Bảo đảm về pháp lý đối với quyền đi lại, quyền sống còn và quyền được bảo vệ trong giao thông đường bộ của người dân
Trong trận lụt lịch sử tại Hà Nội năm 2008, một bác sĩ đã thiệt mạng do ngã xuống hố gas mất nắp khi đi xe máy trên đường ngập nước. Luật pháp thời điểm đó chưa quy định rõ chủ thể chịu trách nhiệm, dẫn đến không truy được trách nhiệm của cá nhân, tổ chức với sinh mạng của vị bác sĩ nêu trên.
Hiến pháp năm 2013 quy định: Mọi người có quyền sống; tính mạng con người được bảo hộ (Điều 19); Mọi người được bảo hộ về sức khỏe (Điều 20). Quyền là những đòi hỏi cơ bản và chính đáng mà mỗi người phải có để bảo đảm tồn tại và phát triển một cách tốt nhất. Các đặc tính của Quyền bao gồm: Quyền là giống nhau đối với tất cả mọi người, mọi lúc, mọi nơi; Quyền được thực hiện với tất cả mọi người, không chối bỏ ai. Đã là quyền thì buộc phải được đáp ứng trong mọi hoàn cảnh, điều kiện; Có quy định người mang trách nhiệm đáp ứng quyền; Quyền được bảo đảm về mặt pháp lý.
Điều đó có nghĩa rằng: tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 ra thành hai luật chuyên ngành, hoàn thiện pháp lý Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là điều kiện quan trọng nhằm thúc đẩy việc thực thi, giám sát quyền đi lại, quyền sống còn và quyền được bảo vệ trong giao thông đường bộ của mọi người dân.
Phương pháp tiếp cận dựa trên quyền là phương pháp tiếp cận, giải quyết vấn đề dựa trên cơ sở pháp lý và đạo đức về các quyền con người, trong đó tập trung vào thúc đẩy mối quan hệ giữa những chủ thể chịu trách nhiệm đáp ứng quyền với chủ thể mang quyền. Phương pháp tiếp cận quyền con người khẳng định nguyên tắc mọi cá nhân, tổ chức, quốc gia đều phải tôn trọng, bảo vệ và thực hiện quyền.
Quỹ Dân số Liên hợp quốc UNFPA đã sử dụng phương pháp tiếp cận quyền thay bằng phương pháp tiếp cận nhu cầu trước đó với lý do “làm việc để thực hiện các quyền của người dân, chứ không phải là nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng. Đó là một sự khác biệt quan trọng, bởi vì một nhu cầu chưa được thực hiện dẫn đến sự bất mãn, trong khi một quyền không được tôn trọng dẫn đến sự vi phạm”.
Việc tách Luật Giao thông đường bộ 2008 thành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ gắn với nguyên tắc tiếp cận quyền con người (bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền đi lại…) và Hiến pháp 2013 sẽ thuận lợi hơn trong việc xác định cơ sở hạ tầng và các điều kiện tối cần thiết khác trong việc đáp ứng quyền đi lại cũng như quyền sống còn và quyền được bảo vệ của các chủ thể tham gia giao thông; xác định trách nhiệm của công dân trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; phân định rõ giữa trách nhiệm đáp ứng quyền đi lại của người dân, của Nhà nước và các chủ thể đáp ứng quyền khác.
Điều quan trọng nhất là việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 như đã nêu trên sẽ thuận lợi cho việc phân công, phân cấp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý nhà nước với cả ba lĩnh vực: an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ. Cần quy định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ - điều này là một bất cập của Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Nếu tách riêng hai luật, xác định được rõ cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm chính ở cả ba lĩnh vực nêu trên, có cơ sở pháp lý cho quản trị hệ thống, tính nhất quán, đồng bộ về pháp luật nói chung, từ đó quá trình triển khai thực hiện nhất quán, đồng bộ, nhất là giữa cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự, an toàn giao thông và cơ quan quản lý Nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật giao thông đường bộ. Tách riêng thành hai luật cũng thuận lợi hơn trong việc phân cấp quyền và trách nhiệm, cũng như điều kiện cho tổ chức, thực hiện của chính quyền địa phương đối với cả ba lĩnh vực đã nêu trên.
Luật Đường bộ tiếp cận theo góc độ kinh tế-kỹ thuật, khác hoàn toàn hướng tiếp cận Quyền con người của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nếu tách riêng Luật Đường bộ, sẽ thuận lợi hơn về cơ sở pháp lý đối với việc triển khai các dự án đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ, tạo cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư, cơ chế vốn, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng, đồng thời có chế tài đối với các trường hợp vi phạm; là cơ hội để bổ sung các quy định chi tiết về đường cao tốc, giải quyết bất cập như vấn đề BOT trong những năm qua…; từ đó tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và thực thi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội một cách nhất quán và đồng bộ.
