Vì sao kịch Lưu Quang Vũ vẫn hấp dẫn?

Trước khi về cõi, giữa tháng 7-2015, đạo diễn, NSND Đình Quang còn trao đổi với tôi rằng, khủng hoảng lớn nhất của sân khấu Việt hiện đại là khủng hoảng người xem, vì sân khấu đã và đang rời xa bản chất của chính nó là loại hình nghệ thuật đặc thù; tác phẩm kịch được viết bằng phương thức đối thoại, nhằm thể hiện xung đột từ đời sống, được dàn dựng, biểu diễn, nhằm mục đích cao nhất là đối thoại với người xem.

Cảnh trong vở kịch Lời thề thứ 9 của Lưu Quang Vũ.
Cảnh trong vở kịch Lời thề thứ 9 của Lưu Quang Vũ.

Tôi chia sẻ và đồng thuận với NSND Đình Quang, người đạo diễn vở kịch cuối cùng của Lưu Quang Vũ trước khi Vũ mất: vở Bệnh sĩ cho Nhà hát kịch Việt Nam. Cuối tuần này sẽ diễn ra đêm kịch “Lưu Quang Vũ - Người trong cõi nhớ” tại Cung văn hóa Hữu nghị, từ ngày 28-8 đến1-9, với bốn vở: Lời thề thứ 9, Ai là thủ phạm, Mùa hạ cuối cùng, Nàng Sita. Đây là lần thứ ba những đêm kịch Lưu Quang Vũ được tổ chức, tiếp nối thành công của hai lần trước đó, nhất là lần thứ nhất, khi Liên hoan Kịch Lưu Quang Vũ gồm 10 vở do 12 đoàn diễn tại Hà Nội năm 2013. Sự kiện nổi bật ấy đã chứng minh rằng, người xem của sân khấu Thủ đô hôm nay, và không chỉ Thủ đô, vẫn rất thích xem, để được đối thoại với kịch Lưu Quang Vũ. Và những vấn đề thời sự-xã hội "nóng hổi" được đưa vào trong kịch Lưu Quang Vũ cho đến nay vẫn còn vẹn nguyên tính thời sự, vẫn ám ảnh người xem. Hơn thế, có vở kịch của Lưu Quang Vũ đã chạm tới vấn đề có tính thời sự-nhân văn ở phạm vi toàn cầu, như trường hợp vở Hồn Trương Ba, da Hàng thịt. Sau khi được đạo diễn, NSND Nguyễn Đình Nghi dàn dựng thành công năm 1990, vở này đã tham dự Liên hoan sân khấu kịch quốc tế tại thủ đô Mát-xcơ-va, tranh tài với hàng chục cường quốc sân khấu kịch ở Đông Âu. Và bất ngờ, Hồn Trương Ba, da hàng thịt đã gây bùng nổ ngoạn mục cho công chúng bởi sự khác lạ, đặc sắc của phương pháp xử lý sân khấu Việt; từ cách viết kịch của Lưu Quang Vũ, cách dàn dựng của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, đến cách diễn kịch lành nghề của nghệ sĩ sân khấu Việt hiện đại, dắt dẫn người xem đối diện với một vấn đề luôn đặt ra cho công chúng toàn cầu suy ngẫm: Liệu người ta có thể đem tâm hồn mình sống gửi trong thân xác người khác như tha nhân không? Vở diễn này đã khẳng định là không, theo cách trình diễn kịch rất độc đáo, trong sự giao hòa quấn quyện giữa cái hồn Á Đông của sân khấu truyền thống Việt, với hình thái kịch nghệ hiện đại của thể loại kịch phương Tây, chỉ mới du nhập và được Việt hóa ở Việt Nam đầu thế kỷ 20.

