Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, ông Biden từng cam kết sẽ có hành động cứng rắn đối với biến đổi khí hậu đồng thời thúc đẩy các cuộc đàm phán quốc tế về khí hậu về việc cắt giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường. Trong tài liệu trình Liên hợp quốc năm 2021 theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Mỹ cam kết đến năm 2030 sẽ giảm 50-52% lượng khí thải so với mức năm 2005.
Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa công bố loạt biện pháp hành chính nhằm đối phó tình trạng biến đổi khí hậu, đồng thời cam kết nỗ lực thúc đẩy các kế hoạch khí hậu của chính phủ, vốn gặp trở ngại ở Quốc hội và Tòa án Tối cao. Gọi biến đổi khí hậu là mối nguy hiểm hiện hữu và hiển nhiên đối với Mỹ và thế giới, Tổng thống Biden nhấn mạnh sẽ theo dõi sát diễn biến của tình trạng biến đổi khí hậu. Tổng thống Mỹ cho rằng, biến đổi khí hậu đẩy sức khỏe của người dân Mỹ cũng như an ninh quốc gia và nền kinh tế vào nguy hiểm, do vậy nước Mỹ cần hành động nhanh chóng.
Theo Tổng thống Biden, Cơ quan Quản lý khẩn cấp liên bang Mỹ sẽ đầu tư 2,3 tỷ USD, là khoản ngân sách lớn nhất từ trước đến nay nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng giúp các cộng đồng tăng cường khả năng đối phó các hiện tượng thời tiết cực đoan, trong đó tập trung vào việc mở rộng kiểm soát lũ lụt, nâng cấp các tiện ích, trang bị thêm các tòa nhà và giúp các gia đình có thu nhập thấp thanh toán chi phí sưởi ấm và làm mát. Tổng thống Biden nêu rõ, lần đầu tiên, các bang sẽ có thể sử dụng quỹ liên bang để chi trả việc mua máy điều hòa nhiệt độ trong gia đình, thiết lập các trung tâm làm mát cộng đồng ở các trường học, nơi mọi người trú tránh để vượt qua đợt nắng nóng khắc nghiệt. Chính phủ Mỹ cũng chủ trương thúc đẩy dự án xây dựng các trung tâm làm mát và dự án điện gió ngoài khơi ở Vịnh Mexico.
Những động thái mới của chính quyền Washington dường như chưa đáp ứng sự mong đợi của các nhà lập pháp đảng Dân chủ và các nhà hoạt động môi trường, những người muốn Tổng thống Biden chính thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu để kích hoạt Ðạo luật sản xuất quốc phòng nhằm tăng cường sản xuất nhiều loại sản phẩm và hệ thống năng lượng tái tạo. Thượng nghị sĩ Jeff Merkley (G.Me-cli) và tám thành viên đảng Dân chủ đã gửi thư tới Tổng thống Biden, trong đó hối thúc nhà lãnh đạo Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu và sử dụng các hành động hành pháp tích cực nhằm hạn chế lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch và tối đa hóa việc sử dụng xe điện.
Kế hoạch hành động vì khí hậu của Tổng thống Joe Biden vấp phải một số trở ngại lớn khi Quốc hội Mỹ không thông qua các biện pháp khí hậu quan trọng và năng lượng sạch trong dự luật ngân sách liên bang, cũng như cuộc khủng hoảng tại Ukraine làm gián đoạn thị trường năng lượng toàn cầu. Tòa án Tối cao Mỹ hồi tháng trước đã ra phán quyết hạn chế việc chính quyền liên bang ban hành các quy định nhằm giảm khí phát thải từ các nhà máy điện.
Tổng thống Biden khẳng định dù có hay không sự ủng hộ của một số nhà lập pháp Mỹ, ông sẽ sử dụng quyền hành chính để ngăn chặn cuộc khủng hoảng khí hậu. Ðặc phái viên về biến đổi khí hậu của Mỹ John Kerry (G.Ke-ri) cũng nhấn mạnh, nước Mỹ sẽ đạt các mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu bất chấp việc Tòa án Tối cao giảm quyền của chính phủ liên quan khí thải CO2. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price (N.Prai-xơ) tuyên bố, Mỹ sẽ tận dụng thời cơ hiện nay và làm mọi điều có thể, cả trong nước và quốc tế, nhằm bảo đảm rằng thập niên mang tính quyết định trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu không trôi qua vô ích ■