Vận hành thương mại đường sắt trên cao phải bảo đảm an toàn

NDO -

NDĐT – Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể ngày 5-6, nhiều đại biểu quan tâm chất vấn về vấn đề đội vốn của dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông và yêu cầu Bộ trưởng quy trách nhiệm, cũng như đưa ra mốc thời hạn bao giờ dự án được đưa vào khai thác thương mại.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

99% hạng mục đường sắt Cát Linh – Hà Nội đã xong

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP Hồ Chí Minh) chất vấn: Nguyên nhân hai dự án đội vốn của đường sắt đô thị Hà Nội được xác định là do kinh nghiệm lập dự án ban đầu của tư vấn trong nước và năng lực bộ máy quản lý dự án còn hạn chế, tổng thầu chưa phải là đơn vị chuyên nghiệp, không đủ kinh nghiệm.

“Xin Bộ trưởng cho biết ứng xử của Bộ trưởng đối với con người nằm trong hai bộ phận này là như thế nào, giải pháp ra sao?”, đại biểu này hỏi.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giải thích: Khi lập chủ trương xin vốn những dự án đường sắt thường sẽ huy động kinh nghiệm trong nước. Các chủ đầu tư cũng căn cứ vào sức đầu tư, hiệu suất công trình tương tự để lập và trình Quốc hội. Vì thế số liệu trình ban đầu không chuẩn. Khi có chủ trương của Quốc hội, đến khâu tiến hành lập dự án thì mới tư vấn, nghiên cứu kỹ và đưa ra những giải pháp cụ thể, do đó mới làm tăng vốn.

Thực tế các dự án đường sắt của chúng ta trong thời gian vừa qua hầu như không làm mới, do cán bộ ngành đường sắt hiện nay trình độ thực hiện và phía tư vấn cũng hạn chế. Do đó khi triển khai các dự án đường sắt, chúng ta thường thấy lúng túng, phát sinh nhiều vấn đề, Bộ trưởng thừa nhận.

Liên quan đến tổng thầu dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Bộ trưởng cho biết, trong hiệp định vay vốn mà chúng ta ký với Trung Quốc thì bên Trung Quốc chỉ định tổng thầu thực hiện dự án này. Do đó, chúng ta không thể chọn tổng thầu mà đã nằm trong hiệp định.

“Khi thực hiện, chúng tôi thấy rằng tổng thầu này xây dựng đường sắt thì tốt, nhưng vận hành đường sắt thì thiếu kinh nghiệm. Do đó, chúng tôi làm việc với các bên Trung Quốc, với đại sứ quán, với các cơ quan của Bộ Giao thông Trung Quốc rất nhiều lần nhằm cải thiện tình hình để cố gắng đưa dự án sớm đưa vào vận hành”, Bộ trưởng Giao thông vận tải giải thích.

Vận hành thương mại đường sắt trên cao phải bảo đảm an toàn ảnh 1

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn.

Về nguyên nhân dự án chậm, Bộ trưởng báo cáo, thiết bị đã cung cấp được 99%, các hạng mục đã xong 99%, 1% còn lại là một số hạng mục nhỏ, công tác xây lắp và đặc biệt là chứng minh được an toàn hệ thống.

Ông Nguyễn Văn Thể cho hay đã thuê tư vấn nước ngoài, trong đó Pháp đứng đầu, để đánh giá an toàn hệ thống, nếu thông tin của tổng thầu cung cấp không chuẩn thì tư vấn sẽ không thông qua phương án an toàn hệ thống.

“Hiện nay, chúng tôi cùng với tổng thầu và các cơ quan liên quan, kể cả cơ quan thẩm định, cố gắng hoàn thành 1% công việc còn lại. Khi phần việc này xong, có nghĩa là chứng nhận được tất cả các thiết bị bảo đảm an toàn hệ thống thì chúng ta mới có thể vận thành thương mại được, đây là quy định của pháp luật”.

Cần cẩn trọng trước khi vận hành thương mại

Trong phiên chất vấn, nhiều đại biểu như đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), Quách Thế Tản (Hòa Bình), Trần Văn Minh (Quảng Ninh) vẫn tiếp tục băn khoăn về thời điểm vận hành thương mại của đường sắt Cát Linh – Hà Nội.

“Xin hỏi Bộ trưởng lý do gì mà chạy thử rồi, đạt 99% phần thi công hoàn thành mà vẫn chưa đưa vào vận hành thương mại? Có xem xét trách nhiệm tổ chức cá nhân liên quan đội vốn, liên quan việc kéo dài dự án này không?", đại biểu Bùi Văn Xuyền chất vấn.

"Báo cáo đã xác định trách nhiệm, tuy nhiên dự án đã tồn tại nhiều năm. Vậy đã có xử lý trách nhiệm chưa, kể cả với tổng thầu nếu có vi phạm, hay chỉ xác định trách nhiệm xong rồi để đấy. Các thiếu sót tiếp tục tồn tại", đại biểu Trần Văn Minh thắc mắc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị Bộ trưởng chú ý vấn đề đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm khai thác thương mại và trách nhiệm các bên liên quan.

Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông tăng vốn từ 8.679 tỷ đồng lên 18.001 tỷ đồng, được phê duyệt từ năm 2009. Giai đoạn từ năm 2009 đến 2012 là những năm biến động rất lớn về kinh tế vĩ mô, trượt giá đến 49%. Sắp tới chắc chắn phải kiểm toán, thậm chí là cơ quan điều tra vào cuộc làm sáng tỏ các vấn đề phát sinh đúng sai. Nếu đơn vị nào làm sai do chủ quan thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Riêng Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo ban quản lý cố gắng làm việc với các bên liên quan sớm vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông và sau khi vận hành thì sẽ tiến hành thủ tục liên quan công tác quyết toán và kiểm toán, xử lý số liệu liên quan.

Bộ trưởng Giao thông vận tải cũng cho biết, ông rất mong muốn dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi vào vận hành thương mại, nhưng do an toàn hành khách nên cần công khai thông tin kỹ thuật liên quan đến các linh kiện tổng thầu cung cấp. Phải làm việc với tổng thầu cung cấp đầy đủ thông tin quy trình vận hành, sửa chữa để an toàn tuyệt đối trước khi vận hành.

“Chúng tôi quyết tâm phối hợp với TP Hà Nội phải có chứng nhận an toàn hệ thống mới vận hành thương mại”, Bộ trưởng kiên quyết.

Dự án cũng đang đào tạo 800 cán bộ vận hành, vì phải am hiểu thuần thục mới vận hành thương mại được.

“Có nhiều dự án đường sắt đô thị, nếu dự án này có vấn đề, các dự án khác sẽ khó khăn. Chúng tôi sẽ làm hết trách nhiệm”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Về trách nhiệm của những bên liên quan, Bộ trưởng cho rằng nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý theo pháp luật. Còn hiện nay chỉ điều chuyển, bố trí cán bộ tốt nhất cho dự án.