Cùng suy ngẫm

Tăng biên chế công đoàn, đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự phát triển nhanh chóng về số lượng doanh nghiệp, người lao động và đoàn viên công đoàn, nhiệm vụ của công đoàn trở nên đặc thù và nặng nề hơn; tuy nhiên, biên chế của công đoàn lại rất thấp, chỉ tương đương một phần ba so với các tổ chức chính trị-xã hội khác.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tổng hợp báo cáo của các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, tính đến 31/3/2024, tổng số biên chế công đoàn địa phương được các cấp ủy địa phương giao năm 2024 là 5.119 biên chế. Trong khi đó, theo tính toán của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, căn cứ vào số lượng đoàn viên và công đoàn cơ sở, tổng số biên chế tối thiểu cần thiết cho các cấp công đoàn tại địa phương là 5.899 biên chế. Như vậy, tổng số biên chế cấp ủy địa phương giao cho công đoàn đang thấp hơn so với nhu cầu tối thiểu của tổ chức công đoàn là 780 biên chế.

Cơ chế quản lý cán bộ công đoàn theo quy định hiện nay nằm trong gói biên chế được cấp trên giao cho khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị-xã hội đã bộc lộ một số điểm chưa phù hợp. Một trong những bất cập là sự không đồng bộ về biên chế trong cùng một cấp công đoàn. Ở những nơi có đông đoàn viên và người lao động, đôi khi số lượng biên chế lại ít hơn so với những nơi ít đoàn viên.

Tại Hội nghị gặp mặt báo chí thông tin về tình hình công nhân, công đoàn và dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nêu thí dụ: Thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương có khoảng 96.000 đoàn viên, 554 công đoàn cơ sở nhưng chỉ có bốn cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở. Nghĩa là, mỗi cán bộ công đoàn phụ trách chăm lo hơn 100 cơ sở, gần 25.000 đoàn viên. Đây là khối lượng công việc rất lớn đặt lên vai cán bộ công đoàn.

Các chuyên gia về lao động, công đoàn cho rằng, số lượng biên chế cho công đoàn không nên phụ thuộc vào số dân của tỉnh, thành phố, ngành, mà phải phụ thuộc số lượng đoàn viên, người lao động, doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế của từng ngành, từng địa phương. Bên cạnh đó, việc phân bổ biên chế do cấp ủy địa phương quyết định trong khi bảo đảm nguồn tài chính lại do công đoàn cấp trên, dẫn tới sự thiếu đồng bộ trong phân bổ nhân lực và nguồn lực; không điều tiết được từ nơi thừa sang nơi thiếu trong phạm vi cả nước cũng như trong phạm vi của tỉnh, thành phố.

Mặt khác, phần lớn cán bộ công đoàn cơ sở hoạt động kiêm nhiệm, chịu sự chi phối từ chủ doanh nghiệp do họ là người lao động được chủ doanh nghiệp tuyển dụng và trả lương. Đây là rào cản lớn khiến cán bộ công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp ít có tiếng nói độc lập, mạnh mẽ, ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền và lợi ích của đoàn viên, người lao động, nhất là ở những doanh nghiệp có đông người lao động.

Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) lần này đã có một số nội dung nhằm thay đổi so với Luật Công đoàn 2012, nhằm hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy công đoàn, cơ chế quản lý cán bộ công đoàn và tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh mới. Nhằm thể chế hóa tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, dự thảo luật bổ sung, đề xuất trao quyền chủ động hơn cho tổ chức công đoàn trong công tác cán bộ theo hướng: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng định mức, khung tiêu chí xác định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là cán bộ, công chức, viên chức trên cơ sở số lượng tổ chức công đoàn, đoàn viên công đoàn, người lao động theo địa bàn và yêu cầu nhiệm vụ hoạt động công đoàn để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Quy định cũng đề cập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của công đoàn và công đoàn cơ sở theo từng giai đoạn, phù hợp yêu cầu nhiệm vụ, số lượng đoàn viên công đoàn, người lao động và khả năng tài chính của tổ chức công đoàn.

Việc cơ cấu cán bộ công đoàn chuyên trách tại doanh nghiệp có đông công nhân do công đoàn quản lý, trả lương là nhằm bảo đảm tiếng nói độc lập, mạnh mẽ của cán bộ công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động. Việc sửa đổi, bổ sung quy định giao quyền cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ động đề xuất số lượng cán bộ công đoàn là cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống được kỳ vọng sẽ tạo sự đồng bộ về biên chế trong hệ thống công đoàn.

Nhiều chuyên gia, cán bộ cơ sở, đoàn viên công đoàn cho rằng: Việc trao quyền chủ động cho Tổng Liên đoàn quyết định số lượng cán bộ công đoàn là lao động hợp đồng trong cơ quan chuyên trách và công đoàn cơ sở nhằm bảo đảm sự chủ động, linh hoạt trong bố trí cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu phát triển đoàn viên trong từng thời điểm, giai đoạn, góp phần nâng cao năng lực hoạt động của tổ chức công đoàn trong bối cảnh mới.