Ưu tiên nguồn lực bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới

NDO - Sau một thời gian triển khai xây dựng nông thôn mới, đến nay thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả khả quan. Nhiều xã đã đạt nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giúp đời sống nhân dân tăng lên, đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp. Đặc biệt, từ xây dựng nông thôn mới, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đang mang lại hiệu quả cao.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc xã nông thôn mới Vân Hòa, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.
Một góc xã nông thôn mới Vân Hòa, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.

Theo Phó Chánh Văn phòng chuyên trách, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Ngọ Văn Ngôn, đến hết quý II/2023, trên địa bàn thành phố có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới là: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mê Linh và thị xã Sơn Tây.

Ngoài ra, thành phố có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Để làm được điều đó, Ủy ban nhân dân thành phố đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã triển khai kế hoạch, giải pháp linh hoạt, phù hợp thực hiện. Đồng thời, chỉ ra những ưu điểm, hạn chế, bài học kinh nghiệm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; tập trung phân loại, sắp xếp những mục tiêu, chỉ tiêu, tiêu chí cần hoàn thành, từ đó cân đối nguồn lực để triển khai hiệu quả.

Cùng với đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố tiếp tục triển khai chương trình phối hợp giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tăng cường chỉ đạo, thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, vận động nhân dân thực hiện vệ sinh đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp; vận động các nguồn vốn xã hội hóa xây dựng các công trình góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Hội Liên hiệp Phụ nữ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh năm 2023”; Thành Đoàn đã tập trung ra quân thực hiện “Ngày cao điểm tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới”.

Qua thống kê, từ năm 2021 đến quý II/2023, thành phố đã huy động được 49,889 nghìn tỷ đồng thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ngân sách thành phố là 22,129 nghìn tỷ đồng, ngân sách huyện 22,877 nghìn tỷ đồng, ngân sách xã hơn 2 nghìn tỷ đồng...

Trưởng Phòng Kinh tế huyện Thường Tín Từ Đức Mạnh cho biết, để chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn mang lại hiệu quả cao, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động giúp tạo chuyển biến mạnh về nhận thức, hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Từ đó, giúp người dân hiểu rõ lợi ích, xác định vai trò chủ thể, trách nhiệm của mình trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời, thay đổi nhận thức của người dân từ chỗ hiểu “xây dựng nông thôn mới là một dự án của Nhà nước” sang nhận thức “xây dựng nông thôn mới bằng nhiều nguồn lực, trong đó nguồn lực trong dân là chủ yếu”, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

Đến nay, huyện có 6 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu đến năm 2024, trên địa bàn huyện có ít nhất 14 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 50% số xã), góp phần đưa Thường Tín hoàn thành mục tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024.

Theo thống kê, đến nay trên địa bàn huyện Đông Anh có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Ủy ban nhân dân huyện phấn đấu đến năm 2025 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Đặc biệt, từ khi thực hiện chương trình đến nay, Đông Anh có nhiều mô hình tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới như: Phong trào hiến đất làm đường giao thông thôn xóm; sản xuất rau, củ quả, thực phẩm an toàn; phân loại rác thải tại nguồn...

Các mô hình đã và đang phát huy hiệu quả cao về kinh tế, văn hóa, là địa điểm học hỏi, trao đổi, nhân rộng mô hình cho nhân dân trên địa bàn huyện và các địa phương lân cận.

Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn còn những khó khăn như: Một số tiêu chí được đánh giá là đạt nhưng chưa bền vững; một số cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức rõ và đầy đủ về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới nên còn trông chờ ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước; cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa thực sự chú trọng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng các tiêu chí...

Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết, phấn đấu trong quý III/2023, 3 huyện còn lại là: Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức đạt chuẩn nông thôn mới; hoàn thiện hồ sơ 4 huyện: Đan Phượng, Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh để đề nghị Trung ương công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Để chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại hiệu quả thiết thực, thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huy động nội lực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và sự đồng thuận trong nhân dân về xây dựng nông thôn mới.

Thành phố cũng chỉ đạo các các huyện, thị xã tập trung thực hiện tốt tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới; phát động và tổ chức các cuộc thi về gìn giữ bảo vệ môi trường, vệ sinh đường làng ngõ xóm, đồng ruộng; đẩy mạnh phân loại rác thải tại các hộ gia đình, chỉnh trang diện mạo nông thôn, góp phần tạo môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp...