Vai trò của tổ chức công đoàn trong đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo tư tưởng Hồ Chí Minh

NDO - Báo Nhân Dân xin trân trọng giới thiệu tham luận "Vai trò của tổ chức công đoàn trong đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo tư tưởng Hồ Chí Minh" của Công đoàn Văn phòng Quốc hội gửi tới Tọa đàm "Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh Tọa đàm (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Toàn cảnh Tọa đàm (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu không chỉ là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, mà Người còn đặt cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc thành lập và phát triển tổ chức Công đoàn Việt Nam - một tổ chức quan trọng đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam.

Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, từ những năm còn bôn ba ở nước ngoài để tìm đường cứu nước cho đến khi về nước và cả lúc sắp đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm thường xuyên, sâu sắc đối với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Trong di sản tư tưởng của Người để lại, chúng ta thấy có cả một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, trong đó có tư tưởng về giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn cách mạng.

Những luận điểm, những lời dạy của Người về công nhân và công đoàn là một phần quan trọng gắn bó hữu cơ với toàn bộ hoạt động lý luận và thực tiễn của Người.

Đối với tổ chức Công đoàn, trong tác phẩm Đường kách mệnh (1927) Người nói: “Tổ chức công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn lợi quyền cho công nhân; năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”.

Từ quan điểm, tư tưởng nhất quán đó, ngay sau khi giành được chính quyền Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho công nhân lao động.

Trong hội nghị cán bộ Công đoàn cơ sở toàn miền bắc ngày 13/8/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh nhiệm vụ của Công đoàn về công tác tham gia quản lý xí nghiệp, về tổ chức tốt các phong trào thi đua đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham ô, làm tốt công tác bảo hộ lao động, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho công nhân lao động.

Người chỉ rõ: “Công đoàn phải làm tốt công tác bảo hộ lao động, phải thật sự chăm nom nơi ăn, nhà ở của công nhân viên chức. Công đoàn các cấp cần cải tiến lề lối làm việc, cần đi sát quần chúng, tăng cường đôn đốc công tác kiểm tra, cần bớt giấy tờ từng đống và hội họp lu bù”.

Ngày 18/7/1969, trước lúc đi xa và cũng là lần cuối cùng gặp các đồng chí lãnh đạo công đoàn, việc đầu tiên Người nhắc nhở vẫn là vấn đề việc làm, đời sống của người lao động.

Cùng với vấn đề chăm lo bảo vệ quyền lợi cho người lao động, tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công đoàn là phải làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho công nhân và phải xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.

Những quan điểm của Hồ Chí Minh về công đoàn đến nay vẫn còn nguyên giá trị và là những tài sản vô giá cả về lý luận và thực tiễn cho Công đoàn Việt Nam trong việc xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, xứng đáng với vị trí, vai trò của tổ chức trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tổ chức Công đoàn Việt Nam ngoài chức năng, nhiệm vụ chung thì còn được giao phó nhiệm vụ tham gia giám sát, phản biện xã hội theo nghĩa rộng đối với các hoạt động quản lý của Nhà nước.

Đây cũng là một trong những kênh kiểm soát quyền lực quan trọng trong cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, nhất là trong khối các cơ quan của hệ thống chính trị.

Giữa nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và nhiệm vụ kiểm soát quyền lực có mối quan hệ gắn bó, tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau.

Với những tính chất và điều kiện đó, tổ chức Công đoàn Việt Nam vừa có danh dự vinh quang, vừa có thuận lợi to lớn.

Để chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động trong mối quan hệ với bên sử dụng lao động, tổ chức Công đoàn không chỉ có trách nhiệm làm việc, giải quyết với bên sử dụng lao động mà còn phải làm việc, điều chỉnh cả với những người lao động.

Đối với bên sử dụng lao động, không những phải tham gia rà soát, kiểm tra tính đúng đắn, mức chính đáng của các quy định ràng buộc từ lúc xây dựng, ban hành hoặc sau khi đã ban hành nếu có quy định-kiểm soát quyền lực lúc ban hành, mà còn phải theo dõi, kiểm tra chặt chẽ cả trong quá trình tổ chức thực hiện các quy định này-kiểm soát quyền lực trong tổ chức thực hiện, để có kiến nghị phù hợp, có giải pháp ngăn chặn những bất hợp lý hoặc sai trái trong xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các quy định.

Đối với người lao động, không chỉ phải kiểm tra, đánh giá, điều chỉnh về nhận thức của người lao động đối với các quy định liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ mà còn phải theo dõi, hỗ trợ, động viên, đồng hành với người lao động trong đấu tranh, kiến nghị, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động chấp hành các quy định để góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cả 2 bên.

