Việt Nam đóng góp tích cực vào sự phát triển của ASEAN

Việt Nam đóng góp tích cực vào sự phát triển của ASEAN

NDO - Kể từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia các khuôn khổ hợp tác khu vực và có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của ASEAN, dần vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong nhiều vấn đề của khối.

Hướng tới một khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng

Đây là khẳng định của ông Trịnh Minh Mạnh, Phó Vụ trưởng Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao) khi đề cập đến vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và các đối tác khu vực và quốc tế.

Theo ông Mạnh, trong bối cảnh quốc tế biến động và nhiều thách thức như hiện nay, ASEAN càng chứng tỏ giá trị của mình trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định tại khu vực và trên thế giới.

Việt Nam đóng góp tích cực vào sự phát triển của ASEAN ảnh 1

Lễ thượng cờ kỷ niệm 56 năm thành lập ASEAN (8/8/1967-8/8/2023). (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 8/8/1967 trên cơ sở một tuyên bố chính trị (Tuyên bố Bangkok) với 5 thành viên ban đầu. Sau gần 6 thập kỷ tồn tại, ASEAN đã chuyển hóa căn bản về chất, cả về thành viên, mục tiêu và nội dung hợp tác.

Phó Vụ trưởng Vụ ASEAN cho biết, những giá trị cốt lõi nhất của ASEAN trải qua gần 60 năm hình thành và phát triển bao gồm: sự đoàn kết, thống nhất và thống nhất trong đa dạng; hợp tác và đối thoại; vai trò trung tâm, được tất cả các nước lớn tôn trọng.

Tính từ thời điểm Việt Nam gia nhập ASEAN (năm 1995) đến nay, cũng như đối chiếu với cục diện địa chính trị đang có nhiều điểm nóng nổi lên như xung đột Nga-Ukraine, xung đột tại Dải Gaza, tình hình tại Trung Đông, châu Phi…, rõ ràng ASEAN đã duy trì sự hòa bình, ổn định trong sự đa dạng với 10 nước thành viên có 10 mô hình phát triển khác nhau.

Sự hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015 là kết quả của tầm nhìn chung và nỗ lực của cả 10 nước thành viên hướng tới một ASEAN gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và có trách nhiệm về xã hội, hoạt động trên cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế là Hiến chương ASEAN.

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 (tháng 11/2015) thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 cùng các Kế hoạch Tổng thể triển khai Tầm nhìn trên 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội nhằm củng cố và nâng cao chất lượng liên kết trong 10 năm tới.

Việt Nam đóng góp tích cực vào sự phát triển của ASEAN ảnh 2

Sau hơn 8 năm triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức cả từ bên trong và bên ngoài, nhất là những tác động đa chiều của đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine, ASEAN từng bước củng cố, mở rộng và làm sâu sắc hợp tác nội khối cũng như với các đối tác.

Cộng đồng ASEAN về cơ bản duy trì được đoàn kết, thống nhất, tiếp tục phát triển năng động và hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, khẳng định vai trò trung tâm ở khu vực và nhân tố không thể thiếu trong chính sách khu vực của các đối tác, nhất là các nước lớn, thu hút sự tham gia và mang lại lợi ích cho người dân.

Trong bối cảnh biến động của thế giới, ASEAN luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, nỗ lực phát triển, xây dựng cộng đồng lớn mạnh trên cả 3 trụ cột, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng hơn nữa. Đồng thời ASEAN cũng tập trung củng cố vai trò trung tâm, tăng cường hợp tác, đối thoại, hướng tới một khu vực hòa bình, ổn định, cởi mở và thịnh vượng cho tất cả các nước. Với những nỗ lực kiên trì và bền bỉ trong nhiều năm qua, ASEAN đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu trong việc củng cố ổn định và thúc đẩy phát triển bền vững tại khu vực, được các đối tác coi trọng, tranh thủ và tăng cường quan hệ.

