Vấn đề “nóng” trong chống biến đổi khí hậu

Các nước giàu đã không đáp ứng được cam kết đóng góp 100 tỷ USD giúp các nước nghèo hơn ứng phó biến đổi khí hậu. Ðó là tuyên bố của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Ðiều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới nỗ lực chung toàn cầu chống biến đổi khí hậu, trong bối cảnh các nước nghèo chịu tác động nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu mà nguyên nhân lại phần lớn xuất phát từ các hoạt động công nghiệp của các nước phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách chống nóng ở Venice, Italia hôm 16/7 (Ảnh: REUTERS)
Du khách chống nóng ở Venice, Italia hôm 16/7 (Ảnh: REUTERS)

Năm 2009, các nước phát triển cam kết đến năm 2020 chuyển 100 tỷ USD/năm cho các nước dễ bị tổn thương do tác động của thiên tai và các tác động có liên quan đến khí hậu ngày càng biến đổi nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo OECD, trên thực tế, trong năm 2020, các nước phát triển mới chỉ cung cấp 83,3 tỷ USD, thiếu 16,7 tỷ USD so với mục tiêu đề ra. Các nước giàu cũng đã xác định không đáp ứng được mục tiêu này trước năm 2023.

Những con số trên được đưa ra trước thềm hội nghị cấp cao thường niên về khí hậu của Liên hợp quốc (COP27) diễn ra vào tháng 11 tới, nơi các nước sẽ đối mặt áp lực giảm khí thải CO2 nhanh hơn. Hiện nay, thế giới đã nóng lên khoảng 1,20C so với thời tiền công nghiệp, khiến các đợt nắng nóng khốc liệt và cháy rừng xảy ra thường xuyên hơn, như gần đây ghi nhận ở Mỹ và châu Âu.

Theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, các bên tham gia ký kết đã cam kết hành động để giới hạn sự tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 20C và ở mức 1,50C nếu có thể. Kể từ đó, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện và thực tế cho thấy rằng thế giới đã trải qua những hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gay gắt, đặt ra thách thức lớn cho mục tiêu kiềm chế sự tăng nhiệt độ Trái đất.

Tài chính là một trong những điều kiện cần thiết, thậm chí là chìa khóa để giải quyết các vấn đề liên quan biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, vấn đề tài chính đã trở thành điểm “nóng” trong các cuộc đàm phán và các nền kinh tế đang phát triển cho biết không thể kiểm soát ô nhiễm nếu không có sự hỗ trợ từ các nước giàu vốn chịu trách nhiệm cho phần lớn khí thải CO2 làm Trái đất ấm lên.

Yamide Dagnet, Giám đốc Công lý khí hậu tại Quỹ Xã hội mở (Open Society Foundations) nhấn mạnh: “Tôn trọng cam kết là điểm cốt yếu để khôi phục lòng tin. Chúng tôi cần các nước phát triển đưa ra các kế hoạch đáng tin cậy để tăng đóng góp tài chính chống biến đổi khí hậu”.

Khi các nước ký kết Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, họ đã chấp nhận rằng những quốc gia giàu có cần thực hiện những bước đi lớn hơn và nhanh hơn để giảm phát thải khí CO2, đồng thời hỗ trợ tài chính để giúp những nước nghèo hơn giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Liên hợp quốc đã kêu gọi các nước giàu trong OECD dần loại bỏ sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Theo các chuyên gia, các nước giàu cần chấm dứt hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt vào năm 2034 để giới hạn sự tăng nhiệt độ Trái đất ở mức 1,50C, đồng thời để các nước nghèo hơn có thời gian thay thế nguồn thu nhập từ nhiên liệu hóa thạch. Ðể có 50/50 cơ hội hạn chế sự tăng nhiệt độ Trái đất ở mức 1,50C, 19 quốc gia có GDP bình quân đầu người trên 50.000 USD (khi không tính thu nhập từ dầu khí) cần chấm dứt hoạt động khai thác vào năm 2034. Chỉ những quốc gia khai thác dầu khí nghèo nhất có thể tiếp tục hoạt động này đến năm 2050.

Ðiều này xuất phát từ thực tế là sản lượng khai thác nhiên liệu hóa thạch của một số quốc gia nghèo dù chỉ chiếm một phần nhỏ sản lượng của thế giới nhưng họ lại phụ thuộc vào nguồn thu nhập từ đó, cho nên nếu nhanh chóng loại bỏ nguồn thu từ nhiên liệu hóa thạch sẽ có thể đe dọa sự ổn định chính trị ở những quốc gia này.

Trong những năm gần đây, Liên minh châu Âu (EU) cùng 27 nước thành viên của khối là bên cung cấp tài chính chống biến đổi khí hậu lớn nhất. Trong bối cảnh hạn hán gây mất mùa, mực nước biển dâng và các đợt nóng gây chết người tấn công các nước nghèo nhất thế giới, các nước này đang yêu cầu bồi thường cho những thiệt hại liên quan biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Mỹ, EU và các nước gây ô nhiễm lớn khác vẫn phản đối các biện pháp có thể dẫn đến các khoản bồi thường.

Mặc dù thế giới riết gióng cảnh báo về chống biến đổi khí hậu, song những khó khăn về tài chính và việc thực thi các chương trình hành động đang cản trở đáng kể các mục tiêu đề ra. Trong bản đánh giá năng lực của mỗi nước trong quản lý khủng hoảng, các chuyên gia kết luận rằng, đa số các nước chưa chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Hầu hết các quốc gia phát triển có khả năng chống chịu tốt nhất trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nhờ các lợi thế như quản trị có hệ thống, sức mua của người dân và cơ sở hạ tầng chất lượng.

Tuy nhiên, đợt nắng nóng cực đoan vừa qua tại châu Âu là bằng chứng cho thấy ngay cả các quốc gia phát triển cũng cần cân nhắc yếu tố biến đổi khí hậu trong các quyết định kinh doanh và quản trị trong tương lai. Trong khi đó, các quốc gia đang phát triển chủ yếu được coi là nằm trong nhóm dễ bị tổn thương do thiếu các biện pháp bảo vệ và cần sự hỗ trợ của các nước phát triển.