Trong mối quan hệ với người lao động, tổ chức Công đoàn có trách nhiệm, nghĩa vụ vì người lao động, phát huy dân chủ thật sự, công khai, minh bạch trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các quy định, đồng thời có những hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động người lao động chấp hành những quy định của công đoàn, trong đó có những quy định liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Khi người lao động và tổ chức công đoàn không giải quyết được mâu thuẫn nội bộ về quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động thì cần có sự hỗ trợ, can thiệp của tổ chức công đoàn cấp trên.

Tổ chức Công đoàn muốn phát huy vai trò chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, trước hết cần tự chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của chính tổ chức mình để có địa vị pháp lý vững chắc và điều kiện thuận lợi, sau đấy là tự chăm lo, học tập, rèn luyện nhằm nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực, bản lĩnh của cá nhân và tổ chức để gắn bó, thu hút, làm chỗ dựa tin cậy cho người lao động và có đủ điều kiện để bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong mọi trường hợp.

Trong đó, yêu cầu gương mẫu, có đức, có tài của những người đứng đầu các cấp công đoàn là quan trọng hàng đầu. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến ảnh hưởng to lớn của trình độ nhận thức, bản lĩnh của người lao động, sự hợp tác thiện chí, mang tính nhân văn của bên sử dụng lao động.

Chỉ khi có sự hoàn thiện trong nhận thức, hành động của tổ chức công đoàn, bên quản lý, sử dụng lao động và người lao động, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa 3 bên này thì việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động mới bảo đảm đầy đủ, hài hòa.

Trong thời gian tới đây, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, tích cực, tình hình trong nước và thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, không ít khó khăn, thách thức.

Những tác động của suy thoái kinh tế, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, phê chuẩn và thực thi các tiêu chuẩn quốc tế về lao động… sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm, thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần và tư tưởng của người lao động; đến việc tập hợp người lao động và phương thức tổ chức, hoạt động của công đoàn…

Thách thức đó đòi hỏi tổ chức công đoàn phải tích cực đổi mới phương thức hoạt động nhằm phát huy hơn nữa vai trò của mình đối với người lao động. Một trong những quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 02-NQ/TW về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Đó là: “Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn phải phù hợp với số lượng, cơ cấu lao động, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân, người lao động và yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát huy vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động”.

Chính vì vậy, theo chúng tôi, để tổ chức công đoàn tiếp tục thể hiện vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động thì tổ chức và hoạt động của công đoàn cần chú trọng một số vấn đề sau:

Một là, phải thường xuyên nâng cao nhận thức của cán bộ công đoàn về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vai trò của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn trong bối cảnh mới. Không ngừng đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn, trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng phong trào công nhân và hoạt động công đoàn thời gian qua, khẳng định kết quả đạt được, chỉ rõ khuyết điểm, yếu kém và nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm.

Hai là, trong các hoạt động cần khơi dậy ý chí, khát vọng, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, giác ngộ giai cấp, trình độ, kỹ năng, tác phong công nghiệp, hiểu biết pháp luật, kỷ luật lao động cho người lao động.

Tích cực phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người lao động, nhất là trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, để không ngừng nâng cao năng suất và hiệu quả lao động, có nhiều sáng kiến, sáng tạo để góp phần thúc đẩy đơn vị phát triển mạnh mẽ hơn.

Ba là, có các giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng đoàn viên, đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên trong đoàn viên và công nhân lao động. Cần quan tâm kết nạp đảng là công nhân trực tiếp sản xuất và làm lan tỏa nhu cầu, nguyện vọng được đứng vào hàng ngũ của Đảng trong công nhân, người lao động.

Bốn là, nâng cao hiệu quả chỉ đạo, kiểm tra của công đoàn cấp trên đối với công đoàn cơ sở theo hướng tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ, thực thi pháp luật về công đoàn và lao động. Phối hợp công tác với người đứng đầu cơ quan, đơn vị nơi có tổ chức công đoàn để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Năm là, chú trọng xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, coi trọng xây dựng và tạo nguồn cán bộ công đoàn các cấp, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Trong công tác chuẩn bị nhân sự đại hội công đoàn các cấp nhiệm kỳ 2023-2028 sắp tới, phải chú trọng nguyên tắc, quy trình theo quy định, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, thực sự tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, uy tín…

Cần quan tâm những cán bộ công đoàn trưởng thành từ thực tiễn phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn, am hiểu sâu sắc tình hình người lao động và cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.