“Nhìn tổng thể, ASEAN vẫn thể hiện là một tổ chức hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Đây chính là điều làm nên giá trị của ASEAN, tạo nên sức hấp dẫn của ASEAN đối với các đối tác trên thế giới. Các nước như Trung Quốc, Australia, Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc, New Zealand… đều muốn tăng cường hợp tác với ASEAN. Điều này cho thấy ASEAN có giá trị và được tất cả các nước lớn coi trọng, tôn trọng và cùng ASEAN xây dựng Cộng đồng”, ông Mạnh nhận định.

Việt Nam - điểm sáng hội nhập khu vực của ASEAN

Việt Nam đóng góp tích cực vào sự phát triển của ASEAN ảnh 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Trưởng đoàn các nước tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Liên Hợp Quốc lần thứ 13 tại Jakarta, Indonesia, tháng 9/2023. (Ảnh: VGP)

Là một thành viên của ASEAN, Việt Nam đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và các đối tác. Ông Trịnh Minh Mạnh khẳng định, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia và có nhiều đóng góp to lớn trên nhiều lĩnh vực cho sự phát triển của ASEAN.

“Điều này đã được thể hiện thông qua việc sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN (năm 1995), chúng ta đã vận động Lào và Campuchia cùng gia nhập tổ chức, từ đó góp phần đưa ASEAN trở thành khối thống nhất”, ông Mạnh nói.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ ASEAN, từ những ngày đầu “bỡ ngỡ” khi mới gia nhập ASEAN, cho đến nay, Việt Nam đã dần vươn lên để đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong nhiều vấn đề quan trọng của ASEAN, đặc biệt là liên quan đến vấn đề hòa bình, ổn định và lợi ích sát sườn đối với khối.

Theo đó, Việt Nam đã có nhiều sáng kiến, đóng góp vào sự phát triển của ASEAN, nhất là trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN vào các năm 2010 và 2020. Đặc biệt, trong năm 2020 - thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19, Việt Nam đã có nhiều sáng kiến để đưa ASEAN vận hành trơn tru, bình thường trong bối cảnh không bình thường của đại dịch.

>>> Xem thêm: Việt Nam-ASEAN

Thông qua mạng lưới thương mại tự do (FTA) của mình, Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong nỗ lực hội nhập khu vực của ASEAN. Việt Nam không chỉ tham gia FTA của ASEAN, các đối tác của ASEAN, mà còn tiến xa hơn với các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA)… Theo ông Mạnh, điều này sẽ tạo động lực để các nước thành viên ASEAN tiếp tục hội nhập sâu sắc hơn với kinh tế thế giới.

Bên cạnh đó, ông Mạnh cũng cho rằng, chính sách đối ngoại của Việt Nam cũng tạo cảm hứng để ASEAN hướng tới và điều chỉnh chính sách đối ngoại của khối. Trong đó, Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại.

“Khi đối chiếu với ASEAN, chúng ta có thể thấy ASEAN cũng duy trì nguyên tắc độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, cân bằng quan hệ quan hệ với các nước lớn, thí dụ như Trung Quốc, Australia, Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản”, Phó Vụ trưởng Vụ ASEAN nhấn mạnh.

Ông Mạnh cũng cho rằng sự đóng góp của Việt Nam đối với kết quả chung của ASEAN được thể hiện thông qua chính sự tham gia của ta vào các diễn đàn ASEAN, đi đầu, nòng cốt, dẫn dắt trong nhiều vấn đề, cũng như đưa ra những sáng kiến, đóng góp, đề xuất góp phần củng cố giá trị của ASEAN, đưa giá trị đoàn kết, thống nhất của ASEAN là ưu tiên số 1 và nâng cao hình ảnh, vị thế, uy tín của ASEAN trên trường quốc tế.