Tách thành hai luật cho phép phân khúc nội dung trúng và sâu, bảo đảm tính hệ thống và cách tiếp cận khoa học sẽ tạo thuận lợi hơn trong việc phân định và xác định mục đích, đối tượng điều chỉnh, yêu cầu đối với dự thảo Luật mới; có cơ sở khoa học để xác định các tiêu chí đánh giá dự án Luật mới; từ đó đối chiếu so sánh để khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Khi xây dựng hai luật chuyên ngành, cần tham chiếu và ứng dụng các nguyên tắc cơ bản nhất của Quyền con người, bao gồm: Không phân biệt đối xử; Bảo đảm quyền sống còn; Vì lợi ích tốt nhất của con người; Bảo đảm quyền tham gia, phát biểu ý kiến của cá nhân, tổ chức có liên quan. Trong mối liên kết và phụ thuộc lẫn nhau, mỗi nguyên tắc lại củng cố và hỗ trợ cho các nguyên tắc kia. Ứng dụng các nguyên tắc của Quyền con người cũng cho gợi ý về tính chuyên biệt của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ, thí dụ như quy định cho các đối tương chuyên biệt: trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật…
Góp phần tăng cường vai trò và hiệu quả của Bộ Công an trong xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và văn học, nghệ thuật
Trong những năm gần đây, các lực lượng phản động, thù địch và các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị thường xuyên đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc; rắp tâm hãm hại, hạ thấp uy tín, danh dự, phẩm giá của nhiều cá nhân, tổ chức nói chung và một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Quân đội, Công an… nói riêng; từ đó gây mất niềm tin của nhân dân với Đảng, với thể chế chính trị, Nhà nước pháp quyền. Trong nhiều trường hợp, các cá nhân là nạn nhân trong các vụ thông tin sai sự thật có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, thậm chí có thể khiến các nạn nhân có hành động nguy hiểm đến tính mạng. Các doanh nghiệp là nạn nhân của tin giả có thể “khuynh gia bại sản”, nếu không xử lý kịp thời và chịu khủng hoảng do thông tin sai lệch, xuyên tạc gây nên.
Thông tin sai lệch, xuyên tạc và thông tin nguy hại là ba yếu tố gây rối loạn thông tin, nếu không bị xử lý kịp thời sẽ là tác nhân kích động, gây chia rẽ, ly gián lòng người, tạo sự phân tâm trong các giai tầng xã hội, gieo rắc sự hoang mang, bi quan, hoài nghi, chán nản, thất vọng, mất phương hướng, mơ hồ về chính trị ở một số bộ phận cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, quần chúng nhân dân.
Kết quả nghiên cứu đề tài thuộc Chương trình trọng điểm của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh của Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền “Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và văn học, nghệ thuật" đã chỉ rõ chủ thể, đối tượng, nội dung, giai đoạn, quy trình, nguyên tắc xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và văn học, nghệ thuật, trong đó khẳng định Bộ Công an là một trong các bộ chịu trách nhiệm chính trong mảng lĩnh vực này.
Việc ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là công cụ pháp lý quan trọng cho sự tham gia hiệu quả của Bộ Công an trong xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và văn học, nghệ thuật, phòng chống tội phạm, bảo vệ các cá nhân, tổ chức trước sự tác động của thông tin sai lệch, xuyên tạc và thông tin nguy hại, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay.
Tạo điều kiện pháp lý cho chuyển đổi số và xây dựng dữ liệu lớn lĩnh vực giao thông đường bộ
Chuyển đổi số là quá trình con người thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi cách sống và cách làm việc với các công nghệ số. Bản chất của chuyển đổi số là việc chuyển đổi từ lối tư duy, thái độ, cách sống, cách làm việc truyền thống sang lối tư duy, thái độ, cách sống, cách làm việc với các phiên bản số của các thực thể và sự kết nối của chúng trong không gian số. Chuyển đổi số không đơn giản là quá trình số hóa (digitization) - việc chuyển đổi vạn vật sang các định dạng số; mà hơn thế nữa là xây dựng mô hình hoạt động số (digitalization), chẳng hạn như mô hình hội tụ cho một trung tâm điều hành của quốc gia, bộ ngành, địa phương, hay một cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp); quan trọng hơn là thực hiện chuyển đổi (transformation), trong đó diễn ra quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện, từ lãnh đạo cao nhất đến mọi thành viên của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở các quốc gia, bộ ngành, địa phương… nhằm vận hành, thực thi mô hình hoạt động số ấy.
Tách riêng hai luật; rà soát và thống nhất chủ thể, đối tượng điều chỉnh, nội dung của hai luật; chẳng hạn xem xét điều chỉnh phân cấp đào tạo, cấp bằng lái xe… sẽ là điều kiện cho việc chuyển đối số, xây dựng dữ liệu lớn, quản trị dữ liệu số nói chung và nguồn lực cho khu vực dữ liệu (kiểm soát dữ liệu đầu vào, xử lý dữ liệu, thao tác, tích hợp, mã hóa, phân tích dữ liệu, sau đó lưu trữ dữ liệu vào kho chung và kho dữ liệu theo danh mục để sử dụng). Do đó, có thể khẳng định rằng: tách Luật Giao thông đường bộ ra thành hai luật chuyên ngành là yêu cầu cấp thiết cho việc số hóa và xây dựng dữ liệu lớn trong phân cấp, quản lý đối với các chủ thể chịu trách nhiệm trong từng lĩnh vực thuộc giao thông đường bộ.