế BCG khuyến khích các nhà chế tạo áp dụng các kỹ thuật có thể gia tăng giá trị cho sản phẩm và có tác động tối thiểu hoặc không ảnh hưởng đến môi trường.
Với mục tiêu đạt được mức độ trung hòa khí thải carbon vào năm 2050, Thái Lan đang nỗ lực hành động để giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính bằng cách áp dụng mô hình BCG và coi đây một con đường để đạt được phát triển kinh tế xanh, bền vững.