Phóng viên: Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Xin ông chia sẻ về những nỗ lực của Việt Nam để giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai và biến đổi khí hậu gây ra thời gian qua?
Ông Tăng Quốc Chính: Việt Nam được đánh giá là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh về kinh tế-xã hội, với nhiều khu đô thị, khu công nghiệp và sự khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên ở trong nước, cũng như ở các nước lân cận và thượng nguồn đã làm gia tăng các rủi ro thiên tai như lũ tập trung nhanh hơn, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển xuất hiện nhiều với diễn biến phức tạp; tình trạng ngập lụt tại nhiều vùng phạm vi rộng, thời gian kéo dài, độ ngập sâu hơn đặc biệt là khu vực miền trung và các đô thị lớn; lòng dẫn ở hầu hết các hệ thống sông chính ở hạ du bị xói sâu, mực nước mùa kiệt bị hạ thấp, thảm phủ thực vật bị suy giảm, lũ quét, sạt lở đất thường xuyên xảy ra,… Diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp và dị thường đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn tính mạng, tài sản, môi trường sống, sản xuất, kinh doanh của xã hội, đe dọa các mục tiêu xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững của đất nước. Đồng thời, yêu cầu của xã hội trong việc bảo đảm an toàn trước thiên tai để bảo vệ tính mạng, tài sản cũng như duy trì sản xuất, kinh doanh liên tục ngày càng tăng cao.
Tuy nhiên, trước những diễn biến cực đoan của thiên tai, biến đổi khí hậu, việc triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Ban Bí Thư, Ban chấp hành Trung ương về phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và việc phối hợp giữa các Bộ, ngành; giữa các địa phương đối với những nội dung mang tính liên ngành, liên vùng còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Chính quyền, người dân ở một số vùng còn chủ quan, chưa quan tâm đúng mức. Công tác dự báo, cảnh báo chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng còn thấp. Tổ chức bộ máy ở địa phương còn bất cập, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế-xã hội của các bộ ngành, địa phương chưa lường hết những tác động đến thiên tai và rủi ro thiên tai. Công tác thông tin, tuyên truyền chưa được tổ chức thực hiện thường xuyên, bài bản; thiếu nguồn lực cho phòng chống thiên tai. Việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu, thành tựu khoa học công nghệ còn nhiều hạn chế.
Để thực hiện các yêu cầu trên, nhằm định hướng cho công tác phòng chống thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo hướng chủ động thích nghi, nâng cao khả năng ứng phó, giảm thiểu rủi ro do thiên tai. Tiến tới xây dựng một quốc gia có khả năng chống chịu trước thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng.
Phóng viên: Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những mục tiêu cũng như phương hướng, hành động của Chiến lược quốc gia về phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn 2050?
Ông Tăng Quốc Chính: Mục tiêu chiến lược đặt ra là đến năm 2030, Việt Nam có thể giảm 50% thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất so với giai đoạn 2011-2020. Cùng với đó, hiệt hại về kinh tế do thiên tai sẽ thấp hơn giai đoạn 2011-2020 và không vượt quá 1,2% GDP.
Ngoài ra, chiến lược cũng đặt ra đến năm 2030, 100% cơ quan chính quyền các cấp, tổ chức và hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin và hiểu biết kỹ năng phòng tránh thiên tai; 100% tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bảo đảm các yêu cầu theo phương châm “4 tại chỗ”; 100% cơ quan chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh hoàn thiện cơ sở dữ liệu phòng chống thiên tai; 100% khu vực trọng điểm, xung yếu phòng chống thiên tai được lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát; 100% tàu cá đánh bắt vùng khơi và vùng lộng được lắp đặt hệ thống giám sát, bảo đảm thông tin liên lạc.
Về lực lượng, mục tiêu của chiến lược cũng đặt ra yêu cầu cần phải tổ chức lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai được kiện toàn theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, trang bị đầy đủ kiến thức và trang thiết bị cần thiết. Phương tiện, trang thiết bị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiên tiến, hiện đại, ngang tầm với các quốc gia hàng đầu trong khu vực.
Hệ thống pháp luật, chính sách về phòng chống thiên tai được hoàn thiện, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho quản lý, chỉ đạo, chỉ huy và triển khai công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn.
Người dân được bảo đảm an toàn trước thiên tai, nhất là bão, lũ, sạt lở đất, lũ quét. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình phòng chống thiên tai, nhất là hệ thống đê điều, hồ đập, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão được nâng cao, đảm bảo an toàn trước thiên tai theo mức thiết kế, không làm gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai.
Chiến lược đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chung và giải pháp cho từng vùng để thực hiện các mục tiêu của chiến lược, đồng thời phân giao các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các mục tiêu, nội dung của chiến lược.
Phóng viên: So với Chiến lược quốc gia về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 thì Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có những điểm mới nào, thưa ông?
Ông Tăng Quốc Chính: Trên cơ sở kế thừa những nội dung của Chiến lược quốc gia về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 (Chiến lược 172), cùng với việc triển khai Luật Phòng, chống thiên tai, các Chỉ thị, Nghị quyết của Ban Bí Thư, Ban chấp hành Trung ương về phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực tiễn hoạt động phòng chống thiên tai trong thời gian qua, Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, có những quan điểm, mục tiêu, giải pháp thực hiện chiến lược được xác định đều gắn với nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chiến lược lần này xác định cụ thể một số chỉ tiêu chính như giảm 50% thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất; thiệt hại về kinh tế do thiên tai không vượt quá 1,2% GDP và thấp hơn giai đoạn 2011-2020; năng lực theo dõi giám sát, dự báo, cảnh báo, phân tích thiên tai ngang tầm với các quốc gia hàng đầu trong khu vực.
Bên cạnh đó chiến lược còn đặc biệt chú trọng trong công tác phòng ngừa thiên tai thông qua việc nâng cao nhận thức về thiên tai, rủi ro thiên tai. Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn; xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch phòng chống thiên tai và phương án ứng phó thiên tai. Nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với thiên tai; thực hiện chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với đặc điểm thiên tai từng vùng; thực hiện các giải pháp chống ngập tại các khu đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ và các khu đô thị ven biển khác.
Mặt khác, chiến lược còn tăng cường hợp tác quốc tế trong việc chia sẻ thông tin, dự báo, cảnh báo thiên tai; chia sẻ thông tin về nguồn nước đối với sông suối xuyên biên giới; cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn trên biển; hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa do thiên tai. Thực hiện các công ước, hiệp định, thỏa thuận quốc tế như thỏa thuận về khung hành động Sendai với 187 quốc gia và vùng lãnh thổ, Thỏa thuận về ứng phó biến đổi khí hậu COP21 với 195 quốc gia và vùng lãnh thổ, Hiệp định ASEAN về quản lý thảm họa, ứng phó khẩn cấp ADDMER và các thỏa thuận khác. Trong đó hướng tới các tiếp cận quản lý rủi ro thiên tai, lấy con người làm trung tâm, tăng cường sự tham gia của các bên và quan tâm đầy đủ đến các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
Đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch thực hiện chiến lược thông qua bộ chỉ số đánh giá, giám sát thực hiện chiến lược.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!