Phát huy đúng lợi thế, tiềm năng
Xã Tản Hồng (huyện Ba Vì) nằm ở nơi sông Lô hợp lưu với sông Hồng. Ngày mới “về” Hà Nội năm 2008, hạ tầng xã thiếu đồng bộ, kinh tế khó khăn, thu nhập đầu người thấp…, nhưng đến nay, Tản Hồng là một trong những xã sớm đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu.
Sau khi đạt xã NTM năm 2015, Tản Hồng lập tức triển khai xây dựng NTM nâng cao và kiểu mẫu. Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Tản Hồng Hoàng Minh Sơn cho biết: “Tản Hồng có diện tích canh tác nông nghiệp không lớn nên cấp ủy, chính quyền xã vận động người dân phát triển các nghề thủ công, thương mại, dịch vụ. Hiện toàn xã có hơn 160 hộ kinh doanh xưởng mộc, 75 hộ kinh doanh vận tải, 16 hộ hoạt động xưởng may công nghiệp, 31 hộ kinh doanh ẩm thực và nhiều doanh nghiệp “làng” khác.
Hoạt động này vừa tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương, vừa tạo công ăn, việc làm thường xuyên cho người lao động trên địa bàn xã”. Hiện xã Tản Hồng có cả 3 trường học ba cấp đạt chuẩn quốc gia. Xã có mô hình giáo dục thể chất cho học sinh rèn luyện thể lực, kỹ năng, sức bền; duy trì và nâng cao chất lượng đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và nhiều tiêu chí khác. Toàn bộ đường làng, ngõ, xóm được trải bê-tông, các đường ngõ, xóm rộng hơn 2 m có đèn chiếu sáng…
Cũng là địa bàn thuộc diện “vùng trũng” của Hà Nội, nơi không thuận tiện về giao thông huyết mạch và là huyện thuần nông, nhưng Ứng Hòa cũng đạt được những thành tựu đáng kể trong xây dựng NTM kiểu mẫu. Một trong số đó là xã Hoa Sơn. Trong sản xuất nông nghiệp, xã chú trọng chuyển đổi cơ cấu giống, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao; đưa các giống lúa có chất lượng tốt vào sản xuất (100% diện tích cấy lúa J02). Bên cạnh đó, xã đẩy mạnh phát triển các ngành nghề như: Sản xuất vật liệu xây dựng, chẻ tăm hương, tạo việc làm cho nhân dân, tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình.
Năm 2023, thu nhập bình quân của người dân đạt 75,35 triệu đồng/người/năm. Xã đã xóa toàn bộ hộ nghèo. Tất cả ba trường học trên địa bàn xã đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2… Tuy là huyện còn khó khăn của Hà Nội, nhưng huyện Ứng Hòa ngoài Hoa Sơn, còn có các xã: Đông Lỗ, Liên Bạt… đã đạt chuẩn và nhiều xã khác đang triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu.
Đến hết tháng 6/2024, Hà Nội có 68 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Trong đó, hai huyện có 100% số xã đạt NTM kiểu mẫu là Đan Phượng và Thanh Trì. Điển hình của quá trình vượt khó là huyện Thanh Trì. Thời điểm năm 2021, Thanh Trì mới chỉ có duy nhất xã Liên Ninh đạt chuẩn NTM nâng cao. Để nhanh chóng thực hiện mục tiêu đề ra, huyện đã triển khai hai đề án: Phát triển sản xuất, ứng dụng công nghệ cao và liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp.
Trong lĩnh vực văn hóa-xã hội, huyện triển khai năm đề án và tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng khung; khai thác thế mạnh của các địa phương, nhất là các xã có nghề để tạo bàn đạp phát triển kinh tế-xã hội. Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường, toàn bộ 15 xã của huyện được công nhận chuẩn NTM kiểu mẫu, trong đó hai xã Yên Mỹ, Đại Áng đạt chuẩn NTM kiểu mẫu toàn diện. Việc kết hợp song song xây dựng NTM kiểu mẫu với phát triển đô thị đã giúp huyện đạt 33/34 tiêu chí lên quận.
