Lao động di cư và những thách thức

NDO -

NDĐT - Lao động nhập cư góp phần rất lớn đến tốc độ phát triển kinh tế, tuy nhiên cũng tạo ra nhiều áp lực trong công tác quản lý nhà nước, đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, bảo đảm thu nhập đời sống, sinh hoạt… của công nhân.

Sau giờ tan ca, nhiều công nhân Công ty Changshin, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) vội vã mua thức ăn bán bên lề đường về lo bữa ăn tối.
Sau giờ tan ca, nhiều công nhân Công ty Changshin, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) vội vã mua thức ăn bán bên lề đường về lo bữa ăn tối.

Với tốc độ phát triển kinh tế nhanh, Đồng Nai và Bình Dương thu hút hơn một triệu công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn hai tỉnh này. Trong đó, lao động nhập cư đến làm việc tại Đồng Nai chiếm hơn 60% trong tổng số 744 nghìn công nhân, còn Bình Dương lao động nhập cư chiếm đến 85,5% trong số gần 819 nghìn công nhân.

Mặc dù chưa có thống kê chính thức, nhưng theo nhóm nghiên cứu của Viện Rosa Luxemburg (Đức) và trường Đại học Huế, lao động đến từ các tỉnh miền trung chiếm khá lớn.

Và vấn đề đặt ra là làm sao bảo đảm đời sống của người lao động “xa xứ” được các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đặc biệt quan tâm tại Hội thảo “Thực thi quyền của người lao động di cư miền trung ở các khu công nghiệp” tổ chức tại Đồng Nai ngày 6-12.

Khó khăn chồng chất

Trong phạm vi hẹp mà nhóm nghiên cứu đưa ra, ở các DN sản xuất giày dép có vốn FDI tại tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, lao động di cư miền trung đến làm việc chiếm một tỷ lệ lớn, dẫn đầu là Thanh Hóa 37,7%, Nghệ An 22,6%, Hà Tĩnh 14,1%...

Theo các nhà chuyên môn, do xa nhà, không có người thân, các công nhân này phải ở nhà trọ trong điều kiện thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Xuất thân từ nông dân, nông thôn đến với lao động công nghiệp nên trình độ học vấn, nhận thức còn thấp, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, tính tổ chức kỷ luật chưa cao, cơ hội tìm bạn đời hạn hẹp…

Thực tế tại Đồng Nai, có hơn 120 nghìn lao động làm việc tại các DN giày da mà phần lớn là nữ. Hàng loạt nữ công nhân lỡ thì sinh sống ở các xóm trọ gần như không còn cơ hội lập gia đình. Cũng như nhiều công nhân nữ khác, sau khi rời lũy tre làng, để kiếm tiền, chị Phạm Thị Ngọc, quê Nghệ An, công nhân Công ty Changshin, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) đã miệt mài làm bạn với guồng quay công nghiệp để nét thanh xuân lẩn trốn quá nhanh, khiến người phụ nữ này già trước tuổi, tóc đã nhiều sợi bạc. “Ngọc chỉ mong tăng ca, vì tranh thủ kiếm tiền gửi về quê phụ giúp gia đình”, chị thổ lộ.

Theo Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh Bình Dương, mức tiền lương cơ bản bình quân của người lao động một tháng là 2,5 triệu đồng. Còn tại Đồng Nai, tiền lương cơ bản của người lao động từ 2,5 đến 2,7 triệu đồng/tháng. Đó là lương cơ bản, để có thu nhập cao hơn, người lao động phải tăng ca để hưởng thêm phụ cấp ngoài giờ, tiền chuyên cần, tiền ăn thêm…. Theo đó, mức thu nhập bình quân của người lao động trực tiếp sản xuất tại Đồng Nai từ 3,8 đến 4,4 triệu đồng/tháng.

Chị Nguyễn Thị Thủy (quê Thanh Hóa), công nhân Công ty Pouchen, TP Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết: “Tôi làm công nhân đã được chín năm, mức lương cơ bản hiện nay 3,7 triệu đồng/tháng. Với số tiền này không đủ chi phí để nuôi ba đứa con nhỏ đi học, tiền điện, tiền phòng trọ, ăn uống… Do đó, để có tiền lo cho gia đình, tôi phải tăng ca nhiều để hưởng các phụ cấp khác. Tính luôn cả lương cơ bản, thu nhập bình quân của tôi hơn năm triệu một tháng”.

Để thực thi quyền của người lao động di cư

TS Lê Thị Kim Lan, Điều phối viên dự án của Viện Rosa Luxemburg cho rằng: “Do chịu nhiều áp lực của lao động nhập cư, các tỉnh, thành phố ở Vùng kinh tế trọng điểm phía nam ngày càng xuất hiện nhiều khu nhà “ổ chuột”. Ở đó, đời sống không được bảo đảm do chật hẹp, thiếu thốn vật chất…. Bảo đảm đời sống của lao động nhập cư, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, địa phương, nhất là vai trò quản lý của nhà nước…”.

Theo bà Lan, trước mắt cần phải ưu tiên giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động - đây là thách thức lớn nhất đối với các DN FDI. Nhà trẻ cho con em người lao động cũng là vấn đề không nhỏ bởi không chỉ liên quan đến quyền của người lao động, mà còn liên quan đến quyền thực thi quyền trẻ em; vấn đề xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao vì hiện nay đời sống tinh thần của lao động di cư còn tẻ nhạt, đơn điệu, “mỏng” về kiến thức xã hội và mạng lưới xã hội do các DN và chính quyền sở tại dường như không có biện pháp hỗ trợ đời sống văn hóa, tinh thần sau giờ lao động. Hệ lụy kéo theo dường như quyền vui chơi, giải trí của công nhân di cư là hết sức xa xỉ. Điều này đòi hỏi cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức công đoàn, DN, các cơ quan liên quan trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa.

Bàn về thiết chế văn hóa, Th.S Phạm Thị Nguyệt, Khoa Lý luận chính trị trường Đại học Đồng Nai cũng cho rằng: “Trên thực tế, đời sống văn hóa của công nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Công tác xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân vẫn còn nhiều hạn chế nhất định”.

Từ những thực tế trên, bà đưa ra bốn nhóm giải pháp đó là: nâng cao nhận thức của toàn xã hội và bản thân người công nhân về tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa tinh thần; xây dựng và thực hiện nghiêm hệ thống pháp luật và các chính sách liên quan đến giai cấp công nhân; tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn những người làm công tác văn hóa và nhóm giải pháp cuối cùng là phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, DN và bản thân người công nhân trong xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của công nhân.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng nhận định, vai trò của tổ chức công đoàn trong các DN hiện nay còn “mờ nhạt”, do đó quyền lợi của người lao động chưa được bảo vệ kịp thời. Đây là thực trạng, cần đổi mới hoạt động tổ chức công đoàn.