Ưu tiên bố trí nguồn lực xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông

NDO - Đoàn giám sát của Quốc hội kiến nghị thời gian tới, cần tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống đường bộ cao tốc, quốc lộ và các tuyến đường địa phương trọng yếu theo quy hoạch; ưu tiên bố trí nguồn lực để bảo trì quốc lộ và xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Sáng 23/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.

Công tác đăng kiểm còn để xảy ra sai phạm, phải truy cứu hình sự

Thay mặt đoàn giám sát báo cáo tóm tắt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, qua hơn 13 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, mức sống của người dân được cải thiện từng bước, đồng thời là sự tăng mạnh về số lượng phương tiện tham gia giao thông và nhu cầu đi lại của người dân.

Đặc biệt, tại các khu đô thị lớn, mật độ dân số quá cao ở khu vực trung tâm, tỷ lệ đất dành cho giao thông chưa bảo đảm trong khi các loại hình vận tải công cộng còn hạn chế, dịch vụ hỗ trợ hoạt động vận tải còn thiếu gây khó khăn trong việc tổ chức giao thông dẫn đến ùn tắc giao thông.

Những đặc điểm, tình hình trên đã tác động đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong thời gian qua.

Về ưu điểm, ông Lê Tấn Tới cho biết, mạng lưới giao thông đường bộ trên phạm vi cả nước ngày càng được phát triển, thông suốt, nhiều tuyến đường trọng điểm được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp...

Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ của lực lượng chức năng đạt kết quả cao, đã tập trung ra quân xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm, trọng tâm là vi phạm “nồng độ cồn”, quá tải trọng, xe “cơi nới” thành thùng, nhất là vi phạm xe quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến đường.

Tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ có những chuyển biến tích cực, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người tham gia giao thông được nâng cao, số vi phạm có xu hướng giảm, nhất là vi phạm về chở hàng quá tải trên đường bộ đã giảm mạnh, ùn tắc giao thông tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và trên các quốc lộ trọng điểm đang có xu hướng cải thiện.

Ưu tiên bố trí nguồn lực xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông ảnh 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Qua đó, số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông tiếp tục giảm, đặc biệt là số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng được kiềm chế.

Đoàn giám sát đánh giá cao Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo đối với công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, xử lý “điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông” đường bộ; khắc phục ùn tắc giao thông đường bộ; tổ chức cứu nạn, cứu hộ giao thông đường bộ.

Từ năm 2009 đến hết năm 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông đã lập biên bản xử lý 68.798.988 trường hợp vi phạm, nộp kho bạc nhà nước 42.170 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 5.300.856 trường hợp, tạm giữ 9.086.184 phương tiện; thanh tra giao thông các cấp đã thực hiện 1.058.206 cuộc thanh tra, kiểm tra; quyết định xử phạt 1.524.752 vụ vi phạm với số tiền trên 3.426 tỷ đồng; tạm giữ 7.505 ô-tô. Trong đó, vi phạm về nồng độ cồn và không chấp hành quy tắc giao thông chiếm tỷ lệ lớn.

Bộ Giao thông vận tải đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô; kiểm tra việc thực hiện điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô tại các địa phương, qua đó đã chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động vận tải.

Tuy nhiên, theo đoàn giám sát, việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bên cạnh những ưu điểm thì vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập. Trong công tác đăng kiểm còn để xảy ra sai sót, sai phạm, thậm chí nhiều sai phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Việc đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông ở một số địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu vận tải, đi lại của nhân dân; công tác chuẩn bị đầu tư đặc biệt là đánh giá mức độ an toàn giao thông đối với hệ thống giao thông đường bộ còn là khâu yếu.

Tại một số nơi, việc xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống đường bộ cao tốc, quốc lộ và các tuyến đường địa phương chưa thực sự bám sát quy hoạch đã được phê duyệt; hệ thống tín hiệu vẫn còn lạc hậu, bố trí chồng chéo, lãng phí, kết nối kém của hệ thống camera giám sát.

Hiệu quả khắc phục và xử lý các bất cập về hạ tầng giao thông, kết quả xử lý các kiến nghị điểm đen, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông còn thấp; công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ vẫn là khâu yếu, công tác tổ chức điều hành giao thông ở một số địa phương còn bất cập; tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè còn diễn ra phổ biến.

Tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

Trên cơ sở nhận diện các ưu điểm và hạn chế, đoàn giám sát đề xuất một số giải pháp để tập trung triển khai thực hiện trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để kịp thời thể chế các chủ trương, đường lối, văn bản chỉ đạo của Đảng, nội luật hóa các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Ưu tiên bố trí nguồn lực xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông ảnh 2

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Đồng thời, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ bảo đảm phù hợp với đặc điểm từng loại đối tượng, địa bàn, gắn với đặc điểm kinh tế-xã hội, văn hóa giao thông của từng địa phương.

Ngoài ra, theo đoàn giám sát, cần tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống đường bộ cao tốc, quốc lộ và các tuyến đường địa phương trọng yếu theo quy hoạch; ưu tiên bố trí nguồn lực để bảo trì quốc lộ và xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông.

Cùng với đó, đổi mới, nâng cao chất lượng đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép điều khiển phương tiện giao thông; phát triển phương tiện giao thông đường bộ đồng bộ với phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, điều kiện kinh tế-xã hội và nhu cầu đi lại của người dân.

Một giải pháp khác được đoàn giám sát đề cập là khắc phục cơ bản ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trọng điểm là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông; rà soát, bố trí các vị trí đỗ xe tĩnh trong đô thị cho phù hợp; thực hiện nghiêm túc quy định về hành lang an toàn giao thông, không để xảy ra tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để kinh doanh gây cản trở giao thông.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức giao thông, quản lý phương tiện giao thông, chỉ huy, điều khiển giao thông; quản lý kết cấu hạ tầng, quản lý hoạt động vận tải, điều hành, giám sát, xử lý vi phạm hành chính để tổ chức giao thông thông minh, nhằm giảm ùn tắc và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đồng thời, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đầu tư, xây dựng, chuyển giao hệ thống, phương tiện, thiết bị giám sát phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.