Ước mong giản dị của những nữ lao động di cư ở “Nơi tôi đến”

NDO - Chiều 6/4, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội), Triển lãm “Nơi tôi đến” đã khai mạc và mở cửa đón khách tham quan. Bằng hình ảnh, phim tài liệu và bối cảnh dàn dựng, triển lãm kể câu chuyện mưu sinh và thích ứng với cuộc sống đô thị của các nữ lao động di cư từ nhiều miền quê đến Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm “Nơi tôi đến” chiều 6/4.
Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm “Nơi tôi đến” chiều 6/4.

Tham dự sự kiện có Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương, Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil, đại diện Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, chuyên gia từ nhiều tổ chức quốc tế và các bảo tàng, di tích… cùng một số nhân vật trong ảnh-các nữ lao động di cư đại diện cho một nhóm phụ nữ yếu thế sinh sống tại đô thị lớn ở Việt Nam.

Triển lãm là kết quả hoạt động phối hợp giữa Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Đại học Xây dựng Hà Nội và Viện Khoa học xã hội Việt Nam để thực hiện nghiên cứu một nhóm nữ lao động di cư trên địa bàn Hà Nội và nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí của họ tại các không gian công cộng.

Ước mong giản dị của những nữ lao động di cư ở “Nơi tôi đến” ảnh 1

Khách tham quan triển lãm trải nghiệm một công việc khá phổ biến với các nữ lao động di cư: Bán rong bánh rán.

20 nữ lao động di cư từ 16-34 tuổi đã được lựa chọn phỏng vấn, chụp ảnh. Họ làm đa dạng ngành nghề nhưng chủ yếu là lao động chân tay, như phục vụ quán ăn, giúp việc gia đình, bán hàng thuê, cắt tóc gội đầu, thu mua đồng nát, bán hàng rong…

Họ là người Kinh, người Tày, người Thái… từ nhiều vùng nông thôn nghèo hay miền núi xa xôi ở Sơn La, Cao Bằng, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… nhưng đều chọn Hà Nội để lập nghiệp, giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình và hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Triển lãm được chia thành ba phần: “Nơi tôi đi”- giới thiệu quê hương của các nữ lao động di cư cũng như lý do họ rời bỏ quê nhà để ra thành phố; “Nơi tôi đến” - những khó khăn, thiệt thòi của họ trong thời gian lao động, sinh hoạt tại Hà Nội; “Nơi ấy có tôi” - cảm xúc và mong ước của các nhân vật về việc giải tỏa áp lực cuộc sống, tận hưởng hạnh phúc bình dị cùng người thân.

Cũng trong khuôn khổ chương trình khai mạc, khán giả có dịp trò chuyện, giao lưu với ba khách mời: chị Lê Thị Hoa, nữ lao động di cư-đại diện các nhân vật trong triển lãm, Phó Giáo sư Denielle Labbé - giảng viên Đại học Montreal (Canada) và ông Lê Quang Bình - Giám đốc doanh nghiệp xã hội ECUE kiêm Điều phối viên Mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống”.

Ước mong giản dị của những nữ lao động di cư ở “Nơi tôi đến” ảnh 2

Ba khách mời chia sẻ tại triển lãm: (từ trái sang) ông Lê Quang Bình, chị Lê Thị Hoa và Phó Giáo sư Denielle Labbé.

Những thông tin và ý kiến được chia sẻ đã góp phần giúp công chúng hiểu hơn về tầm quan trọng của lực lượng lao động nữ di cư đối với phát triển kinh tế-xã hội, sự cần thiết của không gian công cộng đối với lao động nữ di cư nói riêng cũng như với nhiều nhóm người yếu thế khác ở các thành phố lớn. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng ngày càng nhiều sáng kiến nhân văn và hành động thiết thực được các tổ chức, các nhóm cộng đồng thực hiện nhằm hỗ trợ và nâng cao chất lượng sống cho họ.