Hồn Trương Ba, da hàng thịt đã đoạt huy chương vàng và được trao giải vở diễn thành công nhất tại Liên hoan năm đó, trở thành vở kịch Việt đầu tiên chiến thắng trên kịch trường quốc tế. Năm 1998, vở kịch này tiếp tục chinh phục công chúng tại hơn 20 trường đại học ở Mỹ, trong chương trình giao lưu sân khấu Việt - Mỹ. Hồn Trương Ba, da hàng thịt đã rong ruổi vào TP Hồ Chí Minh, với một hình thức sân khấu lạ biệt: hợp diễn nghệ sĩ kịch hai miền nam - bắc, sử dụng trên sàn diễn cả hai thứ giọng: Hà Nội-Sài Gòn, vẫn dưới bàn tay dàn dựng của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi. Sau những thành công ngoạn mục ấy về mọi phương diện sân khấu, cả ở trong nước lẫn ở nước ngoài, nhất là thành công về nghệ thuật viết kịch của Lưu Quang Vũ, Hồn Trương Ba, da hàng thịt xứng đáng đạt tới một số phận văn hóa. Và vở diễn này chính là điểm son lộng lẫy trong Giải thưởng Hồ Chí Minh cho toàn bộ sự nghiệp văn chương và kịch nghệ của Lưu Quang Vũ.

Vốn là một thi sĩ tài hoa, với tài năng thơ ca bẩm sinh, lại được sống và làm việc, thử thách nhiều năm trong lĩnh vực sân khấu, trực giác thiên bẩm của thi sĩ đã mách bảo Lưu Quang Vũ tìm đến với thể loại kịch, để trở thành một nhà viết kịch thật sự đổi mới, thấu hiểu những vấn đề đặt ra trong đời sống xã hội Việt hiện đại và từ đó thiết lập được cuộc đối thoại với công chúng đương thời. Dùng phương thức kịch, Lưu Quang Vũ thấy mình đầy ưu thế, khi kịch bản văn chương được chính mình tổ chức xung đột, giữa cái mới và cái cũ, cái bảo thủ trì trệ và cái tích cực tiến bộ, như: Tôi và chúng ta. Lời thề thứ 9, Trái tim trong trắng, Ông không phải là bố tôi, Mùa hạ cuối cùng, Ai là thủ phạm, Khoảnh khắc và vô tận. Và xung đột giữa cái ác, cái thiện, cái đẹp, cái xấu, cái nhân tính và phi nhân tính, trong các kịch bản: Bông cúc xanh trên đầm lầy, Người trong cõi nhớ, Người tốt nhà số 5, Nguồn sáng trong đời, Tin ở hoa hồng, Vụ án 2000 ngày và Hồn Trương Ba, da hàng thịt... Thời ấy, trong hơn 100 nhà hát và đơn vị sân khấu toàn quốc, hầu như không nơi nào lại không mong muốn được dựng kịch Lưu Quang Vũ. Kịch Lưu Quang Vũ, bởi thế, rất quyến rũ người xem hiện đại, buộc họ phải nảy sinh tự nhiên nhu cầu xem kịch, ngay cả khi Lưu Quang Vũ đã thành người trong cõi nhớ, như tên của chương trình kịch Lưu Quang Vũ năm nay, được tổ chức sau ngày mất Lưu Quang Vũ đã 27 năm…

Có thể nói, việc dàn dựng mới những kịch bản của Lưu Quang Vũ và kịch Lưu Quang Vũ vẫn giữ nguyên giá trị về tính hiện đại cho đến thế kỷ 21 này, cho thấy công chúng Việt vẫn rất yêu sân khấu, vẫn rất thích cách viết kịch của Lưu Quang Vũ. Bởi vì, kịch của Vũ luôn luôn nồng đượm hơi thở của đời sống hiện đại, với những vấn đề luôn nóng hổi tính thời sự được phát hiện từ con mắt và tấm lòng tràn đầy yêu thương của ông với cuộc đời. Ngoài vấn đề triết học-nhân sinh được ráo riết đặt ra trong kịch bản Hồn Trương Ba, da hàng thịt, các kịch bản khác của Lưu Quang Vũ luôn hàm chứa những vấn đề thời sự của đời sống đô thị Việt, khiến người xem hiện đại được soi mình trong đó, được đối thoại, được gợi mở cách giải quyết, được thức tỉnh tinh thần đến mức có thể thay đổi hành vi, nhận thức và lối sống.

Do vậy, trong tình thế sân khấu Việt hiện đại vẫn chưa ra khỏi cuộc khủng hoảng người xem, như nhận định của NSND Đình Quang, thì những vở kịch Lưu Quang Vũ luôn được dàn dựng mới và biểu diễn, vẫn có ý nghĩa tích cực trong việc níu kéo và hấp dẫn người xem Việt trở lại đối thoại với sân khấu. Kịch Lưu Quang Vũ đã không chỉ đối thoại được với thời của ông, mà còn đối thoại được với hôm nay, và có lẽ, không chỉ hôm nay…