Sự cộng hưởng trách nhiệm từ cấp ủy đến người dân, Giao Thủy đã trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh Nam Định được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Khai thác đúng tiềm năng
Diện mạo nông thôn của huyện Giao Thủy (Nam Định) có nhiều đổi thay. Những con đường liên thôn, liên xã đã trải nhựa, cây hoa rực rỡ mát xanh. Những cánh đồng quê như bức tranh bình yên nhưng sinh động bởi âm thanh của phương tiện cơ giới sản xuất nông nghiệp. Dẫn chúng tôi thăm trang trại nuôi tôm của gia đình, anh Trần Văn Thủy, ở xóm Lâm Trụ, xã Giao Phong, xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Nam Định cho biết:
Được cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và các đảng viên của xóm động viên, hướng dẫn, mời tham gia các lớp tập huấn, anh đã mạnh dạn vay vốn, cùng gia đình quyết tâm chuyển đổi sản xuất lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm công nghệ cao, mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với nuôi tôm truyền thống hay trồng lúa.
Từ mô hình của anh Trần Văn Thủy, nhiều hộ dân trên địa bàn đã học hỏi và nhân rộng, trở thành cách làm kinh tế gia đình hiệu quả ở vùng quê giàu tiềm năng này. Huyện Giao Thủy hiện có 60 cơ sở nuôi tôm công nghệ cao với diện tích gần 50 ha, chiếm 12% tổng diện tích nuôi tôm của cả huyện, tập trung ở các xã Giao Phong, Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, thị trấn Quất Lâm.
Sản lượng trung bình mỗi ha đạt từ 40 đến 50 tấn, cho doanh thu từ 15 đến 20 tỷ đồng/ha/vụ, cao hơn nhiều lần so nuôi tôm trong ao truyền thống. Năm 2023, tổng giá trị sản xuất toàn huyện đạt 22.500 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 90 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,09%.
Làm thế nào để phát huy tiềm năng và lợi thế của địa phương trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu là vấn đề được bàn sâu trong nhiều cuộc họp của Ban Thường vụ Huyện ủy Giao Thủy.
Theo đó, Nghị quyết số 05, ngày 14/7/2021, về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 được ban hành và quyết liệt thực hiện. Huyện ủy xác định thế mạnh, tiềm năng, những rủi ro trong sản xuất nông nghiệp để chọn trúng hướng đi; đồng thời khơi dậy, phát huy vai trò chủ thể, tính chủ động, tích cực của người dân tạo động lực xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu ở huyện.
Để đạt mục tiêu như kỳ vọng, Huyện ủy thống nhất quan điểm, xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu gắn với quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, đô thị hóa nông thôn; bảo đảm kết nối nông thôn-đô thị; phát triển hài hòa kinh tế, xã hội và môi trường; khơi dậy và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương Giao Thủy.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nguyễn Tiến Tùng, huyện chỉ đạo thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp và triển khai sản xuất theo quy hoạch; phát triển các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao; kinh tế trang trại, tập trung chỉ đạo dồn đổi, tích tụ ruộng đất; mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản; áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp VietGAP, GAP…
Tận dụng lợi thế địa phương, huyện tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo hướng đa dạng hóa và nâng cao chất lượng, tăng số lượng gắn với xây dựng thương hiệu, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu; phấn đấu đến hết năm 2025 mỗi xã, thị trấn có ít nhất một sản phẩm OCOP trở lên.
Tăng cường nguồn nhân lực cho cơ sở
Năm 2017, Giao Thủy đạt chuẩn huyện NTM nhưng địa bàn vẫn còn một số hạn chế. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị ở một số nơi chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo. Mặt khác, do biến đổi khí hậu, thời tiết, thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp sản xuất và đời sống của người dân, làm chậm lại quá trình thực hiện mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Yếu tố con người được xác định giải pháp quan trọng tăng cường nguồn lực cho cơ sở trong xây dựng NTM nâng cao.
Theo chủ trương của Huyện ủy, một số đồng chí cán bộ cấp phòng được điều động, luân chuyển giữ các chức vụ bí thư, phó bí thư, chủ tịch ủy ban nhân dân xã, thị trấn.
Theo đồng chí Lương Xuân Vĩnh, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy, thực tiễn thời gian qua cho thấy, các đồng chí được điều động đều nắm bắt nhanh, tham gia lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Điển hình như các đồng chí Vũ Xuân Trường, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng được điều động về giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Giao Yến hồi giữa năm 2021 và mới đây tiếp tục được điều động sang giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Giao Hải; đồng chí Bùi Thanh Thùy, Bí thư Huyện đoàn về giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Giao Long...
Xã Giao Yến là vùng thuần nông của huyện Giao Thủy, hiện có 2.650 hộ gia đình với gần 8.000 nhân khẩu. Đảng bộ xã có 435 đảng viên sinh hoạt tại 13 chi bộ, trong đó có 8 chi bộ xóm. Theo Bí thư Đảng ủy xã Giao Yến Đoàn Văn Cảnh, khi bắt tay vào xây dựng NTM nâng cao, bên cạnh những thuận lợi, xã đồng thời đối mặt nhiều nhiều khó khăn như:
Hầu hết diện tích canh tác chưa quy hoạch thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung để phát triển kinh tế vùng; diện tích cây màu chiếm rất ít, giá trị sản xuất chưa cao, năng suất thấp, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường. Ðảng ủy xã Giao Yến đã ra nghị quyết chuyên đề và tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung, mục đích, ý nghĩa xây dựng NTM nâng cao trong toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân.
Nội dung này được đưa vào trọng tâm trong sinh hoạt của các chi bộ. Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận xóm 8 Cao Văn Thiệu cho biết, chi bộ đã xây dựng kế hoạch, phân công, giao nhiệm vụ cho từng đảng viên phụ trách khu dân cư, nhóm gia đình, tổ liên gia, đồng thời phối hợp chặt chẽ Ban Công tác Mặt trận làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong toàn xóm; nhờ đó, việc quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung để phát triển kinh tế, việc tiếp cận và ứng dụng khoa học tiến bộ vào sản xuất, liên kết sản xuất trong cộng đồng dân cư được tích cực triển khai, góp phần cùng cả xã thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu NTM nâng cao.
Năm 2023, thu nhập bình quân của xã Giao Yến đạt 82,22 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo còn 0,14%; hơn 95% người dân tham gia bảo hiểm y tế.
Năm 2024 ghi dấu 90 năm thành lập huyện Giao Thủy (1934-2024). Được công nhận huyện nông thôn mới nâng cao là tiền đề, động lực thôi thúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây tiếp tục quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đã đề ra, từng bước đưa Giao Thủy trở thành cực tăng trưởng mới của tỉnh Nam Định.