Định hướng cho tương lai

Việt Nam đóng góp tích cực vào sự phát triển của ASEAN ảnh 4

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn cùng các đại biểu tại Lễ cắt băng khánh thành Quảng trường ASEAN, nhân sự kiện Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF) 2024 diễn ra tại Hà Nội hồi đầu tuần này. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Trong giai đoạn tiếp theo, Việt Nam cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, tích cực và trách nhiệm, chung tay và nỗ lực cùng các nước thành viên hiện thực hóa ASEAN trở thành tâm điểm, động lực của hòa bình, hợp tác và phát triển thông qua các định hướng lớn.

Một là, thúc đẩy triển khai hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 tạo cơ sở vững chắc cho ASEAN bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo; đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 với tầm chiến lược dài hạn, khả thi và mang tính hành động; ưu tiên thúc đẩy các cam kết, biện pháp mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, địa phương; tăng cường phối hợp liên ngành, liên trụ cột trong hợp tác nhằm tăng giá trị triển khai và hiệu ứng lan tỏa.

Hai là, đóng góp củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN thông qua tích cực thúc đẩy các điểm đồng; giữ vững các nguyên tắc cơ bản của ASEAN; thúc đẩy lập trường và tiếng nói chung của ASEAN về các vấn đề quốc tế và khu vực; nâng cao hiệu quả hoạt động và sự bổ trợ lẫn nhau của các cơ chế, diễn đàn do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt; thúc đẩy định hình cấu trúc khu vực dựa trên các cơ chế diễn đàn này của ASEAN.

Ba là, đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong các vấn đề, lĩnh vực ta có lợi ích và thế mạnh, phù hợp với năng lực và điều kiện cụ thể. Trước mắt trong mỗi trụ cột hợp tác cần xác định một hoặc một vài lĩnh vực phù hợp; xây dựng các kế hoạch cụ thể, dài hơi để thể hiện vai trò nòng cốt, dẫn dắt.

Bốn là, tận dụng tối đa cơ hội và lợi ích từ hợp tác ASEAN, đồng thời sẵn sàng đóng góp nhiều hơn kể cả về tài chính và vật chất cho Cộng đồng; tranh thủ tiếng nói và sự ủng hộ của ASEAN và các đối tác trong ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong đó có vấn đề Biển Đông; tranh thủ sự hỗ trợ và hợp tác của ASEAN và đối tác phục vụ các mục tiêu phát triển của ta, trong đó có phát triển bền vững tiểu vùng Mekong; hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khai thác hiệu quả lợi ích từ các thỏa thuận, liên kết kinh tế, các hoạt động trao đổi và giao lưu nhân dân.

Năm là, chủ động, tích cực tham gia tất cả các cơ chế hợp tác của ASEAN trên cả kênh Đảng, Quốc hội và nhân dân cũng như các kênh hợp tác, trao đổi nghiên cứu học thuật, học giả; kết hợp giữa ngoại giao song phương với hợp tác đa phương trong ASEAN.

Sáu là, tiếp tục nâng cao nhận thức trong nội bộ về tầm quan trọng của ASEAN và lợi ích từ việc tham gia; tránh tâm lý coi nhẹ hay kỳ vọng quá mức vào ASEAN; đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, chuyên gia về ASEAN; tăng cường năng lực và bố trí nguồn nhân lực cho hợp tác ASEAN theo các cam kết ở cấp khu vực và cấp quốc gia; đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ đa phương, khuyến khích thi tuyển vào Ban Thư ký ASEAN; củng cố bộ phận phụ trách ASEAN tại các cơ quan tham gia hợp tác ASEAN; tăng cường năng lực cho Ban Thư ký quốc gia về ASEAN và Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại ASEAN; tiếp tục rà soát, hoàn thiện pháp luật nhằm tạo thuận lợi cho việc thực hiện các cam kết, thỏa thuận và đáp ứng yêu cầu hội nhập ASEAN; kiện toàn cơ chế, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan tham gia hợp tác ASEAN và giữa các trụ cột và cơ quan làm đối ngoại; đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về ASEAN tới tất cả các nhóm, giới, trong đó chú trọng tuyên truyền tại địa phương và tới người dân để nâng cao ý thức Cộng đồng và bản sắc ASEAN.

back to top