Động lực từ chuyển đổi số
Theo Bộ tiêu chí của Trung ương và thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, mỗi xã NTM kiểu mẫu có ít nhất một mô hình “Thôn thông minh”. Do đó, việc triển khai xây dựng NTM kéo theo quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ ở khu vực nông thôn. Về ngoại thành, việc cán bộ xã, cán bộ thôn tuyên truyền, vận động nhân dân qua mạng xã hội; người dân thanh toán bằng quét mã QR…, đặc biệt, người dân quảng bá, tiếp thị và mua bán sản phẩm của làng quê mình qua mạng trở thành phổ biến. Xã Đại Thắng là một trong hai xã đầu tiên của huyện Phú Xuyên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Trong đó, thôn Phú Đôi là thôn thông minh.
Trước đây, cán bộ thôn phải đến từng nhà, hoặc thông báo qua hệ thống truyền thanh các chủ trương, chính sách của Trung ương và địa phương thì nay, nhờ nhóm Zalo với đại diện tất cả các hộ trong thôn, mọi thông tin đều được chuyển đến 500 hộ dân nhanh chóng, chính xác mà giảm nhiều công sức. Trưởng thôn Phú Đôi Trần Văn Nội chia sẻ: Chúng tôi là thôn ở xa trung tâm, nhưng hiện nay, với việc triển khai thôn thông minh, người dân được hỗ trợ thành lập các kênh hỗ trợ bán hàng làng nghề truyền thống của địa phương: Màn tuyn, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí, sản phẩm OCOP, các loại nông sản... nên sản phẩm được tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm trở nên nhanh chóng, thuận lợi. Nhờ đó, sản xuất càng phát triển.
Quá trình chuyển đổi số đạt kết quả rõ nét hơn tại những huyện ven đô như: Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng… Đặc biệt, huyện Đan Phượng-một trong hai huyện có 100% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu-là đơn vị đầu tiên triển khai thôn thông minh đến tất cả các thôn, tổ dân phố trên địa bàn. Việc chuyển đổi số được triển khai ở tất cả các mặt: Giao tiếp thông minh, xã hội thông minh, thương mại điện tử… và đến tất cả các thôn, xã thay vì triển khai mô hình điểm.
Đối với giao tiếp thông minh, huyện đã thành lập được 569 nhóm Zalo của Tổ công nghệ số cộng đồng, mỗi gia đình có một đại diện tham gia. Các nhóm Zalo là kênh tương tác, trao đổi, tuyên truyền, cung cấp thông tin, hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng về y tế thông minh, dịch vụ công trực tuyến, VNeID, VssID... cho các hộ gia đình trên địa bàn. Đối với xã hội thông minh, thương mại điện tử, huyện Đan Phượng đã lập mã QR hướng dẫn 5 thủ tục hành chính (khai sinh, khai tử, kết hôn, chứng thực, xác nhận tình trạng hôn nhân) gửi đến các xã, thị trấn, lắp đặt tại nhà văn hóa, điểm công cộng, đầu một số xóm, ngõ chính để người dân dễ dàng tiếp cận. Huyện cũng lắp 156 điểm wifi truy cập internet miễn phí để người dân khai thác thông tin, hình thành nơi sinh hoạt cộng đồng thông minh.
Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết, toàn huyện đã có 16 tổ công nghệ số xã, thị trấn; 129 tổ công nghệ cộng đồng thôn, cụm dân cư, tổ dân phố với tổng số 1.015 thành viên; tất cả thôn, cụm dân cư, tổ dân phố đã hình thành mô hình thông minh. Đây là cơ sở để huyện xây dựng mô hình chuyển đổi số cấp xã (xã thông minh) với ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số với mục tiêu thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hệ thống chính quyền địa phương. Trong đó, chú trọng, tập trung phát triển công dân số để hình thành xã hội số.
Tính đến hết tháng 6/2024, Hà Nội có 186 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 68 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Dự kiến, thành phố hoàn thành xây dựng NTM trong năm 2024. Với những giải pháp bám sát nhu cầu cuộc sống người dân, việc xây dựng NTM kiểu mẫu trên địa bàn đã đem lại chuyển biến tích cực trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân, được nhân dân đồng lòng, hưởng ứng, qua đó, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền.