Theo thống kê của Worldometers, tính đến 16 giờ ngày 29-10 (giờ Việt Nam), châu Âu ghi nhận hơn 9,1 triệu ca mắc Covid-19. Trong chưa đầy một tuần, số ca mắc tại châu lục này tăng từ tám lên chín triệu ca. Như vậy, mỗi ngày châu Âu có thêm khoảng 200 nghìn ca mắc. Nga, Pháp và Tây Ban Nha hiện là ba nước dẫn đầu "bảng xếp hạng" số ca mắc Covid-19 tại châu Âu và nằm trong tốp các nước ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất khu vực.
Tỷ lệ mắc bệnh tăng vọt nhưng tỷ lệ tử vong giảm đáng kể
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC), số ca bệnh tại Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức và một số quốc gia châu Âu khác tăng kỷ lục, nhưng số ca tử vong không tỷ lệ thuận với số ca mắc bệnh.
Trong làn sóng Covid-19 thứ hai, hầu hết các nước châu Âu đều ghi nhận số ca tử vong tính theo ngày thấp hơn nhiều so với trong làn sóng đầu tiên. Thay vì xác nhận hàng nghìn ca tử vong mỗi ngày, lúc này các nước châu Âu đang ghi nhận số ca tử vong ở mức từ 1-3 chữ số.
“Tỷ lệ tử vong đã giảm, tại Anh, chúng ta có thể thấy tỷ lệ này giảm xuống mức thấp từ tháng 6 đến tháng 8”, ông Jason Oke, một nhà thống kê cao cấp tại Đại học Oxford (Anh) cho biết.
Nhà khoa học Oke đã theo dõi tỷ lệ tử vong do Covid-19 cùng với ông Carl Heneghan, đồng nghiệp của ông tại Trung tâm Y học thực chứng và nhà kinh tế học sức khỏe Daniel Howdon. Nghiên cứu của ba nhà khoa học cho thấy, vào cuối tháng 6-2020, tỷ lệ tử vong tại Anh là dưới 3%. Đến tháng 8-2020, tỷ lệ này giảm xuống còn khoảng 0,5%, hiện con số này là 0,75%. Nhóm ba nhà khoa học cho rằng, độ tuổi của người mắc Covid-19 đã tác động nhiều đến tỷ lệ tử vong, ngoài ra còn một số yếu tố tác động khác như phương pháp điều trị bệnh.
Người trẻ tuổi và khỏe mạnh nhiễm virus SARS-CoV-2
Khi làn sóng Covid-19 đầu tiên ập tới châu Âu đầu năm nay, người cao tuổi là đối tượng dễ bị tấn công nhất. Virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 đã lan rộng tại bệnh viện và nhà dưỡng lão. Nếu nhiễm virus này, người cao tuổi sẽ đối mặt với nguy cơ trở thành ca bệnh nặng cao hơn so với người trẻ tuổi. Do đó, nếu phát tán trong nhà dưỡng lão, chủng virus mới có thể trở nên nguy hiểm hơn so với trong khuôn viên trường học.
Dữ liệu do các nhà khoa học của nhóm ứng phó dài hạn với Covid-19 của Trường kinh tế London thu thập cho thấy, trung bình 46% trong toàn bộ số ca tử vong do Covid-19 tại 21 quốc gia được ghi nhận trong các nhà dưỡng lão.
Tình hình đã thay đổi trong mùa hè, khi virus lây lan giữa những người trẻ tuổi thường lui tới nhà hàng, quán bar và các địa điểm công cộng khác. Theo ECDC, độ tuổi trung bình của người mắc Covid-19 tại châu Âu từ tháng 1 đến tháng 5 là 54; trong hai tháng 6 và 7, độ tuổi trung bình giảm còn 39.
Số ca bệnh là người trẻ tuổi tăng lên làm cho tỷ lệ tử vong nhìn chung là giảm xuống. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là virus SARS-CoV-2 ít nguy hiểm hơn. Nếu chủng virus này lây lan giữa những người cao tuổi một lần nữa thì tỷ lệ tử vong có thể tăng trở lại. Thực tế, tình huống này từng xảy ra tại một số nước, trong đó có Anh.
“Virus (SARS-CoV-2) rất ổn định, nó sẽ không thay đổi nhiều. Sự biến đổi về mức độ nghiêm trọng của Covid-19 thật sự phụ thuộc vào phản ứng miễn dịch của người mắc bệnh cùng với yếu tố tuổi tác, giới tính và một số bệnh có sẵn”, Tiến sĩ Julian Tang của Đại học Leicester (Anh) đánh giá.
Các phương pháp điều trị tốt hơn
Một yếu tố khác giúp giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19 là các cơ sở chăm sóc sức khỏe đã có thêm nhiều kinh nghiệm điều trị cho người bệnh. “Trong lúc Covid-19 vẫn còn là một căn bệnh khủng khiếp, những nỗ lực của chúng tôi nhằm cải thiện phương pháp điều trị có lẽ đang phát huy tác dụng”, Tiến sĩ Leora Horwitz của Đại học New York (Mỹ) cho biết.
Ngoài ra, phương pháp điều trị cho người bệnh Covid-19 cũng đã thay đổi. Các bác sĩ đang sử dụng máy thở, công cụ được dùng rộng rãi trong giai đoạn đầu của đại dịch, với tần suất ít hơn trước. Bởi vì, các bác sĩ tự tin rằng họ đã hiểu biết nhiều hơn về mức độ gây tổn thương của loại máy này đối với phổi của người bệnh Covid-19. Thay vào đó, đặt người bệnh nằm sấp trở nên phổ biến hơn do phương pháp này giúp làm tăng lượng oxy đi vào phổi của một số người bệnh.
Theo Trung tâm Kiểm toán và Nghiên cứu quốc gia của Anh về chăm sóc tích cực, người bệnh Covid-19 được điều trị tại các đơn vị chăm sóc tích cực ở Anh, xứ Wales và Bắc Ireland sau ngày 1-9 có cơ hội sống sót cao hơn nhiều so với những người nhập viện trước đó. Nhà nghiên cứu Oke cho rằng, điều đó chứng tỏ phương pháp điều trị Covid-19 đã trở nên tốt hơn và các nhân viên y tế đã biết cách xử lý ca bệnh hoặc có thể có nhiều người xuất hiện triệu chứng mắc bệnh thể nhẹ hơn.
Dù vẫn chưa có phương pháp chính thức giúp điều trị Covid-19 một cách hiệu quả, nhưng một số phương pháp đã phát huy tác dụng đối với một số trường hợp. Tháng 5-2020, Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm của Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng thuốc kháng virus Remdesivir để điều trị Covid-19. Một nghiên cứu của Mỹ chỉ ra rằng, loại thuốc này đã rút ngắn khoảng 1/3 thời gian phục hồi của một số người bệnh. Tuy nhiên, đầu tháng này, một nghiên cứu có quy mô toàn cầu do WHO tài trợ lại phát hiện Remdesivir không giúp người bệnh sống sót hay phục hồi nhanh hơn.
Trước đà giảm của số ca tử vong, giới chuyên gia khuyến cáo châu Âu vẫn nên cân nhắc nhiều vấn đề. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 được tính bằng số ca tử vong trong tổng số ca mắc bệnh. Tỷ lệ này chỉ chính xác nếu những số liệu cơ bản phản ánh đúng thực tế. Cần lưu ý thêm rằng, trong giai đoạn đầu đại dịch, việc xét nghiệm không được triển khai rộng rãi và những ca bệnh nặng mới được làm xét nghiệm. “Nếu chỉ xét nghiệm các trường hợp có triệu chứng, bạn có thể sẽ đánh giá thấp số ca mắc trong trường hợp các ca bệnh không có triệu chứng chiếm tỷ lệ cao”, nhà nghiên cứu Tang cảnh báo.
Tỷ lệ tử vong do Covid-19 dao động giữa các quốc gia khác nhau. Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tỷ lệ tử vong tại 20 quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng nhất của đại dịch Covid-19 không giống nhau, trong khi Mexico có tỷ lệ tử vong là 10% thì con số này của Cộng hòa Séc là 0,8%. Sự khác biệt giữa tỷ lệ tử vong của các nước còn phụ thuộc vào cách tính số ca bệnh.
Các số liệu gần đây về tỷ lệ tử vong do virus SARS-CoV-2 làm dấy lên hy vọng chủng virus mới này dù vẫn gây chết người nhưng số nạn nhân của nó dường như đã ít hơn. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ giai đoạn đầu của đại dịch, các nước châu Âu đã cho thấy sự thận trọng và quyết đoán trong ứng phó dịch bệnh.
Pháp và Đức, hai nền kinh tế lớn nhất vừa phải công bố biện pháp mạnh nhất để ứng phó sự lây lan của dịch bệnh. Theo đó, Pháp sẽ triển khai lệnh phong tỏa trong bốn tuần từ 0 giờ ngày 30-10 tới ngày 1-12. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố quyết định này sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo phong tỏa toàn quốc trong bốn tuần, kể từ ngày 2-11.
Các nhà lãnh đạo của châu Âu và WHO liên tục phát đi thông điệp kêu gọi người dân tại "lục địa già" giữ vững tinh thần đoàn kết, hợp tác và thận trọng. Những biện pháp cứng rắn mà châu Âu vừa công bố càng khẳng định quyết tâm của các nhà lãnh đạo khu vực này nhằm bảo vệ người dân cũng như nền kinh tế trước sức tàn phá kinh hoàng của đại dịch Covid-19.