Xung lực mới với nông thôn Hà Nội

Sau nhiều năm xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn Thủ đô đã "thay da đổi thịt" từng ngày với những con đường bê-tông phẳng lì, làng xóm khang trang, sạch đẹp hơn. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có thêm những bước đột phá về kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao và bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân huyện Quốc Oai (Hà Nội) chăm sóc đàn bò BBB.
Nông dân huyện Quốc Oai (Hà Nội) chăm sóc đàn bò BBB.

Chi cục trưởng Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025, đã đạt nhiều kết quả tích cực: có thêm 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 100%; 111 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 20 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, thành phố có thêm 8 huyện đạt chuẩn NTM, nâng tổng số địa phương đạt chuẩn lên 15 trong số 18 huyện, dự kiến trong năm nay 3 huyện còn lại sẽ đạt chuẩn NTM. Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 3,03%/năm, đạt và vượt so chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao (2,5 đến 3%/năm). Bà con đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng, hàng nghìn mét vuông đất thổ cư, hàng trăm nghìn ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn. Nhiều hộ gia đình tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất để làm đường giao thông như gia đình cựu chiến binh Nguyễn Hữu Lộc (huyện Mê Linh), gia đình các ông: Phạm Ngọc Giai (huyện Phú Xuyên), Kiều Văn Tính (huyện Thạch Thất), Phạm Đình Thiện (huyện Hoài Đức)… Đây chính là tiền đề để nông thôn Hà Nội có xung lực mới trên chặng đường phát triển tiếp theo, với một số mục tiêu chính: Xây dựng NTM thiết thực, hiệu quả, bền vững hơn, gắn liền với quá trình đô thị hóa; cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân. Thành phố phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 100% số huyện, xã đạt chuẩn NTM; 20% số huyện và 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng NTM, kinh tế trang trại ở Hà Nội đã có nhiều tín hiệu khởi sắc, với hàng nghìn trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt.

Thành phố cũng đã xây dựng được hàng trăm mô hình: ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, liên kết trong sản xuất nông nghiệp và chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, gồm: Chuỗi gạo chất lượng cao Bảo Minh; chuỗi gạo hữu cơ và bưởi diễn của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến; chuỗi thủy sản của Hợp tác xã thủy sản công nghệ cao Đại Áng; chuỗi thịt bò BBB của Công ty Giống gia súc Hà Nội; chuỗi thịt lợn của Công ty TNHH thực phẩm sạch Organic Green; chuỗi rau sạch của Hợp tác xã rau, quả sạch Chúc Sơn...

Giám đốc Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng) Bùi Thị Hường Bích chia sẻ, nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đơn vị đã xây dựng thành công thương hiệu "Flora Việt Nam", được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu và bảo hộ độc quyền sản phẩm. Mỗi năm, hợp tác xã sản xuất hàng trăm nghìn cây lan hồ điệp các loại, đáp ứng nhu cầu của thị trường.Tại các huyện Sơn Tây, Ba Vì, Gia Lâm…, nhiều hộ đã đổi đời từ làm nông nghiệp.

Bên cạnh những việc làm được, có ý kiến cho rằng, quá trình xây dựng NTM ở Hà Nội vẫn còn một số hạn chế như: Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, phân tán, chưa bền vững; sự phát triển của kết cấu hạ tầng gắn với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân tại các địa phương có khoảng cách chênh lệch khá cao; thu nhập của một bộ phận nông dân còn thấp; văn hóa nông thôn và một số giá trị truyền thống có nguy cơ mai một.

Thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi trong sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là mối lo của người tiêu dùng.

Để nâng cao hiệu quả xây dựng NTM, thời gian tới, các địa phương, đơn vị cần tập trung đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái; ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các địa bàn khó khăn để góp phần thu hẹp khoảng cách trong xây dựng NTM giữa các nơi, bảo đảm tính bền vững; chú trọng phát triển hài hòa, đồng bộ cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, gắn với cơ cấu lại lao động, tạo sinh kế, việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho nông dân và cư dân nông thôn; tiếp tục giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống; quan tâm công tác bảo vệ môi trường nông thôn, an toàn thực phẩm để trong tương lai có nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.