WHO: Nắng nóng thiêu đốt ở châu Âu cho thấy cần hành động chống biến đổi khí hậu

Ngày 22/7, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu đã kêu gọi chung tay hành động chống biến đổi khí hậu, trong bối cảnh đợt nắng nóng thiêu đốt hiện nay ở châu Âu đã khiến hơn 1.700 người ở bán đảo Iberia, gồm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, tử vong.
0:00 / 0:00
0:00
Lính cứu hỏa tại 1 đám cháy rừng ở Faramontanos de Tabara, Tây Ban Nha, ngày 19/7/2022. (Ảnh: Reuters)
Lính cứu hỏa tại 1 đám cháy rừng ở Faramontanos de Tabara, Tây Ban Nha, ngày 19/7/2022. (Ảnh: Reuters)

Trong 1 tuyên bố, Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge cho biết, trong những thập kỷ qua, hàng trăm nghìn người đã tử vong do nắng nóng gay gắt trong các đợt nắng nóng kéo dài thường đi cùng với bùng phát cháy rừng.

Ông Kluge cảnh báo, việc tiếp xúc với nhiệt độ ngoài trời quá cao có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe vốn có, đặc biệt là trẻ sơ sinh, trẻ em và người cao tuổi.

Quan chức trên nhấn mạnh đợt nắng nóng cao điểm ở châu Âu trong tuần qua cho thấy sự cần thiết phải có 1 hành động phối hợp toàn châu lục để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Ông cho rằng các chính phủ ở châu Âu cần thúc đẩy việc thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, trong đó đặt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu vào cuối thế kỷ này xuống dưới 1,5 độ C cho đến 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.

Trong những ngày qua, nắng nóng khắc nghiệt đã bao trùm khu vực châu Âu với mức nhiệt cao kỷ lục ở nhiều nơi lên đến hơn 40°C, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người.

Các nhà chức trách đã khuyến nghị người dân làm việc từ xa nếu có thể, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa nếu làm việc ngoài trời như uống nhiều nước.